Đó là lời khẳng định đầy tự tin, và rất có cơ sở của ông đạo diễn điện ảnh Anh Thái – cựu học viên Thiếu sinh quân (TSQ) về mái trường ông đã học trong tuổi niên thiếu, tại buổi các ông gặp lại người thầy Phạm Tuyên kính yêu của mình ngày 20/11 năm nay.
Vậy Thiếu sinh quân là ai? Trường Thiếu sinh quân là gì? Thế hệ ‘@’ bây giờ ít ai biết rõ!
Đầu năm 1947, có một “lá thư” gửi lên Cụ Hồ trên báo “Vệ Quốc Đoàn”, của một Thiếu sinh quân:
Cháu là em bé phương xa,
Theo anh bộ đội xa nhà từ lâu.
Cháu qua sông Đuống, sông Cầu,
Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài…
Hai năm qua, tôi đã theo chân nhà giáo tiếng Nga Vũ Thế Khôi đi tìm lại ký ức của các cựu học viên TSQ, tìm lại dấu vết của Trường TSQ trên chiến khu Việt Bắc cũ, được sống cùng các ông trong các kỷ niệm không thể quên về một thời thiếu niên tươi đẹp trưởng thành trong khói lửa chiến tranh…
Hồi ấy, tiếp bước người anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tiếp đến Nam bộ kháng chiến và Toàn quốc kháng chiến, theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, cả nước đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc. Cùng với hàng triệu nam, nữ thanh niên tình nguyện tham gia các đội Cảm tử quân, Quyết tử quân, Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu, còn có hàng nghìn em nhỏ 10-15 tuổi xung phong vào bộ đội làm giao liên, trinh sát, tiếp đạn, văn thư, quân giới, sát cánh cùng các anh bộ đội trên các chiến hào từ Nam chí Bắc.
Cố giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ từng kể lại: Khi ở trạm quân y tiền phương ông đã không cầm được nước mắt khi phải cưa cụt một cánh tay của em Ngọc, một liên lạc viên 12 tuổi bị thương từ mặt trận chuyển về (sau là Nguyễn Văn Trình, nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi).
Theo lệnh Cụ Hồ, vào đầu tháng 11/1948, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký nghị định số 425/TCH thành lập trường TSQ VN. Đây là nơi học tập của các thiếu niên từng có mặt tại các đơn vị bộ đội, các cơ sở quốc phòng, trong các nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công… Giờ đây, những con người trẻ tuổi đã được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh cần được tập trung lại để học tập bồi dưỡng, trở thành lớp người kế cận có văn hóa, có khả năng quân sự phục vụ quân đội trong tương lai.
Vì hoàn cảnh chiến tranh, các trường TSQ từ Liên khu 4 trở vào Nam không có điều kiện về sáp nhập, còn lại các trường TSQ Liên khu 3, Khu 10, Việt Bắc và TSQ các Đại đoàn 308, 304, Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị), Bộ Tổng Tham mưu, đều hành quân về Thái Nguyên, hình thành trường TSQ VN với quy mô lớn: 3 tổng đội, 12 đại đội, quân số hơn 1.000 học viên.
Tất cả các học viên đó đều đã trưởng thành, sau đó trở thành anh hùng quân đội, tướng lĩnh quân sự, nhà lãnh đạo chính trị, nhà văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân – tất cả đều thành đạt vẻ vang và đều nhớ lại mái trường TSQ hồi đó với niềm tự hào vô hạn… Họ đang tích cực thu thập lại những kỷ niệm cũ về các đồng đội, về các thầy cô giáo, về hoạt động của trường… để giúp các thế hệ sau hiểu được một nền giáo dục thực sự đã được hình thành, được vận hành thế nào với những trái tim yêu nước nồng nàn, để có thể thực hiện được cái điều cho tới nay còn là cái đích của cả ngành giáo dục: “Trò ra trò, thầy ra thầy, trường ra trường”…
Nguyễn Anh Tuấn