Khi báo chí chung tay trong công tác giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương

22:40 | 22/08/2023

Trong suốt trong những năm qua, công tác tuyên truyền về biển đảo đã có những bước tiến quan trọng cả chiều rộng và chiều sâu. Nội dung, hình thức và các biện pháp tuyên truyền được quan tâm đổi mới. Bên cạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia, việc tuyên truyền về phát triển kinh tế biển cũng được coi trọng.


Mỗi tác phẩm là một tình yêu

Hiện nay có nhiều phương thức thông tin truyền thông, nhưng phát thanh vẫn là phương thức truyền thông rất là hiệu quả, trực tiếp, tức thì và tiết kiệm, đặc biệt với bà con vùng sâu vùng xa, bà con ngư dân, cán bộ chiến sỹ ở các vùng biển, đảo. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường năng lực phủ sóng phát thanh quốc gia trên biển Đông nói chung, vùng biển Trường Sa – Hoàng Sa nói riêng có ý nghĩa cấp thiết, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển thông qua làn sóng phát thanh.

Tháng 6 năm 2023 vừa qua Đài Phát sóng khu vực Nam Trung bộ (Đài Tiếng nói Việt Nam), nằm tại địa bàn huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, chính thức phát sóng, đưa tiếng nói Việt Nam vươn xa tới đồng bào, chiến sỹ khu vực Nam Trung bộ và quần đảo Trường Sa.

Bức ảnh thứ hai Đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Giản Thanh Sơn

Đài có hệ thống máy phát thanh sóng trung (AM) công suất 400kW, tần số 1071kHz, có kỹ thuật và công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của phát thanh trên thế giới. Vùng biển khu vực Nam Trung bộ bao gồm quần đảo Trường Sa có nhiều ngư dân tham gia đánh bắt ở tất cả các mùa. Đây là nơi xảy ra nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, cũng là nơi có nhiều sóng phát thanh của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và công cuộc đổi mới đất nước. Việc phủ sóng Tiếng nói Việt Nam ở khu vực này góp phần mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, mang những thông tin rất quan trọng về kinh tế, xã hội, đặc biệt tin về thiên tai, bão lũ đến với ngư dân, những thông tin về quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước.

Coi trọng việc đưa thông tin tới các vùng biển đảo của tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng, đội ngũ phóng viên, biên tập viên nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện các chuyến công tác vùng hải đảo, bám biển cùng ngư dân để có những tin bài nóng hổi, phản ánh sự hiện diện của người dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, với họ, chính biển đảo quê hương cũng là nguồn đề tài lớn, vô tận, mạnh mẽ đối với nhiều thế hệ làm báo trong cả nước.

Đã nhiều lần được đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa, mỗi lần đến đều để lại những cảm xúc riêng, nhà báo Anh Hiếu, Phó trưởng Ban Thời sự – Chính trị cho rằng: “Trường Sa, tuy xa mà gần, ở nơi đó luôn đón nhận tình cảm nồng ấm từ đất liền thông qua những chuyến công tác đầy ý nghĩa. Với mỗi phóng viên như chúng tôi, trong cuộc đời làm báo đều mơ ước một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa tác nghiệp bởi trong trái tim và tâm thức mỗi nhà báo, Trường Sa luôn hiện diện thật thiêng liêng, khẳng định chủ quyền của đất nước. Đến đảo tiền tiêu để hiểu về cuộc sống, công tác, chiến đấu của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, qua đó cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi nhà báo, tình yêu với biển, đảo quê hương, đất nước thông qua tác phẩm của mình…”.

Phóng viên Báo CAND cùng các nam đồng nghiệp tham gia tác nghiệp tại Lễ tưởng niệm CBCS hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo khu vực biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Ảnh: Anh Hiếu

Có thể nói, mỗi bài báo, mỗi tác phẩm truyền hình về biển đảo là nguồn khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển. Qua đó bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khơi dậy lòng yêu nước, tình yêu biển đảo

Trong nhiều năm qua, báo Người Lao Động đã duy trì việc tổ chức chương trình trao cờ Tổ quốc, túi thuốc y tế, dụng cụ sơ – cấp cứu trên biển cho ngư dân ở khắp các vùng miền. Chương trình do Báo Người Lao Động bắt đầu tổ chức từ tháng 6/2019. Theo nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã phát động và thực hiện Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”.

Chương trình này có ý nghĩa tiếp sức, động viên tinh thần cho ngư dân ở các tỉnh, thành có biển; để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Chương trình còn có ý nghĩa tạo ra sự gắn bó, kết nối trong toàn xã hội nhằm chung tay bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tính đến nay, Báo Người Lao Động đã trao và ký kết trao 1.883.620 lá cờ Tổ quốc cho các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời, báo còn tặng nhiều học bổng cho con em ngư dân gặp khó khăn, hỗ trợ các gia đình ngư dân gặp rủi ro khi đánh bắt hải sản.

Nhà báo Trần Trọng Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM và các đại biểu thăm và tặng quà gia đình ngư dân ở thị trấn Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị trong Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Hay như chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp luật TP.HCM. Chương trình đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật cho bà con ngư dân khi đánh bắt, khai thác trên biển; góp phần thực hiện Kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng đã ban hành; phát triển ngành thủy sản Việt Nam ngày càng bền vững hơn. Chương trình đã góp phần động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế, nâng cao đời sống của bà con ngư dân. Tuyên truyền cho ngư dân và cộng đồng xã hội về lòng yêu nước, tình yêu biển đảo, khơi dậy tình cảm, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững nguồn sinh sôi từ biển cả…

Được triển khai từ năm 2011, chương trình Góp đá xây Trường Sa của báo Tuổi trẻ đã có nhiều hoạt động thiết thực. Như đóng góp trực tiếp tại tòa soạn, tổ chức nhắn tin qua đầu số 1408, cuộc thi viết Cảm xúc Trường Sa, hợp tác nhiều chương trình xã hội… “Góp đá xây Trường Sa” đã thu hút được sự ủng hộ đáng kinh ngạc về cả sức người, sức của và tinh thần của người dân Việt, đặc biệt là làn sóng hướng về Trường Sa của thanh niên…

Cùng với cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo các địa phương cũng duy trì thường xuyên chương trình thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các huyện đảo, tổ chức các chuyến đi thực tế cho hội viên nhà báo. Tạo cơ hội cho các nhà báo đến các vùng biển đảo của đất nước để tác nghiệp, truyền tải thông tin cho bạn đọc. Tại Hải Phòng, trong nhiều năm qua Hội Nhà báo thành phố đã tổ chức các chương trình “Hướng về biển đảo quê hương” trao tặng các ấn phẩm báo chí và nhiều phần quà ý nghĩa để gửi gắm tình cảm, niềm tin, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các huyện đảo.

Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho biết: “nhằm phát huy thế mạnh về kinh tế biển và bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính chủ động trong công tác thông tin truyền thông của Báo chí. Trong những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phối hợp tích cực với các đơn vị tham mưu, chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền quán triệt sâu rộng về vai trò của biển đảo. Chú trọng liên kết vùng trong phát triển du lịch, văn hóa xã hội, phát triển đột phá bền vững kinh tế biển, phấn đấu để Khánh Hòa phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển tầm cỡ quốc tế”.

Nhà báo Đoàn Minh Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tặng tượng trưng ấn phẩm báo Tết cho đại diện quân dân huyện Trường Sa. Ảnh: Hà Đạo

Có thể khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn nào biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Với nhiệm vụ quan trọng trên mặt trận thông tin, các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo cả nước đã và đang nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình, tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thông qua những hoạt động và hành động thiết thực, ý nghĩa.

Lê Tâm

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/khi-bao-chi-chung-tay-trong-cong-tac-giu-gin-chu-quyen-bien-dao-que-huong-post261488.html

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học