Độc đáo Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định

19:16 | 28/08/2023

Nhằm lưu giữ những hiện vật giá trị còn sót lại của một lực lượng vũ trang đặc biệt, góp phần quan trọng vào giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, TP HCM vừa tổ chức Lễ Công bố Quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.


Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Nằm trong di tích, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định có trụ sở tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP HCM, trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế – cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn – hoạt động dưới vỏ bọc là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập.

Lãnh đạo TP HCM trao quyết định thành lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Để có được Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định ngày hôm nay là một hành trình dài tìm kiếm, sưu tầm và phục dựng lại kỷ vật. Từ những năm 1980, với tấm lòng và quyết tâm nung nấu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai bắt đầu thực hiện quá trình nhiều năm dài tìm kiếm, lưu giữ kỷ vật của những đồng đội trong Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Việc tìm kiếm kỷ vật rất khó khăn do tính chất đặc biệt của lực lượng Biệt động, đó là một lực lượng từ nhân dân, hòa vào trong dân. Các chiến sĩ Biệt động mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ lại trở về làm một người dân bình thường. Gia đình ông Trần Văn Lai đã miệt mài tìm kiếm, chuộc lại và phục dựng những căn nhà, những căn hầm, những kỷ vật từng ghi dấu quá trình hoạt động đầy huyền thoại của Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Với lòng kiên trì bền bỉ và sự hỗ trợ của các ngành chức năng liên quan, ngày 21/6/2023, Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP đã ký cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cho Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định. Bảo tàng chịu sự quản lý của Nhà nước và chính quyền địa phương nơi hoạt động và thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Trần Văn Lai.

Bảo tàng biệt động Sài Gòn nằm ở tầng hai của một căn nhà xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, quận 1.

Ghé thăm Bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật giá trị, mà mỗi hiện vật là một câu chuyện lý thú mà cũng đầy tính chất huyền thoại của Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Với bảy bộ sưu tập (BST) hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng Biệt động, gồm: BST các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; BST những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động; BST vũ khí; BST vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn; BST dụng cụ đồ nghề sản xuất của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) trong vỏ bọc nhà thầu khoán Dinh Độc Lập; BST thiết bị thông tin liên lạc… lịch sử của Biệt động Sài Gòn – Gia Định hiện lên sống động qua lược đồ được xây dựng trên tấm bản đồ xưa của Sài Gòn – Gia Định.

Lần đầu tiên, một hình ảnh tổng quan về mạng lưới và cách thức hoạt động đầy bí ẩn của Biệt động Sài Gòn – Gia Định được hiện hữu đầy đủ và rõ nét qua hệ thống các hầm chứa vũ khí, hầm ém quân được xây dựng ngay trong lòng địch trong nhiều năm phục vụ cho các trận đánh huyền thoại của Biệt động giữa lòng Sài Gòn, và cho Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bi hùng.

Bảo tàng có diện tích hơn 100 m2, trưng bày hơn 100 hiện vật của những người lính Biệt động. Các đồ vật như bàn, ghế, tủ… trong ngôi nhà vẫn còn nguyên và được bài trí gần giống trước kia. Khách tham quan được xem những bộ phim ngắn về lực lượng Biệt động Sài Gòn trình chiếu trên tường.

Một điều đặc biệt hấp dẫn du khách khi ghé thăm bảo tàng chính là BST hầm bí mật và BST phương tiện đi lại để hoạt động cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định.

Bên cạnh đó, khách tham quan có thể dễ dàng tra cứu hình ảnh và dữ liệu về các chiến sĩ và chiến công huyền thoại của Biệt động Sài Gòn – Gia Định qua tấm bản đồ, các màn hình tương tác thông minh được bố trí thuận tiện tại các vị trí trong Bảo tàng.

Không chỉ lưu giữ những hiện vật quý giá, những ký ức lịch sử, Bảo tàng còn xây dựng một Bức tường tưởng niệm để người dân và du khách đến thăm có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ cũng như tri ân, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc.

Hiện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định là điểm đến văn hóa lịch sử được yêu thích của TP HCM, đặc biệt là các bạn trẻ và du khách nước ngoài, là chuỗi các di tích vệ tinh của Nhà Truyền thống lực lượng vũ trang Thành phố.

Biệt động Sài Gòn là danh xưng của lực lượng đặc công quân Giải phóng miền Nam, chuyên làm nhiệm vụ tập kích nhằm vào các cơ sở của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cũng như các công trình công cộng trong môi trường đô thị tại Sài Gòn trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.

Một số hình ảnh đáng chú ý về Bảo tàng Biệt động Sài Gòn – Gia Định

Muốn lên bảo tàng, khách tham quan đi bằng thang máy cổ, có từ khi căn nhà được xây dựng. Cửa thang máy làm bằng sắt với những hoa văn tinh xảo, thùng thang bằng gỗ, khắc nhiều họa tiết bên trong.

Lối vào có một màn hình chạm giúp khách tham quan dễ dàng tìm hiểu chi tiết về lịch sử hình thành, phát triển, những trận đánh, các di tích còn lại của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Chiếc máy đánh chữ trong văn phòng của tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bỏ lại sau ngày 30/4/1975. Đây là kỷ vật của một bộ đội tặng lại cho bảo tàng.

Đoạn dây xích bằng đồng dùng để kéo đạn lên súng trên chiến hạm L’Escarmouche, là kỷ vật của lính biệt động Trần Văn Hãng.

Chiếc xe đạp máy hiệu Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của nữ giao liên Ngọc Huệ tặng cho bảo tàng. Trước kia, bà từng dùng xe này để đưa thông tin, tài liệu cho lực lượng kháng chiến.

Chiếc xe máy mà những người lính từng sử dụng trong hoạt động biệt động tại nội thành Sài Gòn trước năm 1975.

Những chiếc lon sữa Guigoz quen thuộc với người dân Sài Gòn trước năm 1975. Sau khi dùng hết sữa, vỏ lon thường dùng để gia vị, thức ăn và còn được chiến sĩ biệt động tận dụng để cất thư mật.

Chiếc máy ảnh Yashica 635 sản xuất thập niên 1950, kỷ vật của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai.

Sau khi tham quan bảo tàng, du khách được gợi ý đến các cơ sở từng là nơi hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn trên đường Võ Văn Tần, Đặng Dung, Nguyễn Đình Chiểu. Những căn nhà này đều đào hầm bí mật để cất giấu vũ khí.

Bên trong hầm bí mật dưới nền một căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều hiện vật, vũ khí của lính biệt động khác cũng trưng bày ở đây.

Hoàng Giang (Ảnh: Trần Quỳnh)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/doc-dao-bao-tang-biet-dong-sai-gon–gia-dinh-post262291.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa