Nông thôn hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Đó là thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển. Đặc biệt là những thay đổi từ phong trào xây dựng Nông thôn mới nhiều năm gần đây. Diện mạo đặc trưng của nông thôn là làng, đã trở nên tươi sáng, sinh động, vượt thoát ra khỏi cái ấn tượng làng thôn lam lũ trong lịch sử kéo dài hàng mấy ngàn năm…
Một trong những động lực của sự thay đổi ấy là giao thông kết nối từ làng xã lên huyện tỉnh và thành phố. Sự kết nối này làm làng quê trở nên gần gũi với cư dân thành thị, là những người sinh ra và lớn lên ở làng, ra đi, lập nghiệp làm ăn, thành thị dân, mà vẫn gắn bó với làng quê của mình.
Bây giờ, có nhiều con đường để trở về làng, nhất là những làng thôn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày trước, tôi đi từ Hà Nội về làng tôi, phải mất mấy đận xe tàu, có khi từ sáng sớm đến tối mịt, hoặc phải ngủ lại thị xã Thái Bình, hôm sau mới đạp xe về làng được. Nhưng giờ đã có đến ba, bốn con đường về làng, chỉ non hai tiếng là tới. Có khi cuối chiều làm việc xong, chạy về làng ăn cơm tối, trò chuyện chán rồi lại lên, mai đi làm bình thường.
Làng tôi giờ đô thị hóa mạnh mẽ lắm. Con đường qua làng như đường tỉnh, rầm rập xe chạy cả trong đêm, đèn đường sáng trưng. Nhà toàn xây hiện đại. Các hình thức dịch vụ chả kém gì ở huyện, ở tỉnh, cũng đã được đưa về đến ngay đầu ngõ…
Nhưng như một chu kỳ phát triển, sau những tầng nấc lên cao, thì lại phải nghĩ đến sự thay đổi để càng ngày càng phù hợp hơn với xu thế của thời đại mà vẫn giữ được bản sắc và những giá trị căn cốt. Với nông thôn hiện nay cũng vậy.
Trong những phấn khởi, tôi lại bắt đầu nhìn ra những buồn lo. Cứ nhìn ngắm kỹ và suy ngẫm từ cái làng của mình, là lại thấy. Nhiều nhà xây hơn, to đẹp hơn, nhưng là từ tiền ở đâu mang về. Đường đi lối lại trong làng tôi cũng đẹp, là một phần từ ngân sách nhà nước, còn lại thì xã hội hóa, từ các doanh nhân làm ăn thành đạt gửi về đóng góp. Ở làng cũng có một vài gia đình khá giả, là do làm thương mại, dịch vụ. Còn đa số người làm nghề nông thì chẳng thể giàu được. Cấy lúa bây giờ không ăn thua. Trồng các thứ cây khác thì rất ít đầu ra. Chăn nuôi thì phập phù. Như nuôi lợn ấy, có nhiều lúc giá xuống, bán rẻ như cho, chưa kể nhiều đợt dịch bệnh bất thường nữa…
Làng ngày thường vắng vẻ lắm. Thanh niên đi làm xa, đến khắp các nơi trongcả nước. Ở lại làng một số người, là giáo viên, cán bộ xã, một số thì xin được vào mấy xưởng may xuất khẩu. Làng toàn người già, đến trẻ con cũng vắng bóng. Nhiều người bảo là làng “rỗng”, mỗi năm chỉ lấp đầy được đôi ba bận, đông đúc, ồn ào dịp lễ tết, thanh minh, rồi lại ắng lặng đi rất lâu.
Bây giờ trồng cấy lúa gạo không có giá trị như thời cái ăn còn thiếu thốn nữa. Hạt gạo từ làng cũng không được chuộng như gạo miền Nam ra hay gạo Thái Lan. Làm nông nghiệp ở làng không tương lai như trai gái làng không ly hương là không khá giả vậy. Nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Chi phí sản xuất cao mà giá bán thóc gạo, nông sản rất thấp. Trong khi cũng lao động ấy, đi làm việc khác, có khi ngay trong làng xóm của mình, thì thu nhập cao hơn. Có một số lượng hộ dân cố gắng duy trì canh tác, chủ yếu là để tự túc thóc gạo. Còn nếu tự túc được thóc gạo theo cách khác là người ta cho thuê, không cho thuê được thì bỏ luôn. Theo thống kê thì tổng diện tích ruộng bỏ hoang hiện nay là rất lớn và càng ngày càng tăng lên. Đất không còn giá trị như trước đây nữa.
Tôi nhớ, đã có hồi người ta nói rất mơ mộng rằng: Để đủ gạo cho cả nước ăn và xuất khẩu thì nên để cho đồng bằng Nam Bộ làm là tốt nhất. Còn đồng bằng Bắc Bộ chỉ nên trồng ít lúa thôi, những loại đặc sản ấy, số đất thừa ra thì nghiên cứu trồng cây công nghiệp, rồi làm công nghiệp, làm du lịch, văn hóa… Bây giờ thấy chả là mơ mộng viển vông nữa, mà đúng là câu chuyện thực tế rồi.
Lại thêm hiện trạng này nữa. Đất ruộng bỏ hoang nhưng làng thì có cảm giác càng ngày càng bé lại vì nhà mới được xây thêm. Về đến làng mà lại gặp nhà ống, nhà phân lô chen chúc nhau.
Tôi đã đi đến nhiều vùng nông thôn ở Mỹ, ở Canada, Hàn Quốc… Nông thôn của họ là những cánh đồng, những trang trại mênh mông. Bên cạnh đấy là những khu rừng, hồ nước cũng mênh mông, là sinh thái, là thiên nhiên, chứ không phải chỉ các ruộng lúa nối tiếp nhau như ở ta. Và làng của họ cũng ra… làng. Nhà nông dân là nhà to, vườn rộng, là hồ nước mát lành, là thảnh thơi, xe ô tô về làng đỗ đầy.
Làng của chúng ta càng ngày càng nhỏ. Đất làng mà thành phân lô, xây nhà ống, đường đi lối lại bé tí, thì không thở được, dần dần rồi sẽ chẳng còn là làng nữa…
Vì những lý do nói trên, có lẽ bây giờ chính là đã đến lúc ta cần làm lại một đại quy hoạch mới về nông thôn để hướng đến tương lai. Phải nhanh chóng chuyển đổi sang những cách thức làm nông nghiệp kiểu mới để nâng cao giá trị của những cánh đồng ngàn đời nay. Nông nghiệp kiểu mới làm tăng giá trị của đất và như thế thì sẽ không cần thật nhiều diện tích trải ra mọi nơi như hiện nay.
Tôi nghĩ đến những mô hình công nghiệp nông lâm nghiệp, như của Tập đoàn THACO Trường Hải mới triển khai ở Thái Bình, hay các mô hình nông nghiệp mới của Tập đoàn Vingroup hay của Tập đoàn TH Trumilk nữa.
Hồi đầu năm 2019, Tập đoàn công nghiệp cơ khí và ô tô THACO Trường Hải công bố quy hoạch và triển khai thực hiện Dự án Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp Đồng bằng Bắc Bộ tại Quỳnh Phụ, Thái Bình. Đó là một Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp, có tổng diện tích 250 ha, gồm các phân khu chức năng. Phân khu đầu vào gồm: Các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, cánh đồng thực nghiệm nhằm ứng dụng cơ giới tự động hóa và quản trị dựa trên số hóa. Phân khu chế biến đầu ra gồm: Hệ thống kho chứa và bảo quản nông sản; Các nhà máy xay xát, chế biến lương thực từ ngũ cốc. Cảng sông gồm: Phân khu cảng sông chính kết nối Khu công nghiệp với các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ và phân khu bến thủy nội đồng kết nối khu công nghiệp với các cánh đồng lúa trong tỉnh Thái Bình. Song song đó, THACO thành lập Công ty đầu tư khu công nghiệp và triển khai thành lập công ty sản xuất, chế biến nhằm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp; cung cấp các giải pháp canh tác, thu hoạch cho nông dân và bao tiêu sản phẩm, bảo quản, chế biến, phân phối và xuất khẩu…
Trong bài phát biểu tại sự kiện ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương nói: “THACO đã nghiên cứu và nhận thấy rằng: Mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam liên tục phát triển nhưng đã đến lúc phải thay đổi cơ bản, và có thể phải làm lại từ đầu, theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có chất lượng an toàn và ổn định, đồng thời đảm bảo cạnh tranh trong hội nhập. Dựa trên những nguồn lực tích lũy được từ quá trình phát triển, THACO có thể tham gia đóng góp cho sự thay đổi cơ bản và phát triển ngành nông nghiệp của đất nước với tầm nhìn là: Trở thành một trong những doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu theo hướng sản xuất công nghiệp có quy mô lớn áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa bằng các thiết bị chuyên dụng và quản trị dựa trên nền tảng số hóa, theo chuỗi giá trị khép kín và chuyên biệt cho các loại nông sản, trước mắt là trái cây và ngũ cốc, mà chủ yếu là lúa, trong đó có ứng dụng công nghệ cao và sử dụng vật tư nông nghiệp hữu cơ và sinh học”.
Tôi cho rằng, từ thực tế triển khai một dự án tầm cỡ như thế này ở Thái Bình, ngoài việc tạo ra sự thay đổi lớn ở địa phương, thì còn cung cấp cho ta rất nhiều quan sát và kinh nghiệm để thúc đẩy tư duy với tầm nhìn xa để xây dựng một “Đại quy hoạch mới cho nông thôn Việt Nam” trong tương lai.
Cùng với việc dồn điền đổi thửa tạo nên những cánh đồng lớn làm nông nghiệp trình độ cao, đất được tăng thêm giá trị thì sẽ thừa ra diện tích, sẽ dùng để chuyển đổi mà mở rộng làng, mở rộng những không gian sinh hoạt cộng đồng, không gian tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, rồi các khu du lịch sinh thái ngay gần các làng, chuyển đổi để phá đi không gian thổ cư chật hẹp.
Tất cả những điều ấy là điều kiện vật chất để bồi đắp nên cái nền tảng vững chắc của văn hóa làng, là để gìn giữ cái gốc để con người ta hướng về tổ tiên, về nơi cố hương…
Cùng với đó là những điều chỉnh chính sách hợp lý về đất đai, đặc biệt là Luật đất đai, đưa giá đất theo thị trường, đúng theo tính chất sở hữu toàn dân.
Tôi mong các nhà quản lý, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư, và nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực, với tầm nhìn xa vượt trội lên, hãy nghiên cứu, khảo sát bài bản, tiếp thu những kinh nghiệm của thế giới và cần rất nhiều bứt phá để có đại quy hoạch này…
Với cá nhân mình, tôi nghĩ, khi đã có một ngôi nhà ở làng, rồi thêm chút chú trọng đầu tư tiện nghi để thành nơi nghỉ ngơi cuối tuần thư thái là một thú vị. Thời hiện đại này, mỗi dịp được nghỉ dài vài ba ngày nhân dịp lễ nào đó trong năm, trong các phương án lựa chọn nơi đi, thì về làng cũng là một hướng để những người ta tính đến. Nếu làng ấy biết vun đắp, gìn giữ được những dấu tích người xưa, tạo nên một không gian văn hóa, không gian sống đầm ấm yên vui, cũng là một cách nối bền truyền thống. Đừng nghĩ kích cầu du lịch ở tận những đâu. Về làng cũng là một loại hình du lịch. Tiêu tiền cho mình trong những ngày nghỉ ở làng cũng là một cách làm giàu cho quê hương thật nhiều ý nghĩa.
Văn hóa, truyền thống làng quê được bồi đắp hơn thì con người càng bền gắn bó với tổ tiên, càng yêu quê hương đất nước của mình hơn.
Nguyễn Thành Phong