Ngày 24/11 tới đây, tỉnh Cao Bằng sẽ chính thức tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Danh hiệu này đã được hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp thông qua hồi tháng 4/2018. Sau CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, CVDC Non nước Cao Bằng trở thành CVĐCTC thứ hai tại Việt Nam.
Là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình hiểm trở, với đường biên giới giáp Trung Quốc dài trên 333 km và 95% dân số là dân tộc thiểu số, Cao Bằng là một trong những tỉnh thành gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, du lịch. Đây cũng là tỉnh chỉ có loại hình giao thông đường bộ, điều này càng gây nhiều cản trở trong việc giao lưu, thông thương với các vùng kinh tế khác.
Cao Bằng sẽ chính thức tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
Thế nhưng, Cao Bằng lại có thế mạnh khi có nhiều địa điểm du lịch, khu di tích nổi tiếng. CVĐC Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc. Nơi đây có hệ thống đa dạng địa hình, cảnh quan đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm….
Ngoài ra, trong hệ thống công viên địa chất đã tồn tại khoảng 500 triệu năm còn có nhiều khoáng sản, các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản… cũng như nhiều danh thắng nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao, thác Bản Dốc…
Trong buổi họp báo ngày 6/11, theo ông Sầm Việt An – Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Cao Bằng, tỉnh sẽ đẩy mạnh kết nối hạ tầng cơ sở giao thông, xây dựng tuyến cao tốc nối từ Lạng Sơn về Cao Bằng. Đồng thời, kết hợp đầu tư, xây dựng điểm du lịch, phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh các loại hình du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm, hợp tác với các đối tác nước ngoài để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ khai thác 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên địa chất để thu hút khách du lịch, bao gồm: Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng) và tuyến thứ 3 là du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở sứ xở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang).
Theo Hồ An