Câu nói “ppalli-ppalli” (nhanh lên trong tiếng Hàn) phản ánh phong thái vội vã, khẩn trương, không được để lãng phí thời gian của người dân xứ kim chi.
“Ppalli-ppalli” (nhanh lên, nhanh lên).
Câu nói mang nghĩa thúc giục này trở thành câu cửa miệng mỗi ngày của người dân Hàn Quốc. Cụm từ này xuất hiện ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai, trong mọi hoàn cảnh.
Không phải ngẫu nhiên người dân Hàn thường xuyên nói câu này với nhau. Xa hơn ý nghĩa giao tiếp giữa người với người, ppalli-ppalli là nét văn hóa ăn sâu vào cuộc sống của người dân xứ kim chi, là biểu tượng cho tính cách dân tộc.
Ppalli-ppalli với người Hàn không chỉ đơn thuần là sự vội vàng và tiết kiệm thời gian. Nó còn hàm ý cả việc định hướng mục tiêu và tìm ra cách hiệu quả nhất để đạt được đích cuối.
Nhịp sống gấp gáp
So với các nước khác, Hàn Quốc chỉ mất một nửa thời gian để từ nước nông nghiệp lạc hậu trở thành cường quốc công nghiệp.
Thập niên 1950 của thế kỷ trước, Hàn Quốc vừa bước ra khỏi tro tàn của cuộc chiến tranh Triều Tiên. Cả đất nước ở trong tình trạng đói nghèo, kém phát triển.
Chỉ sau 3 thập kỷ, nền kinh tế Hàn Quốc phát triển rực rỡ, với sự ra đời của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Hyundai và LG.
Kỳ tích Hàn Quốc có được do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó nhiều chuyên gia đánh gia văn hóa “ppalli-ppalli” đóng vai trò quan trọng.
Tác phong nhanh nhẹn là điều xuyên suốt cả xã hội Hàn Quốc và đặc biệt phổ biến ở thủ đô Seoul. Bất kể người dân ở mọi lứa tuổi đều có chung một nhịp độ thực hiện công việc nhanh, khẩn trương.
“Những từ tiếng Hàn đầu tiên tôi học được là ppalli-ppalli”, Guus Hiddink, cựu huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc, chia sẻ.
“Tính nhanh nhẹn, không lề mề được khắc sâu vào tâm trí người dân như một giá trị cơ bản. Nhờ văn hóa này, Hàn Quốc có thể đạt được tiến bộ kinh tế to lớn và hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa trong thời gian ngắn”, nhà nhân chủng học Kim Choong-soon viết trong tác phẩm Way Back into Korea.
Dù văn hóa ppalli-ppalli đôi khi gây áp lực, nó tạo động lực để người Hàn Quốc biết cách tận dụng tối đa thời gian, phát huy đức tính làm việc chăm chỉ.
Theo Scott Shepherd, giáo sư người Anh giảng dạy tại Đại học Chungsin (Seoul), văn hóa nhanh chóng của người Hàn có thể chứng kiến ở ngay trong những cốc cà phê. Trong khu phố nơi Scott sinh sống tại Seoul, có 2 quán ở ngay trong tòa nhà và ít nhất 5-6 quán trong bán kính vài chục m.
Đối với Scott, tốc độ tiêu thụ cà phê phi thường là biểu tượng cho niềm đam mê làm việc chăm chỉ ở Hàn Quốc. Cà phê mang lại nhiều lợi ích như kích thích các giác quan, ngăn chặn cơn buồn ngủ và giúp làm việc lâu hơn.
“Sự phát triển đáng kinh ngạc của Hàn Quốc là bài học đầy cảm hứng về những gì mà tinh thần làm việc chăm chỉ và hợp tác quốc gia có thể làm được. Một sự chuyển đổi như vậy chắc chắn sẽ không thể xảy ra nếu người Hàn không làm việc nhiều giờ và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của đất nước”, Scott đánh giá.
Văn hóa “nhanh lên” cũng tạo ra những yêu cầu việc làm ở Hàn Quốc khắt khe hơn những quốc gia khác. Chuyện làm quá giờ, đi làm về muộn, rời cơ quan lúc tối mịt được coi như điều bình thường tại đây.
Các công chức, nhân viên văn phòng thường nhìn nhau để lao động chăm chỉ và hiếm khi chịu về nhà khi chưa hoàn thành công việc.
“Mọi thứ sẽ tốt hơn khi tất cả từ từ”
Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng này cũng đi kèm với những cái giá phải trả.
Các vấn đề xã hội của Hàn Quốc được gọi dưới cái tên “hell joseon”, một thuật ngữ chỉ những áp lực của cuộc sống trong một xã hội cạnh tranh, nơi mọi thứ từ giáo dục đến tham gia thị trường việc làm đều là một cuộc chạy đua khốc liệt đến tuyệt vọng.
Với những người đã quá mệt mỏi với sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống thành thị, họ có xu hướng chuyển đến các vùng thôn quê ở phía Nam để tận hưởng cuộc sống chậm rãi hơn rất nhiều. Ca sĩ nổi tiếng Lee Hyori và chồng Lee Sang-soon đến sinh sống tại hòn đảo Jeju sau khi kết hôn là một ví dụ.
Mặt khác, thay vì quá chú trọng số giờ làm việc, người trẻ nước này giờ đây quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc.
Với quy định mới làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần, nhiều người trẻ Hàn Quốc cảm thấy dễ thở hơn khi có thời gian cho các hoạt động khác ngoài công việc.
Trong những năm 1980, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh, thói quen “làm việc tới chết” ăn sâu vào văn hóa Hàn Quốc. Thời gian làm việc trung bình của người Hàn là 68 giờ mỗi tuần.
Kể từ tháng 7/2018, tất cả công ty có từ 300 nhân viên trở lên có nghĩa vụ giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 tiếng xuống còn 52 tiếng với mỗi lao động, theo đạo luật “WoLiBal” (viết tắt của work-life balance, tạm dịch cân bằng công việc cuộc sống).
Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng chính sách mới sẽ giúp lao động Hàn có thể vun vén cho cuộc sống cá nhân, từ đó gia tăng tỷ lệ sinh đẻ và ngăn chặn tình trạng già hóa dân số.
“Luật mới đã giúp thay đổi từ văn hóa làm việc quá đề cao số giờ làm đến việc chú trọng nâng cao hiệu quả và năng suất”, Kwon Hyuk, giáo sư tại Đại học Luật Quốc gia Busan, nói.
Các hoạt động sau giờ làm như tập thể dục, tham gia các khóa học, giải trí… đã tăng lên. Chi tiêu cho giáo dục và giải trí tư nhân vào năm 2018 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm qua, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương.
“Thay vì ppalli-ppalli, đôi khi mọi thứ sẽ được thực hiện tốt hơn nếu tất cả ‘cheoncheonhi’ (từ từ). Làm việc đêm ngày mà không có sự nghỉ ngơi không phải một cuộc sống có ý nghĩa”, giáo sư Shepherd đánh giá sau khi dành nhiều thời gian quan sát nhịp sống của người dân Hàn.
Theo BBC & Korea Times