Báo Lao động và Xã hội tròn 30 năm tuổi: Khó khăn thử thách đã rèn luyện nên bản lĩnh và phẩm chất của người làm Báo Lao động & Xã hội

17:12 | 25/08/2023

Đó là nhấn mạnh của Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thu Hằng tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập báo Lao động & Xã hội (25/8/1993-25/8/2023). 3 thập kỷ qua, vượt qua khó khăn của những ngày đầu thành lập, Lao động & Xã hội đã phát triển vượt bậc, trở thành tờ báo mang đậm bản sắc của ngành LĐTB&XH.


Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập báo Lao động & Xã hội.

Từ nỗ lực gieo mầm của Bộ trưởng Trần Đình Hoan
Cách đây tròn 30 năm, ngày 25/8/1993, Báo Lao động và Xã hội ra đời, là tờ báo đầu tiên của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hòa chung trong công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới sự nghiệp báo chí Việt Nam. Nhưng để có được sự khai sinh này, ít người biết rằng đó là cả nỗ lực rất lớn.

Theo hồi ức của nhà báo Nguyễn Ngọc Niên- nguyên Tổng Biên tập báo Lao động & Xã hội- người gần như gắn bó cả một thời thanh xuân nhiệt huyết cho sự phát triển tờ báo: Vào thời điểm thập niên 80 của thế kỷ 20, đất nước ta đang đứng trước vô vàn thử thách cam go: Vấn nạn giải quyết công ăn việc làm trong xã hội đang nhức nhối; Chính sách tiền lương sau thất bại của cuộc cải cách Giá – Lương – Tiền năm 1985 là một bài toán vô cùng hóc búa; Chính sách đối với người có công với nước và giải quyết hậu quả thời hậu chiến của một đất nước trải qua chiến tranh triền miên v.v… và v.v… Lĩnh vực lao động và xã hội đang thực sự trở thành hai đại vấn đề của quốc gia!….

Bộ trưởng Trần Đình Hoan thăm và làm việc tại Báo Lao động &Xã hội.

Trong bối cảnh ấy, người đứnng đầu ngành LĐ-TB&XH khi ấy- Tiến sĩ, Bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương Đảng Trần Đình Hoan- đã đau đáu ấp ủ sự cần thiết phải có một tờ báo là cơ quan ngôn luận của ngành để làm công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, hoạch định chính sách và tiếp thu phản hồi từ thực tiễn của cuộc sống để chính sách được hoạch định ngày một hoàn thiện hơn. Thời kỳ đó tuy là một bộ lớn của Chính phủ có trọng trách hết sức nặng nề nhưng chỉ có một tờ tạp chí mang tính nghiên cứu nên không thể phổ biến sâu rộng được các lĩnh vực công tác của ngành. Ý tưởng ra đời một tờ báo mới của ông đã được phổ biến, truyền đạt trong tập thể lãnh đạo và toàn cơ quan Bộ.

Nguyên Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Niên ôn lại kỷ niệm những ngày đầu ra Báo.

Cũng theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Ngọc Niên, thương hiệu tờ báo được lựa chọn mang tên Lao động &Xã hội cũng đầy ý nghĩa, cái tên này chuyển tải được hết thông điệp về một tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ LĐ-TB&XH.

Ngày thành lập tờ báo cũng mang ý nghĩa đặc biệt. “Đầu tháng 8/1993, mọi tiến trình chuẩn bị cho sự ra đời của Báo đã hoàn tất. Giờ là lúc phải chọn cho Báo một thời điểm đẹp để làm ngày chào đời. Ban biên tập đầu tiên của Báo có Anh hùng Trịnh Tố Tâm, anh Lê Văn Minh, anh Kim Quốc Hoa và tôi đều xuất thân từ người lính. Để lưu giữ một kỷ niệm đẹp đẽ và hào hùng, chúng tôi đã trình bày phương án lên Bộ trưởng Trần Đình Hoan và Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm cho phép chọn ngày 25/8 – ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm ngày thành lập. Sáng kiến này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ. Vì lẽ đó, Báo Lao động & Xã hội đã có một ngày sinh hết sức có ý nghĩa. Đúng ngày 25/8/1993, chỉ sau một thời gian ngắn khẩn trương tổ chức vận hành, số báo đầu tiên chính thức đã ra đời và được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Trước đó, đêm 21/8/1993, số báo đầu tiên đã được in ấn xong tại TP. Hồ Chí Minh và ngày 23/8 được chở máy bay ra Hà Nội. Ngày 24/8, Báo chính thức làm Lễ ra mắt tại Thủ đô Hà Nội và đúng ngày khai sinh 25/8, Báo làm Lễ ra mắt rất trọng thị tại Dinh Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh.”- nhà báo Nguyễn Ngọc Niên chia sẻ.

30 năm không ngừng đổi mới, không ngừng lớn mạnh
Một điều rất đáng mừng, như chia sẻ của Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thu Hằng, ngay từ những ngày đầu thành lập, báo Lao động & Xã hội đã thu hút được nhiều phóng viên và những cây viết sắc sảo trong làng báo về đầu quân. Các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp đều mua báo Lao động & Xã hội, số lượng phát hành rất cao. Từ chỗ báo in tại miền Nam, phát hành 2 tuần 1 kỳ, báo tăng lên mỗi tuần 1 kỳ, rồi 1 tuần 2 kỳ, đến năm thứ hai, ngày 31/8/1995 với chủ trương không ngừng cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, báo đã đổi mới toàn diện nội dung và hình thức, ra mắt bạn đọc bộ mới và tăng lên 1 tuần 3 kỳ.

Báo đã nhanh chóng định hình các trang và chuyên mục về lao động, việc làm, dạy nghề, người có công… mang bản sắc của tờ báo ngành Lao động – Thương binh & Xã hội. Mọi hoạt động của Bộ, ngành đều được báo đề cập, phản ánh nhanh, đầy đủ và chuyên sâu…

Phó Tổng biên tập Nguyễn Thu Hằng ôn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Báo Lao động & Xã hội.

Những năm qua, Báo đã có nhiều thay đổi, củng cố cơ bản, mạnh mẽ về quy trình làm báo, về tổ chức cán bộ. Báo bám sát tôn chỉ mục đích, nâng cao chất lượng nội dung, nâng cao tính thời sự, tính chuyên sâu và tính hấp dẫn; sức mạnh tập thể được phát huy. Đội ngũ cán bộ, phóng viên học hành chính quy, bài bản, được đào tạo thường xuyên qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm của Bộ; qua các lớp của Dự án SIDA Thụy Điển do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; qua sự góp ý, gợi mở hướng dẫn của lãnh đạo Toà soạn; tự đào tạo trong tòa soạn…

Cuối năm 2013, Báo Lao động & Xã hội ra mắt trang thông tin điện tử tổng hợp trên Internet (Dân sinh) và tháng 9/2016 là Báo điện tử Dân sinh (với tên miền baodansinh.vn) đã góp thêm một kênh thông tin về lĩnh vực an sinh xã hội. Thông tin ngày càng nhanh, đầy đủ hơn, mang phong cách báo chí hiện đại, tay nghề của đội ngũ làm báo ngày càng vững vàng.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay Báo Lao động & Xã hôi có 8 phòng, ban và Văn phòng đại diện. Tổ chức bộ máy đơn vị được củng cố theo hướng tinh gọn và đi vào hoạt động đồng bộ. Từ một chi bộ thuộc Đảng bộ cơ quan Bộ, đến nay Báo có Đảng bộ cơ sở với 45 đảng viên sinh hoạt tại 06 chi bộ trực thuộc. Tổ chức Công đoàn cơ sở có 58 đoàn viên. Tổ chức Đoàn TNCS HCM có 6 đoàn viên.

Trong điều kiện báo mạng gia tăng, bạn đọc báo in giảm rõ rệt, Báo Lao động & Xã hội vẫn nỗ lực, tìm mọi biện pháp duy trì ổn định số lượng phát hành. Với 1 tuần 3 kỳ phát hành, lượng phát hành đạt bình quân trên 1 vạn bản/kỳ.

Báo còn ghi dấu ấn với nhiều hoạt động truyền thông và tổ chức sự kiện. Các chương trình do Báo phối hợp tổ chức đều thành công, uy tín, đạt được mục tiêu đề ra. Đã có rất nhiều sự kiện được Báo tổ chức để lại dấu ấn tốt đẹp trong độc giả và các đối tượng xã hội như chương trình giao lưu văn nghệ “Tổ quốc linh thiêng” tại Nhà hát Lớn năm 2016 (sau này là “Linh thiêng Việt Nam”). Năm 2018, chương trình “Tổ quốc linh thiêng” đã dành kinh phí để tổ chức trao quà cho đối tượng chính sách tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) với số tiền gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chương trình, sự kiện khác như Giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp có chính sách nhân sự xuất sắc: “Vietnam HR Awards”, “Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình và trẻ em” được duy trì và hoạt động hiệu quả trong suốt 10 năm qua.

Các hoạt động xã hội từ thiện như tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình chính sách, chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa… được Báo duy trì tổ chức thường xuyên hàng năm.

Hành trình phát triển 30 năm qua của Báo Lao động & Xã hội, như khẳng định của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Báo Lđã có bước phát triển vượt bậc. Báo Lao động & Xã hội, báo điện tử Dân sinh, chuyên trang và ấn phẩm Vì trẻ em luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đi đầu truyền thông chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, lao động, việc làm, người có công, phòng chống tệ nạn xã hội, trẻ em, bình đẳng giới; làm tốt vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ, diễn đàn của nhân dân, tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Vững bước trên hành trình phía trước
Đời sống báo chí, truyền thông đang có những bước chuyển mạnh mẽ. Với riêng báo Lao động và Xã hội, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện bước 2 quy hoạch sắp xếp lại các cơ quan báo chí của Bộ, Báo có thể sẽ tiếp tục có những sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức và nhân sự. Thách thức có lẽ sẽ còn nhiều ở phía trước.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho Báo Lao động & Xã hội vì đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Báo.

Nhưng, như lời Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thu Hằng, toàn thể cán bộ phóng viên của Báo đều ý thức được rằng, dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người đều luôn luôn thực hiện đúng chức phận của mình, là những người làm báo chân chính, luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn để đạt được 6 chữ của nghề báo mà nhà báo lão thành Hữu Thọ đã nêu: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”!. .

Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Bộ giao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả trong tình hình mới, trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Lao động & Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đồng chí lãnh đạo, phóng viên và nhân viên của Báo phát truyền thống tự hào 30 năm xây dựng báo ngành, kiên định thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; tập trung tuyên truyền và vận động các tổ chức, cá nhân, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đời sống của người lao động, người có công với cách mạng và các đối tượng xã hội; tích cực phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, phổ biến mô hình điển hình tiên tiến; đấu tranh, phê phán các vi phạm, hiện tượng tham nhũng, tiêu cực… phấn đấu trở thành tờ báo đi đầu truyền thông chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, lao động, việc làm và người có công.

Báo phải thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo, đổi mới nội dung, hình thức, có chiến lược phát triển theo hướng tiếp cận công nghệ hiện đại; xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, có khả năng nắm bắt và hành nghề trong môi trường số.

Báo cần thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành, tác nghiệp trong các hoạt động của Báo; tham gia xây dựng nền tảng số trong phân phối nội dung và chia sẻ dữ liệu báo chí, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mới theo sự chỉ đạo của Bộ.

Những chỉ đạo ấy của đồng chí Thứ trưởng cũng là hành trình, là mục tiêu mà tập thể báo Lao động & Xã hội đang quyết tâm hướng tới. 30 ănm qua, tờ báo đã vượt qua nhiều khó khăn thửa thách, tham gia tích cực vào sự nghiệp lao động, người có công và xã hội, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Ngành LĐTBXH và cũng chính sự vững bước, bền tâm ấy tiếp tục sẽ là hành trang để báo Lao động & Xã hội vững bước hướng tới tương lai.

PV

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/kho-khan-thu-thach-da-ren-luyen-nen-ban-linh-va-pham-chat-cua-nguoi-lam-bao-lao-dong-xa-hoi-post261923.html

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Ký sự: “Cổng trời” Mường Lống rạo rực đón Xuân

Ký sự: “Cổng trời” Mường Lống rạo rực đón Xuân

Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường cho con em dân tộc thiểu số

Xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường cho con em dân tộc thiểu số

Khai mạc Hội chợ Công nghệ – Thiết Bị tỉnh Bình Thuận 2023

Khai mạc Hội chợ Công nghệ – Thiết Bị tỉnh Bình Thuận 2023

Cần Thơ: Tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư

Cần Thơ: Tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Du lịch làng nghề cần ‘đánh thức’ tiềm năng sẵn có ở các địa phương – Hiệu quả kép trong phát triển kinh tế

Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC: Du lịch làng nghề cần ‘đánh thức’ tiềm năng sẵn có ở các địa phương – Hiệu quả kép trong phát triển kinh tế

“Đất rừng phương Nam” chỉnh sửa nội dung là cần thiết

“Đất rừng phương Nam” chỉnh sửa nội dung là cần thiết