Những câu chuyện tử tế, của những người tử tế đang góp phần gìn giữ và tạo nên một Sài Gòn – TP.HCM nhân văn, nghĩa tình; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của người Việt Nam về tình người cao cả: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”…
Nếu không phải người Sài Gòn, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy những thùng nước đặt bên đường ghi dòng chữ: “Nước uống miễn phí”, hay thùng tiền bên vỉa hè có ghi chú: “Nếu bạn khó khăn, xin lấy ba tờ. Nếu bạn có, bạn hãy bỏ vào”…
Nhưng đã là người Sài Gòn, hoặc sinh sống ở Sài Gòn, người ta sẽ thấy việc làm từ thiện của con người nơi đây như hơi thở cuộc sống.
Quả đúng là như vậy. Những buổi trưa nắng nóng gay gắt của thời khắc giao mùa chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, chạy xe len lỏi qua những con phố đông đúc, ồn ào, tâm hồn như được tưới tắm khi bất chợt bắt gặp thùng nước ai đó để bên vệ đường. Bất kỳ ai cũng có thể ghé vào uống nước, để rồi thầm biết ơn tấm lòng nhân ái, vị tha của chủ nhân thùng nước miễn phí mà hầu hết khách qua đường không hề biết mặt, cũng không thể bày tỏ lòng biết ơn.
Ở mảnh đất phồn hoa đô hội Sài Gòn, tưởng chỉ có những nhà hàng sang trọng, với những món ăn đắt đỏ mà giá cho mỗi suất ăn lên tới tiền triệu. Nhưng một trong những điều làm nên sự “lạ lùng” và “cái gì cũng có” ở nơi đây chính là những quán cơm chay miễn phí, những quán cơm 2.000 đồng.
Đã là người Sài Gòn, hầu như không ai không biết quán cơm mang tên “Nụ cười”. Nụ Cười 1 ra đời vào tháng 10/2012, cho tới nay chuỗi đã phát triển tới gần 10 địa điểm, đặt ở nhiều quận trên địa bàn TP.HCM. Điều đặc biệt làm nên “thương hiệu” của Nụ Cười là giá mỗi suất ăn chỉ có 2.000 đồng.
Chỉ với 2.000 đồng, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên… được quán phục vụ bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng. Người già cả, tàn tật không thể vào trong quán thì được các tình nguyện viên phục vụ tận nơi. Những người tới quán ăn không có cảm giác tự ti bởi họ được đối xử thân thiện, phục vụ chu đáo, tận tình. Hơn thế, bữa ăn còn mang sự ấm áp, sẻ chia, đồng cảm chân thành từ cộng đồng.
Việc làm nhân văn, ấm áp nghĩa tình ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều người đến Nụ Cười nhận suất ăn 2.000, đã tình nguyện thường xuyên lui tới, trở thành tình nguyện viên tích cực hỗ trợ giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn và khó khăn hơn. Họ làm vui vẻ, tận tâm, như là sự trả nghĩa cho những người có tấm lòng thiện lương, đang ngày ngày tiếp tục “nhường cơm sẻ áo”, để người nghèo không bị đói lòng, đứt bữa…
Người Sài Gòn, người ta làm việc thiện không mong cầu sự trả ơn. Họ không khoa trương, cũng không cần mọi người phải biết mặt biết tên. Dường như, họ lặng lẽ làm từ thiện là để thỏa mãn nhu cầu của riêng mình, muốn được làm việc có ý nghĩa cho cuộc đời này. Và phần thưởng xứng đáng nhất với họ chính là niềm vui của người được nhận tấm lòng thiện nguyện ấy.
Sài Gòn vị tha, rộng lượng, hào hiệp và nghĩa tình, luôn rộng mở đón những người con tứ xứ đổ về làm ăn, sinh sống. Tình người Sài Gòn như ngọn lửa ấm áp được lan tỏa ra cộng đồng. Vì vậy, không chỉ người Sài Gòn làm việc nghĩa tình, nhường cơm sẻ áo, mà những người con ở các vùng quê khác tới đây cũng chung tay với người Sài Gòn đóng góp tiền của hỗ trợ hoàn cảnh kém may mắn, khó khăn trong cuộc sống. Họ xem đó như là sự “trả nghĩa” cho mảnh đất mà họ đang gắn bó.
Mới đây, câu chuyện về thùng tiền từ thiện ghi dòng chữ “Nếu bạn gặp khó khăn, hãy lấy 3 tờ”, “Nếu bạn có, bạn hãy bỏ vào” khiến cộng đồng xúc động và chia sẻ. Đây là việc làm nhân văn của một nhóm người là bạn bè (đa phần người miền Bắc vào TP.HCM lập nghiệp), xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có được chai nước uống, ổ bánh mỳ, suất ăn trưa… mà nhóm đã quyên góp, đặt thùng tiền từ thiện tại 3 địa điểm: phố Tô Hiến Thành (Quận 10), 223 Nguyễn Thái Bình và Hoàng Việt (phường 4, quận Tân Bình).
Những câu chuyện về tình người ấm áp, cảm động, ân tình tại Sài Gòn còn nhiều lắm. Hàng ngày, tại bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Ung bứu, hay bệnh viện Tân Phú…, hàng trăm bệnh nhân như được tiếp thêm sức mạnh, chia sẻ, động viên để dịu đi cơn đau bệnh tật, nỗi khó khăn khi nhận được suất ăn miễn phí từ nhà hảo tâm. Sự sẻ chia dù là rất khiêm nhường nhưng lại thiết thực và có ích với những người nghèo khó.
Năm nào cũng vậy, sau mỗi cơn bão lũ gây ra cho đồng bào miền trung, miền bắc tổ quốc, nơi thiên tai khắc nghiệt tàn phá, người Sài Gòn, của ít lòng nhiều, người góp công, người góp sức, chung tay quyên góp quần áo, chăn màn, lương thực, vật dụng, tiền bạc… chuyển tới tận tay người dân nơi vùng thiên tai. Họ chủ động, đoàn kết làm những công việc thiện nguyện này như là lẽ tự nhiên, đặc trưng riêng có Sài Gòn.
Nhịp sống Sài Gòn vẫn hối hả từng ngày. Yêu Sài Gòn, có đi đâu xa nhớ về Sài Gòn, là yêu, là nhớ về một địa chỉ chứa chan ân tình như thế!
Theo TGTT