Chuyên gia truyền thông Phạm Tấn Anh Vũ: AI sẽ làm thay đổi cách làm, cách tác nghiệp truyền thống

17:18 | 10/08/2023

Hiện nay AI có thể tạo ra được hiệu quả như thế nào cho mỗi phóng viên, mỗi tòa soạn trong quá trình tác nghiệp. Nhà báo & Công luận đã có buổi trò chuyện với ông Phạm Tấn Anh Vũ- Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty Cổ phần Giải pháp Trí thông minh nhân tạo Việt Nam VAIS.


Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được ứng dụng phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có báo chí. Vậy AI hiện nay có thể tạo ra được hiệu quả như thế nào cho mỗi phóng viên, mỗi tòa soạn trong quá trình tác nghiệp. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, báo Nhà báo & Công luận đã có buổi trò chuyện với ông Phạm Tấn Anh Vũ – Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty Cổ phần Giải pháp Trí thông minh nhân tạo Việt Nam VAIS, một chuyên gia về ứng dụng công nghệ AI của người Việt.

Dùng AI xử lý thay thế cho các nghiệp vụ báo chí truyền thống
+ Chúng ta vẫn nhắc đến trí tuệ nhân tạo AI như là cú hích mới cho hoạt động báo chí, đó là những tiện dụng cho nhà báo, phóng viên. Theo ông điều quan trọng nhất để AI mang lại hiệu quả là gì?

– Giờ đây mỗi chúng ta khi nhắc đến AI sẽ nghĩ đến vấn đề tự động hóa, đó là những robot giúp làm thay nhà báo, phóng viên trong những công việc từ đơn giản đến phức tạp liên quan đến “câu chữ” tốn kém rất nhiều thời gian. Nhưng bản chất thì không hẳn như vậy, AI chỉ có giá trị khi có dữ liệu đầu vào, đó là data, các dữ liệu cần được “nuôi” lớn thì AI mới phát huy được khả năng của nó. Chúng ta đặt một câu hỏi, một nội dung phỏng vấn cho AI mà không có kho dữ liệu đầu vào để AI trả lời thì sẽ trở thành vô dụng. Đối với mỗi công ty, việc nghiên cứu phát triển công nghệ AI nếu muốn chuyển hoá thành công cụ hỗ trợ báo chí truyền thông thường phải nghĩ tới việc giải bài toán về đầu vào và đầu ra cho nội dung.

Phạm Tấn Anh Vũ – Trưởng đại diện khu vực phía Nam Công ty Cổ phần Giải pháp Trí thông minh nhân tạo Việt Nam VAIS hướng dẫn phóng viên kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí.

Tương tự, để tạo ra một tác phẩm báo chí thì cần phải thực hiện phỏng vấn, quay phim, đi thực tế, dùng thử… trải qua các công đoạn mới tạo ra được tác phẩm báo chí. Do vậy, công ty chúng tôi đã phải xây dựng những công cụ, hệ thống thu thập dữ liệu từ năm 2018 cho đến nay. Chẳng hạn, chúng tôi có công cụ tổng hợp giọng nói, bao gồm các âm thanh, cách phát âm của người Việt Nam với ngôn ngữ tiếng Việt ở cả 3 vùng miền Bắc – Trung – Nam và có thể chuyển sang định dạng ngôn ngữ thường gõ bài trên máy vi tính.

Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng công cụ trí tuệ thứ hai đó là tổng hợp các thông tin từ rất nhiều dữ liệu đầu vào, sau đó hệ thống tự động tóm lược những nội dung chính, biết được đâu là nội dung quan trọng nhất.

+ Ông có thể lấy một số ví dụ cụ thể về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp của nhà báo được không?

– Khi phóng viên, biên tập viên tham dự một hội nghị, hội thảo, có rất nhiều ý kiến về một chủ đề và phóng viên ghi âm bằng điện thoại. Một cuộc họp hay cuộc phỏng vấn như vậy kéo dài từ 3- 4 tiếng, khi đó AI sẽ tổng hợp và dịch toàn bộ buổi thảo luận thành văn bản tương đương 60 trang giấy A4. Thông thường, để bóc băng ghi âm 3-4 tiếng, theo cách làm truyền thống thì phóng viên cần khoảng 8 tiếng để xử lý văn bản. Còn nếu áp dụng AI xử lý thì chỉ mất khoảng 20 phút là sẽ có toàn bộ văn bản nội dung của buổi trò chuyện phỏng vấn, hội nghị nêu trên. Thậm chí, AI cũng có thể trở thành công cụ giúp tóm tắt toàn bộ nội dung. Từ đó AI sẽ tự viết ra nội dung chính trong một thời gian ngắn về chủ đề chúng ta đang quan tâm hay có yêu cầu.

Để ứng dụng trở nên thực tiễn hơn, hiện nay chúng tôi đang hướng dẫn cho các cán bộ hội viên, nhà báo, phóng viên ở các cơ quan báo chí ở địa phương trực tiếp tác nghiệp. Họ có thể ứng dụng được các công cụ dùng AI xử lý thay thế cho các nghiệp vụ báo chí truyền thống như bóc, đổ băng từ âm thanh, phim video, giúp rút ngắn thời gian, giải phóng sức lao động cho những tác vụ xử lý nội dung đầu vào truyền thống. Dùng AI sẽ làm thay đổi cách làm, cách tác nghiệp truyền thống của họ, không còn tình trạng chờ đợi để có tin tức, lãng phí thời gian để bóc băng ghi âm… hoặc vừa kết thúc livestream thì văn bản cũng đã đến tay. Tất cả mọi người dễ dàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trực tiếp ngay vào trong công việc.

Ngoài việc thay đổi tư duy còn lựa chọn đối tượng bắt nhịp để chuyển đổi số
+ Báo chí đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa, mỗi cơ quan báo chí không chỉ cạnh tranh thông tin trong nước mà còn cạnh tranh với cả cơ quan báo chí quốc tế, vậy AI sẽ hỗ trợ các tòa soạn như thế nào?

– Chúng tôi đang hỗ trợ cho các tòa soạn về phát triển nội dung theo hướng toàn cầu hóa, nghĩa là đưa sản phẩm báo chí trong nước đến với công chúng trên toàn cầu chứ không chỉ dừng lại ở trong nước. Chẳng hạn khi đã có một nội dung phỏng vấn gốc bằng tiếng Việt thì không dừng lại ở đó, nội dung gốc có thể được chuyển hoá qua một giọng đọc và nhân vật tự tạo, tạo ra một MC ảo, giúp đọc lời bình toàn bộ nội dung gốc. Ngoài ra, MC ảo sẽ đa năng hơn, có thể là một bản tin cho báo mạng hoặc bản tin truyền hình, có thể đọc lời bình được 60 ngôn ngữ kèm phụ đề khác nhau. Ví dụ: Đọc lời bình tiếng Hoa, phụ đề tiếng Anh, hoặc nói tiếng Anh phụ đề tiếng Việt…

Thực tế cho thấy, xu hướng của báo chí là toàn cầu hóa, độ lan tỏa của thông tin đến công chúng không chỉ dừng lại ở trong một quốc gia mà còn nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta không chỉ có lượt view cho tin bài đó ở trong nước mà còn lấy được lượng view bạn đọc ở nhiều quốc gia.

+ Theo ông, hiện nay các cơ quan báo chí cần có những bước đi sử dụng nguồn nhân lực như thế nào để tận dụng được những thành quả mà AI mang lại?

– Đối với việc ứng dụng AI vào hoạt động ở tòa soạn, đầu tiên nên hướng vào đối tượng cán bộ phóng viên trẻ, chuyển đổi số thường phù hợp với lớp người từ 35 tuổi trở lại. Những người trên 35 tuổi sẽ chậm thích ứng, khó bắt nhịp với các thói quen mới. Thông thường, các toà soạn sẽ ưu tiên vào thế hệ kế thừa, thậm chí nhiều tòa soạn còn tập trung vào thế hệ Gen Z, bởi vì thực tế thế hệ trẻ sẽ ngày càng ứng dụng công nghệ nhiều nhất.

Nhiều tòa soạn vừa ứng dụng công nghệ mới vừa giữ các quy trình sản xuất cũ, dần dần thay thế công nghệ mới. Các đài phát thanh truyền hình ở địa phương phát triển hai loại hình, một là loại hình tin chính thống và loại hình còn lại là bản tin trên các nền tảng số như: tiktok, youtube, facebook… Như vậy, chuyển đổi số ngoài vấn đề thay đổi tư duy còn lựa chọn đối tượng bắt nhịp để chuyển đổi số. Thay đổi đó bắt nguồn từ từng người, từng phòng ban, sau đó sẽ là thay đổi cả tòa soạn, sau khi đã thay đổi được mọi người sẽ cùng phối hợp với nhau để tạo ra những sản phẩm báo chí mới, hiệu quả sẽ thay đổi nhanh chóng.

AI có thể đo lường được sự phát triển, thậm chí so sánh được sự thay đổi của từng cá nhân, trước và sau khi họ ứng dụng các công cụ của AI. Biết được thời gian hoàn thành và tạo ra tác phẩm báo chí chất lượng ra sao so với trước đây. Hiệu suất công việc có thể tăng lên 20% – 30% trong cùng một thời gian. Phóng viên có thể đi được nhiều chương trình trong ngày hơn thay vì chỉ đi một địa điểm, một hội nghị, hội thảo như trước.

+ Báo chí dữ liệu là một phần không thể thiếu trong hoạt chuyển đổi số báo chí, theo ông, AI sẽ có vai trò như thế nào?

– AI có thể tổng hợp các bài viết trong quá trình phát triển nhiều năm của một tờ báo, đó chính là phát triển báo chí dữ liệu, tư liệu. Ví dụ chủ đề về một ngân hàng nào đó, thì toàn bộ hàng trăm bài viết về ngân hàng đó có thể được thống kê với tít và link bài cụ thể. Nếu mở rộng phạm vi khi sử dụng công cụ này sẽ kết hợp được vấn để bảo mật và giữ bản quyền ở các tờ báo và trở thành một “đặc sản” chỉ có tờ báo đó cung cấp. Nhờ vào việc tổng hợp thông tin nên AI có thể lưu giữ các nội dung dữ liệu theo từng lớp thời gian, chủ đề khác nhau, điều này tạo ra bằng chứng rõ ràng và sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro phát sinh cho những người làm báo khi vướng vào các vụ thưa kiện viết bài không đúng sự thật.

Khác với ChatGPT, tất cả các công cụ AI mà công ty chúng tôi đang tập huấn cho các phóng viên, biên tập viên đều do các kỹ sư người Việt sáng tạo ra. Họ đều xây dựng, phát triển trên các hệ thống lập trình, tư duy và dữ liệu từ người Việt. Điều này cũng đảm bảo được tính an toàn lâu dài, bền vững cho toàn bộ hệ thống. Chẳng hạn như công cụ bóc băng phải được xử lý nhận dạng từ dữ liệu âm thanh hơn 5.000 giờ của người Việt 3 miền Bắc – Trung – Nam để từ đó mới có thể tạo ra được “bản dịch” văn bản tiếng Việt chỉ dành riêng cho người Việt.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Lê Tâm (Thực hiện)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/chuyen-gia-truyen-thong-pham-tan-anh-vu-ai-se-lam-thay-doi-cach-lam-cach-tac-nghiep-truyen-thong-post259832.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa