Quận công Đào Quang Nhiêu và ngôi chùa mang dấu ấn Phật Giáo trên đất Hương Sơn – Hà Tĩnh

9:22 | 22/11/2023

TS.Nguyễn Tùng Lĩnh[1]

Họ Đào là một trong những dòng họ lớn trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thủy tổ của họ Đào ở Hương Sơn là Đào Quang Nhiêu (1601-1672), ông là một danh tướng thời Lê Trung Hưng, quê ở thôn An Khoái, xã Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, nay là thôn An Khoái, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Năm 1655, Đào Quang Nhiêu được chúa Trịnh cử vào Nghệ An dẹp nội chiến. Từ năm 1661-1672, ông được giao giữ chức Trấn thủ Nghệ An. Trong suốt thời gian chinh chiến ở vùng đất xứ Nghệ, Đào Quang Nhiêu đã đưa thêm một người con trai của mình vào đây sinh sống, lập nên dòng họ Đào ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Quá trình sinh sống, ngoài việc giữ yên bờ cõi, Đào Quang Nhiêu và hậu duệ của mình đã có công khai dân lập ấp, xây dựng nên nhiều xóm làng trù phú, để lại nhiều di tích lịch sử, trầm tích văn hóa đặc sắc, trong đó có ngôi chùa cổ mang đậm dấu ấn Phật giáo Lào trên đất Hương Sơn, Hà Tĩnh.

1. Vài nét về Quận công Đào Quang Nhiêu

Đào Quang Nhiêu vốn là người họ Nguyễn. Cha của ông có tên thụy là Cương Chính, tước Dũng quận công. Mẹ là người họ Đào, tên thụy là Từ Lương. Năm Đào Quang Nhiêu lên 3 tuổi thì cha mất, sau đó ông được người cậu ruột là Đào Quang Hoa, tước Yến quận công lúc này đang là Hữu Đề đốc – Tổng quản nội phủ mang vào kinh nuôi dưỡng và nhận làm con nuôi. Từ đó ông được đổi từ họ Nguyễn (họ cha) sang họ Đào (họ mẹ, họ cậu) và chính thức mang tên Đào Quang Nhiêu.

Ngay từ nhỏ, Đào Quang Nhiêu đã bộc lộ tư chất hơn người. Năm 13 tuổi (1614) được cử làm Tư sát quan viên tôn tử tức Chánh đội trưởng đứng đầu con em quan lại sống và học tập ở trong hoàng thành[2].

Năm 1625 (Vĩnh Tộ năm thứ bảy), xẩy ra xung đột trong nội bộ cung đình, Thành Tổ Triết Vương Trịnh Tùng sửa sang xe ngựa chạy về nơi an toàn, ông được cử theo xa giá. Qua những chặng đường gian nan khó nhọc nhưng ông không hề nản chí mà ngược lại đã kiên cường anh dũng hộ giá an toàn.

Năm 1645, đầu đời Phúc Thái, triều Lê Chân Tông, Phù quận công là Trịnh Lịch (con thứ Trịnh Tráng) tụ đảng ở kinh sư mưu làm loạn. Nghi Vương (Trịnh Tráng) sai ông cất binh đi đánh. Ông “đánh nhau ở chợ Hàng Dê, chém bọn giặc hơn hai mươi người, bắt sống Lịch giết đi; có công được thăng Đô đốc đồng tri, phong Đương quận công”[3]. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Ất Dậu, năm thứ 3 (1645)… Tháng 5. Trịnh Lịch và Trịnh Sầm nổi loạn, bị giết. Trước đây, Tráng phân phối sai các con của hắn là Trịnh Tạc trấn thủ Sơn Nam, Trịnh Lịch trấn thủ Sơn Tây, Trịnh Sầm trấn thủ Hải Dương, đều gia phong tước quận công. Đến nay, Trịnh Tạc được tiên phong làm thái úy, giữ chính quyền trong nước. Lịch và Sầm mất hết hy vọng, bèn cất quân nổi loạn. Tráng sai Tạc đem quân đi đánh, bắt được Trịnh Lịch, còn Trịnh Sầm trốn vào Ninh Giang, Tráng sai thái bảo Trịnh Trượng đuổi đến Chúc Sơn, bắt được, giải về kinh sư, Lịch và Sầm đều bị giết”[4].

Năm 1655 (Thịnh Đức năm thứ ba) khi đã 55 tuổi, cũng là lúc đất nước bước vào thời kỳ Nam – Bắc phân tranh, nội chiến khốc liệt, Đào Quang Nhiêu được cử vào Nghệ An làm đốc suất. Đây cũng là sự kiện mở đầu cho quảng thời gian 18 năm Đào Quang Nhiêu gắn bó với vùng đất xứ Nghệ. Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc này như sau: “Mùa đông, tháng 10, sai Tả đô đốc Ninh quận công Trịnh Toàn làm thống lĩnh, Bồi tụng thiêm đô ngự sử Phụng Trì nam Lê Đình Dự làm đốc thị, Giám sát ngự sử Trịnh Thế Tế làm phó đốc thị, Đô đốc đồng tri Đương quận công Đào Quang Nhiêu làm đốc suất… chia đường đánh giặc. Khi tiến đến đất Kỳ Hoa thì quân giặc tự rút lui”[5].

Năm 1659 (Vĩnh Thọ năm thứ hai), “ông được lên Phó tướng, Thiếu úy, mở quân dinh Tả khuông, ở lại trấn thủ Nghệ An, lĩnh các tướng đến đóng đồn ở Hà Trung”[6]. sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Mùa xuân, tháng giêng nhuận, xét công thắng trận ở Tuần Lễ, lấy Đào Quang Nhiêu làm Phó Tướng, Thiếu úy, mở dinh gọi là Tả Khuông quân ban cho ấn dinh…”[7].

Đến tháng 2, năm 1661 (Vĩnh Thọ năm thứ tư), Tiết chế Thái uý Nghi quốc công Trịnh Căn đem quân về Kinh, Đào Quang Nhiêu tiếp tục được lưu lại Nghệ An làm Trấn thủ, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương, Trịnh Thì Tế làm đốc thị. Đào Quang Nhiêu đem các tướng đóng ở đất Hà Trung, huyện Kỳ Hoa.

Cũng trong thời gian làm trấn thủ ở Nghệ An, Đào Quang Nhiêu còn đảm đương vai trò quan hệ bang giao đối ngoại đối với các tiểu quốc thuộc lãnh thổ Lào có chung biên giới với Nghệ An. Trong thời kỳ này, nhà nước Lan Xang thống nhất của người Lào liên tục xẩy ra tranh chấp ngôi báu, nhiều vua Lào đã bị đảo chính, phải chạy sang nương nhờ Đại Việt. Tướng ngoài biên Đào Quang Nhiêu đã thực thi nhiều chính sách đối ngoại hữu nghị, giúp đỡ với Lan Xang, hỗ trợ quốc gia láng giềng trong việc giữ vững trị an, ổn định cuộc sống cho Nhân dân, củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa Đại Việt và các tiểu quốc Lan Xang, Ai Lao, Viêng Chăn. Đây cũng chính là một trong những cơ duyên để hình thành nên ngôi chùa Phúc Khánh mang dấu ấn phật giáo Lào sau này.

Đến tháng 5 năm 1672: “Trấn thủ xứ Nghệ An, kiêm trấn châu Bố Chính, Thống suất quan Tả khuông quân dinh phó tướng Thiếu uý Đương quận công Đào Quang Nhiêu chết. Đào Quang Nhiêu theo hầu Vương lâu ngày, từ khi còn ở tiềm để, nhiều lần đánh giặc, yên trong dẹp ngoài, có nhiều công lao. Ở trấn được 18 năm, mệnh lệnh được thi hành, lệnh cấm được thực hiện, trộm cướp im hơi, cõi biên thuỳ yên lặng, thọ 71 tuổi, chết ở trấn, tặng Thái tể, ban thụy hiệu là Thuần Cẩn, phong làm phúc thần, lập đền thờ”[8].

Sau khi qua đời, Đào Quang Nhiêu đã được phong là Phúc thần, triều đình cho lập đền thờ ở quê làng Tiên Lữ, xã Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (nay là xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Hiện nay, đền thờ Đương quận công Đào Quang Nhiêu đã được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2000. Ngoài ra, ở quê hương ông còn có chùa làng An Khoái (Linh Quang tự) cũng tạc tượng Đào Quang Nhiêu và phu nhân Vũ Đoan Tĩnh thờ ở ngôi Thái bảo.

Là người nặng lòng với quê hương nên lúc còn sống Đào Quang Nhiêu đã phát tâm bỏ tiền xây chùa, mở chợ, làm đường… giúp Nhân dân có sinh kế bền vững, đời sống xóm làng ngày càng thịnh vượng, ấm no. Ông đã “mua 71 mẫu, 8 khẩu, 6 lưu ruộng, chia về các tổng, xã thôn trong huyện Thanh Oai, gọi là huệ điền, để một phần dùng cho việc cúng giỗ mãi về sau. Đặc biệt, năm Đinh Hợi (1647), nhận thấy chỗ tiếp giáp địa phận hai thôn Thủy Cam và Tiên Lữ có khu đất rộng 1 mẫu 5 sào có ranh giới chia 2 thôn rõ ràng, Ở đây mặt đất bằng phẳng, cảnh đẹp, giao thông thuận tiện, có thể làm chỗ đô hội. Thấy vậy ông bỏ tiền ra mua khu đất về dựng lều, trồng cây, lập phiên mua bán rồi cúng làm Tam bảo gọi là của làng duyên, làm phúc về sau…”[9].

Trong lời di huấn của mình, Đào Quang Nhiêu đã viết: “Ta vốn là người bình thường, may mà được Thượng đế giáng sinh, lòng trời ứng nhập, được họ Nguyễn có công sinh thành, họ Đào nuôi nấng, trở người lương của nước Nam – Việt… Giờ đây, ta được triều đình giao cho trấn thủ xứ Nghệ An kiêm Châu Bố chính và làm tổng thống các xứ Sơn – Nam, Tam – Tuyền, làm đốc suất quân thủy, bộ các doanh để khống chế biên thùy, chống bọn di dịch. Những ngày ta trấn thủ, ta thường lấy đức để cảm hóa dân, lấy uy để giữ nước; phất ngọn cờ thì các nơi yên gió bụi; đánh tiếng trống thì các nơi được yên vui; nhân dân nhờ đức, di địch sợ uy. Ta ở trấn càng lâu thì ân huệ đối với dân càng nặng…”[10].

Đặc biệt, Đào Quang Nhiêu đã không quên dặn lại con cháu: “… trên thì lo báo ơn nước, dưới thì lo tạo phúc gia đình; ngoài lo giúp người, trong lo sửa mình, trừ tàn, khử bạo để cứu nước yên dân và làm cho xã tắc vững bền. Mở chợ, lập quán, đắp đường, khai sông, làm cầu để thuận lợi dân sinh, đúc chuông khánh để phong quang miếu vũ… mua vật để phóng sinh làm cho ơn đến cả cầm thú… Lấy đức trị dân cũng như khởi dòng tắm mát. Lấy nghĩa dạy dân, lấy khoan hòa xử sự… Không cậy quyền cậy thế, không ngược dân, ngược kẻ lại; dông dối ma bội chúa; không làm việc bất nghĩa; không giết người vô tội. Những điều thiện thì nên làm, những điều ác thì cố tránh, ăn ở cần thuận thiên lý, động tĩnh phải hợp nhân tâm, khuyên con cháu cũng nên làm vậy”[11].

Tại làng Tiên Lữ, xã Dân Hòa hiện vẫn còn lưu giữ được mười hai bản sắc phong về Đào Quang Nhiêu, trong đó có một đạo sắc năm Duy Tân thứ 5 (1911) nội dung như sau:

Sắc phong năm Duy Tân thứ 5 (1911)

Nguyên văn chữ Hán:

敕 河 東 省 青 威 縣 僊 侶 社 奉 事 翊運 贊 治 功 臣特 進 輔 國 上 將 軍都 督 府 左 都 督 副 將 少 尉 太 宰當 郡 公 之 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 向 來 蒙 頒 給 敕 文 肆 今 丕 承 耿 命 緬 念 神 庥 著 封 為 端 肅 翊 保 中 興 之 神 準 依 舊 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民

欽 哉

維 新 五 年 閏 陸 月 初 捌 日

Phiên âm: Sắc Hà Đông tỉnh, Thanh Oai huyện, Tiên Lữ xã phụng sự Dực vận Tán trị Công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Phó tướng, Thiếu úy Thái tể Đương quận công chi thần. Hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị mông ban cấp sắc văn. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hựu, trứ phong vi Đoan túc Dực bảo Trung hưng chi thần. Đặc chuẩn y cựu phụng sự, thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

Duy Tân ngũ niên nhuận lục nguyệt sơ bát nhật.

Dịch nghĩa: Sắc ban cho xã Tiên Lữ huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông thờ phụng Dực vận Tán trị Công thần Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Phó tướng, Thiếu úy, Thái tể Đương quận công chi thần. Cứu nước giúp dân tỏ rõ linh ứng, trước đây chưa được ban cấp sắc văn. Nay Trẫm lên ngôi mệnh lớn xa nhớ đến công lao của thần, bèn gia phong cho thần là Đoan túc Dực bảo Trung hưng chi thần. Cho phép được phụng thờ như cũ, ơn thần phù giúp che chở cho dân đen. Kính cẩn thay.

Ngày mồng 8 tháng 6 nhuận năm Duy Tân thứ 5 (1911).

Đối với vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, khi còn đương chức, Quận công Đào Quang Nhiêu mở dinh trấn ở phủ Đức Quang, nay thuộc xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông kết hôn với người vợ thứ 2 là bà Bùi Thị Ngọc Gạo, quê ở xã Đức Tùng cũ (xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ hiện nay), cùng xây dựng nên làng Kim Môn, tục gọi là làng Đào ngày nay. Sau khi Đào Quang Nhiêu mất, Nhân dân làng Kim Môn đã tôn ông là Thành hoàng làng. Tại đền Kim Môn, xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ hiện còn lưu giữ một bản sắc phong cho Đào Quang Nhiêu như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

敕 河 靜 省 德 盛 果社 中 村 奉 事 黎 朝 特 進 輔 國 上 將 軍金 吾 副 都 旨 揮使 簽 事 壽 舍 侯 靈 應 之 神 稔 著 靈 應  肆 今 丕 承 耿 命 緬 念 神 庥 著 封 為 翊 保 中 興 靈 應 之 神 特 準 其奉 事庶 幾 神 其 相 佑 保 我 黎 民欽 哉

啟 定 拾 年 陸 月 貳 拾 陸 日。

Phiên âm: Sắc Hà Tĩnh tỉnh Đức Thọ phủ Thịnh Quả xã Trung thôn phụng sự Lê triều đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân Kim ngô phó Đô chỉ huy sứ thiêm sự thọ xá hầu linh ứng chi thần nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo trung hưng, linh phù chi Thần. Đặc chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Khải Định thập niên lục nguyệt nhị thập lục nhật.

Dịch nghĩa: Sắc cho thôn Trung xã Thịnh Quả phủ Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ Lê triều đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân Kim ngô phó Đô chỉ huy sứ thiêm sự thọ xá hầu linh ứng chi thần Thần từng linh thiêng ứng nghiệm. Nay vâng mệnh nối nghiệp lớn, nhớ đến công lao thần, gia phong là Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ để thần giúp đỡ bảo vệ dân lành.

Tuân theo như vậy!

Ngày 26 tháng 6 năm Khải Định thứ 10 (1925).

Đào Quang Nhiêu có bà chính thất là người Vũ, tên húy là Ngọc Lâu, tên thụy là Đoan Tĩnh. Vũ phu nhân sinh người con trai cả là Đào Quang Huy (1619-1695). Đào Quang Huy cùng cha chinh chiến ở Nghệ An, lập được nhiều công trạng nên được phong là Tấn quận công, được cử làm Đô đốc thiêm sự. Đào Quang Huy được Chúa Trịnh gả con gái, được mang quốc tính, tức được ban tên họ nhà Chúa là Trịnh Kỳ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Tuất, (Cảnh Trị) năm thứ 8 (1670)… Tháng 6, lấy Đề đốc Tấn quận công Trịnh Kỳ làm đô đốc thiêm sự, Tả hiệu điểm Trinh Tường hầu Lê Thì Thực làm tham đốc (Kỳ là con Đào Quang Nhiêu, được ban họ Trịnh)…”[12].

Sau khi Đương quận công Đào Quang Nhiêu qua đời, do có người sinh lòng đố kỵ, bày mưu hãm hại, Đào Quang Huy bị khép vào tội chết, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Quý Sửu (Dương Đức) năm thứ 2 (1673)… Tháng 9, Đào Quang Huy có tội bị giết. Quang Huy là con Quang Nhiêu, nhờ công ấm của cha, được phong tước quyền lộc, lấy quận chúa. Nhưng Huy kiêu lộng rông càn, làm nhiều việc bội nghịch vô đạo, lại ngầm làm nhà ở chỗ đất cấm. Có người tố cáo, việc bị phát giác, giao cho đình thần xét hỏi, biết được hết tình trạng, khép vào tội bêu đầu để giữ đúng pháp luật. Vương nghĩ đến cha hắn có nhiều công lao với nước, giảm tội cho thắt cổ chết, và giết bọn đồng đảng là Kiêm Lộc hầu Trịnh Khuê”[13].

Tuy nhiên, theo gia phả của dòng họ Đào ở Hương Sơn thì sau đó, Đào Quang Huy đã được tha tội chết, cho vào lại Nghệ An sinh sống. Kể từ đây, Tấn quận công Đào Quang Huy định cư ở làng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ cùng con cháu và Nhân dân xây dựng xóm làng, bố phòng chống giặc, vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Về sau, Đào Quang Huy cùng một số con cháu di cư lên Hương Sơn sinh cơ lập nghiệp. Kể từ khi đặt chân lên đất Hương Sơn cho đến khi mất, Đào Quang Huy đã có nhiều công lao, đóng góp với nhân dân địa phương. Gia phả dòng họ Đào Viết ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn chép về Đào Quang Huy: “Người con trưởng của Đại Vương (tức Đào Quang Nhiều) danh nghĩa như Thế tử, tiên tổ Đào Quang Huy tức Đào Quang Oánh, tự Đào Công, chức Tham đốc tước Tấn quận công. Sau khi có công tham dự trận Tuần Lễ (1658) tức Sơn Lễ, Hương Sơn ngày nay được đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, Đề đốc Thần vũ, Tứ vệ quân sự vụ và cho quốc tính với tên Trịnh Kỳ, được gã quận chúa, làm Phò mã vua Thịnh Đức. Ngài sinh năm Kỷ Mùi (1619) mất năm Ất Hợi (1695)… Sau năm 1673 sau khi thân phụ Ngài đã mất triều đình nhà Lê suy vi, không khỏi có nịnh thần xúc xiển các quan ám hại nhau. Ngày phải bỏ kinh thành về Thịnh Quả thay tên đổi họ sống theo lối ẩn dật. Ngài đã đến Yên Bài, Hữu Bằng, Phố Châu chỉ đạo các con của ngài sống phân tán giấu mình dưới dạng khai cơ lập ấp[14]…”. Cũng chính nhờ những công lao đối với Nhân dân nên sau khi qua đời, làng Hữu Bằng đã tôn thờ Đào Quang Huy làm Thành hoàng làng với bài vị là “Bản thổ đương cảnh Thành hoàng Đào Công uy liệt nẫm trứ linh ứng tôn thần gia phong Hách trạc linh thông, Thượng Thượng đẳng tối linh tôn thần”. Ngoài ra, Đào Quang Huy còn được thờ tại đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Đền Nhà Ông là một công trình kiến trúc bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời hậu Lê. Ngôi nhà gỗ này trong thời kỳ hợp tác hóa sản xuất, được trưng dụng làm lớp học. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX được hạ giải và tái thiết thành một phần kiến trúc của công trình Đài Tưởng niệm Liệt sỹ xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn. Ngày nay, bài vị của Đào Quang Huy được rước về thờ tại Điện Phúc Lai, cũng thuộc xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn.

Tấn quận công Đào Quang Huy có người vợ thứ là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Lỗ (sau khi mất được ban thụy hiệu là Ngọc Anh)[15]. Bà Quận chúa Ngọc Lỗ sinh ra người con trai là Đào Viết Hòa (1650 – 1721). Khi Đương quận công Đào Quang Nhiêu và Tấn quận công Đào Quang Huy đánh trận và đóng quân ở Tuần Lễ – Hương Sơn, Đào Viết Hòa mới đến tuổi thành niên. Tuy còn trẻ nhưng Đào Quang Hòa sớm bộc lộ tư chất của một người con sinh ra trong gia đình nhiều đời làm tướng. Ông đã thừa hành và đảm đương một phần việc khác được ông nội và thân sinh giao phó, đó là bang giao với Vương quốc Ai lao. Đào Viết Hòa đã đảm trách việc hộ giá vua Ai Lao trong các lần chính biến phải chạy sang Nghệ An. Nhờ lập được nhiều công trạng trong việc bang giao nên Đào Viết Hòa cũng được phong quận công, gia phả chép là Hòa quận công. Về sau, Đào Viết Hòa tiến sâu vào vùng chân núi Đại Hàm, nay thuộc xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn xây dựng doanh trại, xây thành đắp lũy để bố phòng quân sự, đảm đương công việc biên phòng. Hiện nay vẫn còn nhiều khá dấu tích minh chứng cho các hoạt động quân sự của Đào Viết Hòa tại đây như trên núi Động Chùa, giáp ranh giữa hai xã Sơn Hàm và Sơn Trường ngày nay còn lại dấu tích Đài tế thiên của Đào Viết Hòa, đây là nơi ông tế cáo trời đất mỗi lần ra trận; dấu tích xưởng rèn, đúc binh khí của của Đào Viết Hòa tại núi Đại Hàm; di tích ao câu ở núi Hương Hỏa (cũng thuộc xã Sơn Hàm), tương truyền là nơi Đào Viết Hòa thường thư giãn mỗi lúc rảnh rỗi.

Đào Viết Hòa sinh được 1 người con gái và 2 người con trai. Người con gái tên là Đào Thị Mặc, là người xuất gia tu hành đầu tiên tại chùa Phúc Khánh với pháp danh Thích Diệu Hoa Nương. Hai người con trai Đào Viết Thế và Đào Viết Hanh định cư tại hai xóm Côi và xóm Gát hình thành nên hai chi của họ Đào Viết ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn đến ngày nay. Họ Đào Viết ở Phố Châu quần tụ trong 2 xóm này và lấy ngôi chùa Phúc Khánh là trung tâm sinh hoạt tâm linh, văn hóa tinh thần.

Từ sau đời Đào Viết Hòa, con cháu không tập ấm chức tước theo ngôi vị nhà Chúa mà chỉ ở ẩn, khai hoang, phát triển xóm làng, xây dựng dòng họ. Thời Tây Sơn dòng họ Đào ở Hương Sơn không ai ra làm quan. Đến thời nhà Nguyễn (sau 1802) dòng họ Đào ở Hương Sơn nói chung và họ Đào Viết Phố Châu nói riêng không còn phát triển về võ bị, chỉ có một số người theo đường học vấn, trong đó, tiêu biểu nhất là Đào Hữu Ích, đỗ Cử nhân Khoa Đinh Mão, năm Tự Đức thứ 20 (1867), làm Tuần phủ Trị – Bình, Chủ khảo trường thi Thừa Thiên, năm Thành Thái thứ 6 (1894).

2. Về ngôi chùa họ Đào – Phúc Khánh tự ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Theo gia phả của dòng họ Đào Viết ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn cho biết thì khi Đào Viết Hòa hộ giá vua Ai Lao về nước an toàn, vua Ai Lao đã chia đôi ấn tín để làm vật làm tin, hẹn ngày tái ngộ sẽ dùng làm dấu hiệu để nhận diện. Sau khi lên ngôi thiết lập chính quyền mới và củng cố quyền lực, vua Ai Lao đã sai người mang vàng bạc, châu báu sang Hương Sơn, Nghệ An tìm lại Đào Viết Hòa để cảm ơn và tri ân những ân tình của trấn thủ Nghệ An Đào Quang Nhiêu cũng như đối với cá nhân Đào Viết Hòa. Sau đó, vua Ai Lao đã cấp tiền bạc để Đào Viết Hòa xây dựng một ngôi chùa làm nơi thờ Đương quận công Đào Quang Nhiêu. Về sau, khi Đào Viết Hòa mất, dòng họ cũng đã đúc tượng và rước ông vào đây để thờ cùng với ông nội là Đào Quang Nhiêu (Mộ táng ở Trảng Chò Lòn, xóm Hàm Giang, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn).

Chùa họ Đào, hay chùa Phúc Khánh được xây theo phong cách kiến trúc của chùa Lào. Vật liệu được làm hoàn toàn bằng gỗ. Chánh điện theo bố cục chiều dọc, hai mái nhà đặt theo hướng trái, phải, một đầu đốc ngôi nhà trở thành phần chính diện. Ở phần chính diện và phần hậu diện có một hàng 6 cột, trong đó có hai cặp cột đứng gần nhau. Chánh điện được chia làm ba phần: Bảo điện ở giữa và hai khám thờ tả hữu hai bên.

Chùa Phra Keo tọa lạc tại thủ đô Viêng Chăn, được vua Sai Setthathirat cho xây dựng vào năm 1565[16]

Phúc Khánh Tự có kiến trúc tương đồng với phong cách kiến trúc chùa truyền thống của người Lào, với hệ thống 6 cột ở hàng trước, trong đó có 2 đôi cột đứng gần nhau, một đặc điểm khác biệt với kiến trúc chùa Việt Nam. Hiện hai cột phía ngoài cùng bị mối mọt đã được thay bằng vật liệu xi măng.

 

Sự tương đồng giữa phù điêu hoa sen ở Phúc Khánh Tự với hình tượng Mandala trong Phật giáo nguyên thủy – dòng Phật giáo phổ biến ở Lào.

Bảo điện của chùa Phúc Khánh thờ tự theo lối “Thượng Phật hạ Thánh”, tức là thờ Phật ở phía trên, thờ Thánh ở phía dưới. Thứ tự của hệ thống tượng của Phúc Khánh Tự được bài trí như sau:

Bộ tam thế Phật: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật tương lai. Bộ tượng này được tôn ở vị trí cao nhất.

Bộ Tây Phương Tam Thánh: Ở giữa là Phật A di đà; nhìn tứ dưới lên, bên phải là tượng Quan âm Bồ Tát, bên trái là tượng Đại thế chí Bồ Tát.

Bộ tượng Thế tôn: Hiện chỉ còn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là nguyên bản. Hai thị giả của Phật thế tôn là Tôn giả A nan và Tôn giả Ca Diếp nguyên bản đã bị thất lạc, năm 2020, dòng họ đã tôn tạo lại.

Tượng Phật mẫu Chuẩn đề: được đặt trước và dưới tượng Thế tôn.

Tượng Ngọc Hoàng Thượng đế: đặt chính giữa, trước và dưới tượng Phật mẫu Chuẩn Đề.

Tượng Phật Đản sinh: Được đặt trong khám Cửu Long để ở vị trí chính giữa. (Nếu như các tượng Phật và Thánh ở phía trên được tạo tác theo phong cách của Phật giáo vùng Bắc Bộ Việt Nam thì riêng tượng Phật Đản sinh đã có sự tiếp nhận truyền thống của Phật giáo Lào ở hình thức thức, đó là mặc áo pháp cho tượng).

Tượng Đào Quang Nhiêu và Đào Viết Hòa: Tượng Đào Quang Nhiêu được đặt ở bên trái (nhìn từ dưới lên), tượng Đào Viết Hòa đặt ở bên phải (nhìn từ dưới lên), ở giữa là tượng Ngọc Hoàng Thượng đế.

Chính giữa phía trên của Chánh điện có treo hai bức đại tự: “Phúc Khánh Tự” và “Phật pháp tăng”.

Về mặt nghi lễ, hàng năm ở chùa Phúc Khánh có 5 đại lễ lớn:

Lễ Nguyên Đán – Khai pháp đầu năm: Diễn ra vào chiều ngày Mồng Một tết Nguyên đán hằng năm.

Đại lễ Thượng Nguyên: Diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm, nghi lễ chính là lễ Phật, lễ Thánh Tổ và Chư Thiên cầu bình an cho đất nước, quê hương và dòng họ.

Đại lễ Phật đản: Diễn ra vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch hằng năm. Nghi thức chính là Lễ Phật, Lễ Thánh Tổ và chư Thiên và quan trọng nhất là lễ Mộc Dục – tắm Phật sơ sinh.

Đại lễ Vu Lan: Diễn ra vào ngày 14 tháng 7 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong đại lễ này cũng có nghi thức Lễ Phật, Lễ Thánh Tổ, Chư thiên, Lễ cầu siêu….

Lễ Trừ tịch – Mãn Pháp: Được tổ chức vào sáng ngày 30 tết Âm lịch hằng năm, tổng kết công tác Phật sự và lễ bái trong năm.

Các nghi thức đại lễ trên đều được tuân thủ theo nghi thức của Phật giáo Bắc truyền, tuy nhiên ở đây vẫn có sự giao lưu và tiếp nhận truyền thống của Phật giáo Lào trong nghi nghi lễ Mộc Dục, tức là tắm phật ngày Phật đản.

Cũng như nghi thức tắm Phật phổ biến ở Việt Nam là dùng hai gáo nước tắm lên kim thân của Phật sơ sinh tượng trưng cho hai dòng nước nóng lạnh mà chín con rồng cùng phun ra để tắm khi Đức Phật đản sinh. Tuy nhiên, ở chùa Phúc Khánh, ngoài nghi thức này còn thực hiện nghi thức thay áo pháp cho Đức Phật đản sinh – đây chính là sự tiếp nhận truyền thống và nghi thức của Phật giáo Lào.

Sau khi thay áo pháp cho tượng Phật đản sinh, tấm áo pháp của năm cũ (gọi là áo Bụt) được chia thành nhiều phần nhỏ như những sợi dây đeo, được sám chủ và các bậc cao niên, thiện hữu cư sĩ trong dòng họ chia cho con cháu trong họ và buộc vào tay phải tất cả những người có mặt tham dự lễ tắm Phật năm đó. Nghi thức này được thực hiện với tâm nguyện người nhận sợi dây đeo tay được chia từ tấm áo pháp của Đức Phật Đản sinh dùng trong một năm sẽ được Chư Phật gia hộ, chư Thánh phù trì, ban cho phước đức, trí tuệ, may mắn. Đây chính là nghi thức và tinh thần của lễ buộc chỉ may mắn trong văn hóa của người Lào: Buộc chỉ may mắn thể hiện sự yêu mến, sự sẻ chia tình yêu thương và phước đức.

Khi chùa Phúc Khánh được xây dựng, người đầu tiên chịu trách nhiệm thực hành tín ngưỡng thờ Phật Thánh là bà Đào Thị Mặc, con gái đầu của Quận công Đào Viết Hòa. Bà theo học nhiều bậc cao tăng trong vùng thuộc dòng Thiền Lâm Tế, pháp danh là Thích Diệu Hoa Nương, tu hành đắc đạo ở chùa Phúc Khánh cho đến khi viên tịch và được chứng ở hàng Chư Thiên của chùa. Nhục thân của bà được nhập kim quan, phụng tống bảo tháp xây trong khuôn viên chùa. Bảo tháp của bà được xây theo hình một bông hoa sen đang nở. Tuy nhiên, do chịu biến động của thời gian nên ba tầng nổi của bảo tháp đã bị phá hủy. Đến nay, dòng họ giữ lại được phần chìm trong lòng đất, chưa có điều kiện để phục chế nên đang xây lại thành một ngôi mộ.

Các đời nối tiếp của dòng họ Đào đều có người được suy cử làm sám chủ chăm lo thờ phụng Phật Thánh và hướng dẫn tu học cho dòng họ. Truyền thống này đến nay vẫn được duy trì, không hề đứt quảng. Đây cũng là một nét riêng, độc đáo của dòng họ Đào ở Hương Sơn cũng như đối với chùa Phúc Khánh.

Với những giá trị tiêu biểu của mình, ngày 29/9/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 3287/QĐ-UBND xếp hạng chùa Phúc Khánh là di tích Lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

3. Vài lời kết

Đánh giá về công lao của Đào Quang Nhiêu, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã viết “Ông là dòng dõi công thần, coi việc binh được chúa quyến luyến, chú trọng đã lâu, dẹp yên trong ngoài, có nhiều công lao. Ông ở trấn 18 năm, chính lệnh nghiêm minh, giặc cướp vắng lặng, biên thùy yên ổn. Ông là bậc danh tướng sau đời Trung hưng. Triều đình truy tặng Thái tể, tên thụy Thuần Cẩn, và gia phong làm phúc thần”[17]. Quả thực, những gì mà Phan Huy Chú đánh giá về Đào Quang Nhiêu là hoàn toàn xác đáng. Với một tấm lòng luôn nghĩ đến việc báo ơn nước, giúp người, sửa mình, trừ tàn, khử bạo, cứu nước yên dân, làm cho xã tắc vững bền, Đào Quang Nhiêu xứng đáng là một tấm gương sáng, một vị tướng đức tài toàn vẹn dưới thời quân chủ.

Với mảnh đất xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), trong suốt 18 gắn bó, trong đó có 11 năm làm trấn thủ (1661 – 1672), lại đúng vào thời kỳ đất nước đầy biến động với cuộc nội chiến Nam – Bắc phân tranh, Đương quận công Đào Quang Nhiêu không những đã hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao mà ông còn cùng với nhân dân tổ chức khai ấp, lập nên một số xóm làng, xây dựng nên các vùng quê trù phú, vun đắp thêm mối quan hệ bang giao với Ai Lao… Riêng tại Hà Tĩnh, các chi họ Đào phần lớn có nguồn gốc từ ông tổ Đương quận công Đào Quang Nhiêu. Hiện nay, dòng họ Đào ở Hà Tĩnh định cư và phân bố nhiều ở huyện Hương Sơn và một số ở huyện Đức Thọ. Ngày nay, nhiều di tích và dấu tích của Đào Quang Nhiêu cũng như các danh nhân dòng họ Đào ở huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ đã và đang được bảo lưu, gìn giữ và phát huy. Hà Tĩnh hiện đã có 5 di tích liên quan đến dòng họ Đào được xếp hạng, gồm di tích quốc gia Nhà thờ Đào Hữu Ích; các di tích cấp tỉnh: Nhà thờ Đào Đăng Đệ, Nhà thờ Đào Doãn Thắng, chùa Phúc Khánh và đền Kim Môn. Truyền thống hào hùng, bao dung, gắn bó, đoàn kết, hướng Phật, hướng thiện của dòng họ Đào đã góp phần rất lớn trong việc tạo dựng nên bức tranh đa dạng của văn hóa Hà Tĩnh từ bao đời nay.

Trong lịch sử Phật giáo từ khi du nhập vào Việt Nam, các ngôi chùa thường gắn liền với sinh hoạt cộng đồng làng xã và phân bố theo cấp độ chính quyền, từ chùa của làng cho đến chùa chung của một huyện, một phủ. Hiện tượng chùa của một dòng họ là khá hiếm hoi. Trong hàng nghìn ngôi chùa ở Thăng Long – Hà Nội có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời của chốn kinh kỳ, cũng chỉ ghi nhận một ngôi vài chùa của dòng họ như chùa họ Trương ở làng Giảng Võ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình ngày nay). Thế nhưng ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, hiện tượng này lại khá nhiều, đó là chùa Tượng Sơn do dòng họ Lê của Đại danh y Lê Hữu Trác tạo lập, chùa Phúc Khánh do họ Đào Viết, chùa Lịch Sơn do dòng họ Phạm ở xã Sơn Bằng lập… Tuy nhiên, hiện nay, chùa Tượng Sơn đã trở thành chùa của cộng đồng làng xã, chùa Lịch Sơn bị phá hủy, trong khi đó thì chùa Phúc Khánh vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc cũ và truyền thống phật sự lâu đời, được vận hành và kế tục qua nhiều thế hệ trong một dòng họ, tạo nên những nét sinh hoạt văn hóa riêng, vừa có dấu ấn Phật giáo Việt Nam nhưng cũng mang nhiều dấu ấn Phật giáo Lào. Ngoài ra, theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh thì hiện chỉ có duy nhất ngôi chùa Phúc Khánh mang dấu ấn Phật giáo Lào trên đất Hà Tĩnh. Việc vua Lào hỗ trợ tiền để xây dựng chùa Phúc Khánh vừa thể hiện công trạng và những đóng góp to lớn của hai vị danh nhân Đào Quang Nhiêu và Đào Viết Hòa đối với nhà nước và Nhân dân các bộ tộc Lào, cũng là sự thể hiện tinh thần cao thượng, trọng tín của các vua Lào. Chùa Phúc Khánh là minh chứng sinh động cho lịch sử gắn kết lâu đời giữa người Việt và người Lào trên đất Hương Sơn, Hà Tĩnh. Có thể nói, chùa Phúc Khánh đã đóng góp vào bức tranh Phật giáo Hà Tĩnh những mảng màu độc đáo và đặc sắc, làm phong phú thêm cho quá trình tiếp thụ, phát triển của Phật giáo Hà Tĩnh. Những giá trị tốt đẹp và tinh thần đoàn kết này rất cần được tiếp tục nhân rộng, phát huy trong thời đại ngày nay./.

 

Theo: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử – Viện Sử học, số 3 (563) năm 2023

[1] Tiến sĩ, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT và DL Hà Tĩnh

[2]  Gia phả họ Nguyễn Gia làng An Khoái, Gia phả họ Đào Làng Tiên Lữ nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

[3] Phan Huy Chú (2008), Lich triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.417.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cuong mục chính biên, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.256.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.251.

[6] Phan Huy Chú (2008), Lich triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.418.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.256.

[8] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.290.

[9] Đào Ngọc Du (2018), Đào tộc Nhân vật chí, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.124.

[10] Đào Ngọc Du (2018), Đại vương Đào Quang Nhiêu, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.70.

[11] Đào Ngọc Du (2018), Đại vương Đào Quang Nhiêu, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.71.

[12] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.286-287.

[13] Đại Việt sử ký toàn thư (2004), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.293.

[14] Theo gia phả dòng họ Đào ở Hương Sơn, Tấn quận công Đào Quang Huy có 4 người con trai cùng về khai cơ lập ấp ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.

[15] Căn cứ theo văn bia tại Đền thờ Đại vương Đào Quang Nhiêu ở Tiên Lữ, Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội, Bia do Trạng nguyên Đặng Công Chất (Đặng Nhuế Phu) soạn. Đại Việt Sử ký toàn thư cũng chép việc Tấn Quận công Đào Quang Huy được gả quận chúa, được ban Quốc tính họ Trịnh, tên là Trịnh Kỳ.  Hiện nay nhiều tài liệu dẫn tên bà quận chúa là Lê Thị Ngọc Anh là không chính xác.

[16] http://chuanoitieng.com/chua noi tieng o nuoc ngoai/top 5 ngoi chua co noi tieng cua nuoc Lao/

[17] Phan Huy Chú (2008), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.418.

Cùng chuyên mục

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Thành phố Đông Hà chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo di tích

Lễ hội “Thống nhất non sông”

Lễ hội “Thống nhất non sông”

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

TRỊNH CÔNG SƠN – HÀ THỊ CẦU, HAI KẺ HÁT RONG VĨ ĐẠI CỦA DÂN TỘC!

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Tượng đài N’Trang Lơng – Niềm tự hào của người dân Đắk Nông

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Ngôi làng 600 năm tuổi với 3 di sản Ký ức thế giới

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

Đặc sắc Lễ hội làng cổ Siêu Quần

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024

NGHỆ AN: Du khách nô nức tham dự Khai hội Đền Cuông 2024

Quảng Bình đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều

Quảng Bình đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Kiều

Đồng hồ đeo tay và câu chuyện lịch sử

Đồng hồ đeo tay và câu chuyện lịch sử