GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

19:25 | 26/02/2024

Giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh, nhà nghiên cứu văn học Nga, nhà lý luận văn học và nhà báo về văn học nghệ thuật uyên bác, lão thành và uy tín hàng đầu đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 12 giờ ngày 24 tháng 2 năm 2024 tức ngày rằm tháng giêng năm Giáp Thìn, thọ 91 tuổi.

Giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh.

Sinh ra tại vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng Quảng Trị, ngay từ thời thanh thiếu niên, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh đã sớm tham gia kháng chiến chống Pháp, làm nhân viên quân báo huyện đội Gio Linh và năm 1949. Ông được kết nạp vào Đảng cộng sản VN từ năm 1949, năm ông mới 16 tuổi.

Sau thắng lợi của kháng chiến chống Pháp, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh được tập kết ra miền Bắc. Ông sớm được đưa vào học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường Đại học lớn nhất ở miền Bắc, khi trường thành lập năm 1956. Năm 1959, ông tốt nghiệp và ngay lập tức được chọn đưa đi đào tạo tại Liên xô trong hơn 8 năm tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov danh tiếng, từ một thực tập sinh cao cấp đến khi nhận bằng tiến sĩ ngữ văn. Về nước, Hồ Sĩ Vịnh về công tác tại Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội VN Í ít năm rồi sau đó chuyển về Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thông tin nhận công tác thư ký tòa soạn rồi Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ thuật kiêm ủy viên Hội đồng khoa học Viện, cơ quan nghiên cứu văn hóa nghệ thuật lớn nhất đất nước hơn 10 năm liền (1986-1996).

Sau khi về hưu, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh tham gia sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc (nay là Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc trực thuộc Liên hiêp các Hôi Khoa học và Kỹ thuật VN), trực tiếp làm Tổng Biên tạp tạp chí Văn hiến VN từ năm 2000 đến năm 2006.

Với hơn 30 tác phẩm đã xuất bản, nổi bật là những nhiều đầu sách học thuật mới mẻ và nhiều giá trị như: Puskin (bút ký chân dung, 1983), M.Gorki với văn nghệ dân gian (1985), Lênin và sự hình thành người nghệ sĩ kiểu mới (1986), Tư duy mới và phẩm chất văn nghệ sĩ (1989),Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới (2002), Về bản lĩnh văn hóa Việt Nam (2005), Văn hóa Việt Nam – Những nét đặc sắc, Có một nền văn minh Nga – Văn hóa học, Triết học văn hóa – Một lĩnh vực mới của triết học hiện đại, Văn hóa hòa giải – Một khái niệm mới trong văn hóa toàn cầu, Văn hóa con người – Một khía cạnh mới của văn hóa học… , đặc biệt là bộ sách Tuyển tập Hồ Sĩ Vịnh gồm 3 tâp xuất bản năm 2002 (tập I), năm 2009 (tập II) và năm 2013 (tập 3) gần 3000 trang do nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản với sự cộng tác của tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh được coi là nhà nghiên cứu văn học Nga và văn hóa nghệ thuật VN tâm huyết, trách nhiệm, có tầm bao quát và kiến thức sâu rộng, có uy tín cao.

Ngoài học hàm giáo sư và học vị tiến sĩ, Hồ Sĩ Vịnh vinh dự được Viện Hàn lâm nghệ thuật Phương Đông Cộng hòa Liên bang Nga trao bằng Viện sĩ năm 2002.

Ông còn là Hội viên Hội Nhà văn VN và hội viên Hội Nhà báo VN.

Năm 2013, cuốn sách Toàn cầu hóa và văn học nghệ thuật của Hồ Sĩ Vịnh đã được trao tặng Giải B Giải thưởng của Hội đống Lý luận phê bình VHNT Trung ương.

Năm 2024, Hồ Sĩ Vịnh vinh dự được trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Trong quá trình công tác ông còn nhận được nhiều phần thưởng vinh dự khác như huy chương Chiến thắng hạng nhì trong kháng chiến chống Pháp, huân chương Kháng chiến hạng ba trong kháng chiến chống Mỹ và đặc biệt là huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng năm 2009…

Cuộc đời 91 tuổi của giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh với tầm nhìn bao quát, tài năng sáng tạo và lao động khoa học nghiêm cẩn, ông đã để lại một di sản quý giá đóng góp nhiều cho văn hóa Việt Nam và văn hóa Nga.

Trong cuộc sống, trên các cương vị công tác lãnh đạo tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và tạp chí Văn hiến VN, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh luôn là một con người khiêm nhường, tận tụy, ân nghĩa với mọi người, luôn là tấm gương sáng của một nhà báo, nhà khoa học nhân văn chân chính, tôn trọng sự thật và chân lý, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện phi văn hóa, phi dân tộc, phi nhân văn. Đặc biệt, ông luôn thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng các cộng sự cấp dưới, vô tư giúp họ trưởng thành, thành công trong công tác và sự nghiệp báo chí, khoa học.

Trong gia đình, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh là một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, luôn cổ vũ và ủng hộ con cháu phấn đấu thành công bằng nỗ lực học tập và phấn đấu vươn lên không ngừng của bản thân. Ông còn là một con người rất yêu, tự hào và sẵn sàng tự nguyện làm bất cứ việc gì trong khả năng để đóng góp cho quê hương Quang Trị. Tuy sống ở Hà Nội và khi đã tuổi  cao sức yếu, giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh vẫn thường xuyên đưa gia đình về thăm quê hương và đã trực tiếp viết hoặc chủ biên một số cuốn sách về đất và người Quảng Trị.

Giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh đi xa, đất nước mất đi một nhà khoa học nhân văn hàng đầu, có ảnh hưởng trong nước và quốc tế, bạn bè đồng nghiệp mất đi một người bạn chân tình, ân nghĩa, gia đình mất đi một người chồng, người cha, người ông có tình thương yêu sâu nặng, có sức động viên lớn lao, quê hương Quang Trị mất đi một người con ưu tú, bà con láng giềng mất đi một người hàng xóm thiện lành, đáng mến.

Tất cả chúng ta đều có thể tự hào về sự nghiệp phong phú và nhân cách cao đẹp của giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh. Hình ảnh, sự nghiệp, nhân cách của ông sẽ còn sống mãi với quê hương, đất nước, gia đình và tâm khảm của mỗi chúng ta.

Kính chúc ông sớm siêu linh tịnh độ, an vui ở chốn vĩnh hằng và phù hộ gia đình, con cháu bạn bè đồng nghiệp thành đạt và hạnh phúc.

Nguyễn Thế Khoa – Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam

Cùng chuyên mục

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA