Lưng tựa núi, mặt hướng biển, chùa Hộ Quốc (hay Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc, tọa lạc tại xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) là điểm đến rất thú vị. Vì vậy, dù mới xây dựng và khánh thành cách đây vài năm, nhưng chùa thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm ngưỡng, cúng bái. Bước chân qua cổng tam quan, mọi hồng trần dường như được bỏ lại. Chỉ còn tâm tình hòa với phật pháp, với thiên nhiên…
Điểm đến thú vị
Chùa Hộ Quốc (thiền phái Trúc Lâm Yên Tử) là một trong những công trình nằm trong dự án khu du lịch tâm linh có diện tích hơn 100ha, trở thành ngôi chùa lớn nhất tại huyện đảo Phú Quốc.
Cuối năm 2012, sau 14 tháng thi công, chùa Hộ Quốc được khánh thành, cơ bản hoàn thành các hạng mục, như: chánh điện, nhà tổ, cổng tam quan… Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc thời nhà Lý và Trần. Tổng kinh phí xây dựng lên đến cả trăm tỷ đồng, từ nguồn vận động xã hội hóa.
Chùa có rất nhiều điểm nhấn đặc biệt. Đứng trước cổng tam quan nhìn vào, đã thấy toát lên sự uy nghi. Cả sân chùa bừng sáng sau cổng tam quan, ánh nắng chiếu lên tượng Phật ngọc bảo màu xanh, bức tranh chạm trổ rồng phượng màu vàng. Phía xa, tượng Phật Quan Thế Âm trắng nổi bật giữa nền trời xanh ngăn ngắt. Những hình ảnh, màu sắc sống động, tươi sáng mang đến cảm giác thư thái cho du khách phương xa.
Ngôi chánh điện được xây dựng bằng bằng gỗ lim quý hiếm và đá nguyên thủy được chia làm 3 gian: ở giữa thờ Phật Thích Ca niêm hoa vi tiếu, tay cầm đóa sen, gian bên trái là Bát Nhã Thành Tri thờ tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử, gian bên phải là Phổ Hiền Hạnh Nguyện thờ tượng Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi. Các gian thờ đều được chạm khắc cầu kỳ, sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Ở quanh chùa có rất nhiều bức tượng Phật La Hán với hình dáng và sắc thái khác nhau.
Trong khuôn viên chùa, nhiều nơi trích dẫn câu thơ, câu nói nổi tiếng của các bậc đại nhân từ cổ chí kim, thể hiện niềm tự hào dân tộc, khẳng định chủ quyền đất nước, đặc biệt là bài thơ “Nam quốc sơn hà”- bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.
Được xây dựng trên địa thế cao, đứng ở bất kỳ góc nào trong ngôi chùa đều có thể phóng tầm mắt nhìn ra biển cả và một góc trời Tây Nam của Tổ quốc. Từ trên cao nhìn ngược xuống cổng tam quan, biển trời và con người dường như hòa làm một. Tiếng chuông gió nhẹ nhàng, tiếng chuông chùa trầm ấm, tiếng cầu nguyện thầm thì, tiếng nói cười khe khẽ của du khách… pha lẫn vào nhau.
Người quê tha phương
Trong ít phút tham quan chùa, tôi tình cờ gặp chú Võ Minh Tín (60 tuổi, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên). Mấy mươi năm chú theo nghề chụp ảnh, gắn bó với nơi mình sinh ra. Nhưng nghề này ngày càng mai một, khách du lịch chẳng có nhu cầu chụp ảnh với thợ nữa. Vậy là, năm 2013, chú rời quê sang Phú Quốc để tìm hướng đi mới. Khi ấy, chùa Hộ Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thành. Mấy năm sau, khách du lịch bắt đầu tìm đến rất đông.
“Tôi chụp sẵn một số góc đẹp nhất của chùa, rồi mời khách chụp. Không ít người bảo tôi ghép ảnh, vì làm gì có cảnh đẹp như thế! Thế nhưng, khi tấm ảnh tôi chụp họ được rửa ra, họ khen ngợi hết lời. Chính vì thế, tôi thường loanh quanh ở chùa, chờ các đoàn khách xa gần đến viếng, chụp ảnh lưu niệm. Mỗi tấm ảnh có giá từ 25.000-70.000 đồng, tùy kích cỡ.
Lúc cao điểm lễ, Tết, cuối tuần, tôi có thể kiếm được vài triệu đồng/ngày, nhờ hàng ngàn lượt khách đến chùa. Có lúc, 4-5 thợ cùng chụp cho khách, rửa ảnh liên tục mà vẫn không đáp ứng hết nhu cầu. Chúng tôi phải xin số điện thoại, địa chỉ liên lạc để chiều tối giao hình cho khách tại nơi lưu trú. Dạo gần đây, phần vì thiên tai, phần vì dịch bệnh, khách ít đi hẳn…” – chú Tín chia sẻ.
Ánh nắng ban trưa càng chói chang, càng tô điểm cho ngôi chùa thêm rực rỡ, an yên. Những dòng xe, dòng người nối đuôi nhau đến vãn cảnh chùa, thợ chụp ảnh như chú Tín càng tất bật phục vụ khách.
Đặc biệt, hễ gặp người thân quen từ Long Xuyên, chú đều chụp ảnh miễn phí, tặng họ làm quà. Tạm biệt tôi, chú không giấu nỗi bùi ngùi của một người xa quê. Chú hẹn, khi nào mỏi gối chồn chân nơi tha phương, chú sẽ trở về Mỹ Hòa Hưng. Cảnh đẹp xứ người dù thu hút đến thế nào, vẫn không bằng chút bình yên bên dòng sông Hậu – mà chú gọi là “quê nhà”.
Theo Báo An Giang