NSND Lệ Thi và sân khấu bài chòi

21:53 | 18/04/2018

“NSND  Lệ Thi đã vướng vào duyên kiếp với sân khấu ca kịch bài chòi và rồi sẽ còn tơ vương cái  sân khấu máu thịt này của bà cho đến khi … về cõi. Tôi dám chắc với chị như thế. Bây giờ, sân khấu ca kịch bài chòi đang bị tiêu vong, lòng dạ mẹ tôi đang tan nát. Tôi là con gái bà, tôi biết bà không thể nguôi quên nỗi buồn sầu này. Chính bà  là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên đã đưa nghệ thuật bài chòi dân gian truyền thống lên thành sân khấu ca kịch bài chòi chuyên nghiệp. Cho nên, mất sân khấu kịch bài chòi, chính bà là người đau đớn nhất…”.

Đây là lời tâm sự gan ruột của ThsThiều Hạnh Nguyên, phó Hiệu trưởng trường ĐH SK& ĐA Hà Nội, khi tôi phỏng vấn chị, để viết về tình yêu mãnh liệt, sự thuỷ chung như nhất suốt đời của NSND Lệ Thi với sân khấu ca kịch bài chòi, một sân khấu đặc trưng của cả dải đất hẹp miền Trung Tổ Quốc.

Tuồng – nơi bắt đầu cuộc đời sân khấu của  Lệ Thi.

Trước khi đến với sân khấu bài chòi, Lệ Thi đã có với sân khấu Tuồng một mối tình đầu. Người gieo hạt cho mối tình đầu ấy nở hoa kết trái trên sân khấu Tuồng lại chính là người mẹ bà, vốn là một đào hát nổi tiếng tài sắc của làng Tùng Luật, Triệu Phong, Quảng Trị. Nguời  mê nghe hát khắp vùng Triệu Phong không ai là không biết tiếng cô Ba Nam Bình, 19 tuổi đã nức tiếng hát hay. Tài hoa, lại xinh đẹp, duyên dáng, người mẹ của Lệ Thi lọt mắt xanh một viên tri phủ, bà trở thành vợ bé của viên tri phủ này, khiến một bạn hát của bà, kép Phẩm Tứ Đại mãi về sau còn ôm mối hận tình.

Câu chuyện tình duyên dang dở đầy nước mắt này giữa hai nghệ sĩ  đã được Lệ Thi chứng kiến từ khi còn bé dại  và đã in dấu không phai trong lòng bà về một thứ tình mong manh hương phấn và vương vấn cả đời người, đó là tình nghệ sĩ,. May mắn cho mẹ của Lệ Thi là ông quan phủ là một người mê hát, ông rất yêu bà và rất tinh tế, điêu luyện, uyên bác trong nghệ thuật thưởng thức sân khấu tuồng, vốn là một nghệ thuật sân khấu bác học, cung đình.

Người mẹ được người cha yêu mê đến mức lấy về làm vợ bé, vì cái duyên nghệ thuật ấy mà sinh ra Lệ Thi. Rồi cũng vì tình yêu nghệ thuật mà cả cha mẹ Lệ Thi đều sẵn lòng cho con gái theo một gánh hát Tuồng. Riêng mẹ của Lệ Thi, vì mối tình đầu ngang trái của mình trước khi lấy ông tri phủ, mà bà không bao giờ ca hát nữa, bao nhiêu tài ca hát bà truyền đến các con gái, mà Sáu Thi, con gái thứ sáu của bà, vẫn thường được mẹ khen là ca ngọt nhất.

Như thế, Sáu Thi đã được sống trong một không khí nghệ thuật gia đình từ tấm bé, nên tài ca hát đã hiển lộ từ rất sớm. Tự học hát ở các nghệ sĩ dân gian ngay trong làng xã, được cha mẹ khuyến khích đi xem hát, nghe hát, được các cô chú bác nghệ sĩ bảo ban hết lòng,ngay từ khi còn là một thiếu nữ mới lớn, Sáu Thi đã phân biệt dần hơi xuân với hơi ai, biết lúc nào nên ghé ai, lúc nào phải sang oán.

Thậm chí, trong một đêm nghe hát nhớ đời, đêm hát lần cuối cùng của mẹ, khi dắt Sáu Thi về quê ngoại Quảng Trị, chia tay mãi mãi mối tình đầu nghệ sĩ, Sáu Thi đã được cậu Giảng phân tích rất kĩ rằng: lần ấy ông Phẩm ca Tương tư theo điệu Tứ đại đã dùng chủ yếu hơi ai, nhưng có nhiều câu ghé oán; bà Tư ( mẹ Sáu Thi) ca Nam xuân song có đôi câu ghé ai, và tới câu cuối lại ‘’về‘’oán; rằng, người đờn phải chú tâm vào tinh thần của người ca, để tấu sao cho phù hợp…

Tuy rằng mỗi bài đã được quy định sắc thái với hơi nhạc và tiết tấu, song người ca phải biết tuỳ theo nội dung cụ thể để chọn hơi nhạc cho đích đáng. Không nên bắt chước cứng nhắc các khuôn mẫu có sẵn, nhưng nếu hơi nhạc thay đổi thì tiết tấu cũng đổi theo, để tránh sự khiên cưỡng trong thanh âm giữa người ca với dàn đờn, giữa ý tình gửi gắm trong giai điệu cố định…

Mỗi lần đi xem về, cha Sáu Thi bao giờ cũng chú tâm giảng giải cho Thi vỡ lẽ rằng tuồng đó định nói gì, nguời giỏi nghề diễn hay ra sao, nhạc đệm thế nào là trúng… Rồi hai má con Thi thủ thỉ bình luận về tài nghệ của từng vai diễn, chỗ nào giống như thiệt, chỗ nào cứng quèo, chả ra sao, chỗ nào xem phải thấm nước mắt… Dần dần, Sáu Thi còn dám có ý kiến riêng, khác cả cha.

Khi cha tỏ ý không thích tuồng Xuân Nữ và cải lương Nam kỳ, vì cho rằng những người sắm vai đã quên cả phép tắc mà các thầy tuồng quy định, nên ra vai tuỳ tiện, điệu bộ chẳng đẹp, hát thì sang nam nhiều, lại quá đi sâu vào chuyện riêng tư gia đình, thì cả Sáu Thi lẫn anh Tư đều không dám cãi cha, nhưng lại đồng ý với nhau rằng:  Cái lúc Hạng Võ biệt Ngu Cơ mà chỉ hát nam như trước thì không lột tả được tâm trạng Hạng Võ, phải hát Xuân Nữ chỗ ấy,  chuyển từ hơi nam sang ghé oán, hoặc cần thiết, dùng hẳn hơi oán, mới lột tả nổi. Lúc ấy, hát mới đã, nghe mới mùi.

Giữa lúc ấy, khoảng năm 1940, tỉnh lỵ Quảng Ngãi có gánh hát bà Đốc Tráng mở cửa thường xuyên, ông Bang Chước làm bầu chuyên hát bội với các tuồng tích cổ. Chỉ sau vài tháng, dân Quảng Ngãi đã làm quen với cặp đào kép nổi tiếng nhất của gánh hát: Kép Tư Bửu, đào Hồng Lê, và sở truờng sở đoản của từng nghệ nhân, qua các tích tuồng: Tống tửu Đơn Hùng Tín, Thôi Tử thí Tề quân, Tra án Quách Hoè, Xử tội Bàng Quý Phi..

Sân khấu bài chòi – loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian rất phổ biến ở đất Quảng Nam. Ảnh: VOV

Sáu Thi như cá gặp nước, trở thành khán giả người nhà của gánh hát, không đêm nào không xem, chứng kiến toàn bộ chuyện bếp núc của gánh hát, rồi về nhà, bắt chước hát, múa vang nhà. Cha lại giảng giải cho Thi nghề hát bội một cách rành rẽ, thông tuệ, về trống, về đàn, về văn tuồng  và về diễn tuồng. Rồi thời điểm định mệnh đã đến. Thi diễn thay vai một cô đào ốm, vai Chánh Hậu trong tuồng Tam nữ đồ vương. Ngay sau đó, gánh hát xin gia đình cho Thi  gia nhập gánh hát, với lý do Thi có tài bẩm sinh, sáng dạ, lanh trí, giọng vang như chuông, lại ấm áp mượt mà, mặt hoa da phấn, tươi thắm như đoá hải đường. Cha mẹ Thi thuận theo tình yêu sân khấu của con gái. Thế là chưa đến 17 tuổi, Thi đã chính thức vào nghề hát tuồng.

Nhờ có tài năng bẩm sinh, nhờ kiên nhẫn nghe đàn anh, đàn chị chỉ bảo, không bao giờ vừa ý với vai diễn của mình, từ một cô bé tập sự chỉ đóng những vai nhỏ, Thi đã đóng nổi những vai đào nhất, chỉ trong  thời gian mười mấy tháng trời theo gánh hát. Đó là những vai: Loan Dung ( vở Lý Phụng Đình ), Trại Ba ( Địch Thanh ly Thợn), Đào Tam Xuân (Trảm Trịnh Ân ), Nguyệt Cô (Tiết Giao đoạt ngọc), Nguyệt Tiêm (Đào Phi Phụng), Xuân Hương (Mã Long Mã Phụng), Phượng Cơ (Tam nữ đồ vương). Sáu Thi đặc biệt thành công với vai Trại Ba. Cha Thi, anh Thi khen hết lời, má Thi vui lắm. Rồi Thi  hát hay diễn giỏi cả các vai đào chiến lẫn đào bi, nào là Điêu Thuyền, Loan Dung, Chiêu Quân, Hạnh Nguyên, Kỷ Lan Anh, Phàn Lê Huê…để trở thành cô đào trụ cột trong gánh hát.

Sân khấu bài chòi –  Mối tình suốt đời của NSND Lệ Thi

Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh của dân tộc đã đổi đời cho nghệ sĩ Lệ Thi.

Chị đã được mời tham gia và gây dựng Đoàn tuồng Quảng Ngãi quê hương, được đóng mấy vai chính trong dàn kịch mục thường trực của đoàn: Phượng Cơ, Trưng Trắc, chị Ngộ trong 3 vở: Lòng già yêu nước, Trưng Trắc Trưng Nhị và Chị Ngộ. Vai chị Ngộ của  Sáu Thi trong mấy năm 1953,1954, bên cạnh những vai chị Ngộ xuất sắc của Ngô Thị Liễu, Minh Đức đã có những nét riêng biệt xuất thần, để lại những ấn tượng sâu sắc trong người xem Quảng Ngãi đến mức nhiều anh bộ đội, hàng chục năm sau đó vẫn gọi Sáu Thi bằng tên nhân vật: chị Ngộ. Sở dĩ được như vậy là do Sáu Thi đã mang hết hồn cốt của tuồng cổ mà chế biến, điều chỉnh khéo léo để diễn tả một nhân vật phụ nữ hiện đại, bằng giọng ca đầy tâm trạng và những nét diễn tinh tế…

Sau này, theo Đoàn Văn công Liên khu V ra Hà Nội, đứng trước yêu cầu mới,  Lệ Thi đã được đồng nghiệp vận động xây dựng kịch chủng mới: kịch hát Bài chòi, cùng với những nghệ sĩ có kinh nghiệm quản lý và biểu diễn: Ngô Quang Thắng, Nguyễn Tường Nhẫn, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Kiểm, Đinh Thái Sơn, ĐinhThị Hải… Đang là nghệ sĩ Tuồng đã có sau lưng nhiều vai diễn  xuất sắc, lại nổi bật với vai diễn mới: Chị Ngộ, Lệ Thi không khỏi day dứt, lo lắng, nhưng vốn là nghệ sĩ có bản lĩnh và không muốn trốn tránh nhiệm vụ, Lệ Thi đã quyết chuyển sang loại hình nghệ thuật mới. Bản năng nghệ sĩ đã chỉ đường cho Lệ Thi thêm một tình yêu mới và lần này, là tình yêu, theo đúng tính cách nghệ sĩ của Lệ Thi: yêu cho đến cõi!

Không phải một mình Lệ Thi quyết định việc hình thành sân khấu kịch hát bài chòi chuyên nghiệp, nhưng nghệ thuật ca hát điêu luyện của bà đã khiến cho ca kịch bài chòi sáng giá ngay từ vở diễn đầu tiên: “Thoại Khanh Châu Tuấn”. Cả một tập thể tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ của vở diễn này đã hợp lực tạo phong cách bài chòi đặc sản miền Trung cho vở diễn và nhất là Lệ Thi, với vai chính Thoại Khanh. Và Bộ Văn hoá cùng giới sân khấu đã công nhận “Thoại Khanh Châu Tuấn” là cột mốc cho sự hình thành kịch chủng dân ca bài chòi.

Ngay sau đó Bộ Văn hoá đã ra quyết định chính thức thành lập Đoàn Dân Ca kịch Liên Khu V. Trong Hội diễn mùa xuân 1958, Thoại Khanh Châu Tuấn được đánh giá là vở diễn xuất sắc và được NXB Mỹ thuật Âm nhạc Bộ VH thu vào đĩa Tiếng hát Việt Nam. Riêng Lệ Thi lọt vào danh sách 5 nghệ sĩ xuất sắc nhất của 5 ngành nghệ thuật trong Hội diễn  SK chuyên nghiệp năm 1958: Tuồng: Nguyễn Nho Tuý. Chèo: Chu Văn Thức. Cải Lương: Tám Danh. Kịch nói: Đào Mộng Long. Dân ca kịch bài chòi: Lệ Thi.

Chính nhờ vào tài ca hát, nhất là lối diễn xuất đầy ngẫu hứng và cũng đầy kĩ thuật độc đáo của Lệ Thi mà tác giả kịch bản Thoại Khanh Châu Tuấn là Nguyễn Tường Nhẫn, cùng đạo diễn Nguyễn Văn Khánh đều  khẳng định rằng sự khám phá và sáng tạo của Lệ Thi trong vai Thoại Khanh đã đem lại phần lớn thành công cho vở diễn.Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ thì  Lệ Thi, trong vai Thoại Khanh, đã đặc biệt thành công trong ca hát, chứng tỏ một biệt tài hiếm quý:

“Để có lớp Thoại Khanh hát lý thương nhau tiễn đưa Châu Tuấn, Lệ Thi đã nghiền ngẫm lớp vu quy hát duyên phận phải chiều của Chèo; lớp Trại Ba hát Nam tiễn đưa Địch Thanh của Tuồng’’… “ Chị dựa vào ngôn ngữ tính cách nhân vật rồi thông qua sự hiểu biết của bản thân về tuồng, chèo, cải lương, mà tìm ra cách nói ( tiết điệu, hơi nhạc…), cách hát ( vò từ, nhả chữ, ngữ khí…) và cách diễn sao cho mỗi lớp đều có màu sắc và phong thái sân khấu bài chòi. Thực tế diễn xuất của các vai Thoại Khanh, Tuấn Mẫu, công chúa…có thể lấy làm ví dụ”.

Hoá ra, kịch hát bài chòi lại như một thách thức cho Lệ Thi chinh phục, và sau này đã trở thành nơi chốn cho Lệ Thi thoả sức vẫy vùng tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ  giỏi Ca và Diễn của mình. Như duyên tiền định, Lệ Thi được diễn vai Kiều, với cặp bài trùng: Nguyễn Tường Nhẫn viết kịch bản Kiều – Từ Hải, Nguyễn Văn Khánh đạo diễn, và một số nghệ sĩ xuất sắc khác: Trương Đình Quang và Hà Sâm viết nhạc, Lâm Tô Lộc, Quỳnh Hoa, Vĩnh Huế biên đạo múa, Văn Na thiết kế mỹ thuật, cùng Đinh Thái Sơn vai Từ Hải, Nguyễn Kiểm vai Hồ Tôn Hiến, Huỳnh Thủ vai tì tướng, Mỹ Tuyết vai Bạc Bà… Và một lần nữa, Lệ Thi đã làm ca kịch bài chòi chói sáng qua vai diễn Kiều đầy đặn như trăng rằm của mình.

Tiếp tục yêu mến, tiếp tục sáng tạo, ca kịch bài chòi đã thành máu thịt của Lệ Thi. Một cơ duyên mới xuất hiện trước mắt, khi ca kịch bài chòi đến với đề tài hiện đại: Đó là việc Lệ Thi được Đoàn trao nhiệm vụ chỉ đạo ca hát vở Tiếng sấm Tây Nguyên và diễn một vai phụ: một phụ nữ Rađê. Lệ Thi đã hoàn thành xuất sắc vai này, được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khen “diễn chững chạc, nét nào ra nét ấy, như cây đinh cắm chặt xuống sàn gỗ”.

Hội diễn sân khấu toàn quốc 1962, Tiếng sấm Tây Nguyên giành được gần hai chục huy chuơng vàng cho tất cả các khâu: kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, diễn viên. Vở diễn này đánh dấu một bước chuyển quan trọng nữa của Đoàn Dân ca kich Liên Khu V, khẳng định khả năng thể hiện đề tài mới của ca kịch bài chòi đang trên đường phát triển và hình thành phong cách riêng. Trong đó, có công lao lớn của nghệ sĩ Lệ Thi về chỉ đạo ca hát cho vở Tiếng sấm Tây Nguyên.

Luôn luôn lấy bài chòi làm gốc, trải qua nhiều thử nghiệm thành công  qua các vai diễn trên sân khấu, cho đến đầu những năm 70, Lệ Thi đã tìm ra nguyên tắc hát bài chòi cho kịch hát bài chòi, như nguyên tắc hát tuồng: một mặt, vẫn giữ tiếng địa phương liên khu năm, nhưng vẫn hướng dến ngữ âm chuẩn quốc gia, với mục đích ca hát sao cho vang ấm, rõ chữ rõ lời, ai nghe cũng hiểu. Vì thế, Lệ Thi yêu cầu nghệ sĩ hát sân khấu bài chòi phải biết vo chữ, nhả chữ, đồng thời hết sức tránh những trùng điệp, gẫy, cấn, trại, bẹ, hướt, chớt…và tìm mọi cách thể hiện những cặp sáu tám trong mọi tiết tấu, nhịp điệu ở mọi tình tiết, tâm trạng…

Sau ngày giải phóng 30.4, Lệ Thi lại về Thuận Hải, lại chia ngọt sẻ bùi với Đoàn ca kịch bài chòi của tỉnh nhà. Con trai bà, Kỳ Ngộ đã là diễn viên nổi tiếng theo nghề mẹ, Quang Tái với ngón đàn thuần thục, rồi con gái Hạnh Nguyên, từng là diễn viên xuất sắc của Đoàn ca kịch Phú Khánh, và gia đình bà tính ra đã có đến 11 người gắn bó với ca kịch bài chòi. Bà lại tiếp tục cùng Đoàn dân ca kịch bài chòi dàn dựng những vở mới thành công: Bông trắng, huy chương bạc hội diễn toàn quốc 1980. Bác ái nhận giải thưởng tiết mục xuất sắc của Hội diễn về đề tài cách mạng và con người mới, tại Hà Nội 1982.

Trong tất cả những thành công ấy đều có đóng góp lớn của Lệ Thi, nhất là đối với những diễn viên trẻ, “ mặc dù diễn viên muốn đóng vai kịch, phải dựa vào khả năng của bản thân và sự gợi ý của đạo diễn để phát huy sáng tạo, nhưng tới phần ca hát đều phải hỏi Lệ Thi, hát làn nào cho thích hợp, hát thế nào cho hay, cho đẹp, cho nổi rõ tính cách…” (đó là lời nhận xét xác đáng của đạo diễn Hải Liên về NSND Lệ Thi).

Chính vì thế, mà đầu năm 1984, Lệ Thi được Đảng và Nhà nước Việt Nam phong tặng ngay trong đợt đầu, danh hiệu cao quý: Nghệ Sĩ Nhân Dân.

Và Lệ Thi  thật xứng đáng là nghệ sĩ xuất sắc nhất của nghệ thuật Bài chòi.

 

PGSTS Nguyễn Thị Minh Thái/VHVN

 

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ