‘Khoảng trống’ ít người biết từ Hiệp định Paris đến đại thắng Mùa Xuân năm 1975

9:38 | 29/04/2020

Triển khai mặt trận ngoại giao thi hành Hiệp định Paris là một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt không kém gì quá trình thương lượng đi đến ký kết Hiệp định song cho đến nay còn là một khoảng trống ít được giới nghiên cứu nhắc đến.


Hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 28-4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Từ Hiệp định Paris về Việt Nam đến đại thắng Mùa xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận Ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30-4” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Tham dự tọa đàm có các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham gia trực tiếp vào quá trình đấu tranh ngoại giao đi đến Hiệp định Paris (27-1-1973), các nhân chứng lịch sử và các nhà nghiên cứu về chính trị, quân sự và ngoại giao. Đông đảo đại diện các đơn vị Bộ Ngoại giao, và học viên cao học, sinh viên của Học viện Ngoại giao cũng đã tham dự Tọa đàm.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) chủ trì tọa đàm – Ảnh: Bộ Ngoại giao

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định Hội nghị và Hiệp định Paris là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sự ủng hộ đoàn kết của nhân dân thế giới, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.

Tại tọa đàm, nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đã đi sâu phân tích một số vấn đề lịch sử trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, chia sẻ thông tin làm rõ hơn giai đoạn thực thi Hiệp định Paris từ năm 1973 đến ngày Đại thắng 30-4-1975.

Đặc biệt, tọa đàm đã tập trung trao đổi về việc triển khai mặt trận ngoại giao giai đoạn 1973-1975, cho đến nay còn là một khoảng trống ít được giới nghiên cứu nhắc đến. Các học giả và các nhân chứng lịch sử cũng đã làm sống lại những ký ức sinh động về quá trình đàm phán và thi hành Hiệp định Paris: Từ chủ trương chiến lược sáng suốt của Trung ương Đảng về việc mở ra mặt trận tấn công ngoại giao từ cuối những năm 1960; bài học về ứng xử ngoại giao tài tình của Bác Hồ và các nhà ngoại giao lão thành của ta; đến những nỗ lực nghiên cứu chiến lược của Bộ Ngoại giao với việc thành lập Nhóm CP80, quy tụ nhiều cán bộ ngoại giao tài năng nhằm đánh giá chính xác chính trị nội bộ và khả năng can dự của các nước lớn trước những biến chuyển rất nhanh chóng và mạnh mẽ của tình hình cách mạng miền Nam; những ký ức và cảm xúc sống động của các nhà ngoại giao “mặc áo lính” gợi nhớ lại không khí hào hùng nhưng quyết liệt của những ngày đấu tranh chính trị, pháp lý ngay trong lòng địch.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại tọa đàm – Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại tọa đàm đã nhắc đến Trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất, là nơi đặt trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Paris.

Đề cập về vai trò của ngoại giao quân sự trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nguyên Sĩ quan phiên dịch Đoàn đại biểu quân sự Ban liên hiệp bốn bên Phan Đức Thắng cho rằng công tác thi hành Hiệp định Paris là một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt không kém gì quá trình thương lượng, với 3 nhiệm vụ chính: đấu tranh góp phần buộc quân Mỹ và các nước chư hầu rút khỏi miền Nam Việt Nam; đấu tranh góp phần buộc đối phương thực hiện nghiêm chỉnh việc trao trả tủ quân sự và tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh và đấu tranh góp phần buộc đối phương chấm dứt chiến sự, nghiêm chỉnh thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan – Ảnh: Bộ Ngoại giao

Các ý kiến tại tọa đàm nhất trí cho rằng quá trình đàm phán và đấu tranh ngoại giao thực thi Hiệp định Paris đã để lại nhiều bài học quý báu, còn nguyên giá trị cho công tác đối ngoại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong công tác đối ngoại; giương cao tư tưởng độc lập, tự chủ trong hoạch định chính sách đặc biệt là trên vấn đề đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sự thống nhất đoàn kết và sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận quân sự, đã góp phần tạo nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết giữa bốn bên: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Mỹ, Chính phủ Việt Nam cộng hoà. Theo tinh thần hiệp định, một ban liên hợp quân sự 4 bên được thành lập để thực hiện hiệp định.

Hai đoàn đại biểu quân sự chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại 1 phiên họp ở trại David (Ảnh: Tư liệu)

Trại David là một địa danh để chỉ một trại quân sự nằm ở phía Tây Nam Căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, là nơi đặt trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định Paris.

Thông tin về Trại David được những nhân chứng lịch sử đề cập đến trong tọa đàm và bên lề tọa đàm sẽ được Báo Người Lao Động chuyển đến bạn đọc vào ngày mai, 29-4.

 

 

Theo NLD

Video hay

Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái