Quảng Bình:Vai trò của văn hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

21:43 | 05/07/2022

Hiện nay, nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đang dần khẳng định vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, kinh tế-xã hội, văn hoá, môi trường và thể chế là bốn động lực chính thúc đẩy nền nông nghiệp đi lên, tạo ra những thành quả thiết thực, tỷ lệ tăng trưởng cao, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, vai trò của văn hoá ngày càng thể hiện rõ nét, có tác động sâu sắc đến việc nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, gắn kết mật thiết đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Gắn kết văn hoá và nông nghiệp

Văn hoá là một trong bốn trụ cột cơ bản của phát triển đất nước nói chung và nông thôn nói riêng. Trụ cột này có tác động sâu sắc đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn vốn lấy nông nghiệp làm “cơ nghiệp”. Tính chủ đạo của văn hoá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn không chỉ là hồn cốt mà còn mang tính dẫn dắt, định hướng, thúc đẩy và gắn kết các yếu tố nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Là một tỉnh có truyền thống văn hoá độc đáo gắn với phát triển nông nghiệp, Quảng Bình đã làm tốt vai trò gắn kết giữa hai trụ cột này thông qua những hoạt động liên kết và bổ trợ cho nhau, vừa góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hoá địa phương, vừa giúp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Lễ hội cầu ngư là lễ hội văn hoá gắn liền với phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Bình

Từ xưa đến nay, nền nông nghiệp lúa nước đã trở thành văn hóa chủ đạo trong tín ngưỡng, văn hóa của cộng đồng nông thôn Việt Nam, đem lại sự ấm no, thịnh vượng cho cả dân tộc. Trên nền tảng văn hóa ấy, công cuộc tái cấu trúc ngành nông nghiệp trong những năm gần đây đã tiếp tục diễn ra tích cực, đem lại sự thay đổi nhanh chóng diện mạo của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung và nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Quảng Bình có nhiều thế mạnh về nông nghiệp tự nhiên và truyền thống văn hoá độc đáo, đây được xem là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với tìm hiểu văn hoá địa phương. Từ thế mạnh này, tại các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng lấy các hoạt động tìm hiểu văn hoá địa phương, làng nghề truyền thống, văn hoá nông nghiệp lúa nước… làm chủ đạo trong hoạt động của mình. Đến với Quảng Bình, du khách không chỉ được nghỉ dưỡng trong không gian thiên nhiên rộng lớn, được khám phá thiên đường trên mặt đất như động Phong Nha, sông Chày- hang Tối, được chèo thuyền Kayak trên suối Moọc, tắm biển trên bãi Đá Nhảy… mà còn được tìm hiểu các hoạt động văn hoá địa phương, các lễ hội liên quan đến sản xuất nông nghiệp (lễ hội Cầu ngư, lễ hội cá trắm sông Son), các làng nghề truyền thống, với những sản phẩm địa phương độc đáo như sâm Bố Chính (với các sản phẩm rượu sâm, trà sâm, củ sâm tươi chế biến trong các món ăn), rượu sim Xuân Hưng, cá trắm sông Son, khoai deo Hải Ninh, cao cà gai leo, cao thìa canh Thanh Bình, các sản phẩm nấm Tuấn Linh, miến dong sông Son, sản phẩm mây tre đan Vân Sơn… Đặc biệt, văn hoá nông nghiệp còn được các làng nghề truyền thống giữ gìn và phát huy giá trị, như làng nghề truyền thống Tân An ở xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch với các sản phẩm bánh mè xát, bánh đa nem; làng nghề Đức Trạch, Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Bảo Ninh, Hải Thành (TP Đồng Hới), Hải Ninh (Quảng Ninh) với các sản phẩm thuỷ hải sản được ngư dân địa phương đánh bắt và chế biến như nước mắm, cá khô, mực khô, ruốc… Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã từng bước xây dựng thương hiệu và xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Hội thi cá trắm sông Son (huyện Bố Trạch) được tổ chức hàng năm thu hút người dân và du khách tham gia.

Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã có 94 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao gồm: cá bờm trắng (Hợp tác xã sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn); cao thìa canh Thanh Bình (Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm); nước mắm truyền thống Ngọc Biển (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TH Việt Trung; đũa gỗ Quảng Thuỷ (HTX sản xuất, kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thuỷ). Các sản phẩm OCOP được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, sử dụng nhãn hiệu OCOP và in logo trên bao bì sản phẩm. Từ những sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương, trong dòng chảy của sự phát triển, những sản phẩm này đã có tính thương hiệu, được quảng bá, giới thiệu và phát triển hình ảnh. Từ đó, du khách đến với Quảng Bình có thể tìm hiểu về truyền thông văn hoá bản địa, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Một trong những nội dung quan trọng của văn hoá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn chính là hoạt động tương trợ, giúp đỡ ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thị trường, liên doanh liên kết… nhằm tạo ra các chuỗi, vùng, liên vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu nông sản, xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn, cũng như xây dựng chính sách về phát triển nông nghiệp… Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật các giống cây, con mới về các địa phương và được người dân hưởng ứng. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, các cây trồng kém hiệu quả được thay thế bằng các giống cây trồng mới mang lại hiệu quả cao không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn giữ gìn và phát triển văn hoá của địa phương.

Làng nghề nón lá Hạ Thôn (phường Quảng Thuận, TX Ba Đồn) được gìn giữ và phát triển.

Đặc biệt, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chất lượng, giá trị, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Đây là bước tiến mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hoá, đồng thời bảo vệ môi trường sản xuất và đời sống của người dân nông thôn. Nhờ đó, những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ cung cấp cho người dân trong tỉnh mà còn toả đi muôn nơi trong nước và đang dần tham gia vào thị trường xuất khẩu. Văn hoá nông nghiệp của tỉnh không chỉ gói gọn trong “chiếc rổ tre” ở chợ làng mà đã từng bước vươn ra bên ngoài.

Xây dựng đời sống văn hoá và nông thôn mới

Xây dựng đời sống văn hoá ở nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của văn hoá có gắn kết với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực tế, ở những địa phương làm tốt phong trào xây dựng đời sống văn hoá thì ở nơi đó, sự đổi thay về nông nghiệp theo định hướng tái cấu trúc được thực hiện rất thuận lợi và mang lại hiệu quả cao; tính đoàn kết, chia sẻ, trách nhiệm giữa các thành viên, hộ gia đình, rộng hơn là các vùng sản xuất… đều tạo ra các sản phẩm nông sản có sức cạnh tranh lớn.

Xây dựng đời sống văn hoá ở khu vực nông thôn chính là khoác lên bộ mặt nông thôn những giá trị về tinh thần mới, vừa mang tính nhân văn, giá trị truyền thống, vừa mang tính hiện đại dựa trên sự kế thừa, chắt lọc văn hoá của nền nông nghiệp hiện đại. Người nông dân dần làm quen, làm chủ phương thức lao động nông nghiệp mới, dần xoá bỏ tư duy tiểu nông, tự cung, tự cấp, không còn lối suy nghĩ sản phẩm nông nghiệp kiểu chợ làng, chợ quê mà đã từng bước xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, văn hoá nông thôn không những không bị xáo trộn mà vẫn giữ được giá trị truyền thống, đồng thời bổ sung những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Nền tảng văn hoá cũng chính là đề kháng tự thân để chọn lọc, tiếp thu và phát triển các giá trị văn hoá mới, làm cho cộng đồng làng xã ngày càng gắn bó, đoàn kết thúc đẩy việc thực hiện chủ trưởng, chính sách tái cơ cấu nông nghiệp nhanh hơn, bền vững hơn.

Các sản phẩm nông nghiệp chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu (sản phẩm OCOP 4 sao Cao thìa canh Thanh Bình của HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm)

Nhìn từ góc độ văn hoá, kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có sự đóng góp không nhỏ của phong trào xây dựng đời sống văn hoá trong xây dựng nông thôn mới. Đây là phong trào rộng khắp cả nước, đạt được những kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Tại tỉnh Quảng Bình, phong trào xây dựng nông thôn mới có nhiều thành tựu to lớn, kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội thiết yếu ở nông thôn ngày càng hoàn thiện, được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hoá; hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, nhà văn hoá… được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ. Đến cuối năm 2021, tỉnh Quảng Bình có Có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đạt bình quân 17,2 tiêu chí nông thôn mới/xã. Thành phố Đồng Hới và thị xã Ba Đồn có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 26 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, 43 vườn mẫu; số xã dưới 10 tiêu chí chỉ còn 7%. Có 112/128 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá, 121/128 xã đạt tiêu chí Văn hoá (tiêu chí số 16). Bộ mặt nông thôn Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc, ngày càng khang trang, văn minh hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể.

Đồng hành với xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương tái cấu trúc ngành nông nghiệp, phong trào xây dựng đời sống văn hoá ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu của mình như một nhân tố hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh Quảng Bình đã chú trọng quan tâm đến bảo tồn di sản văn hoá ở nông thôn trong xây dựng và phát triển kinh tế, làm nền tảng để phát triển du lịch văn hóa địa phương gắn với phát triển nông nghiệp như là một nguồn lợi kinh tế bổ sung vào nền kinh tế nông thôn. Tại huyện Bố Trạch, tận dụng tiềm năng, lợi thế của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, hang Én, suối Moọc, thung Gió, sông Chày-hang Tối…, cư dân bản địa đã tập trung phát triển nền nông nghiệp bản địa với những sản phẩm chủ lực như rượu sim, cá trắm, sâm Bố Chính… gắn với phát triển du lịch sinh thái. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn liền với địa danh, địa phương đã tạo nên nét văn hoá độc đáo cho các sản phẩm, giúp cho sản phẩm phát triển bền vững.

Để giữ gìn và phát triển văn hoá bản địa, tỉnh Quảng Bình cũng đã tạo điều kiện cho các Công ty mở các tour du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hoá cộng đồng người bản địa, với các trải nghiệm hấp dẫn như: khám phá hang động, tắm suối, cắm trại ngủ lều giữa rừng, tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt, văn hoá bản địa và thưởng thức các sản vật của bà con. Thông qua các hoạt động này, không chỉ văn hoá sản xuất nông nghiệp của bà con vùng dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát triển mà rừng vùng đệm cũng được bảo tồn hiệu quả. Nhiều khu du lịch sinh thái còn xây dựng chương trình cho du khách trải nghiệm làm nông dân với các hoạt động gặt lúa, chăn trâu, thả diều… phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân tại địa phương. Nhờ đó, không chỉ đời sống kinh tế của người dân được phát triển mà văn hoá bản địa cũng được bảo tồn, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh.

Từ sự gắn kết này, văn hoá đã thể hiện được vai trò to lớn trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Bình với những thành tựu to lớn, không chỉ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mà còn giữ gìn và phát huy được nền văn hoá độc đáo của địa phương. Trong thời gian tới, nông nghiệp và nông thôn tỉnh Quảng Bình tiếp tục chịu nhiều tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Tác động của quá trình đô thị hoá, của biến đổi khí hậu, của tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi công nghệ số… sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự gắn kết giữa văn hoá đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Để tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò, thành quả đã đạt được, tỉnh Quảng Bình tiếp tục quan tâm nghiên cứu xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung đầu tư phát triển và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trước hết là hạ tầng giao thông và thương mại ở vùng biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tối ưu hóa giá trị nông sản và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đây cũng chính là định hướng của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn.

Mai Văn Minh – TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

TPHCM: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm

TPHCM: Tập trung thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm