Tôi không bất ngờ khi biết cha NSND Lệ Ngọc là một tên tuổi lớn của văn hóa và giáo dục nước nhà một thời – nhà giáo, nhà văn, nhà viết kịch, nhà biên khảo Hoài Việt (1928 -2013). Ông đồ Nghệ đa tài làng địa linh Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu nổi tiếng đã để lại một di sản trước tác lớn: vài trăm bài báo, vài chục cuốn sách biên khảo về các tác phẩm văn học dân gian, trung đại, hiện đại, vài chục cuốn chân dung các danh nhân văn học, lịch sử, khoa học trong và ngoài nước, hàng chục tiểu thuyết lịch sử và cuối cùng là hàng chục vở kịch đã được dàn dựng trên sân khấu cả nước, nhất là 5 vở kịch thơ và công trình sưu tầm biên khảo kịch thơ Việt Nam đặc biệt giá trị.
Tôi còn nhớ những năm 1970 -1980, Hoài Việt, Vũ Đình Phòng, Thiết Vũ đã tạo nên một bộ ba danh giá của sân khấu VN, rất được các đoàn sân khấu cả nước chào mời. Hồi công tác ở Nha Trang, tôi từng được cộng tác với ông làm vở “Ánh lửa trong đêm” viết về phong trào đồng khởi ở Phú Yên cho Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh.
Như tôi linh cảm: quả không hề ngẫu nhiên mà NSND Lệ Ngọc đến với sân khấu, trở thành một nghệ sĩ danh tiếng ở Nhà hát kịch hàng đầu đất nước rồi 5 năm gần đây chị cùng chồng tạo nên một thương hiệu kịch tư nhân lừng lẫy giữa thời khó khăn nhất của sân khấu đất nước với gần hai chục vở diễn với các buổi diễn liên tục cháy vé, đánh nam dẹp bắc, năm nào cũng xuất ngoại biểu diễn hay tham gia các liên hoan sân khấu Á Âu, được bạn bề thế giới đánh giá cao. Tình trạng rơi tự do của sân khấu không ngăn được Lệ Ngọc, Covid không đe dọa được chị. Chị vượt qua các thách thức mà nhiều đồng nghiệp đang đau đáu, bế tắc cứ nhẹ như không.
Tôi nghĩ không có cái nền tảng văn hóa phong phú, năng khiếu bẩm sinh và ngọn lửa tình yêu nghệ thuật bền vững sâu đậm của cha truyền lại, có lẽ Lệ Ngọc đã không làm được những gì chị đã và đang làm cho sân khấu VN như hiện nay.
Thành lập năm 2016 ngay giữa thủ đô trong thời sân khấu đã rơi xuống đáy vực, Sân khấu Lệ Ngọc làm bàng hoàng các đồng nghiệp với những vở diễn luôn đông chật khán giả tại những địa điểm biểu diễn kén khách nhất ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: những Kim tử, Ngũ biến, Tấm Cám, Thị Nở – Chí Phèo, Huyền thoại Gò Rồng ấp, Cây tre trăm đốt, Quan âm Diệu Thiện, Hoa sen lửa, Tình bạn và công lý… với sự hợp tác của các tác giả Lê Chí Trung, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Chu Thơm, Nguyễn Thế Kỷ, Lê Thế Song, Minh Nguyệt…và các đạo diễn Lê Hùng, Triệu Trung Kiên…
Lệ Ngọc bắt đầu năm 2021 với việc dựng cùng lúc hai vở Dế mèn của Lê Chí Trung phóng tác theo thiên truyện kỳ thú của Tô Hoài và Làm vua của Nguyễn Đăng Chương viết về ông vua cờ lau Đinh Tiên Hoàng. Lần này, Lệ Ngọc hợp tác với hai đạo diễn trẻ rất tài năng, giàu khát vọng cách tân là Lê Quý Dương và Nguyễn Tiến Dũng. Mới chưa đến 1 tháng mà Dế mèn đã hoàn thành.
Đi xem Dế mèn của sân khấu kịch Lệ Ngọc ra mắt tại Nhà hát Lớn. Được gặp tác giả Lê Chí Trung, tác giả phía Nam được dựng nhiều nhất trên sân khấu phía Bắc. Được xem vở diễn đầu tiên của đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng không phải là múa rối. Cách đây 2 năm khi được xem vở rối Kiều, tôi đã đánh giá đây là vở Kiều hay nhất trên sân khấu VN và Nguyễn Tiến Dũng sẽ rất cần cho các bộ môn sân khấu khác để đổi mới. Sân khấu Lệ Ngọc quả có đôi mắt xanh khi mời Dũng làm đạo diễn cho Dế mèn. Chưa thật hay, chưa sân khấu hóa được một số đặc sắc cốt lõi trong kiệt tác văn học của Tô Hoài nhưng Dế mèn của Lệ Ngọc là một vở kịch giàu chất tạp kỹ rất hấp dẫn, mọi thứ đều có thể, tươi vui, sôi động, nhiều màu sắc, không ngừng mời gọi và nhận được sự tương tác sôi nổi của khán giả. Không khí của đêm diễn giúp chúng ta nhớ lại thời hoàng kim của sân khấu, khi khán giả đầy chật rạp, hồi hộp chờ xem và hưởng ứng thích thú từng cảnh diễn, nghệ sĩ thì vô cùng hứng khởi. Vở vừa ra mắt đã bán được hơn 5000 vé cho mười buổi diễn. Mà đây không phải là vở đầu tiên của Sân khấu Lệ Ngọc hút khách như thế. Những Chí Phèo – Thị Nở, Tấm Cám…từng nằm lì ở Nhà hát Lớn, Đại Nam nhiều tuần lễ, nhiều ngày diễn 2 xuất và đã đạt tới trăm đêm diễn chỉ trong 1,2 năm. Đó là chuyện không tưởng của sân khấu VN những năm tháng này. Tất nhiên, không phải vở diễn nào của sân khấu Lệ Ngọc cũng hay nhưng chắc chắn vở nào của anh chị cũng làm vì khán giả, tìm cách đưa đến khán giảc những gì họ muốn xem và Lệ Ngọc đặc biệt chú trọng công tác truyền thông. Lệ Ngọc cho thấy khán giả sân khấu vẫn sẵn đấy, chả ai có thể lấy mất họ. Chỉ có điều sân khấu có biết cách trở lại với họ, dám sống chết vì họ không.
Các đại gia sân khấu nhà nước hẳn phải xấu hổ khi muốn có rạp hát lớn, hiện đại, nhà nước xây cho rạp hát lớn, hiện đại, muốn có tiền dựng vở nhà nước ngày càng cấp nhiều tiền, quá nhiều tiền cho dựng vở nhưng năm thì mười họa mới diễn được còn nhà hát chủ yếu sáng đèn nhờ dịch vụ cho thuê. Trong khi sân khấu Lệ Ngọc không tốn một đồng của nhà nước một năm vẫn dựng 3, 4 vở, lại luôn sáng đèn nhờ thuê rạp của các đơn vị nhà nước rồi năm nào cũng xuất ngoại đưa kịch VN đến với bạn bè thế giới. Là sân khấu tư nhân, nhưng chị không làm hài kịch rẻ tiền, mà làm chính kịch nghiêm túc, hướng tới đề tài dân gian dân tộc với những giá trị nhân văn phổ quát và lấy chất lượng nghệ thuật làm mục tiêu phấn đấu. Sân khấu Lệ Ngọc cũng là đơn vị không ngần ngại lao vào những đề tài thời sự đương đại với các vở diễn Hoa sen lửa, Tình bạn và công lý và là đơn vị sân khấu đầu tiên trong cả nước có vở diễn về phòng chống dại dịch covid ở Việt Nam được đồng nghiệp và người xem đánh giá cao. Điều kỳ lạ là không có vở diễn nào của sân khấu Lệ Ngọc lại chịu vắng khách dù là đề tài gì: dân gian, lịch sử, hiện đại, thời sự…
Mong sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục đứng vững và tiến lên, giúp sân khấu VN tìm thấy ở đó nhiều bài học thành công để đổi mới và phát triển.
Nguyễn Thế Khoa