Gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể

10:12 | 11/12/2021

Tự hào là địa phương sở hữu số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn và đa dạng loại hình, nhưng thành phố Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc gìn giữ, phát huy nguồn tài nguyên vô giá này, như: Đa số người nắm giữ di sản tuổi cao, sức yếu; môi trường diễn xướng bị thu hẹp đáng kể… Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để gìn giữ, phát huy kho báu di sản Thăng Long – Hà Nội cho thế hệ mai sau.   


Điệu múa “Con đĩ đánh bồng” (làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được bảo tồn, phát huy hiệu quả nhờ ý thức trách nhiệm của cộng đồng và tâm huyết của các nghệ nhân gìn giữ di sản.

Thách thức trong công tác bảo tồn

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015. Sau kiểm kê, thành phố ghi nhận 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, với đa dạng loại hình, phân bố ở khắp 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số địa phương sở hữu số lượng di sản lớn, như: Huyện Thường Tín có 129 di sản, huyện Đông Anh có 128 di sản, huyện Ba Vì có 126 di sản. Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, công tác kiểm kê di sản giúp xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, nhất là với các di sản có nguy cơ mai một.

“Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, với nhiều di sản, như: Ca trù, hát dô, chèo tàu, xẩm, múa rối, cồng chiêng, chèo, hát trống quân…, góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông trung học, với 4 loại hình: Nghề gốm Bát Tràng, múa rối nước, tục ăn trầu và làm đèn kéo quân; triển khai tư liệu hóa di sản làm cơ sở giảng dạy, lưu giữ cũng như quảng bá tại các sự kiện văn hóa…”, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết.

Cùng với đó, công tác ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh người nắm giữ di sản ngày càng được quan tâm, chú trọng. Toàn thành phố hiện có 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh ở nhiều nội dung; 26 di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 7 nghệ nhân nhân dân và 69 nghệ nhân ưu tú… Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, như: Các trường hợp chủ thể văn hóa, người nắm giữ, thực hành, truyền dạy di sản tuổi cao, sức khỏe yếu, hoàn cảnh khó khăn; môi trường diễn xướng di sản bị thu hẹp; sự chuyển giao ở nhiều loại hình di sản bị gián đoạn…

Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, số đông nghệ nhân, người nắm giữ, thực hành di sản ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe, đời sống gặp nhiều khó khăn, song chế độ đãi ngộ còn bó hẹp, chỉ dành cho các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu, có thu nhập thấp… và mức hỗ trợ chưa phù hợp. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở địa điểm biểu diễn; kinh phí biên soạn, xuất bản tài liệu và mở lớp truyền dạy…

Gìn giữ di sản hiệu quả, bền vững

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả hơn, mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng dự thảo Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021-2025, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Kế hoạch tập trung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản có nguy cơ mai một; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia gìn giữ di sản…

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, di sản phi vật thể không phải tài sản hữu hình, nên việc còn hay mất phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng nắm giữ di sản. Chính vì vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tình cảm của cộng đồng dành cho di sản; có những hỗ trợ thiết thực từ kiến thức, kinh nghiệm đến nguồn lực để việc gìn giữ di sản đi đúng hướng, hiệu quả, bền vững.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, trước những khó khăn, thách thức, đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể, thời gian tới, ngành Văn hóa Thủ đô sẽ tập trung xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ nghệ nhân; xây dựng các đề án bảo vệ di sản đã được UNESCO ghi danh di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn thành phố song hành với các chương trình tư liệu hóa di sản; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản; tổ chức các tọa đàm, hội thảo, liên hoan, các hoạt động quảng bá về di sản…

Hànộimới

Video hay

Cùng chuyên mục

NHỮNG GIAI ĐIỆU HÀO HÙNG

NHỮNG GIAI ĐIỆU HÀO HÙNG

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.