Phản biện có văn hóa phải xuất phát từ cái tâm trong sáng và sự am hiểu về đối tượng, nếu không vô hình trung chúng ta sẽ tự biến mình thành những phiên bản “Chí a còng” mà thôi!
Minh họa: Ngọc Diệp
Mạng xã hội những ngày qua sôi nổi chuyện dạy học theo chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, chia thành hai phe, ủng hộ hay phê phán GS. Hồ Ngọc Đại và chương trình dạy học do ông khởi xướng và thực nghiệm 40 năm nay.
Không riêng ngoài xã hội, trong một gia đình, sự phân liệt hai phía cũng rõ rệt, có khi vợ/chồng, cha/con bất động quan điểm nhau.
Một sự kiện hi hữu, dù đã tồn tại 40 năm nhưng bỗng dưng bị “đánh thức” để rồi gây bất đồng ý kiến giữa nhiều người này với nhiều người khác.
Bài viết này, chúng tôi không bàn chuyện đúng sai, chỉ xin trao đổi một đôi điều về văn hóa tranh luận hay là phản biện hiện nay.
Theo dõi diễn biến thời gian qua, có thể chưa bao quát hết, nhưng không khó để nhận thấy rằng, không ít người “ném đá” một cách cảm tính hoặc a dua, một thói xấu trong trào lưu phê phán trên mạng xã hội hiện nay.
Một số người có ý kiến phản bác “Công nghệ giáo dục” (CNGD) dường như chưa bao giờ nghe thấy hoặc tìm hiểu về nội dung chương trình sách giáo khoa CNGD. Họ chộp dựt một vài hình ảnh, lát cắt của CNGD được ai đó cố tình đẩy lên mạng theo kiểu kẻ tung người hứng rồi vội vàng “ăn theo”; dùng ngôn từ độc địa, tục tĩu nhằm thóa mạ một đối tượng thuộc hàng lão làng trong ngành giáo dục mà mình chưa hề hiểu biết.
Tôi nghĩ đấy là một biểu hiện đáng lo ngại đối với văn hóa ứng xử hiện nay trên mạng xã hội. Vô hình trung chúng ta tự gây chia rẽ mà cái hại thì không lường trước được, còn những kẻ trục lợi thì khoanh tay cười mỉm.
Phản biện có văn hóa phải xuất phát từ cái tâm trong sáng và sự am hiểu về đối tượng, nếu không vô hình trung chúng ta sẽ tự biến mình thành những phiên bản “Chí a còng” mà thôi!
Theo Nguyễn Duy Xuân (Dân trí)