Trái tim người mẹ: “Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay…”

9:50 | 22/04/2022

Năm ấy cha tôi (Nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ) đột ngột bỏ mẹ tôi (Ca sỹ Tân Nhân) đi, để lại mẹ tôi một thân một mình nơi đất khách quê người, bụng mang dạ chửa, không nhà cửa, không mẹ cha, không người thân thích.


Khi này mẹ tôi mới bước vào tuổi 20, còn đang là một cô nữ sinh kháng chiến, còn nhiều non nớt thơ dại. Bởi vậy mẹ tôi mới dễ nghe theo những lời đường mật của cha tôi, và khi mẹ tôi bắt đầu có mang, ông đã thác cớ bỏ đi…Thấy tình cảnh mẹ tôi, những bạn học kháng chiến nhiều người diễu cợt khinh khi, nhưng cũng có nhiều người thương cảm. Một người bạn học đã đưa mẹ tôi về nhà mình ở Lộc Hà nhờ gia đình làm phúc. Dù thương bạn của con lắm, nhưng gia đình vì tập tục làng quê cũng chỉ cho phép mẹ tôi dựng một cái lều ngoài vườn mà sinh nở. “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”. Thật hết sức xót xa…

Ca sỹ Tân Nhân hồi đôi mươi.

Từ lúc tôi sinh ra, nhiều đêm cạn sữa nằm nghe con khóc đòi bú ngặt nghẽo, bụng thì đói cồn cào, lại nghe gió rừng âm u bốn bề thổi quanh, cùng cực quá mẹ tôi đã định bế con ra dòng sông trước cửa trẫm mình. Và đã có một đêm khi tôi đã ngủ, mẹ tôi đã quyết bế con đi. Nhưng không hiểu sao, ra đến bờ sông, có lẽ gió thổi lạnh quá hay có một tiếng gọi định mệnh nào đó làm tôi tỉnh thức, khóc ré lên thảm thiết, như nức nở, như ai oán, khiến mẹ tôi sững lại. Thế là mẹ tôi đứng bên bờ sông cũng khóc. Như nổi giông nổi bão trong lòng. Và thế là mẹ lại quay mặt bế con về mái lều, vạch vú ra cho con nhằn núm vú đã khô kiệt mà nút, mà cắn…

Giữa lúc ấy, may thay, cố tôi (Cụ – tiếng miền Trung) và bà tôi xuất hiện, đúng như một bà Tiên, như một ông Bụt: “Con ơi, răng mà con khổ như ri”. Cố tôi đã thốt lên khi nhìn thấy tình cảnh mẹ con tôi trong túp lều hoang dại, còn bà tôi thì hối hả đổ gạo ra từ cái đẫy xách bên mình, rồi lại hối hả chạy ra giếng múc nước về nhen lửa nấu cơm nấu cháo cho mẹ con tôi ăn. Có lẽ đó là bữa đầu tiên mẹ tôi được no bụng sau khi sinh nở. Và cũng bởi mẹ được ăn no, nên đêm ấy từ bầu vú mẹ những dòng sữa tuôn chảy, ngập tràn miệng của tôi. Đêm ấy sau này cố tôi hay nhắc lại, không biết bởi tôi được bú no, hay có niềm vui gì đấy, mà tôi cứ nằm hươ huơ đôi chân và cười khanh khách…

– Quê mình giặc giã ghê lắm con ạ. Súng nổ đì đùng ngày đêm…Cậu con nói mạ đưa mệ ra đây gần chiến khu với cậu, và chăm sóc thằng cu này cho con. Thôi chuyện đã rồi con ạ, con cứ để cháu cho bà lo, mệ lo, con gắng mà theo anh em đơn vị. Con phải lo học hành, tiếp tục con đường kháng chiến, đó cũng là cách làm lại cuộc đời mình. Cậu con nói với mạ khuyên con như vậy…

Rồi bà tôi quay sang nghịch nghịch với tôi, làm tôi cười như nắc nẻ:

-Thằng ni nhìn giống mẹ như in…

Bà nói vậy chắc là để an ủi mẹ tôi, nhưng lại chẳng thấy mẹ tôi cười, mà mắt lại ươn ướt:

– Rồi đời nó lại khổ thôi mạ ạ…

– Con đặt tên nó là chi – Bà tôi dịu dàng hỏi.

Mẹ tôi gượng một nụ cười trên môi:

– Là Hoài mạ ạ…

Bà tôi lắc đầu, liếc nhìn cố tôi đang ngồi bên bếp lửa xa xa, rồi nói với mẹ tôi:

– Răng là Hoài? Con nhớ thương nó làm chi mà đặt tên con là Hoài hả con?

Bà tôi bần thần một chút như để ngẫm nghĩ, rồi nói:

-Thôi, nhà ở ven sông, cứ gọi nó là thằng Hà hay thằng Giang cho tiện…

Giong bà trở nên xa vời:

– Mà cũng để trôi đi nhưng khổ đau con à.…

Mẹ tôi chỉ “Dạ” một cách yếu ớt. Rồi bế tôi vào gian trong, ru tôi ngủ.

Mẹ vẫn muốn tôi tên Hoài, là nhớ, là thương, như nỗi lòng mẹ dường như càng khổ đau lại càng thương nhớ cha tôi…

Nhớ thương mẹ…

Sau này khi trưởng thành, vì có làm thơ viết báo, nên tôi có những bút danh như Châu La Việt, Trương Nguyên Việt (Việt đây là Cửa Việt quê mẹ tôi), rồi Triệu Phong (Quê cha tôi). Anh em đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè văn nghệ sỹ từ ấy cũng chỉ quen gọi tên tôi theo bút danh, khi là Việt, khi là Triệu Phong. Chỉ duy nhất một người bao giờ cũng chỉ gọi tôi là Hoài, chứ không bao giờ gọi tôi bằng bất cứ một cái tên nào khác. Đó chính là Mẹ tôi! Mẹ gọi tôi là Hoài từ buổi đầu khi mẹ sinh tôi ra, và cũng là lần cuối gọi tên con khi mẹ tôi giã biệt cuộc đời này…

Sau này tôi hiểu mẹ đặt tên cho tôi là Hoài, và suốt cuộc đời chỉ gọi tôi là Hoài, là bởi trong tên của tôi có tình yêu của mẹ với tôi, và hơn cả còn là nỗi nhớ thương của mẹ với cha tôi ra đi ngày ấy… Rồi vì dòng sông Hiền lương chia cắt đôi miền, rồi vì những biến động thời cuộc, cha tôi đã không trở lại… Cũng có thể có lúc mẹ trách móc cha (Trách mối tình ai, hỡi chàng là chàng ơi, hỡi người là người ơi… như khi hát khúc “Ru con”), nhưng suốt cuộc đời này với cha tôi, không bao giờ mẹ căm giận như thường tình, mà chỉ nhớ thương trông đợi , để rồi gửi vào câu hát và tạo nên một tiếng hát Xa khơi bất hủ: ”Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay, nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay …”

Nhớ và thương mẹ vô vàn…

Châu La Việt/ Văn hiến Việt Nam

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học