Mùi của ngoại

9:08 | 19/05/2022

Tôi về, đôi khi chỉ cần được bước những bước chân thật khẽ lên bậc tam cấp, để gọn đôi dép của mình bên đôi dép cũ của ngoại là đã thấy mọi thứ bỗng chốc dịu dàng.


Nhà của ngoại luôn ấm mùi dầu gió. Dẫu ngoài trời mưa giăng hay nắng tràn, tôi vẫn nhận ra một hơi ấm thiết tha bắt nguồn từ ánh nhìn vời vợi, giọng nói bùi ngùi, bàn tay thô ráp xương xương của ngoại; từ những tiếng chân nhỏ nhẹ và cả tiếng võng đưa trầm đều qua bao tháng năm. Tôi vẫn luôn là đứa cháu nhỏ của ngoại, dù đôi mươi hay tóc bạc, dù có bay cao những vùng trời rộng lớn, khoác lên mình những mới lạ xa vời. Khi tôi cúi đầu đi qua cánh cửa nhà ngoại là lúc tôi được trở về vẹn nguyên tâm hồn mình. Tôi rưng rưng hòa vào những giản dị chân phương in đậm dáng hình của ngoại, đôi khi chỉ vậy mà cay mắt.

Những lần về với ngoại, tôi thường ngồi thật lâu trên chiếc sạp tre đặt trước hiên nhà, đắm mình vào miền hồi tưởng. Ngày ấy, mảnh sân cỏ xanh bây giờ vẫn còn là một khoảng đất cứng. Ngay ngõ vào có cây khế còi trổ những chùm hoa tim tím li ti, trái non bé xíu thưa thớt. Cây mận trắng cao vượt mái ngói do ông trồng bên hông nhà, những trận gió khuya lá rụng xạc xào như lạc vào cả giấc ngủ của ngoại, sáng nào ngoại cũng lui cui quét lá. Dưới gốc mận là vài bụi hoa lài tỏa hương kín đáo, chen giữa thảm rau má, rau đắng hiền lành mọc dại. Những bụi hoa trang đỏ, vàng đan cài vào nhau tạo thành hàng rào ngăn với con đường đất; mật hoa có vị ngọt pha đắng dịu nhẹ. Phía trước mảnh sân còn có vài bụi ổi ruột hồng, một cây cóc cành nhánh khẳng khiu, lủng lẳng trái xanh, trái chín.

Ngoại giờ cũng như ngọn gió bấc cuối mùa, đâu còn đủ sức để sáng sáng quét lá cho cây.

Những lần về bên ngoại, vừa nghe ngoại rủ rỉ, tôi vừa xoa dầu, bóp chân, đấm lưng cho ngoại giữa hơi ấm quây quần. Tôi biết ngoại cũng đâu cần gì hơn thế. Một vòng ôm, một ánh mắt đôi khi gấp vạn lần những vật chất lành lạnh không gói theo cả những yêu thương. Tôi ngồi xuống bên cánh võng, ngoại hay ngậm ngùi thơm vào bàn tay tôi mà rưng rưng nói: “Thương quá, thương quá!”, như thể tôi vẫn mãi là chú chim non không bao giờ lớn của ngoại. Tôi vòng tay qua ôm ngoại, tựa đầu vào đôi vai gầy một đời nặng gánh áo cơm, nghe mùi của ngoại bện sâu vào trái tim, vào hơi thở, vào trí nhớ.

Ngoại thường không ngăn được nước mắt khi con cháu về thăm rồi ra đi. Mỗi khi rời nhà ngoại bước ra phía cổng, ngoái đầu lại, tôi vẫn thấy ngoại ngồi trông theo. Giây phút ấy, tôi nhận ra dường như không có nỗi cô đơn nào trên thế gian buồn hơn nỗi cô đơn của người già. Mùi của ngoại cứ len lỏi trong tâm thức tôi, làm mắt tôi đỏ nhòe theo những bước đi xa…

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/van-nghe/mui-cua-ngoai-20220409181244114.htm

Cùng chuyên mục

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Lối sống mực thước, bình dị và những câu chuyện lay động lòng người (Bài 2)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Đến với cử tri, nhân dân bằng phong cách gần gũi, ân tình (Bài 1)

Liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi lần thứ nhất

Liên hoan sân khấu dành cho thiếu nhi lần thứ nhất

Hướng sang nguồn sáng phương Đông

Hướng sang nguồn sáng phương Đông

Sáng tạo cho những tác phẩm sân khấu hay cho thiếu niên nhi đồng

Sáng tạo cho những tác phẩm sân khấu hay cho thiếu niên nhi đồng

Văn hóa người làm báo phải được liên tục tích lũy, bồi đắp, nâng cao

Văn hóa người làm báo phải được liên tục tích lũy, bồi đắp, nâng cao

Sư Minh Tuệ – một biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật

Sư Minh Tuệ – một biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

PHONG TRÀO THỂ THAO RẤT HIẾM CÓ Ở MỘT VÙNG QUÊ

Vũ Bình Lục – Người giải mã  kho báu văn chương thông tuệ

Vũ Bình Lục – Người giải mã kho báu văn chương thông tuệ