Ổi Tàu

20:31 | 09/01/2022

Sau lưng là cây ổi tàu
Xứng đôi bố gả ham giàu làm chi
Chim xanh ăn trái ổi tàu
Xứng đôi mẹ gả ham giàu làm chi
(ca dao)

Bà nội tôi có một “kho”ca dao. Có vẻ như bà hát ca dao, mục đích chính không phải để ru cháu ngủ mà là để lưu giữ những thông điệp đầy ẩn ý của người xưa mà nếu không hát để cho con cháu nằm lòng như thế, thế hệ sau sẽ dễ quên. Tôi thuộc nhiều ca dao cũng từ môi trường hát ru của bà tôi như vậy.

Tuy nhiên, dù thuộc nhiều ca dao, song tôi không hiểu mấy, thậm chí chả hiểu gì, nhất là sự “vô lý” của nội dung nhiều bài. Bây giờ, khi tuổi tác ngày một dày lên, những câu “vô lý” ấy đã hé lộ dần cho tôi sáng rõ những hàm ngôn của cổ nhân. Vậy mà, có những từ, không phải phương ngữ, mãi đến gần đây tôi mới vỡ lẽ. Ví dụ như “ổi tàu” trong hai câu ca dao này:

“Chim xanh ăn trái ổi tàu
Xứng đôi mẹ gả ham giàu làm chi”

Trước hết là nói về con “chim xanh”. Lấy con chim xanh ra để làm đối xứng với trái ổi tàu, ta tự hiểu, sự chênh lệch của cặp đôi này là không đáng kể, thậm chí là không có. Vậy, con chim xanh nó như thế nào?

Dĩ nhiên, chim xanh trước hết thì màu sắc của nó phải xanh và phải ăn được trái ổi tàu thì đó mới đích thị là con chim xanh trong hai câu ca dao trên. Suy luận theo kiểu hai cộng hai bằng bốn là vậy. Nhưng trong ca dao, những ví von của người xưa nhiều khi rất thâm thúy nhưng lại cũng có những câu, những ý chả ăn nhập gì giữa câu trước với câu sau. Trong nhiều trường hợp, hình như tác giả khuyết danh chỉ mượn cớ sang đường mà thôi.

Trở lại với con chim xanh trong hai câu ca dao trên. Loài chim xanh mà chúng ta thường thấy, chúng bé hơn chim cu ngói một tí và bay thành đàn vài ba chục con, rất ưa loại trái cây rừng, từa tựa trái của cây sanh. Loài chim này rất dại, thợ săn nếu bắn chết một con, cả đàn vù bay, nhưng được một chốc, chúng quay trở lại để ăn trái cây tiếp. Vì vậy, có những tay bắn chim thiện xạ, đi săn vài tiếng đã xách về cả xâu chim xanh là thường. Tôi từng chứng kiến chim xanh ăn trái cây rừng như vừa miêu tả chứ chưa thấy chúng ăn trái ổi tàu bao giờ. Có thể, người xưa mượn cớ ví von chim xanh/ổi tàu để nói cái ý ở câu sau: “Xứng đôi thì mẹ gả” chăng?

Vậy ổi tàu là loại ổi như thế nào? Trong trí nhớ con trẻ của tôi, loại ổi này trái to hơn trái ổi sẻ, có xuất xứ từ bên Tàu (?). Người Việt mình tự ngàn xưa luôn mang tâm lý “vọng ngoại”, hễ loại cây/con gì hơi khác những thứ của nhà trồng/nuôi được thì đích thị nó là bên… Tàu hoặc tận bên Xiêm (tức Thái Lan), như vịt Xiêm chẳng hạn.

Chim xanh với bộ lông óng ánh, bắt mắt đến thế hẳn phải xứng với loại ổi to, da láng khi chín mọng như ổi tàu. Suy diễn như thế, sai làm sao được! Vì vậy, người mẹ chỉ cần “xứng đôi” là gả ngay chứ không so đo tính toán, không “ham giàu” để có khi con mình chịu khổ.

Đó là cách suy đoán con trẻ của tôi. Cho đến mới đây, đọc một bài viết của ông Nguyễn Đức Lập, một luật sư , con trai Bà Tùng Long- tiểu thuyết gia nổi tiếng trước năm 1975 nói rằng, ông vô cùng “thất vọng” với chính ông vì là người miền Trung nhưng mãi đến gần đây, tình cờ ông mới biết “ổi tàu” không phải trái ổi từ bên Tàu mà chính là trái ngũ sắc!

Có lẽ dân Quảng Ngãi cũng như các tỉnh Trung Trung bộ quá quen thuộc với loài cây mọc thành từng lùm, lá nhám, trái của nó như hạt tiêu, ăn có vị ngọt. Hoa của nó đủ màu sắc (ngũ sắc là dựa vào đặc điểm này chăng?), lũ trẻ ở quê rất thích hoa này vì hút cuống của nó có vị ngòn ngọt. Loại trái cây này có thể là món khoái khẩu của loài chim xanh. Nhưng cũng có thể chưa hẳn là thế.

Như đã nói ở trên, trong ca dao, có những câu chỉ để “mượn đường” mà chẳng có ý nghĩa gì. Câu “Chim xanh ăn trái ổi tàu” cũng có thể như vậy. Còn vì sao lại gọi “ổi tàu” thì chịu. Nhà văn Bình Nguyên Lộc từng viết một khảo cứu về chữ “tàu” này, nó chả có gốc gác gì của Trung Quốc cả mà có trường hợp, chữ “tàu” có nghĩa là lạt. Thịt kho tàu không phải là kho như bên Tàu mà kho lạt lạt thôi. Như hai con sông Cái Tàu Thượng và Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp) là những con sông nước lợ (lạt lạt) vậy.

Ca dao luôn đem lại những điều bất ngờ và thú vị mỗi khi ngẫm ngợi về nó. Ca dao không là của riêng của bất cứ tác giả nào mà là kết quả những đúc rút từ trí tuệ của nhiều lớp người, qua nhiều thế hệ nên nó luôn hàm ẩn những kín đáo thâm sâu. Chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, chuyện đôi lứa ngày xưa luôn được đặt trong sự sắp xếp của ông tơ bà nguyệt hoặc của chính cha mẹ cô dâu chú rể. Có biết bao lỡ làng trong những câu chuyện trăm năm này.

Quan niệm khá cấp tiến của người mẹ trong bài ca dao không phải là trường hợp hiếm hoi, song nó đã phát một tín hiệu về sự cần tôn trọng quyền tự quyết của những đôi lứa yêu nhau. Con chim xanh đã làm cầu nối để những rung cảm của hai trái tim tìm đến nhau và nói lời thề hẹn. Còn trái ổi tàu luôn mang đến cho họ vị ngọt của tình yêu.

 

Dương Phạm/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông