Trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng phải được nâng lên tầm cao mới.
Nhìn rõ điều này, Đảng ta đã rất chủ động và tích cực đổi mới từ nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là nhiệm kỳ XII và XIII, tạo bước chuyển biến mới cũng như điểm nhấn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đảng luôn chủ động, tự đổi mới mình
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này”.
Tiếp đó, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 9/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.
Nếu như Hội nghị Trung ương 4 khoá XI mới chỉ tập trung bàn và ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” thì đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Và đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực… Đồng thời bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát với tình hình mới.
Trong đó, Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, yêu cầu phải đặc biệt coi trọng, đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hoặc Quy định số 37 của Ban Chấp hành Trung ương “về những điều đảng viên không được làm”; Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, giúp cán bộ có thể phát huy 6 “dám” là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách…
Có thể thấy, các Kết luận, Quy định của Đảng đều thể hiện quyết tâm chính trị cao về đổi mới. Bằng việc thể chế hóa các văn bản ngày càng chặt chẽ hơn thì chứng tỏ quyết tâm đổi mới của Đảng càng thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Phương châm “4 tại chỗ” trong xây dựng Đảng
Tổng kết các nhiệm kỳ của Đảng về công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã có rất nhiều bài học qua thực tiễn và lý luận. Các bài học đó được bổ sung, thể chế hóa thành chủ trương, Nghị quyết và các quy định cụ thể, đặc biệt là trong nhiệm kỳ XII và XIII.
Tuy nhiên, sau khi chúng ta đã tổng kết thành các bài học, đưa ra được chủ trương và các biện pháp chính thì còn vấn đề rất khó nữa là việc thực hiện. Chủ trương, quy định có rồi nhưng phải thực hiện như thế nào để các chủ trương, Nghị quyết đó có hiệu quả trong thực tiễn và trở thành sức mạnh của hệ thống chính trị, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nhất là ở hệ thống cơ sở.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng đoàn Bộ Quốc phòng thăm chiến trường xưa tại Gio Linh, Quảng Trị năm 2011.
Theo đó, từ các tổ chức Đảng, chi bộ Đảng, Đảng bộ các cấp cho đến Trung ương đều phải chú trọng công tác phê và tự phê. Mỗi đảng viên phải là một tấm gương phản chiếu trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tư tưởng, văn hóa… thì mới củng cố sự tin tưởng của nhân dân.
Chúng ta cần huy động cả hệ thống chính trị, với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, huy động sức mạnh “4 tại chỗ” ở cơ sở Đảng để nâng cao sức chiến đấu.
Cụ thể, thứ nhất là tổ chức Đảng “tại chỗ”. Thứ hai là tổ chức chính quyền “tại chỗ”. Thứ ba là các tổ chức đoàn thể “tại chỗ” như cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ… phải mạnh để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, “vô hiệu hóa” biểu hiện tiêu cực, hoặc phát hiện diễn biến, chuyển hóa tư tưởng của cán bộ đảng viên.
Thứ tư là nhân dân “tại chỗ” – tức là những người dân quanh khu vực sinh sống của đảng viên. Cần có cơ chế để nhân dân phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng… của cán bộ, đảng viên.
Diễn biến tư tưởng rất phức tạp, chống suy thoái tư tưởng đạo đức, chống tham nhũng, tiêu cực cần vận dụng phương châm “4 tại chỗ” để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh những thành quả to lớn mà Đảng ta và hệ thống chính trị đã “gặt hái” được thì Đảng cũng đã nhìn thấy những tồn tại, khuyết điểm, nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ, cho nên Đảng đã rất chủ động và tích cực đổi mới.
Giai đoạn vừa qua, Đảng đã xử lý kỷ luật nhiều đảng viên vi phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao, xử lý “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ… để làm trong sạch nội bộ, tự “sửa mình”. Qua đó, tiếp tục củng cố niềm tin cho cán bộ đảng viên và nhân dân vào quyết tâm đổi mới của Đảng.
Chúng ta tin tưởng, với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì nhất định Đảng sẽ lãnh đạo Đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu to lớn.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu
Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X
Nguồn Báo điện tử Công Luận