Ýchí kiên cường, bất khuất của chiến sĩ cách mạng Côn Đảo Lê Hồng Phong

7:32 | 27/04/2021

Ông tên thật là Lê Huy Doãn sinh năm 1902 trong một gia đình nghèo thuộc xóm Đông Cửa, thôn Đông Thông, tổng Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ cuộc sống ông đã bập bênh nhiều khó.

Mồ côi cha từ nhỏ, tuy nhiên nhờ sự tảo tần của người mẹ, ông vẫn được cho theo học chữ Hán và tiếng Pháp. Vì gia cảnh quá ngặt nghèo, năm 16 tuổi, ông xin đi làm công cho một hãng buôn ở Vinh  rồi chuyển sang làm công nhân nhà máy diêm Bến Thủy và bị đuổi việc vì đã vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi với giới chủ bóc lột. Từ đó, ông bước vào con đường làm một nhà cách mạng chuyên nghiệp.

Chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Phong.

Năm 1924 ông cùng 10 thanh khác sang Thái Lan rồi Quảng Châu ( Trung Quốc ) học tập.

Năm 1925 ông học ở trường quân sự Hoàng Phổ, rồi trường không quân Quảng Châu tại đây ông gặp được Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1927 ông được theo học trường không quân ở Liên Xô tốt nghiệp cấp Trung Tá.

Năm 1931 với tên Vương Nhật Dân ông về Trung Quốc hoạt động, 31-3-1935 ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đến năm 27-6-1936

Sau nhiều năm học tập, huấn luyện và hoạt động ở nước ngoài, tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động với thẻ căn cước lấy tên là La Anh, đồng chí Lê Hồng Phong cùng các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương khẩn trương củng cố tổ chức Đảng và tăng cường lực lượng cách mạng.

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị mật thám bắt. Biết Lê Hồng Phong, Tòa Tiểu hình Sài Gòn đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm cấm cư trú vì tội “sử dụng thẻ căn cước mang tên người khác”. Đồng chí Lê Hồng Phong kiên quyết kháng án nhưng Tòa Thượng thẩm Sài Gòn họp ngày 29/8/1939 đã phê chuẩn y án và giam đồng chí Lê Hồng Phong tại nhà tù Sài Gòn.

Ngày 23/12/1939, hết hạn tù giam, đồng chí Lê Hồng Phong được thả tự do nhưng ngay lập tức bị trục xuất khỏi Nam Kỳ, buộc phải rời Sài Gòn về quê nhà, vượt qua mọi sự kiểm soát, cấm đoán, đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng.

Lo sợ Lê Hồng Phong trốn thoát, tiếp tục hoạt động lãnh đạo cách mạng, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục bắt giam đồng chí lần thứ hai ngày 20/1/1940. Không có chứng cớ để buộc tội Lê Hồng Phong dính vào chủ trương tổ chức cuộc khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Nam Kỳ, Tòa tiểu hình Sài Gòn của Đế quốc Pháp đã kết án đồng chí 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc với lời buộc tội là chịu trách nhiệm tinh thần đối với cuộc khởi nghĩa ấy. Cuối năm 1940, Lê Hồng Phong bị đày ra giam ở nhà tù Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã sống những ngày anh dũng, bất khuất, nêu cao khí tiết của người cộng sản. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, đế quốc Pháp đày ra Côn Đảo số tù nhân nhiều chưa từng thấy (năm 1940 là 2.452 người; năm 1941 là 4.860 người). Mỗi khám nhốt từ 250 đến 300 người. Đây là thời kỳ dã man, tàn bạo nhất trong lịch sử nhà tù Côn Đảo. Lớp tù nhân lúc bầy giờ hầu hết bị cấm cố ở Banh II và Banh III. Lê Hồng Phong bị giam tại xà lim Sở Muối, trên con đường từ thị trấn đi ra mũi Cá Mập, cách trung tâm thị trấn khoảng 1km với mục đích cô lập đồng chí với tổ chức tù chính trị tại Côn Đảo. Tuy nhiên dù bị giam ở khu vực nào, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo vẫn liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong.

Thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã chỉ thị cho bọn chúa đảo phải hãm hại đồng chí Lê Hồng Phong. Bọn cai ngục đã áp dụng một chế độ lao tù hà khắc bất chấp cả luật pháp đối với tù nhân. Chúng tự ý thay án tù câu lưu, một hình thức tù giam đối với tù chính trị bằng nhốt đồng chí vào xà lim cấm cố. Hàng ngày Lê Hồng Phong bị đánh đập hết sức dã man bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu: đánh trong lúc lao công, lúc tắm giặt, lúc điểm danh và cả trong bữa ăn hàng ngày. Có lần, Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình vừa bưng bát cơm ăn thì bị bọn cai tù xông vào đánh đập túi bụi. Lê Hồng Phong và các đồng chí khác nhất loạt hô to phản đối, mặt khác vẫn thản nhiên ngồi ăn dù máu đang chảy ròng ròng trên mặt. Bát cơm của Lê Hồng Phong đang ăn cũng thấm đầy máu. Thấy thế, một tên cai tù lấy làm kinh ngạc, đến hỏi đồng chí với một giọng hách dịch: “Ê, tại sao tao đánh mày như thế mà mày vẫn thản nhiên ngồi ăn? Mày không biết đau à?”

Lê Hồng Phong thong thả đặt bát cơm chan máu xuống, rồi ngẩng cao đầu, đồng chí cố dằn từng tiếng: “Ngày nào chúng mày không đánh được chúng tao chảy máu thì chúng mày thấy ăn không ngon, ngủ không yên. Vậy chúng tao cần phải ăn để có máu đối phó với chúng mày. Đấy là tất cả lý do, rất đơn giản. Chúng mày cứ tiếp tục đánh đi.”

Nhiều đồng chí, anh em tù thấy chúng đánh Lê Hồng Phong nhiều quá, họ không chịu nổi, muốn xông ra liều chết với chúng. Biết được ý nghĩ ấy, Lê Hồng Phong đã khuyên can anh em chớ có hành động mạo hiểm. Có lẽ chính bài học về phương pháp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền thụ ở Quảng Châu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn đã trở nên sâu sắc, do đó Lê Hồng Phong nói với các đồng chí trong tù rằng chúng ta không được ám sát cá nhân. Chúng ta giết một thằng gian ác này, chúng sẽ đưa đến những thằng gian ác khác và có khi lại gian ác hơn những thằng trước. Vả lại, nếu chúng ta giết được một thằng cai ngục của chúng, trong điều kiện chúng ta bị tước hết vũ khí, chúng sẽ buộc tội ta nổi loạn cướp nhà tù để xả súng bắn chết hàng loạt anh em tù của chúng ta. Các đồng chí phải bảo toàn cán bộ cho Đảng. Tất cả chúng ta bị bắt vào đây, chưa phả là đến chỗ tuyệt vọng cùng đường, đảng và phong trào quần chúng đang rất cần đến chúng ta. Chúng ta không được hy sinh vô ích. Vào tù tuyệt đối không được tự vẫn, vì tự vẫn là đầu hàng.

Với âm mưu thủ đoạn thâm độc hòng giết dần, giết mòn tù nhân bằng chế độ lao tù khắc nghiệt của thực dân Pháp, sức khỏe tù nhân ngày càng suy kiệt, bệnh tật hoành hành. Banh nhà thương (Banh II) lúc bấy giờ chật ních tù nhân. Do bị cấm cố và chế độ ăn uống kham khổ, chân tay Lê Hồng Phong dần bị teo lại, cùng với bệnh kiết lỵ khá nặng, đồng chí bị chuyển về cấm cố tại xà lim Banh II. Hằng ngày, thầy thuốc vào thăm bệnh và phát thuốc. Dù bị bất cứ bệnh gì nguy hiểm cũng chỉ có hai thứ thuốc là nước vôi và bột than. Chỉ trường hợp cấp cứu mới được đưa ra khỏi nhà thương và tiêm một, hai uống thuốc hồi sức. Tất cả bệnh nhân được tập trung về một chỗ rồi lần lượt ra đi. Dù bị bệnh nhưng các đồng chí vẫn bị xiềng chân, cấm cố, ăn uống mất vệ sinh và các yêu sách được trả lời bằng roi vọt.

 

Nhưng trong lao tù khắc nghiệt, Lê Hồng Phong và các đồng chí luôn dõi theo, lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong đã giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô để củng cố niềm tin cho tất cả các anh em đồng chí. Với niềm tin vào cách mạng, đồng chí đã làm một bài thơ 8 câu vẽ nên viễn cảnh đất nước sẽ được giải phóng, địa ngục trần gian Côn Đảo sẽ được xóa bỏ. Côn Đảo sẽ trở thành một thắng cảnh rất đẹp, nơi nghỉ ngơi cho người lao động.

Cũng trong thời gian ở Côn Đảo, sau khi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh được hơn 1 năm, đồng chí Lê Hồng Phong mới hay tin về người vợ, người đồng chí của mình. Vào một buổi trưa hè năm 1942, dưới gốc bàng xà lim số 2, đồng chí Lê Hồng Phong nói chuyện với người lính Gardrien Ấn Độ vừa ở đất liền ra: Chúng tôi có một nữ đồng chí là Minh Khai bị xét xử thế nào? Ông có biết không? Vừa nghe đến cái tên Minh Khai, người lính Ấn với vẻ mặt trang nghiêm, đôi mắt buồn, đứng lên cất mũ cúi chào rồi kể trong niềm xúc động: Bà lớn Minh Khai bị bắn chết rồi! Tôi nói bà lớn là bà lớn thật, núi cũng phải nghiêng mình, cây cối cũng phải cúi chào bà!

Nơi chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Phong bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo.

Đồng chí Lê Hồng Phong lặng im như bức tượng đá, tim như ngừng đập. Anh không muốn tin về cái điều khủng khiếp ấy. Thế là người đồng chí trung kiên, người vợ yêu dấu của anh đã mãi mãi ra đi, Hồng Minh bé nhỏ đã mất mẹ…rồi sẽ mất cha… Côn Đảo lặng gió. Những kỷ niệm hiếm hoi bên nhau chợt ùa về!

Ngày 6/9/1942, đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh tại khu cấm cố biệt lập Banh II. Đồng chí đã sống, chiến đấu, yêu thương cho đến hơi thở cuối cùng với khí phách của người cộng sản: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng.

Nguyên Ngọc

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào