Có lẽ không có một hình thức dân ca nào ở nước ta có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc và thời điểm ra đời như dân ca quan họ. Nếu các dân ca khác thường chỉ có một, hai nhiều nhất là bốn, năm truyền thuyết về nguồn gốc thì tổng hợp của nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung (trong công trình “Quan họ – nguồn gốc và quá trình phát triển” – NXB Khoa học xã hội 1978) căn cứ theo ghi chép của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Duy Kiện, Nguyễn Tiến Chiêu, Lê Văn Hảo, các nhóm Lưu Khâm, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc…thì có tới 15 truyền thuyết và hai câu ca lưu truyền trong dân gian kinh Bắc về nguồn gốc và thời điểm ra đời của dân ca quan họ.
Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong bút ký “Hội Lim và cổ tục hát quan họ” có ghi một truyền thuyết khác lưu truyền tại Lũng Giang về nguồn gốc và thời điểm ra đời của quan họ. Các truyền thuyết dân gian bao giờ cũng mang đậm chất thần thoại, huyền thoại, có không ít suy đoán hoang đường, phi lý, nhưng tất nhiên, cũng chứa đựng trong nó nhiều cơ sở hiện thực, duy lý quý giá. Bởi cho đến giờ vẫn chưa tìm thấy tài liệu lịch sử chính thức nào ghi về nguồn gốc quan họ nên hầu hết các nghiên cứu về nguồn gốc quan họ đều phải bắt đầu từ các truyền thuyết.
Hai câu ca dao nói về nguồn gốc quan họ mà nhóm tác giả “Dân ca quan họ Bắc Ninh” sưu tầm được trong các chuyến nghiên cứu điền dã những năm cuối 1950 tại các làng được coi là quan họ gốc, làng Diềm, làng Bịu, cũng là hai làng kết chạ với nhau từ rất lâu, là:
Thủy tổ quan họ làng ta
Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra
Xưa nay nam nữ trẻ già
Nối dòng tiên tổ ắt là hiển vinh…
Quan họ là chúa sinh ra
Bịu Sim là gốc ai mà không ưa.
Cả hai làng này cùng thờ thành hoàng làng là Vua Bà và cả hai đều coi mình là chính quê của Vua Bà, thủy tổ quan họ.
6 dị bản truyền thuyết về Vua Bà theo tổng kết của nhà nghiên cứu Trần Thị An trong chuyên luận “Truyền thuyết và lễ hội đền Vua Bà ở làng Diềm”( ) dù nói Vua Bà vốn là con Vua Hùng, con Long Vương, con bà Tô Cô và ông Lộc Cộc, hai nhân vật huyền thoại tạo nên sông núi ruộng đồng Kinh Bắc, hay xuất thân chỉ là một cô gái lao động bình thường, thì đều có những điểm chung: Vua Bà là người sống rất lâu ở Kinh Bắc, trồng cấy chăn nuôi rất giỏi và có biệt tài về ca hát. Bà đã dạy dân trồng cấy lúa, mía, dâu, đặt ra các bài hát, dạy dân hát và tổ chức các lối chơi ca hát theo một lề lối riêng.
Đền thờ Vua Bà tại làng Diềm cùng các truyền thuyết, ca dao về Vua Bà, lễ hội đền Vua Bà cùng các truyền thuyết khác về nguồn gốc quan họ đã chứa đựng những thông điệp cơ bản sau:
– Do một người hay một tập thể người sống tại các làng quê Kinh Bắc sáng tạo ra: đó có thể là một cô gái cắt cỏ sau thành Nguyên phi Ỷ Lan, là bà chúa chè Đặng Thị Huệ, Vua Bà làng Diềm, đại thần Hiếu Trung Hầu về hưu ở tổng Nội Duệ, chàng Trương Chi xấu số, hay Vua Lý, các quan viên nhà Lý…
– Do tục kết chạ, kết nghĩa giữa các làng thờ chung thành hoàng mà thành.
– Do việc tưởng nhớ thờ cúng các Vua Lý mà thành.
– Thời điểm ra đời cách đây khoảng 12 đời, nhiều khả năng là thời Lý, thế kỷ VI.
1: Trước hết thông điệp đầu tiên là điều ít cần bàn cãi. Thể loại dân ca gắn bó máu thịt với hồn cốt thiên nhiên và con người Kinh Bắc như quan họ chắc chắn phải do cư dân lâu đời của xứ Kinh Bắc sáng tạo nên. Tuy vậy đây là một thông điệp mở: cư dân ấy có thể là một người từ xứ khác đến (như con của Hùng Vương. Long Vương) nhưng dứt khoát phải là người đã định cư lâu dài tại đây, đã coi đây là quê hương xứ sở, có nhiều công lao với nhân dân nơi đây.
Điểm này của thông điệp cho thấy người Kinh Bắc rất công minh, cởi mở, không hề “bản vị”, “địa phương chủ nghĩa” trong hành trình đi tìm nguồn cội của một giá trị văn hoá đặc sắc của quê hương mình. Họ sẵn sàng tôn vinh đóng góp của những người ngụ cư từ tứ xứ. Nhiều nhà nghiên cứu quan họ đã nêu rõ dân ca quan họ không những được nuôi dưõng bằng nguồn sữa những tinh hoa nghệ thuật bản địa Kinh Bắc như hát ví, trống quân, đúm, xẩm, chèo, tuồng…mà còn thu hút vào mình nhiều tinh hoa của nghệ thuật xứ khác như xứ Đoài, xứ Đông, xứ Nam, các dân tộc thiểu số trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và cả Nam Bộ.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã từng nhắc đến đóng góp của các nghệ nhân Chiêm Thành trong việc tạo nên nhưng đặc sắc kiến trúc và âm nhạc Việt thời Lý, trong đó có việc đưa thêm nhiều nét nhạc mới, “hơi” nhạc mới vào dân ca quan họ. Nhạc sĩ Văn Cao cũng từng nhận xét rằng dân ca quan họ đã tạo ra được “Một nét nhạc mà cả ba miền đều yêu thích. Quan họ biết dùng nét nhạc đó làm thành nghệ thuật độc đáo của mình”. Chắc chắn không thể ngẫu nhiên mà quan họ có được nét nhạc tiêu biểu đó.
Tất nhiên, việc tiếp thu tinh hoa tứ xứ để làm nên tinh hoa của mình có thể từ những người Kinh Bắc từng đi “khắp bốn phương trời” trở về nhưng chắc chắn nhiều hơn là do những người tứ xứ đem đến. Lịch sử cư dân kinh Bắc cho thấy đây là một vùng hỗn cư và có một hỗn dung văn hoá từ lâu đời. Có thể điều này góp phần lý giải nguyên nhân sinh thành “nét nhạc mà cả ba miền đều yêu thích” nhu nhạc sĩ Văn Cao đã nêu.
Một điều thú vị nữa có thể nhận thấy từ thông điệp đầu tiên là thành phần xuất thân của những con người được coi là đã sáng tạo nên quan họ. Các truyền thuyết đã nêu ra hai thành phần rõ rệt:
– Những người lao động bình thường, thậm chí có thân phận hèn kém nhưng có tài năng nghệ thuật đặc biệt như cô gái hái củi trên núi Cảm, cô gái đi gặt trên đồng Thổ Lỗi, chàng Trương Chi xấu số bên dòng Tiêu Tương, cô con gái đen đủi của ông bà Tồ Cô – Lộc Cộc hay đôi bạn học Tuấn Khanh – Tài Chung…
– Những người thuộc tầng lớp trên, thuộc hàng quyền quý, “danh gia vọng tộc” như Vua Lý, các quan viên triều Lý, con gái Hùng Vương, con gái Long Vương, Hiếu Trung Hầu làng Lim… Đáng chú ý là những người này, đều có xuất thân từ thành phần lao động bình dân hoặc ít nhất là có sự gắn bó mật thiết với người bình dân
Cho đến bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau có lẽ sẽ chẳng thể nào xác định thật chính xác ai là người sáng tạo ra những khúc ca quan họ đầu tiên, những người bình dân hay các quan viên, vua chúa. Cũng khó thể có căn cứ cụ thể để khẳng định rằng quan họ đã sinh thành từ các cung cấm thời Lý rồi trở về với các luỹ tre làng hay đã từ các luỹ tre làng nhập cung rồi quay lại cuộc sống dân giã như những giả thuyết của một số nhà nghiên cứu.
Nhưng với những gì được biết từ sinh hoạt quan họ, từ nhạc ngữ quan họ, chúng ta có thể nhận định cả hai thành phần mà các truyền thuyết về nguồn gốc quan họ nêu ra đều đã tham gia sáng tạo phát triển quan họ. Quan họ là thế giới của sự bình đẳng, dân chủ, nơi không có bất cứ sự phân biệt nào về thành phần xuất thân, đẳng cấp, địa vị xã hội, sự sang hèn, người chính cư, kẻ ngụ cư. Có lẽ khả năng hội tụ kỳ diệu này là điểm khá mấu chốt để quan họ làm nên gia tài đồ sộ, phong phú mà ít dân ca nào có được.
Mộc mạc, chất phát, nôm na như “Trúc xinh trúc mọc bờ ao/chị Hai xinh chị Hai đứng nơi nào chả xinh” thì đúng là lời lẽ của người bình dân rồi. Nhưng:
“Ngồi tựa mạn thuyền/Giăng in mặt nước, càng nhìn non nước càng xinh/Sơn thuỷ hữu tình/Thơ ngâm ngoài lái, rượu bình giải trí trong khoang…”, đài các, sang trọng, ung dung khoan thai thế, rõ ràng phải là cách thưởng ngoạn cuộc sống của các tầng lớp trên.
Quan họ mặc nhiên được coi là một dân ca, là một lối diễn xướng, một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian của những người bình dân. Nhưng có lẽ, những ai đi sâu vào nghiên cứu dân ca quan họ đều có thể thấy trong nhiều trường hợp, quan họ là một ngoại lệ đối với khái niệm dân ca như ta đã biết. Nếu một đặc thù lớn của dân ca là quá trình sáng tác đồng thời với quá trình diễn xướng thì một số nhà nghiên cứu đã xác định trong quan họ có một hệ thống sáng tác chắc chắn phải ở ngoài quá trình diễn xướng.
Nếu một thể loại dân ca khác, cả ở trong nước và thế giới, thường chỉ có một hoặc một vài điệu hát có âm điệu gắn chặt với vần điệu ca từ, khúc thức đơn giản, thì dân ca quan họ có cả một kho tàng đồ sộ hơn 200 làn điệu, âm nhạc có một đời sống riêng, cấu tạo phong phú, biến hoá, hoàn thiện. Hơn nữa, dân ca quan họ lại có hẳn một hệ thống kỹ thuật thanh thạc riêng biệt, phức tạp, hoàn mỹ, điều hiếm thấy ở một dân ca.
Xét ở góc độ nghệ thuật âm nhạc cũng như lề lối phong cách diễn xướng, quan họ ở một trình độ khác, một cấp độ khác so với mọi dân ca, có đẳng cấp ngang hàng với với các thể loại âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền đồng thời như tuồng, chèo, ca trù…Nếu chỉ đơn thuần là sinh hoạt văn hoá của những người bình dân, thì quan họ khó lòng đạt tới những cấp độ cao đó.
Dấu ấn của những người học rộng, tài cao, tâm trong, trí sáng để lại rất đậm nét trong sinh hoạt văn hoá quan họ. Một số nhà nghiên cứu ( )căn cứ vào thành phần xuất thân cũng như hoàn cảnh hiện tại của gần 100 nghệ nhân quan họ lão thành, trong đó có những tài danh quan họ xuất chúng như cụ Tư La (Thị Cầu) từng tham gia sáng tạo và sinh hoạt văn hoá quan họ trong khoảng cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế ky 20 còn sống tại các làng quan họ những năm 1970 cũng như tính chất dân chủ, bình đẳng trong phong tục sinh hoạt và nội dung ca hát quan họ để kết luận rằng chủ nhân trực tiếp sáng tạo văn hoá quan họ là những bạch đinh, những tầng lớp cùng khổ nhất ở nông thôn Việt Nam đã thật phiến diện, khiên cưỡng.
Ta có nhiều căn cứ có thể khẳng định, dù là một dân ca, quan họ không hoàn toàn là của tầng lớp lao động bình dân. Các tầng lớp trên, những người có học, có địa vị xã hội, nhất là tầng lớp trung lưu, không loại trừ các bậc quan lại, quý tộc, vua chúa, có tinh thần nhân dân, ý thức dân chủ, ham chuộng văn nghệ đã tham gia chơi quan họ và sáng tạo quan họ. Dù bắt đầu từ đâu, trong tiến trình lịch sử, cộng đồng sáng tạo quan họ là một cộng đồng đa thành phần. Đó là một thông điệp quan trọng ta nhận được từ các truyền thuyết về nguồn gốc quan họ.
2: Các truyền thuyết cho rằng quan họ sinh ra từ tục kết chạ giữa các làng cùng thờ chung thành hoàng như Diềm – Bịu, Tam Sơn – Lũng Giang cũng có nhiều cơ sở thực tế. Kết chạ, kết nghĩa, kết ước giữa các làng thờ chung thành hoàng hoặc có những quan hệ tinh thần mật thiết khác để tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong làm ăn sinh sống, chống thiên tai địch hoạ, giao lưu tình cảm, là một phong tục có từ lâu đời và có vai trò quan trọng trong đời sồng người Việt ở Bắc bộ, Trung bộ và cả ở một số dân tộc thiểu số phía Bắc nước ta.
Khi đã kết chạ với nhau thì hai làng coi nhau như anh em một nhà, tôn trọng, quý mến nhau, giúp đỡ nhau lúc đói cũng như khi no đủ. cùng nhau một hướng đình chùa, bảo nhau sự còn mất.. Trong các hoạt động kết chạ, bao giờ cũng có sự góp mặt của hoạt động hát đối đáp giao duyên giữa thanh niên nam nữ hai làng. Các hình thức dân ca như xoan ghẹo (Phú Thọ), si lượn (Lạng Sơn), ví, trống quân (đồng bằng bắc Bộ)…là các hình thức dân ca của các cuộc đối đáp giao duyên này.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xứ Bắc, nhất là vùng Quan họ, có mật độ các làng kết chạ đậm đặc vào bậc nhất của vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vùng quan họ, có ít nhất 18 cặp kết chạ giữa các làng quan họ với nhau.
Có thể thấy các làng được coi là làng quan họ gốc trong 49 làng quan họ như Diềm, Bịu, Tam Sơn, Lũng Giang, Y Na, Đống Cao, Hồi Quan, Thổ Lỗi, Nội Duệ, Bò Sơn, Khúc Toại, Hữu Chắp… hầu hết là các làng có truyền thống kết chạ, kết nghĩa, kết ước từ rất lâu đời.
Tục kết chạ và tình bạn son sắt, thuỷ chung truyền đời giữa các làng chắc chắn là nền tảng và động lực trực tiếp phát sinh tục kết bạn và tình bạn keo sơn bền chặt truyền kiếp, một trong những phong tục giàu tính nhân văn nhất của sinh hoạt văn hoá quan họ và cũng là một trong những nội dung cao đẹp nhất của dân ca quan họ. Đây là một nội dung sẽ được chúng tôi phân tích kỹ trong các phần sau.
3: Trong các truyền thuyết về nguồn gốc quan họ, có 5 truyền thuyết liên quan đến thời Lý. Có truyền thuyết nói rằng quan họ ra đời cách đây 12 đời, từ khoảng đời Lý. Có truyền thuyết nói rằng bài hát quan họ đầu tiên được Vua Lý đặt ra cho dân chúng hát trong dịp mừng đám cưới.
Có truyền thuyết nói rằng những bài hát quan họ là của nguyên phi Ỷ Lan đã ca hát từ khi còn là cô thôn nữ trên đồng Thổ Lỗi. Có truyền thuyết nói rằng những bài hát kết bạn của hai làng Tam Sơn – Lũng Giang đã được các quan viên triều Lý đem vào cung để hát mừng vua và trở thành quan họ. Có truyền thuyết nói rằng sự phát triển điệu hát đúm để thờ cúng vua Lý đã tạo nên quan họ.
Các truyền thuyết trên cho ta một thông điệp: triều Lý và điệu hát đúm có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành quan họ.
Đất Kinh Bắc là quê hương của nhà Lý, triều đại mở ra một thời kỳ độc lập, thái bình, thịnh trị kéo dài nhiều thế kỷ của đất nước, tạo nên một nền văn minh rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Dưới triều Lý, mọi hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội đều phát triển đến những đỉnh cao.
Kinh Bắc được xem là vùng phát triển bậc nhất của đất nước thời kỳ này. Đặc biệt, thời Lý là thời đại đánh dấu một bước ngoặc quan trọng của văn chương và nghệ thuật Việt Nam, cả bình dân lẫn bác học. Riêng về âm nhạc, nhiều tài liệu cho biết các Vua Lý rất quan tâm đến âm nhạc, có chức quản giáp ca hát, có đội ngũ ca công khá đông đảo trong cung, nhiều âm điệu của các xứ khác như “Chiêm thành điệu” đã xuất hiện tại đây.
Rõ ràng triều Lý, một triều đại có ý thức lớn về nền tự chủ, rất chú trọng mở mang văn hoá và phát triển nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc, đã góp phần quan trọng phát triển vốn âm nhạc đặc sắc của chính quê hương mình. Bởi vậy, các truyền thuyết cho rằng triều Lý là thời kỳ đánh dấu điệu hát đúm trở thành quan họ là có cơ sở nhất định.
Một số ý kiến căn cứ trên việc thể thơ lục bát là thể thơ chủ yếu trong dân ca quan họ để nói rằng quan họ không thể hình thành quá xa trước khi thể thơ lục bát có mặt trong văn chương chữ viết Việt Nam, tức là vào khoảng thế kỷ 15. Nhưng ca từ quan họ không hoàn toàn là lục bát, thể thơ cổ bốn chữ vần chân hoặc vần lưng cũng xuất hiện khá nhiều mà bài Lý cây đa chúng tôi nêu ở phần trên là một thí dụ.
Tóm lại, tuy chưa có những căn cứ thật chân xác, nhưng dựa vào các bối cảnh lịch sử, xã hội, các tài liệu nghiên cứu và thực tiễn sinh hoạt quan họ hiện có cũng như các truyền thuyết của vùng quan họ, ý kiến của Vũ Ngọc Phan và nhiều nhà nghiên cứu khác xem thời Lý, khoảng thế kỷ X-XI, là cái mốc đánh dấu sự ra đời của quan họ có lẽ là giả thuyết gần sự thật hơn cả hơn cả.
Có thể hình dung thế này chăng: Dưới triều Lý, các vua Lý đã đưa ví, đúm, những dân ca tiêu biểu của quê hương mình vào cung để “hoá’ thành ca hát quan họ với những luật tục nghiêm ngặt chuẩn mực và khi triều Lý diệt vong, quan họ đã từ các cung đình Lý lại trở về trú ngụ tại quê hương Kinh Bắc và trải qua gần 10 thế kỷ, qua các triều Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn, qua nhiều thế hệ, được nhiều thành phần mến mộ, yêu thích, gìn giữ, học tập, lưu truyền, sáng tạo, đã trở thành một kho tàng dân ca kỳ diệu như ta biết hôm nay?
Nguyễn Thế Khoa/VHVN