Đa dạng văn hóa là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo

11:28 | 17/09/2023

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.


Đa dạng văn hóa là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh

Ngày 16/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy tôn trọng trong đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Việt Nam – PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001 – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) khẳng định, đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo. Bên cạnh đó, tại Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005), UNESCO tiếp tục khẳng định đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người.

Toàn cảnh Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, ngày 16/9.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.

Đa dạng văn hóa còn có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, tạo sự gắn kết, hòa hợp xã hội, vì vậy cần lồng ghép đa dạng văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc như hiện nay, vai trò của đa dạng văn hóa ngày càng quan trọng. Chấp nhận, tôn trọng và phát huy sự đa dạng văn hóa giúp tăng cường sự đối thoại giữa các nền văn minh, thúc đẩy sự hiểu biết và gia tăng sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc.

Văn hóa đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước

Theo Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia – dân tộc, đều chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Quốc hội Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Hiến pháp – đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó nhấn mạnh các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam, sự nghiệp phát triển văn hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, được cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè, tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 di sản tư liệu thế giới, 6 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 3 công viên địa chất toàn cầu, 1 thành phố sáng tạo (trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO), đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, các địa phương sở hữu di sản nói riêng.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, góp phần phát huy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trên quy mô khu vực và quốc tế. Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm, hai lần được bầu vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa các nhiệm kỳ 2011-2015 và 2021-2025. Trên cơ sở Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển Bộ Chỉ số văn hóa quốc gia để đo lường, đánh giá đóng góp của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như trong tương lai. Tuy nhiên, đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc.

Chính vì vậy, tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” hôm nay hết sức có ý nghĩa để các đại biểu cùng nhau tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số.

N.Hường

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/da-dang-van-hoa-la-khoi-nguon-cho-giao-luu-doi-moi-va-sang-tao-post264889.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào