Với số lượng di tích phong phú, gồm 480 di tích, trong đó 93 di tích đã được xếp hạng (16 di tích cấp quốc gia và 77 di tích cấp tỉnh), trong những năm qua, công tác quản lý và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn huyện Hoằng Hóa luôn được quan tâm.
Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn có di tích được xếp hạng xây dựng kế hoạch và triển khai khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc giới, thực hiện tốt việc trùng tu, tôn tạo di tích; tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội đảm bảo các quy định.
Để công tác gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa vật thể triển khai hiệu quả, huyện đã quyết định hỗ trợ hàng năm cho các di tích trùng tu, tôn tạo 100 triệu đồng/di tích; đồng thời, chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác xã hội hóa kêu gọi các nguồn lực đầu tư kinh phí bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các di tích lịch sử – văn hóa. Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, huyện đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích như: Đền thờ Thái Bảo Thọ quận công Cao Tư (xã Hoằng Phúc); Khu di tích Đền thờ tướng quân Cao Bá Điển (xã Hoằng Giang); Đền thờ Quốc mẫu Hà Thị Cai (xã Hoằng Xuân)…
Bên cạnh đó, huyện quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, các điểm vui chơi giải trí; lập quy hoạch tổng thể hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn toàn huyện, quy hoạch theo vùng các cụm di tích, đặc thù của các di tích, các lễ hội, các tuyến du lịch; tăng cường bảo quản di vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích. Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển văn hóa gắn với du lịch…
Đặc biệt, thực hiện việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, huyện ủy đã ra Quyết định số 63-QĐ/HU ngày 1-12-2015 về việc ban hành chương trình phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển du lịch – dịch vụ giai đoạn 2016-2020.
Huyện đã xác định thực hiện bảo tồn, phát huy và quản lý các di tích, di sản văn hóa vật thể trên địa bàn nhằm khai thác trong các tour phục vụ phát triển du lịch. Tập trung khảo sát quy hoạch một số di tích trọng điểm để khai thác hoạt động du lịch, như: Núi Linh Trường, Hòn Bò và quần thể di tích Tượng đài lão dân quân Hoằng Trường; Bia lưu niệm chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các luật về công tác quản lý các di tích danh thắng, kiên quyết ngăn chặn tình trạng xây dựng, mở rộng thêm các công trình khác khi chưa được cấp phép. Các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các phòng, ban của huyện trong việc lập quy hoạch, đề xuất xin chủ trương hỗ trợ trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích do địa phương quản lý.
Ông Lê Thanh Cảnh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoằng Hóa cho biết, nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp bảo tồn di tích, di sản nên trong giai đoạn từ 2015 đến nay, toàn huyện có 40 di tích được quy hoạch trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp (chiếm 45% tổng di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện).
Trong đó, có 25 di tích đang được trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp và 19 di tích đã hoàn thành trùng tu, tôn tạo. Các di tích được tập trung đầu tư xây dựng tiêu biểu như: Kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Tô Hiến Thành (xã Hoằng Tiến); Cụm di tích xã Hoằng Lộc, di tích Cách mạng Cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng); di tích Cách mạng Cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo); di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Triệu Việt Vương (xã Hoằng Trung)…
Để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể, thời gian tới huyện Hoằng Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân về bảo tồn các di tích; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo các di tích; đặc biệt, sẽ chú trọng đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
Theo Baothanhhoa