Người lưu giữ ký ức Làng

13:19 | 21/09/2022

Một ngày nắng đỏ… 

Bồi hồi, tôi nhớ những con đường làng “bóng tre trùm mát rượi”, những thửa ruộng xanh rì sắc lúa non, những mái nhà, những ngôi chùa rêu phong cổ kính, cây đa làng âu yếm rủ bóng xuống làng quê… Tất cả bỗng sống dậy trong tôi như một cây đàn rung lên khi chạm vào một nốt trầm “ký ức”.


Người đã từng có những năm tháng sống ở vùng quê đồng bằng Bắc bộ, từng tắm mình trong ánh nắng đồng quê bên những cây đa, bến nước, sân đình và những khóm tre làng thân thuộc, đó là nhà giáo, nhà văn, tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh – tác giả tập tản văn Tôi kể chuyện làng.

Cuốn sách với 358 trang, đẹp như một bức tranh thủy mặc, tái hiện lại khung cảnh làng quê đồng bằng Bắc bộ vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Đọc cuốn sách, tôi thực sự thích thú, như được trở về với ký ức tuổi thơ trong trẻo hôm nào của chính mình… Đó là những kỷ niệm xa mờ nhưng sống động về quê hương trong tôi. Những cây đa cổ thụ, giếng nước, ao làng, những cảnh quê, người quê, những phong tục tập quán từ bao đời như được thắp lên, lấp đầy trong tiềm thức bỗng vỡ òa… Nhà văn đã thổi hồn vào mỗi sự vật để nó sống dậy, cất cánh thăng hoa cùng người đọc. Đọc cuốn sách, ta thấy ngỡ ngàng như được ai đó thân thương trìu mến tặng “một vé đi tuổi thơ”, mà ở đó cả một bầu trời ký ức với những kỷ niệm về một tuổi thơ thuần khiết ngày xưa được khơi dậy…

Tác giả Lê Hữu Tỉnh sinh ra ở một miền quê đồng bằng Bắc bộ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thuộc phủ Hoài, Hà Đông xưa, …) vào những năm 50 của thế kỷ trước. Người con vùng quê xứ Đoài này rất yêu làng quê. Từ nhỏ cho tới khi lớn lên rồi đi học, đi công tác xa nhà, ông vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương. Ngay cả khi sống nơi phố thị phồn hoa, ông vẫn nhớ từng lũy tre, từng thửa ruộng, giếng nước, ao làng…, nhớ từng chi tiết nhỏ nhất của làng quê yêu dấu, cả những con người bình dị ở thôn quê và những phong tục tập quán nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Đọc từng trang sách, ta thấy hiện lên một thế giới tuổi thơ trong trẻo của những đứa trẻ quê thật hồn nhiên, tinh nghịch, hiếu động nhưng cũng rất thông minh, đáng yêu. “Trưa tháng sáu, bắt cá trên ruộng nước” là hình ảnh những đứa trẻ thôn quê đi bắt cá sặc bùn trên ruộng bừa, mà tác giả là nhân vật chính: “Tôi đầu đội cái nón mê, đánh chiếc quần cộc, ngang lưng buộc một cái giỏ đựng cá, lội ào xuống các chân ruộng nước ngập đến bắp chân, nóng rẫy. Tôi bì bõm lội trên ruộng, căng mắt tìm những con cá bị nước cuốn theo những đường bừa xô dạt, quần cho tơi tả. Những con cá nhỏ bị sặc nước, cố ngoi lên mặt ruộng, cái miệng nhỏ xíu loe ra thở hí hóp. Thế là tôi chộp lấy…”

Trong cuốn sách nhỏ này, tất cả cảnh quê, người quê được tác giả kể lại bằng một giọng dung dị, hồn nhiên của người trong cuộc, thông qua góc nhìn văn hóa của một nhà giáo, nhà văn, một tiến sĩ thông tuệ, uyên bác. Không gian trong cuốn sách là những khung cảnh bình dị, thân thuộc (nhất là đối với những độc giả sinh ra từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước). Một vùng quê có đời sống canh tác nông nghiệp lâu đời, có nghề phụ là nuôi tằm, dệt lụa; có những nét văn hóa ẩm thực độc đáo; có phong tục tập quán lâu đời vừa gần gũi, thân quen, vừa độc đáo, đặc sắc.

Tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê thật đơn sơ, hồn hậu nhưng ăm ắp niềm vui. Nhà văn Lê Hữu Tỉnh đã tái hiện tất cả cái hiện thực tươi ròng ấy qua những câu chuyện nhỏ, mà mỗi câu chuyện là một nét vẽ thi vị, thần tình về làng quê. Một “lũy tre”, một “cây đa cổ thụ”, một “cây cầu”, “giếng nước”, cái ao, con mương… đều như có hồn, bởi nó gắn với đời sống thực của chính tác giả. Tôi thực sự thích thú khi tác giả say sưa kể về những trò nghịch ngợm của bọn trẻ độ tuổi 11, 12 ở nông thôn: cảnh bắt cá, cảnh tắm ao, cảnh đi mua canh đậu nước, rồi cảnh sinh hoạt Đội Thiếu niên tiền phong… Cảnh nào cũng sống động như đang diễn ra trước mắt. Thú vị hơn nữa là trong tất cả những cảnh đó, dường như cảnh nào cũng có tác giả, nhân vật chính, một cậu bé vừa nghịch ngợm, hiếu động vừa ngoan ngoãn, đáng yêu và cũng đầy cá tính: “Thú nhất là trò đứng trên cầu mương, co giò, cong người lao đầu xuống dòng nước như một vận động viên bơi lội thứ thiệt… Thế là lũ trẻ hiếu động cứ hết đưa nọ đến đứa kia lần lượt phi thân, cắm đầu xuống dòng nước đang chảy xiết…”. Và đây là cảnh lũ trẻ rủ nhau đi “Mua canh đậu nước”:  “Chúng tôi mắt nhắm mắt mở mang âu, mang nồi đến nhà cụ Nhàn từ rất sớm, trời đất còn tối om. Chủ nhà còn đang kẽo kẹt xay đỗ, nhóm lửa. Đợi lâu quá, mấy đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ, đứa thì dựa lưng vào tường ngủ gà ngủ gật, đứa thì nằm lăn ra góc bếp đánh một giấc ngon lành. Đến khi có canh, chủ nhà mới đánh thức lũ trẻ mang về…”

Xuyên suốt tập tản văn Tôi kể chuyện làng là hình ảnh “Mẹ tôi”, một người mẹ như bao bà mẹ ở nông thôn: lam làm, tần tảo… nhưng “ mẹ tôi” có phần giỏi giang hơn những bà mẹ khác ở nhiều công việc, mà việc nào mẹ cũng làm giỏi và khéo. Bà con trong xóm thường nói vui: “Cứ nhìn luống rau, luống khoai, ruộng lúa, ruộng ngô… của cụ Lịch là biết ngay. Mọi thứ đều phẳng phiu, ngang hàng thẳng lối, đẹp như tranh vẽ. Đất làm kĩ, chăm sóc, tưới tắm cẩn thận. Rau, khoai, ngô, lúa… xanh tốt bời bời”. Một người mẹ đảm đang, vén khéo từ những việc nhỏ nhất như xay giã, giần sàng, làm bánh trái, khâu vá… đến các việc lớn hơn, đòi hỏi phải có “chuyên môn” cao như thêu ren, nuôi tằm, dệt lụa … việc gì mẹ cũng làm đẹp đẽ, tươm tất, chỉn chu. Một người mẹ kiểu mẫu của những người mẹ Việt Nam cần cù, đôn hậu, giàu đức hi sinh “Mẹ tôi không biết ăn ngon, mặc đẹp là gì, cả đời lặng lẽ hi sinh vì con cái”.

Từ góc nhìn của một nhà văn hóa, với cảm quan nhạy bén tinh tường và trái tim nhân hậu, tác giả Lê Hữu Tỉnh đã đưa độc giả trở về ký ức thân quen, tươi đẹp của một làng quê mà ở đó mỗi cảnh vật, mỗi con người hiện lên đều mang hơi thở, những nét đặc trưng văn hóa một thời ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Giống như một bức tranh nhiều màu sắc mà mỗi mảng màu là một câu chuyện nhỏ đặt bên cạnh nhau mà không hề rời rạc. Trái lại, mỗi câu chuyện là một chi tiết cấu thành bức tranh làng quê lung linh, sống động. Đó là cuộc sống sinh hoạt đời thường gần gũi, bình dị với những thuần phong mỹ tục đã có từ lâu đời, như tục ăn xóm, tục bán khoán, tục thi thả chim bồ câu, thi nấu cơm trên thuyền…

Mảng viết về cách làm ăn của người dân quê cũng rất phong phú và hấp dẫn. Từ những việc nhỏ như cách bện chổi, cách làm đậu phụ, bánh gio, bánh gai, kéo vó tôm, câu cá chuối… đến những công việc khác như chăm bón cây trồng, chăm sóc vật nuôi… Tất cả đều hiện lên trong cuốn sách một cách cụ thể, sinh động như cuộc sống đang diễn ra. Thật là thú vị!

Những vật dụng hàng ngày trong đời sống thôn quê cũng được trân trọng đưa vào trang sách một cách tự nhiên, khéo léo: cái giần, cái sàng, chum tương, vại cà, đụn rạ, cây rơm, cái giại, cái chổi rơm… Những thứ tưởng như vô tri vậy mà dưới cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên và những xúc cảm chân thành, trìu mến của tác giả, tất cả được hiện lên một cách sống động đầy yêu thương như “những “người bạn… lặng im” của tuổi thơ tôi” và “luôn ẩn hiện, neo đậu, thấp thoáng đi về trong tâm trí tôi”.

Đọc từng mẩu chuyện trong Tôi kể chuyện làng của Lê Hữu Tỉnh, ta thấy bao trùm lên tất cả là một tình yêu tha thiết, sâu nặng xen lẫn niềm tự hào của tác giả đối với quê hương.

Cuốn sách dày hơn 300 trang, với 66 câu chuyện nhỏ, dường như không có cốt truyện mà độc giả đọc mải mê khó dứt. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Huy Quang nhận xét: “Cuốn sách như một “bảo tàng” về làng quê xưa” quả là không sai. Không mỹ miều, văn hoa khi viết, tác giả chỉ dùng lối viết với những ngôn từ mộc mạc, bình dị, dung dị, mang màu sắc tự sự. Vậy mà cảnh và tình cứ hiện lên “mê hoặc” người đọc ngay từ trang đầu đến hết trang cuối.

Xin trân trọng cảm ơn tác giả, nhà giáo, nhà văn, tiến  Lê Hữu Tỉnh đã cho tôi và bao bạn đọc thêm hiểu và thêm yêu làng quê Việt, với những giá trị trường tồn của không gian văn hóa truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ. Cuốn sách thực sự như một “kho báu” bằng ngôn ngữ, như một “bảo tàng” lưu giữ, tái hiện hình ảnh làng quê xưa. Đọc và thấu cảm tư tưởng và tình cảm của người viết, thế hệ sau sẽ càng thêm yêu quê hương đất nước mình và thấy rõ hơn trách nhiệm bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa đó.

(Đọc “Tôi kể chuyện làng”, tản văn của Lê Hữu Tỉnh, NXB Văn học, 2022)

NHẤT CHI MAI

…………………………………………..

Tác giả: Nguyễn Minh Tâm (Hội viên Hội VHNT Hưng Yên)

Bút danh: Nhất Chi Mai

Thôn Bình Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên

Gmail :nguyentamnhatchimai@gmail.com

SĐT: 0965.504.306

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh