Hiệp định Paris nhìn từ mặt trận Quảng Trị – Bài 1: Góp phần giành ưu thế trên bàn đàm phán

11:10 | 16/01/2023

Với thắng lợi Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân và dân ta đã “đánh cho Mỹ cút” mở ra một giai đoạn mới để “đánh cho ngụy nhào” và là tiền đề để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.


Hiệp định Paris là một thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; trong đó mặt trận Quảng Trị góp phần trực tiếp vào thắng lợi này. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện 2 bài viết với chủ đề:  Hiệp định Paris nhìn từ mặt trận Quảng Trị.

Quân giải phóng tấn công và giải phóng hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, cùng với thắng lợi của quân và dân ta đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng đường không chưa từng có của Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12/1972 đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Trong Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris viết: “Ở Paris chúng tôi hàng giờ hướng về Quảng Trị, đặc biệt về cuộc chiến đấu ở Thành cổ nổi tiếng. Không có tin tức cụ thể kịp thời nhưng những gì được thông báo làm nhói tim chúng tôi. Chúng tôi biết các chiến sỹ của chúng ta rất trẻ. Họ hiểu cuộc giành đất ở đây là giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Và họ sẵn sàng hy sinh. 81 ngày đêm khốc liệt, quân ta không giữ được Thành cổ nhưng tinh thần kiên cường chiến đấu của các chiến sỹ là thể hiện quyết tâm không gì lay chuyển nổi của cả dân tộc. Và ở Paris chúng tôi hiểu chính tinh thần đó đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của chúng tôi trên bàn hội nghị”.

Trung tá Nguyễn Hữu Ý (xã Triệu Long, huyện Triệu Phong), nguyên Trưởng ban Trinh sát Tỉnh đội Quảng Trị nhận định: Thắng lợi của ta trong Chiến dịch Trị – Thiên giải phóng Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã khiến Mỹ – ngụy tổn thất nặng nề; đồng thời vừa tạo thế và lực mới cho ta trên chiến trường miền Nam, vừa góp phần vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris.

Quân giải phóng làm chủ thị trấn Đông Hà. Ảnh tư liệu: Xuân Lâm/TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Lê, Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Chiến dịch Trị – Thiên 1972, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 góp phần trực tiếp vào thắng lợi của cuộc đấu tranh tại Hội nghị Paris. Hiệp định Paris là kết quả trực tiếp của thắng lợi mà quân dân hai miền Nam – Bắc đã giành được trên chiến trường. Trong đó, chiến thắng ở mặt trận Quảng Trị là biểu tượng rực rỡ nhất trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở miền Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học cho rằng, việc chiếm giữ Thành cổ Quảng Trị trong suối 81 ngày đêm với sự hy sinh to lớn của bộ đội ta không đơn thuần là cuộc chiếm giữ thành quách như trong lịch sử cổ – trung đại. Chiếm giữ được Thành cổ Quảng Trị trong những ngày tháng này là giải pháp chính trị và ngoại giao khi Hội nghị Paris đang đến hồi kết, thể hiện sức mạnh về quân sự trên chiến trường, đưa đến ưu thế trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris./.

Bài cuối: Quảng Trị – điểm đến của hòa bình

Nguyên Lý (TTXVN)

Nguồn Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/thoi-su/hiep-dinh-paris-nhin-tu-mat-tran-quang-tri-bai-1-gop-phan-gianh-uu-the-tren-ban-dam-phan-20230116064705820.htm

Cùng chuyên mục

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm Thục Phán An Dương Vương

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm Thục Phán An Dương Vương

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương