Đêm 27/10/2018, Liên hoan nghệ thuật tuồng, bài chòi và dân ca kịch toàn quốc 2018 đã có một kết thúc rất đẹp, xúc động với vở ca kịch bài chòi “Núi rừng năm ấy” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ do đơn vị chủ nhà, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Nghệ thuật Bài chòi và hát Hố tỉnh Quảng Ngãi trình diễn.
Với “Núi rừng năm ấy”, nhà văn, nhà viết kịch lão thành Nguyễn Thế Kỷ và các hậu duệ của NSND Lê Thi, nghệ sĩ kiệt xuất nhất trong lịch sử ca kịch bài chòi, ở Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Nghệ thuật Bài chòi và hát Hố Quảng Ngãi đã cho thấy bài chòi vẫn hiện diện thật sinh động, tươi trẻ trên quê hương núi Ấn, sông Trà. Là đơn vị xã hội hóa do tác giả Nguyễn Thế Kỷ sáng lập và dốc hết công của duy trì hoạt động với mục đích góp phần giữ gìn và quảng bá hai di sản nghệ thuật quý giá của quê hương, hơn 8 năm qua, Trung tâm không những đã mở hàng chục lớp dạy bài chòi và hát hố cho nhiều huyện thị trong tỉnh mà còn tích cực tham gia chương trình Sân khấu học đường ở Quảng Ngãi, Phú Yên, chương trình phục hồi nghệ thuật bài chòi tại thủ đô Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, chương trình bài chòi đường phố phục vụ du lịch tại Đà Nẵng.
Tuy vậy, việc dựng một vở ca kịch bài chòi dài, bề thế như “Núi rừng năm ấy”, một tác phẩm xuất sắc về thời chống Mỹ ở miền Tây Quảng Ngãi, dường như là một việc làm quá sức của Trung tâm này. Nhưng vượt qua mọi khó khăn thách thức về điều kiện, trình độ, các nghệ sĩ Trần Tám, Công Sơn, Mỹ Lệ, Văn Phước và các diễn viên trẻ, được sự trợ giúp tận tình của NSND Lê Tiến Thọ, đã gây bất ngờ lớn khi trình làng một “Núi rừng năm ấy” khá ngọt ngào, chân thật, sinh động, được hoan nghênh nồng nhiệt.
Thành công của “Núi rừng năm ấy” trước hết là thành quả của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, người được cả Liên hoan tôn vinh là tấm gương của tình yêu và sự tận hiến cho sân khấu truyền thống dân tộc. Hơn ai hết, các nghệ sĩ tuồng, bài chòi, dân ca kịch hiểu rõ: không có tình yêu và sự tận hiến này sẽ không có bất cứ thành công nào trong thời buổi được coi là “chợ chiều” của sân khấu truyền thống dân tộc hiện nay.
Chính tình yêu và sự tận hiến đó làm nên sức sống bất diệt của sân khấu truyền thống dân tộc nói chung và tuồng, bài chòi, dân ca kịch, những bộ môn hiện được coi là đang khốn khó nhất. Và điều này lý giải vì sao tại một Liên hoan nghệ thuật ít được chờ đợi như Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN đứng ra tổ chức lần này, chúng ta lại được chứng kiến không ít thành tựu nghệ thuật rất đáng trân trọng và một số tuyệt phẩm sân khấu rất đáng chiêm ngưỡng.
Đối với nghệ thuật tuồng, nếu “Trảm Trịnh Ân” (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa), “Sơn hậu” (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) cho thấy những công phu trong việc gìn giữ và khai thác các tinh hoa tuồng thì việc sáng tạo các tích tuồng mới như “Rực lửa hoàng cung” (Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh), “Lê công kỳ án” (Nhà hát hát bội TP HCM), “Chàng Lía (Nhà hát Đào Tấn)…càng cho thấy khao khát đưa tuồng đến gần hơn người xem hôm nay. Riêng “Đường đến Tuần lễ vàng” (Nhà hát Cung đình Huế) thì là một sáng tạo rất đáng khen, phục dựng khá thành công sự kiện lịch sử đáng nhớ về Bác Hồ và những ngày đầu chế độ dân chủ cộng hòa. Điều rất đáng mừng dù là vở cổ hay tích mới, tuồng trong liên hoan lần này khá dễ xem kể cả với khán giả trẻ.
Ở ca kịch bài chòi, “Ký ức lửa” (Đoàn Dân ca kịch Quảng Nam), “Chuyện tình làng võ” (Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định) cho ta thấy thế mạnh của bài chòi chính là ở đề tài hiện đại, ở việc thể hiện các nhân vật trong đời sống hôm nay. Tuy vậy, một vấn đề đặt ra đối với bộ môn sân khấu này là việc cố gắng giữ gìn bản sắc âm nhạc độc đáo của mình, đừng để nghệ sĩ tùy tiện cải lương hóa nhất là ở nói lối, bỏ gài hò để xuống xề cho mùi như cải lương.
Với các vở diễn “Quyền uy và tội ác”, “Đứa con trai út” (Trung tâm bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ) và “Những người mẹ” (Đoàn ca kịch Huế), bộ môn dân ca kịch tưởng chỉ dành riêng cho người Nghệ và người Huế đã được hoan nghênh nhiệt liệt tại Quảng Ngãi, chứng tỏ khả năng chinh phục khán giả cả nước ngày càng lớn.
Điều đáng mừng nhất tại Liên hoan lần này là sự xuất hiện và khẳng định mạnh mẽ của thế hệ các đạo diễn tác giả đầy tài năng tâm huyết của sân khấu truyền thống dân tộc, xuất thân là con nhà nòi của các bộ môn sân khấu truyền thống. Ngoài các đạo diễn đã thành danh gần đây như NSND Hoài Huệ, NSƯT Triệu Trung Kiên là sự trình làng của các đạo diễn NSƯT Phan Văn Quang, Hoàng Hà, La Thanh Hùng…và các tác giả Đoàn Thanh Tâm, Ngọc Đạo, Nguyễn Phước Hải Trung… Họ đã góp phần tạo nên những tuyệt phẩm đầy tự hào của liên hoan lần này như “Chuyện tình làng Võ”, “Những người mẹ”, “Rực lửa hoàng cung”, “Đường đến tuần lễ vàng”…
Đấy chính là những đầu tầu cho sự phát triển đúng hướng, không “gieo vừng ra ngô” của sân khấu truyền thống dân tộc.
Nguyễn Thế Khoa/VHVN