NSND Minh Ngọc: ‘Viên ngọc quý’ của Tuồng Bình Định

15:07 | 12/06/2018

Gần bốn mươi năm trên Sân khấu chuyên nghiệp, NSND Minh Ngọc như con tằm rút ruột nhả tơ cống hiến hết mình cho nghệ thuật Tuồng (hát Bội). Đối thoại với anh, tôi như bị cuốn hút bởi sự sôi nổi, tâm huyết của một người nghệ sĩ xem Tuồng như hơi thở, máu thịt đời mình…


Chân dung NSND Minh Ngọc

Nặng nợ với Tuồng

NSND Minh Ngọc tên Đặng Minh Ngọc, sinh năm 1964 ở Cát Trinh, Phù Cát. Lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống nghệ thuật Hát Bội, lại có mẹ là một đào hát không chuyên nên từ bé anh đã sớm tiếp xúc với câu ca, tiếng hát Tuồng. Xem rồi mê. Tình yêu với Tuồng nhen nhóm và lớn dần theo tuổi thơ của anh. Sau này, anh xin gia nhập vào đoàn tuồng Đồng Ấu xã Cát Trinh, đi phục vụ văn nghệ cho bà con. Cũng ở đây, Minh Ngọc được thầy Nhưn Son – một kép hát có tiếng ở Phù Cát dạy những bài học vỡ lòng về Hát Bội. Có năng khiếu và tư duy bén nhạy nên anh lĩnh hội rất nhanh và sớm khẳng định được mình.

Năm 1979, nhân có Hội thi tiếng hát hay sân khấu Tuồng không chuyên toàn tỉnh, Minh Ngọc được cử tham gia và đoạt giải Ba. Những nghệ sĩ Tuồng gạo cội và quản lý thuở ấy của Nhà hát Tuồng Đào Tấn như NSND Võ Sĩ Thừa, Trần Hưng Quang nhìn thấy tiềm năng của anh nên về đến tận nhà động viên chàng thiếu niên đầy tố chất này về Nhà hát, để đào tạo, bồi dưỡng.

NSND Minh Ngọc chia sẻ rằng, hồi ấy thích đi lắm nhưng cứ chần chừ mãi. Là bởi, ba mất sớm, mẹ sớm khuya tảo tần nuôi năm người con. Minh Ngọc từ thời niên thiếu đã bươn chải làm đủ mọi công việc để đỡ đần gia đình. Anh cũng là lao động chính trong nhà. “Đi rồi, má và mấy em tính sao?”. Suy nghĩ ấy làm Minh Ngọc trăn trở, do dự. Như hiểu tâm ý của con, mẹ anh động viên anh tham gia đoàn Tuồng. Năm 1981, Minh Ngọc quyết định đầu quân cho Nhà hát, anh vừa học vừa làm, gắn bó với sân khấu Tuồng chuyên nghiệp đến giờ.

Hát Bội làm tội người ta. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian xưa đã lưu truyền câu ca ấy. Năm 1986, Minh Ngọc kết duyên cùng nghệ sĩ Thanh Thủy. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm chật vật khi vợ chồng anh sinh hạ liên tiếp hai người con. Nhiều người vẫn ví von Minh Ngọc ngày ấy là “thợ đụng”. Sau công việc Nhà hát anh làm đủ nghề từ thợ may, mộc, phụ xe, đi củi… để trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ mà nhiều người bảo rằng, gia đình ấy là “bản sao” của gia đình chị Dậu…

Khó khăn chồng chất, đã có thời gian, nhất là giai đoạn trong thập niên tám mươi, chín mươi thế kỷ trước, những người nghệ sĩ Tuồng rơi vào khủng hoảng. Nhiều người đã không trụ được với nghề dẫu trong lòng họ vẫn luôn khắc khoải tình yêu với Tuồng. Sau năm 1990, mọi thứ dần ổn định, cơ chế đãi ngộ dành cho nghệ sĩ Tuồng có phẩn đảm bảo hơn. Các nghệ sĩ Tuồng mới dành hết tâm huyết vào tình yêu của mình. Cũng từ giai đoạn ấy đến nay, là quãng thời gian nghệ sĩ Minh Ngọc hoàn toàn tập trung vào nghề và có nhiều thăng hoa trên con đường gắn bó với Tuồng…

“Rút ruột nhả tơ” trong từng vai diễn

Có tố chất, lại ham học hỏi, Minh Ngọc sớm lĩnh hội những kỹ thuật diễn của lớp thầy Tuồng như NSND Đình Bôi, NSND Võ Sĩ Thừa, nghệ sĩ Hưng Quang… Anh ngày càng trưởng thành trong nghề với lối diễn sâu chín, sắc sảo. Đó là quá trình khổ luyện bền bỉ bằng tất cả đam mê, tình yêu với hát Bội. Nhớ lại thuở mới về Nhà hát, một cách mộc mạc, anh tâm sự rằng: “Hồi nhỏ còn ở trên quê với má. Ngoài làm nông, mình còn theo mấy anh mấy chú làm giỏ sắt nên đôi tay chai lì, cứng đơ và thô ráp.

Sau này phải tập xoay cổ tay và bàn tay cho thật mềm và uyển chuyển. Đến nỗi, cổ tay sưng vù lên nhưng vẫn ráng cố gắng…”. Bao truân chuyên, kiên bền và tâm huyết với nghề rồi cũng thu về mùa trái ngọt. Năm 1992, Minh Ngọc tham gia cuộc thi Tiếng hát hay toàn quốc tổ chức tại Hải Dương và đạt HCV đầu tiên trong sự nghiệp hát Tuồng của mình. Liên tục sau đó, là những “cơn mưa huy chương” với hàng chục HCV trong các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc (SKCNTQ), khẳng định sự chín muồi trong nghề và đẳng cấp của một “viên ngọc Tuồng” sáng giá của vùng đất Bình Định.

NSND Minh Ngọc hóa thân vai Tiết Giao với động tác đi hia điệu nghệ (Ảnh nhân vật cung cấp).

Nhắc đến NSND Minh Ngọc, người mộ Tuồng sẽ nhớ ngay đến anh khi hóa thân vào những vai kép chính. Đó là một lão tướng Trần Dĩnh (trong vở Nỗi oan tình) đạt HCV Hội thi Các trích đoạn Tuồng hay Toàn quốc, rồi gã lái buôn Nguyễn Đồ gian manh trong Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc đạt HCV Hội diễn SKCNTQ năm 1995… Gần bốn mươi năm gắn bó với Hát Bội, NSND Minh Ngọc như con tằm rút ruột nhả tơ, cháy hết mình với nghệ thuật. Khi nhập vai là anh hóa thân trọn vẹn vào vai diễn, đau nỗi đau của chính nhân vật.

Ai cũng đều công nhận khả năng diễn tự nhiên như không mà cứ lằng lặng ghim gắn cảm xúc khiến người xem ấn tượng của Minh Ngọc. Độ già dặn trong vũ đạo, cách biểu hiện nội tâm bậc thầy đã thổi hồn vào những vai diễn mà nghệ sĩ Minh Ngọc đảm nhận.

Có lần, trong Hội thi Tài năng trẻ SKCNTQ năm 1998, hai mươi phút trên sân khấu, Minh Ngọc đã nhập vai Chu Du (trong Nhị khí Chu Du) thành công ngoài mong đợi. Anh đã thể hiện nộ khí, nỗi uất hận của nhân vật, biểu hiện rõ nét từng cung bậc cảm xúc của Chu Du qua bốn không gian thay đổi trên sân khấu đã khiến khán giả, Ban giám khảo, bạn nghề thán phục. Vai diễn đó đã đạt giải Nhất.

NSND Minh Ngọc (giữa) hóa thân vào vai Quang Trung (Ảnh nhân vật cung cấp).

Đặc biệt, khi nhắc đến NSND Minh Ngọc, người mộ Tuồng sẽ nhớ ngay đến anh với vai Quang Trung. Ở Bình Định, sau cố NSND Võ Sĩ Thừa và NSND Đình Bôi, nghệ sĩ Minh Ngọc là “truyền nhân” của vai này. Năm 1999, Minh Ngọc đã diễn một lúc hai vai – vua Quang Trung và Phạm Công Trị trong vở Trời Nam trong Liên hoan SKCNTQ.

Trong vở Tuồng đó, anh đều hóa thân tròn trĩnh cả hai vai, nhất là vai Quang Trung. Vai này giúp anh đạt HCV trong Liên hoan ấy. Theo nhận xét của người trong nghề, Minh Ngọc không chỉ diễn thành công cái uy, dũng, khí chất của Quang Trung mà còn thể hiện hình tượng người anh hùng áo vải này một cách thật gần gũi. Minh Ngọc chia sẻ rằng, anh phải tìm đọc các sử sách về Quang Trung, nghiền ngẫm về cuộc đời, tính cách của người anh hùng vùng đất Bình Định này.

Chính sự tận tâm, nghiêm túc cùng cảm quan tinh nhạy và cái duyên sân khấu đã giúp NSND Minh Ngọc làm “sáng” vai diễn Quang Trung, tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem. Bởi vậy, anh luôn là lựa chọn hàng đầu thể hiện vai Quang Trung trong các vở diễn cũng như trong Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Festival Tây Sơn – Bình Định…

Tham gia nhiều vai, từ tuồng cổ đến tuồng hiện đại, NSND Minh Ngọc đều thể hiện được khí chất, tính cách của nhân vật trong vai diễn. Như năm 2005, anh nhập vai bác sĩ Li-Sơn-Du trong vở tuồng hiện đại Cội nguồn, nhân vật luôn sống trong nỗi dằn vặt, ám ảnh vì chứng kiến cảnh lính đánh thuê Đại Hàn thảm sát hàng ngàn người dân Việt vô tội trong cuộc thảm sát Gò Dài.

Hình ảnh người bác sĩ xứ Hàn cùng đứa con gái nuôi mà anh mang về trong trận thảm sát khi xưa trở lại Việt Nam đi tìm lại người mẹ ruột sau bao năm thất lạc để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc. Để làm tốt vai Li-Sơn-Du, nghệ sĩ Minh Ngọc đã nghiên cứu rất kỹ về tính cách, tác phong của một người bác sĩ nước ngoài.

Chăm chút và gia cố cho nhân vật mình bằng cảm quan nghệ thuật và sự sáng tạo đã tạo nên điểm nhấn cho nhân vật. Không chỉ Chu Du, Quang Trung hay Li–Sơn–Du, nghệ sĩ Minh Ngọc còn đọng lại nhiều dấu ấn trong lòng người mộ Tuồng với nhiều vai kép chính tiêu biểu khác, như: Thạch Sanh (vở Thạch Sanh – Lý Thông), Đổng Kim Lân (Sơn Hậu), Triệu Tư Cung (Ngọn lửa Hồng Sơn), Hạng Vũ (Mộng Bá Vương), Đào Duy Từ (Đi tìm chân chúa)…

Ngoài đảm đương kép chính, thỉnh thoảng khán giả vẫn gặp Minh Ngọc ở các vai hề, nịnh, lão. Vai diễn nào anh cũng được anh thổi hồn vào sinh động, lôi cuốn người xem. Từ các vai tuồng cổ điển đến lịch sử, dân gian, hiện đại, từ vai chính diện đến phản diện, vai hài hước đều được Minh Ngọc chinh phục.

Anh tâm niệm, vai diễn nào cũng có thể đảm nhận nếu biết chịu khó suy tư, dày công khổ luyện. NSƯT Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, người đã có thời gian làm việc cùng NSND Minh Ngọc nhiều thập niên qua, chia sẻ: “NSND Minh Ngọc là người có năng khiếu bẩm sinh, nắm bắt hiểu biết rất mau về Tuồng. Anh có thể đảm nhận rất rộng vai nhưng sở trường của anh vẫn là kép võ. Những vai này thường là những vai tính cách nên vừa phải múa nhiều lại thêm biểu diễn nội tâm, bởi thế, mỗi lần vào vai là mỗi lần Minh Ngọc phải đổ bao công sức vào tập luyện. Còn nhớ, có lần nhập vai lão tướng Trần Dĩnh tự tử trong ở Nỗi oan tình, anh đã nhập tâm đến mức đâm cả kiếm gỗ vào bụng mình chảy máu”.

Với những khẳng định và thành tích của mình, năm 2001, nghệ sĩ Minh Ngọc được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu Tú. Hơn mười năm sau, anh được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ nhân dân. Đó là danh hiệu xứng đáng với tài năng và cống hiến của anh cho nghệ thuật Tuồng.

“Nâng bước” cho Tuồng…

Ngoài được biết đến với vai trò là một diễn viên Tuồng chuyên nghiệp nhiều thành công. NSND Minh Ngọc còn là Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của nhà hát Tuồng kiêm Phó Trưởng đoàn biểu diễn phụ trách chuyên môn. Bằng cách làm việc khoa học, nghiêm túc, anh luôn được các nghệ sĩ quý mến, nể phục. “Giao công tác sắp sếp, quản lý trong hoạt động của đoàn Tuồng cho NSND Minh Ngọc, tôi rất yên tâm”, NSƯT Văn Bá Dũng thể hiện sự tin tưởng của mình với đồng nghiệp.

Gắn bó máu thịt với Nhà hát Tuồng qua bao thăng trầm, NSND Minh Ngọc luôn đau đáu về phận số của bộ môn nghệ thuật truyền thống hát Bội không biết rồi sẽ về đâu sau lớp diễn viên của thế hệ anh và các tiền bối trước anh. Việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, luôn là niềm trăn trở lớn đối với anh cũng như các nghệ sĩ Tuồng đã thành danh.

NSND Minh Ngọc cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội khác trong Nhà hát Tuồng suốt nhiều năm qua luôn cố gắng truyền nghề cho thế hệ kế tục bằng tất cả tình yêu và tâm sức. Nhiều diễn viên trẻ được NSND Minh Ngọc trực tiếp truyền nghề đã có những gặt hái nhất định trên con đường gắn bó với hát Bội. Điều đó khiến anh thấy ấm lòng. Anh thổ lộ: “Thấy nhiều bạn trẻ tâm huyết với nghề, mình phần nào thấy ấm áp. Chúng tôi đặt niềm tin, hy vọng ở các em rất nhiều. Mong các em cố gắng hơn nữa”.

NSND Minh Ngọc hằng ngày vẫn lặng thầm làm hia cho các nghệ sĩ hát Bội.

Dường như, đối với công việc liên quan đến nghệ thuật Tuồng, NSND Minh Ngọc không có khái niệm nghỉ ngơi. Người ta rất hiếm khi thấy NSND Minh Ngọc có thời gian nhàn rỗi. Sau ánh đèn sân khấu và công tác quản lý, giảng dạy, trở về cuộc sống đời thường, anh lại cần mẫn với công việc mà mình gắn bó hơn hai mươi năm nay – làm hia cho Tuồng.

“Trước đây, Tuồng Bình Định hay các đoàn Tuồng miền Trung đều phải mua hia của một nghệ nhân người Huế, tên La Chấu. Sau này ông mất, nguồn cung ứng trang phục cho Tuồng bị khuyết. Vậy là mình tự mày mò làm rồi dần cải tiến kỹ thuật. Chất lượng hia ngày càng đảm bảo và được nhiều anh em nghệ sĩ yêu thích”, NSND Minh Ngọc cho hay.

Là một diễn viên Tuồng tài hoa, dạn dày kinh nghiệm nên NSND Minh Ngọc hiểu rõ tường tận đôi hia như thế nào mới hợp với người diễn. Những đôi hia làm từ đôi tay khéo léo của anh đã theo nhiều ngã rẽ “nâng bước” cho đôi chân nghệ sĩ Tuồng mang đến những cảm xúc thăng hoa cho người xem. Thật bất ngờ khi tôi được biết, hơn hai thập niên nay, NSND Minh Ngọc cũng chính là nghệ nhân “độc nhất vô nhị” làm hia cho hết thảy các Nhà hát Tuồng miền Trung cũng như anh em nghệ sĩ Tuồng không chuyên trong khu vực.

Tôi nhớ có lần trò chuyện cùng NSND Hòa Bình, chị đã không ngần ngại ngợi khen cách đi hia nhuần nhuyễn, hoàn toàn “sạch nước cản” của NSND Minh Ngọc. Những động tác xoay, bê, xiến, lỉa được NSND Minh Ngọc biểu diễn thuần thục, toát ra được thần sắc và độ tinh diệu của vũ đạo. Nếu các bậc tiền bối ví một người giỏi đi hia phải khiến đôi hia trở thành sinh thể sống “biết nói” thì NSND Minh Ngọc đã làm được điều đó.

Cháy hết mình trên sân khấu, cống hiến những vai diễn thăng hoa cho người xem rồi lặng lẽ góp chút công sức của mình với Tuồng bằng công tác đào tạo, hay tỉ mỉ làm từng đôi hia cho anh em nghệ sĩ đã cho thấy một NSND Minh Ngọc vừa đa tài vừa đầy nhiệt huyết với nghệ thuật hát Bội. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, đầy những buồn vui nhưng tình yêu với hát Bội của anh cứ lặng lẽ được đắp bồi, dày thêm theo năm tháng…

 

NSND Minh Ngọc là hội viên Chi hội Sân khấu, Hội VHNT Bình Định; là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Anh đạt giải Nhất Tài năng trẻ toàn quốc năm 1998, HCB Hội diễn SKCNTQ năm 1999 và HCV trong các Hội diễn, Liên hoan SKCNTQ các năm 1992, 1993, 1995, 2003, 2005, 2008, 2010, 2015.

Phi Nguyễn/VHVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình