Thời bao cấp, từ sếp tới lính đều bình đẳng ở chỗ… “nghèo đều”, thưởng Tết chỉ tháng lương thứ 13. Lúc đó, có khi cả cơ quan xúm lại người nấu nước, kẻ mài dao, người đi kiếm dây lạt… để làm thịt con heo ăn tết.
Những năm giữa thập niên 1980, cứ đầu tháng Chạp, người làm cho các doanh nghiệp quốc doanh nôn nao nghe ngóng xem Tết này mỗi người sẽ được thưởng bao nhiêu tiền để lên kế hoạch sắm sửa.
Tháng lương thứ 13
Những ai làm bên ngành kinh doanh thì dự đoán theo tình hình làm ăn của đơn vị. Năm nào công ty làm ăn khá thì thưởng tết cũng đỡ lắm, ngược lại chỉ có thêm một tháng lương thôi.
Dân làm các cơ quan hành chánh thì năm nào cũng vậy, bổn cũ soạn lại là tháng lương thứ 13 kèm một ít trà bánh nên cũng chẳng lấy gì làm phấn khởi. Nếu may mắn gặp sếp cơ quan có quan hệ ngoại giao rộng, quen biết lớn, chịu cất công đi liên hệ các đơn vị kinh doanh để xin mua hàng hóa theo giá “hữu nghị” thì có thêm ít quà cho lính nhà (nhưng nhân viên phải nộp tiền mua hàng).
Phần quà phụ này vô chừng lắm, có khi là mấy mét vải, khi thì ký bột ngọt, lúc lại là chục ký gạo hoặc vài chai bia, chục lít xăng, có lần mỗi người được mua một bộ vỏ ruột xe đạp nhập của Nhật. Món này thì ngon, trừ xe ai vỏ ruột cũ quá phải thay, ai lãnh xong cũng đem ra chợ trời “chuyển nhượng” lại để có thêm mớ tiền sắm Tết.
Coi vậy chứ cũng đỡ hơn thời bao cấp, thời kỳ mà các loại hàng hoá đều do nhà nước sản xuất và phân phối theo chế độ tem phiếu. Cũng có nhiều người dân lén lút mua chui bán lủi ở chợ trời. Có những tư nhân có vốn lớn, họ thu mua hết những hàng hóa công nhân viên đem ra bán theo giá “thị trường tự do”, cao gấp chục lần giá nhà nước.
Thời đó, từ sếp tới lính đều bình đẳng ở chỗ “nghèo đều” như nhau, Tết cũng chỉ lãnh thêm tháng lương thứ 13 thôi, khoảng đâu ba bốn chục đồng.
Chỉ có 3 ngày Tết, chia thịt heo tại cơ quan
Thời đó, Tết chỉ được nghỉ có ba ngày 30, mùng 1 và mùng 2. Mùng 3 là phải đi làm trở lại. Thành ra 28 tháng Chạp là cửa hàng thịt quốc doanh bán thêm cho mỗi người một ký thịt heo và chục trứng vịt để nấu nồi thịt kho ăn Tết.
Vụ thịt heo tức cười lắm, có năm, chị quản lý cơ quan đi ra cửa hàng Thương nghiệp lãnh về là thịt heo tươi, có năm thì chở về nguyên con heo còn sống la éc éc, dân cơ quan hồi đó tháo vát lắm, tự mổ heo ra thịt luôn tại cơ quan.
Phương tiện đi lại “sang trọng” của các cặp đôi yêu nhau thời bao cấp là xe đạp
Lúc đó vui lắm, cả cơ quan xúm lại người nấu nước sôi, kẻ mài dao, người đi kiếm dây lạt buộc, hạ thịt xong thì chia theo kiểu bắt thăm hên xui. Có thịt là quý rồi nên cũng chẳng ai kêu ca khiếu nại gì.
Lãnh phần thịt xong là mạnh ai nấy lấy dây lạt cột miếng thịt treo lên ghi đông xe đạp, lè lẹ cuốc một hơi về nhà cho “má nó mừng”.
Thời bao cấp vải vóc khan hiếm lắm, mỗi năm mỗi đầu người được mua 5 mét vải khổ hẹp 1,2 mét. Bởi vậy chỉ đủ may một áo một quần. May xong đâu có dám mặc đi làm hàng ngày vì sợ nó cũ, chỉ diện bộ đồ vía này khi đi đám cưới và ba ngày Tết.
Công ty thương nghiệp bán vải nguyên cây theo tổng số đầu người của cơ quan, nên vải áo một loại một màu, vải quần cũng vậy.
Thành ra có cảnh rất tức cười là ngày Tết hay đi đám cưới, cả cơ quan nam mặc quần áo cùng loại vải, cùng màu, nữ cũng vậy, lúc kéo nhau ra đường có lần bị bà con ghẹo là: “Nhìn tụi bây giống con Bà Phước”. Ý ám chỉ cả đám ăn mặc giống các trẻ mồ côi ở cô nhi viện của các soeur, trẻ ở đó mặc quần áo giống như nhau.
Bây giờ kinh tế phát triển, hàng hóa đủ đầy, quần áo đủ kiểu đủ loại, đồ mới mặc quanh năm không đợi tới Tết. Có lẽ chỉ những người ở độ tuổi trung niên trở lên mới biết rằng đã có một thời, Tết tới là công nhân viên bươi quào đủ kiểu để kiếm tiền, quần áo đi làm chỉ có “bộ nghiêm, bộ nghỉ”.
Cái quần tây nào ở mông cũng có hai cái… ti vi, bởi vì quần bị rách đít thì phải lót miếng vải bên trong rồi may chần lên bằng những đường chỉ song song sát nhau, may thành hình chữ nhật giống cái ti vi. Mỗi lần nhớ lại vẫn tức cười vụ cái quần có “hai cái ti vi” và câu: “Nhìn tụi bây giống con Bà Phước!”.
Theo Thanhnien