Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II – 2023: Đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống

18:30 | 10/04/2023

Từ ngày 1/4 – 7/4/2023, tại trường Đại học Trà Vinh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II – năm 2023.


Ra đời trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó của dân tộc Khmer Nam Bộ, nghệ thuật sân khấu Dù kê với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên được người dân yêu thích, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của bà con dân tộc Khmer.
Sau 10 năm (kể từ Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ I năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng), Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần này đã thu hút hơn 500 diễn viên, nhạc công của 13 đơn vị nghệ thuật, (bao gồm các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp và sân khấu xã hội hóa) thuộc các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… giới thiệu nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer Nam bộ tới công chúng trong và ngoài nước.


Liên hoan lần này không chỉ là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tài năng, giao lưu văn hóa, trao đổi học tập kinh nghiệm, mà còn là dịp để đánh giá thực trạng và tìm hướng đi, nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như động viên, khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật độc đáo Dù kê, tạo cơ hội truyền nghề của thế hệ nghệ sĩ gạo cội đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ, đào tạo đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công…


Các tác phẩm tham dự Liên hoan thể hiện nhiều đề tài, nội dung phong phú, đa dạng. Bên cạnh những vở diễn mang màu sắc huyền thoại của dân gian hay lịch sử như “Hoàng tử Vê Son Đo”, “Tướng quân Rit Thi Sắc”, “Chây SôRa Vông”, “Chuyện tình giữa Tiên nữ và người phàm”, “Chuyện tình Nàng Sô Vanl Pu Pa” còn có những vở diễn khai thác đề tài hiện đại, mang tính thời sự đậm hơi thở cuộc sống như “Bài học đắt giá”, “Giữ vững Biển – Đảo quê hương”, “Hoa cau tình thắm”… Nội dung các vở diễn chủ yếu ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc; lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam, của đồng bào Khmer Nam Bộ trong việc chống ngoại xâm thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi Đảng và Bác Hồ, ca ngợi đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ, giáo dục về lịch sử văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.


Trong 7 ngày diễn ra liên hoan, khán giả đã được thưởng thức nhiều vở diễn thể hiện nét đặc sắc riêng của mỗi địa phương miền sông nước Nam Bộ, hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần đồng bào Khmer.

Vở diễn Huyền thoại tình yêu – Nhà hát Cao Văn Lầu (tỉnh Bạc Liêu)

Vở diễn Bài học đắt giá – Đoàn nghệ thuật Khmer (Trường Đại học Trà Vinh)

Khép lại Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu với vở “Huyền thoại tình yêu”. Huy chương Bạc được trao cho Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng với vở “Hoa cau tình thắm”; Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang với vở “Chây SôRa Vông”; Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau với vở “Giữ vững Biển – Đảo quê hương” và Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh với vở “Hoàng tử Vê Son Đo”. Huy chương Đồng thuộc về Đoàn Nghệ thuật Chùa Svay Siêm Thmây với vở “Tướng quân Rít Thi Sắc” và Doanh nghiệp tư nhân đoàn Nghệ thuật Dù kê tập thể Khmer Ron Ron tỉnh Sóc Trăng với vở “Pho tượng tam đầu và bí mật bảo bối”. Ban Tổ chức cũng đã trao Huy chương Vàng cho 10 nghệ sĩ, Huy chương Bạc cho 33 nghệ sĩ đến từ các đơn vị tham gia. 4 dàn nhạc xuất sắc và 2 cá nhân xuất sắc được nhận giải thưởng tại Liên hoan.

Vở Giữ vững Biển – Đảo quê hương – Đoàn nghệ thuật Dù kê tỉnh Cà Mau

Ban Tổ chức cũng đã trao cờ đăng cai Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ 3 – năm 2026 cho tỉnh Bạc Liêu.


Liên hoan không chỉ là ngày hội của các nghệ sĩ mà còn là hoạt động văn hóa sôi động và vô cùng ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của người dân Trà Vinh nói riêng và bà con đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật Dù kê, tạo nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phục vụ nhu cầu giải trí của đồng bào Khmer Nam bộ. Đồng thời, lan tỏa, quảng bá và tôn vinh bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và nghệ thuật Dù kê nói riêng trong xu thế hội nhập và phát triển.

Nguồn: TCVHVN

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.