70 năm thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác và những tư tưởng của Người về công tác thi đua khen thưởng; học tập tấm gương và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ngành NN-PTNT đã kết nên muôn vàn bông hoa, vườn hoa thành tích, xứng đáng và tự hào thành kính dâng lên Bác.
Có thể nói trong các ngành kinh tế, thi đua trong nông nghiệp được phát động sớm nhất, có sức sống bền bỉ nhất, lan tỏa rộng rãi nhất và đạt hiệu quả to lớn nhất.
Chỉ hai ngày sau khi Bộ “Canh nông” được thành lập (14/11/1945) phong trào thi đua đã được phát động để vừa sản xuất, vừa kháng chiến.
“Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.
Ngày 1/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Tăng gia sản xuất, với nhiệm vụ “Thi đua tăng gia sản xuất, quyết thực hiện khẩu hiệu toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác”.
Năm 1954, hòa bình lập lại, đất nước còn chia hai miền, phong trào thi đua lúc này là: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Ở khắp nơi, từ đồng bằng đến hải đảo, từ miền xuôi đến miền núi đều thi đua “Tay liềm, tay súng”, “Tay cuốc, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Tay lưới, tay súng” để đảm bảo “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Ngày làm không đủ, tranh thủ làm đêm”. Tất cả vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 1995, sau khi sát nhập, Bộ NN-PTNT là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực với trên 75% dân số cả nước làm nông nghiệp, đặt ra cho công tác thi đua khen thưởng của Bộ nhiệm vụ rất nặng nề.
Năm 1997, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Bộ và hướng đến xây dựng nền Nông nghiệp Việt Nam vững mạnh, Bộ trưởng phát động phong trào thi đua “ Vì sự nghiệp nông nghiệp và Phát triển nông thôn”. Phong trào thi đua này đã được đông đảo cán bộ, công nhân, nông dân hưởng ứng. Tại thời điểm này, Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ đã trình Bộ trưởng về việc lấy tên của phong trào thi đua này làm tên Biểu tượng của Bộ, làm tên Huy hiệu của ngành để tặng Kỷ niệm chương cho cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành có thời gian công tác liên tục từ 20 năm trở lên, tặng cho nông dân có thành tích xuất sắc, cho Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, các chuyên gia có thành tích giúp đỡ ngành Nông nghiệp.
Tại Đại hội thi đua yêu nước ngành NN-PTNT lần thứ nhất, hai phong trào thi đua đã được phát động là:
“Thi đua xây dựng nông thôn giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”
“Thi đua Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và Phát triển nông thôn”
Nhiều phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề cũng đã được phát động:
“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng cánh đồng, trang trại đạt 50 triệu đồng/ha/năm”.
Thi đua “Xây dựng mô hình liên kết 4 nhà” được thể chế hóa bằng Nghị quyết liên tịch giữa Bộ NN-PTNT, Trung ương Hội Nông dân VN, Tổng liên đoàn lao động VN, Liên hiệp các Hội KHKT VN và Ngân hàng nhà nước VN.
Thi đua “Thực hiện chương trình hóa công tác, quy chế hóa công vụ, hiện đại hóa thông tin, dân chủ hóa cơ quan”. Đây là phong trào thi đua được phát động trong các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ, nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo, hiệu quả công tác, động viên cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện cải cách hành chính.
Năm 2004, Bộ ban hành Tiêu chuẩn xét tặng: “Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam”, dành tặng cho các sản phẩm, những công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ trên toàn ngành.
Ở các địa phương, đơn vị xuất hiện nhiều phong trào thi đua:
Thi đua “Xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm”
Thi đua thực hiện “Ba giảm Ba tăng” đó là giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Các phong trào “Nông dân thi đua làm giàu”, “Nghệ nhân Kinh Bắc”, “Nghệ nhân bàn tay vàng đúc đồng”… đã thu hút rất đông đảo nông dân, doanh nghiệp, nghệ nhân tham gia.
Trong lĩnh vực Lâm nghiệp có phong trào thi đua “Triệu phú nghề rừng”. Lĩnh vực giống cây trồng có phong trào “Giống tốt bội thu”. Lĩnh vực bảo vệ thực vật có phong trào “Ba quản”, đó là quản lý đối tượng dịch hại tốt nhất, quản lý thuốc bảo vệ thực vật tốt nhất và quản lý biện pháp bảo vệ thực vật tốt nhất. Lĩnh vực Kiểm lâm có phong trào “Ba bám”, đó là bám địa bàn, bám nhiệm vụ và bám chuyên môn. Lĩnh vực quản lý xây dựng cơ bản có phong trào thi đua “ Công trình chất lượng cao” . Lĩnh vực sản xuất kinh doanh có phong trào “Giám đốc quản lý giỏi”. TCty Cao su Việt Nam có phong trào “Bàn tay vàng cạo mủ”, “Máng chắn mưa”. Lĩnh vực đê điều phòng chống lụt bão có phong trào “Thi đua thực hiện vững chắc chân đê, xanh hóa mặt đê, cứng hóa thân đê”. Lĩnh vực khoa học và công nghệ có phong trào “Xây dựng mỗi viện thành một khuôn viên khoa học”. Các cơ sở đào tạo có phong trào “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt vì ngày mai lập nghiệp”.
Tháng 9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Hưởng ứng phong trào thi đua này, Bộ NN-PTNT đã phát động phong trào “Toàn ngành NN-PTNT chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới”.
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện rất nhiều gương điển hình tiên tiến là tập thể, cá nhân ở khắp các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc, là tấm gương sáng về lao động sản xuất, công tác, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, góp phần to lớn làm nên những thành tích kỳ diệu của ngành NN-PTNT nước ta.
Sinh thời Bác Hồ đã dạy, “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Các phong trào thi đua được phát động trong những năm qua là những biện pháp gieo trồng để ngành NN-PTNT thu hoạch những mùa vàng bội thu.
Tổng kết 15 năm đổi mới ngành NN-PTNT là ngành được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhiều nhất, đã có 91 tập thể, 26 cá nhân trong tổng số 225 tập thể, 100 cá nhân của cả nước, chiếm trên 35%.
– Có 55 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc trên tổng số 1.178 chiến sĩ thi đua toàn quốc của cả nước, chiếm 4,8%.
– 497 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.
– Gần 300 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động, trên 400 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
– 100.000 công chức, viên chức trong toàn ngành, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nông nghiệp và PTNT”.
– 135 chuyên gia các nước, các tổ chức quốc tế có công lao đóng góp với ngành NN-PTNT được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nông nghiệp và PTNT”, 30 chuyên gia được tặng thưởng Huân chương và Huy chương Hữu nghị.
Các nhà khoa học đã có nhiều đóng góp như các viện sỹ Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng; các giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Luật, Nguyễn Ân Niên, Trần Hồng Uy, Lâm Công Định, Lê Đình Khả, Tạ Minh Sơn… những người đã kế tục xứng đáng các nhà khoa học lớp trước: Bác sỹ Nông học Lương Định Của, giáo sư Bùi Huy Đáp, Lê Duy Thước, Nguyễn Như Khuê, Thái Văn Trừng.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Vì vậy, để công tác thi đua khen thưởng tiếp tục là động lực thúc đẩy mọi công chức, viên chức, người lao động hăng hái thi đua hơn nữa trong lao động, sản xuất, học tập, thực hiện Luật Thi đua khen thưởng, công tác thi đua khen thưởng trong thời gian tới, hướng tới những nội dung sau:
Phong trào thi đua phải bám sát mục tiêu chính trị của ngành, của Bộ phản ánh đúng nguyện vọng của cán bộ viên chức và nguyện vọng của người dân.
Phong trào thi đua phải có mục tiêu cụ thể, nội dung thiết thực, không phát động dàn trải và phải phù hợp với điều kiện khả năng của mỗi địa phương đơn vị để đông đảo CBCNVC và người dân có thể tham gia.
Phải có sự lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sâu sát của các cấp chính quyền và phải có sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể quần chúng.
Phát động rồi, phải tiến hành sơ kết, tổng kết để nhân rộng điển hình. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền cho phong trào và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Chăm lo củng cố tổ chức cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng. Phân công rành mạch, rõ ràng, khen thưởng phải đảm bảo đúng quy trình và công khai để công tác TĐKT vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi cơ quan. Tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác TĐKT hàng năm.
Tiếp tục đổi mới xây dựng điển hình, khắc phục tình trạng đánh trống bỏ dùi, hành chính hóa công tác thi đua và khen thưởng tràn lan, kém thuyết phục.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta không thể không học tập và làm theo những tư tưởng của Bác về thi đua khen thưởng
Bác Hồ đã dạy: Kế hoạch 10
Biện pháp phải 20
Quyết tâm phải 30
Những người làm công tác thủy lợi luôn luôn khắc sâu lời Bác dạy về nhiệm vụ của mình:
“Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước, có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi, nhưng cũng có thể làm hại. Nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhà dân xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Theo Nongnghiep