Dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Thái úy Lý Thường Kiệt

14:39 | 09/07/2024

Sáng 7/7 (tức ngày 2 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích Đền thờ Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Hội đồng họ Ngô tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Việt Quốc công, Thái úy Lý Thường Kiệt (1105-2024).

Đồng chí Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương dâng hương tưởng niệm Thái úy Lý Thường Kiệt – (Nguồn: BNO).

Tham dự lễ dâng hương có các đồng chí: Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ngô Văn Luật, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh; Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn; Ngô Tân Phượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng đại diện Họ Ngô Việt Nam các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các đại biểu dự sự kiện.

Sự kiện có ý nghĩa trọng đại này không chỉ là ngày hội lớn của dòng tộc họ Ngô nói chung, mà còn là dịp để cả nước tri ân công lao to lớn của một trong những danh tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử dân tộc. Lễ dâng hương tưởng niệm Thái úy Lý Thường Kiệt đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự.

Ban khánh tiết thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang tổ chức tế lễ, tưởng niệm Thái ủy Lý Thường Kiệt – (Nguồn: BNO).

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo địa phương và dòng họ Ngô đã nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc tổ chức lễ tưởng niệm. Đây không chỉ là dịp để tri ân công đức của Thái úy Lý Thường Kiệt, mà còn là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lý Thường Kiệt (1019-1105) vốn thuộc họ Ngô, tên thật là Tuấn, tự là Thường Kiệt, sau được ban quốc tính (được mang họ nhà vua), nên gọi là Lý Thường Kiệt.

Từ nhỏ, Lý Thường Kiệt tỏ rõ là người có chí hướng và nghị lực, chăm học tập, rèn luyện cả văn lẫn võ. Dưới triều Lý Thái Tông, ông được bổ nhiệm vào ngạch thị vệ để hầu vua, rồi được thăng dần lên chức Đô trị, trông coi mọi việc trong cung. Đầu triều Lý Thái Tông, ông được phong chức Bổng hành quân hiệu úy (một chức võ quan cao cấp), rồi được thăng Kiểm hiệu thái bảo. Năm 1061, ông được lệnh cầm quân đi trấn yên Thanh – Nghệ. Năm 1069, ông cầm quân đi đánh Champa. Lần này vua Lý Thánh Tông thân chinh, Lý Thường Kiệt được phong đại tướng, chỉ huy đội tiên phong. Sau khi toàn thắng, giữ yên được biên giới phía Nam, Lý Thường Kiệt được ban các chức tước: Phụ quốc thái phó và Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Khai quốc công, Thái úy.

Đại diện Câu lạc bộ Người làm báo họ Ngô thành kính dâng hương.

Năm 1072, Vua Lý Nhân Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt được giữ chức Đôn quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công. Với cương vị như Tể tướng, ông gánh vác sứ mệnh trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Cuối năm 1076, đại quân Tống chia làm nhiều cánh vượt biên giới, tiến vào nước ta. Tại phòng tuyến sông Cầu, quân Tống thảm bại phải rút chạy về nước. Bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt vang lên trên phòng tuyến sông Cầu được coi là Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Năm 1082, ông thôi chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa. Làm việc ở đây suốt 19 năm trời, đến năm 1101 thì vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở về triều giữ lại chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi nhưng vẫn tình nguyện cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính (năm 1104).

Lý Thường Kiệt là một trọng thần đã trải ba triều vua (Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), luôn luôn được triều đình tin tưởng, nể trọng. Từ đời Lý Thánh Tông, ông đã được cất lên ngang hàng các hoàng tử, được vua nhận làm con nuôi và ban hiệu Thiên tử nghĩa nam. Đời Lý Nhân Tông, ông được nhà vua coi như em và ban hiệu Thiên tử nghĩa đệ. Ông mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Khi mất được phong tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, được lập đền thờ ở nhiều nơi.

Dự án đầu tư xây dựng Khu Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tại xã Tam Giang, huyện Yên Phong được UBND tỉnh phê duyệt gồm 20 hạng mục với tổng mức đầu tư hơn 254 tỷ đồng, khởi công xây dựng năm 2017. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh nhằm tôn vinh và tri ân công lao đóng góp của Thái úy Lý Thường Kiệt và Vương triều Nhà Lý đối với lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.


Với ý nghĩa lịch sử và các giá trị văn hóa, kiến trúc, Đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp bước cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

NGÔ TUẤN

Cùng chuyên mục

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ  theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt

Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt

Ngắm bảo vật quốc gia quý hiếm ở Quảng Bình

Ngắm bảo vật quốc gia quý hiếm ở Quảng Bình