Giao thông Hà Nội: Cần đột phá mạnh mẽ để phát triển hiện đại, bền vững

16:26 | 03/08/2023

Qua 15 năm kể từ ngày Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12, bộ mặt hạ tầng giao thông đã từng bước thay đổi theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức cần được tập trung khắc phục.


Hạ tầng giao thông đã có những đột phá
Ngày 1/8/2008, Hà Nội đã hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích tự nhiên là hơn 3.300km2 và dân số là hơn 6,2 triệu người.

Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội gắn với thực hiện chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, lĩnh vực giao thông vận tải đã đạt được những thành tựu đáng kể cả về lượng và chất.

Hạ tầng giao thông Thủ đô Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính đã có sự phát triển vượt bậc. Ảnh minh họa.

Tăng cường kết nối giao thông Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

Với vai trò là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức hợp lý hóa luồng tuyến, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt.

Bên cạnh đó, đổi mới đoàn phương tiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm hoàn thành mục tiêu của thành phố Hà Nội là nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 30 – 35% vào năm 2025 và đạt 35 – 40% vào năm 2030.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam chia sẻ, trong các giai đoạn vừa qua, Thành phố đã dành nhiều nguồn lực để phát triển mạng lưới xe buýt. Đến nay, Hà Nội đã xóa được các “vùng trắng” xe buýt, mạng lưới buýt Thủ đô đã tiếp cận đến 30/30 quận huyện, thị xã.

Ngoài ra hệ thống xe buýt thân thiện môi trường, xe buýt điện được đưa vào khai thác, nhất là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước Cát Linh – Hà Đông đã chính thức phục vụ người dân.

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho hay, theo khảo sát tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hiện có trên 50% lượng khách sử dụng vé tháng, coi đường sắt đô thị là phương tiện di chuyển chính hằng ngày.

Đặc biệt hạ tầng giao thông đã có sự đột phá, hàng loạt dự án trọng điểm đã được triển khai thực hiện nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, cầu Đông Trù,..

Nhiều tuyến đường được mở rộng, nút giao thông quan trọng của Hà Nội đã được khởi công xây dựng đưa vào khai thác như mở rộng đường Phạm Văn Đồng, cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, Vành đai 2, Vành đai 3, đường nối Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng,… Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển.

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay Hà Nội đã có 7 tuyến đường hướng tâm với chiều dài khoảng 111,32km; 8 tuyến quốc lộ hướng tâm chiều dài 244,58km được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46km của 7 tuyến đường vành đai.

Khơi thông các điểm nghẽn, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, mở ra không gian phát triển thì việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng và là tiền đề để phát triển đô thị. Các điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá điều kiện sống đô thị hiện đại.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, giao thông Hà Nội vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ðó là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được quan tâm, tuy nhiên nguồn vốn dành cho đầu tư còn hạn chế, tiến độ thi công các dự án giao thông, dự án đường sắt đô thị còn chậm. Hệ thống giao thông tĩnh còn thiếu nghiêm trọng, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm…

Cần những giải pháp đột phá để phát triển giao thông Thủ đô hiện đại, bền vững.

Ông Trần Hữu Bảo – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp.

Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện ở Thủ đô hiện tại là hơn 7,9 triệu xe gồm 1,1 triệu ô-tô và 6,6 triệu xe máy. Tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện giai đoạn 2019 – 2022 là trên 10%/năm đối với ô-tô, trên 3%/năm đối với xe máy.

Chưa kể tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khách nhau.

Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%; quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%; tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%;…Ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.

Theo ông Trần Hữu Bảo, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường Vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4 (khởi công ngày 25/6) để mở rộng không gian phát triển của thành phố.

Các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long và các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực. Đây là giải pháp cơ bản, có tính bền vững.

Đồng thời tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người và phương tiện. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có.

Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng kết hợp mô hình TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị). Quản lý vận hành hiệu quả tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và tiếp nhận, đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội sau khi hoàn thành.

Ngoài ra tiếp tục phát triển và cải thiện mạng lưới tuyến buýt theo hướng cải thiện chất lượng, hiệu quả hướng tới mô hình tiên tiến, văn minh và thân thiện với môi trường. Tích cực thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh, từng bước đưa xe buýt sử dụng năng lượng sạch vào khai thác theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tiếp tục đổi mới và quản lý hiệu quả hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bảo đảm an toàn, thuận tiện cho hành khách tiếp cận dịch vụ và xe buýt vận hành nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông, ưu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh… Đây là nhóm giải pháp mang tính đột phá.

Thế Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/giao-thong-ha-noi-can-dot-pha-manh-me-de-phat-trien-hien-dai-ben-vung-post258881.html

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh