Suốt 5000 năm lịch sử, đất nước Trung Hoa đã sản sinh ra biết bao dũng tướng, tài mạo phi thường, đội trời đạp đất, có sức xoay chuyển càn khôn. Nhưng “Anh hùng đa nạn”, chiến công hiển hách bao nhiêu thì số phận của họ lại càng bi thảm bấy nhiêu.
Lý Mục (290 – 229 TCN)
Ông là một danh tướng của nước Triệu thời Chiến Quốc. Trong hầu hết sự nghiệp binh đao của mình, Lý Mục được giao trấn thủ ở Nhạn Môn Quan, chống lại quân Hung Nô. Khi ấy, biên giới phía bắc nước Triệu thường xuyên bị người Hung Nô quấy phá.
Trước sức mạnh của kỵ binh Hung Nô, Lý Mục chủ động sử dụng kế “vườn không nhà trống”. Quân Hung Nô tràn vào không cướp phá được gì đành phải lặng lẽ rút lui. Trải qua vài năm kiên trì phòng thủ, quân của Lý Mục ngày càng hùng mạnh, sĩ khí lên cao, bắt đầu tổ chức phản công quân Hung Nô.
Quân của Lý Mục có 1300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, tổ chức tập kích, đập tan 10 vạn kỵ binh Hung Nô. Thiền vu Hung Nô phải trốn vào rừng. Mấy năm sau, quân Hung Nô cũng không còn dám xâm phạm biên giới nước Triệu.
Năm 229 TCN, 10 vạn quân Tần chia 3 đường tiến đánh nước Triệu. Lý Mục được phái làm đại tướng quân chống giặc. Thế nhưng Triệu U Mục Vương lại nghe lời ly gián của một kẻ nịnh thần tên là Quách Khai đã cách chức và xử tử Lý Mục. Sau khi Lý Mục qua đời không lâu, năm 222 TCN, nước Triệu diệt vong.
Hạng Vũ (232 – 202 TCN)
Hạng Vũ tên húy là Tịch, người đất Hạ Tương, là một tướng quân nổi tiếng, có công lớn trong việc lật đổ nhà Tần. Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên chép rằng họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở. Cha Hạng Vũ mất sớm, ông được người chú Hạng Lương nuôi nấng từ nhỏ.
Hạng Vũ là một tướng quân gan dạ, dũng mãnh, có sức địch được vạn người. Khi lâm trận, tay cầm kích, chân đạp ngựa Ô Truy, Hạng Vũ có thể lao vào giữa trận tiền, chém đầu tướng địch dễ như lấy đồ trong túi. Ngay cả khi gặp khốn ở Ô Giang, một mình Hạng Vũ cũng diệt hàng trăm quân địch trước khi tự vẫn.
Sau khi diệt Tần, Hạng Vũ tiếp tục phân định thiên hạ với Lưu Bang. Ban đầu, với lực lượng áp đảo và sự giúp đỡ của cố vấn quân sự thiên tài Phạm Tăng, Hạng Vũ chiếm được thế áp đảo, từng chém 10 vạn quân Hán ở Bành Thành, bắt sống cả bố và vợ của Lưu Bang.
Tuy nhiên, sau này, vì mắc mưu phản gián của Lưu Bang, Hạng Vũ nghi ngờ, không trọng dụng Phạm Tăng nữa, người từng được Hạng Vũ gọi là “Á phụ” (cha nuôi). Sau khi Phạm Tăng ra đi, Hạng Vũ liên tục thua thiệt, bị Hàn Tín, Bành Việt quấy phá hậu phương, rơi vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, nằm giữa gọng kìm của Lưu Bang và Hàn Tín.
Mất thế thượng phong, Hạng Vũ đành phải ký hiệp ước đình chiến với Lưu Bang ở Hồng Câu, lấy nơi này làm ranh giới chia đôi thiên hạ rồi mang quân rút về phía đông. Tuy nhiên, Lưu Bang bội ước, mang quân theo truy kích. Hạng Vũ phải rút vào thành Cai Hạ, binh ít, lương hết, bị quân Hán vây khốn mấy vòng, tình cảnh bi thảm không sao kể xiết.
Ông quyết định mở con đường máu, cùng hơn 800 kỵ binh còn lại đang đêm phá vây thoát ra bên ngoài. Quân Hán truy kích gấp sau lưng. Khi chạy đến Đông Thành, Hạng Vũ đếm lại chỉ còn 28 kỵ binh theo kịp. Mấy ngàn quân Hán vẫn đuổi bén gót phía sau.
Hạng Vũ chạy đến bờ sông Ô Giang thì cùng đường. Khi quân Hán đến nơi, ông xuống ngựa, cầm kiếm tử chiến đến cùng. Một mình Hạng Vũ loại khỏi vòng chiến đến mấy trăm người, chịu hơn 10 vết thương khắp thân mình. Quyết không để bị bắt sống, Hạng Vũ đâm cổ tự vẫn. Một trong những dũng tướng vĩ đại nhất lịch sử nằm xuống.
Hàn Tín (229 – 196 TCN)
Cùng thời với những Lưu Bang, Hạng Vũ, ông là một danh tướng thiên hạ vô địch, đánh đâu thắng đó. Hàn Tín góp công đầu giúp Lưu Bang chiến thắng Hạng Vũ trong cuộc tranh hùng Hán – Sở, mở ra cơ nghiệp 400 năm cho nhà Hán.
“Tây Hán chí” chép rằng Hàn Tín người ở quận Hoài Âm (nước Sở), cha mẹ mất sớm, sống côi cút từ bé, rất cực khổ. Nhưng Hàn Tín đã sớm là người có chí lớn, có tâm đại nhẫn. Chuyện kể rằng, có gã bán thịt lợn thấy Hàn Tín nhỏ thó, muốn làm nhục ông, bắt ông hoặc phải dùng kiếm giết chết gã, hoặc phải chui háng gã. Cuối cùng, Hàn Tín kiềm chế được cơn giận, chấp nhận chui háng hắn.
Năm 209 TCN, Hàn Tín gia nhập đội quân khởi nghĩa của Trần Thắng, chống nhà Tần. Lúc đầu, ông còn là lính dưới quyền Hạng Lương, Hạng Vũ. Thấy Hàn Tín thân phận thấp kém, họ chỉ cho ông làm một chân cầm kích đứng hầu.
Sau này, bất mãn vì không được trọng dụng, Hàn Tín đã bỏ Hạng Vũ theo về dưới trướng Lưu Bang. Ở đây, tài năng của Hàn Tín được phát huy tối đa. Một mình Hàn Tín dẫn binh phá Tam Tần, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, chiêu hàng Tề, lấy về một nửa giang sơn cho Lưu Bang.
Trận Cai Hạ, Hàn Tín dùng kế nghi binh, nhử cho Hạng Vũ đuổi vào trận địa mai phục. Mấy chục vạn quân Hán vây kín mười mặt thành Cai Hạ của Hạng Vũ. Liền trong nhiều ngày, khắp bốn phía, quân Hán lại cùng hát vang bài ca nước Sở. Quân Sở nghe tiếng hát tưởng quê nhà bị chiếm rồi, bèn đào ngũ trốn sạch. Hạng Vũ thế cùng, lực kiệt phải tự sát ở bến Ô Giang.
Tuy nhiên, ngay sau khi lập được đại công, Hàn Tín cũng liền bị Lưu Bang tước ấn tín, đoạt hết lại binh quyền, rồi giáng xuống là Hoài Âm Hầu. Dù đã tước hết binh quyền của Hàn Tín nhưng Lưu Bang vẫn rất dè chừng, luôn theo dõi nhất cử nhất động của ông.
Năm 196 TCN, lấy cớ Hàn Tín cấu kết với Trần Hy làm phản, Lã Hậu (vợ Lưu Bang) cho triệu ông vào cung. Ngay khi mới bước vào cửa, Hàn Tín đã bị võ sĩ trói nghiến lại, chém đầu ở cung Trường Lạc. Dũng tướng bách chiến bách thắng ngày nào đã phải chịu một cái kết vô cùng bi thảm.
Trương Phi (166 – 221)
Đối với những người đã từng đọc hoặc xem phim “Tam Quốc diễn nghĩa”, Trương Phi là một trong những nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Trong lịch sử, ông là một danh tướng của nhà Thục Hán, đánh hàng trăm trận, lập nhiều kỳ công, khuông phò Lưu Bị từ thời còn áo vải cho đến lúc xưng đế.
Trương Phi tên tự là Dực Đức, người Trác Quận (nay là Trác Châu, Hà Bắc). Trương Phi thuở hàn vi làm nghề bán rượu, gia thế giàu có nên được học hành đầy đủ cả hai ban văn võ. Có một điều ít người biết là không chỉ giỏi võ, Trương Phi viết chữ rất đẹp, vẽ tranh cũng rất tài.
Hồi trẻ, Trương Phi gặp gỡ và kết nghĩa huynh đệ với Lưu Bị và Quan Vũ, nhận làm em út. “Tam Quốc diễn nghĩa” dành hẳn một hồi tả lại chuyện kết nghĩa vườn đào này. Năm 184, Lưu Bị khởi binh đánh quân Khăn Vàng, Trương Phi chính là dũng tướng tiên phong, oai dũng vô cùng.
Một trong những điển tích nổi tiếng nói lên uy vũ địch muôn người của Trương Phi là lần chạm trán đại quân Tào Tháo trên cầu Trường Bản. Năm 208, Tào Tháo phát đại quân tiến đánh Kinh Châu. Lưu Tông (con trai Lưu Biểu, cháu gọi Lưu Bị là chú) mau chóng đầu hàng. Lưu Bị không chống cự nổi, liền mang dân vượt sông bỏ chạy.
Tào Tháo sai thiết kỵ đuổi gấp phía sau. Lưu Bị thế cùng phải bỏ cả gia quyến, quân binh tan tác hết cả. Trương Phi theo lệnh, dẫn đầu 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào ở cầu Trường Bản.
Quân Tào vừa đến nơi, nhìn thấy Trương Phi hùng dũng một mình một ngựa, tay cầm bát xà mâu đứng sừng sững trên cầu thì không ai dám tiến lên. “Tam Quốc diễn nghĩa” thuật lại rằng, Trương Phi đứng trên cầu quát to lên một tiếng, to đến nỗi làm một bộ tướng của Tào Tháo là Hạ Hầu Kiệt quá sợ hãi, lăn xuống chân ngựa mà vỡ mật chết. Tào Tháo chứng kiến cảnh ấy sợ hãi vô cùng, vội thúc quân tháo chạy. Quân Tào cuống cuồng rút lui.
Rất oai dũng nhưng Trương Phi cũng cực kỳ nóng tính. Ông lại hay có một thói quen xấu là uống rượu say rồi đánh đập binh sĩ dưới quyền. Lưu Bị có lần cảnh báo Trương về chuyện này nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai. Chẳng ngờ cái chết của ông lại do chính thói quen tưởng vô hại ấy.
Năm 221, Lưu Bị đăng cơ lên ngôi hoàng đế. Trương Phi được phong là Xa kỵ tướng quân, làm tướng tiên phong cầm đại quân sang đánh Đông Ngô để báo thù cho cái chết của Quan Vũ. “Tam Quốc diễn nghĩa” kể rằng, Trương Phi bắt hai tướng dưới trướng là Trương Đạt và Phạm Cương phải gấp rút may đủ áo tang cho ba quân trong vòng 3 ngày, sai lệnh sẽ chém không tha.
Phạm Cương, Trương Đạt đương nhiên cảm thấy đó là một nhiệm vụ bất khả thi, lên xin Trương Phi gia hạn thêm thời gian. Ngờ đâu Trương Phi nổi giận, quát võ sĩ trói hai người vào gốc cây, đánh cho mỗi người 50 roi. Cả hai bị đòn quá ác, hộc cả máu miệng. Khi về trướng, họ hẹn nhau tới nửa đêm lẻn vào giết Trương Phi, cắt đầu sang nộp cho quân Ngô.
Nhạc Phi (1103 – 1142)
Là một trong những nhà quân sự nổi tiếng bậc nhất của Trung Quốc, Nhạc Phi được người đời nhớ đến như một đại tướng quân bách chiến bách thắng. Sử cũ chép lại, Nhạc Phi đã giao chiến với quân Kim cả thảy 126 trận lớn nhỏ và toàn thắng.
Nhạc Phi người huyện Thang Âm, Tương Châu (nay là tỉnh Hà Nam). Từ nhỏ ông đã sống đời đạm bạc, tằn tiện. Tính tình Nhạc Phi ôn hòa, đôn hậu, hay giúp đỡ người nghèo khó. Thuở hàn vi, Nhạc Phi đã rất thích đọc binh thư của Tôn Vũ, Ngô Khởi. Thầy của ông đều là những danh tướng như Chu Đồng, Tần Quảng.
Đầu thế kỷ 12, nhà Tống suy yếu. Triều Liêu liên tục xâm lấn bờ cõi. Nhạc Phi sớm lập chí lớn đánh giặc báo quốc nên 19 tuổi đã xin đầu quân đi đánh Liêu. Sau khi nhà Liêu bị diệt, nhà Kim chiếm lấy phần lãnh thổ cũ của nhà Liêu và quay mũi giáo chĩa vào Đại Tống.
Trước mối họa mới, sau khi chịu tang cha xong, Nhạc Phi liền xung trận. Ngày lên đường, mẹ ông còn xăm lên người ông 4 chữ lớn: “Tận trung báo quốc”. Tuy vậy, khi Nhạc Phi chưa kịp thi thố tài năng thì người Kim đã đánh chiếm xong Biện Kinh, tiêu diệt Bắc Tống.
Vua Cao Tông nhà Tống phải chạy xuống bờ nam sông Trường Giang, lập nên nhà Nam Tống. Nhạc Phi liên tục dâng sớ xin vua Cao Tông bắc phạt thu hồi lại giang sơn đã mất. Nhưng phe chủ hòa trong triều đình liên tục gạt đi ý định đó bất chấp những chiến thắng vang dội của Nhạc Phi trên trận địa.
Dưới sự chỉ huy của Nhạc Phi, những lộ quân bắc phạt của nhà Tống đã thu hồi được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở lưu vực sông Hoàng Hà từ tay quân Kim. Nhân dân khắp nơi chào đón và đua nhau tham gia vào quân đội của Nhạc Phi.
Nhưng đó cũng là lúc phái chủ hòa ở triều đình, đại biểu là Tần Cối tỏ ra lo lắng. Tần Cối lo sợ chiến công của Nhạc Phi có thể đe dọa tới ảnh hưởng của mình. Vì vậy, phái chủ hòa thường ghé tai đàm tiếu với vua Cao Tông. Một lần khi đang trên đà truy kích quân Kim, Nhạc Phi nhận được tới 12 đạo chiếu triệu hồi về kinh chỉ trong một ngày.
Sau khi điều Nhạc Phi trở về, phong làm Khu mật sứ (mà thực chất là tước đoạt hết binh quyền), vua Cao Tông nghe theo lời xúc xiểm của Tần Cối đã nghi ngờ và buộc tội Nhạc Phi. Người Kim hận và sợ Nhạc Phi thấu xương tủy, đã đưa ra điều kiện nghị hòa với Nam Tống là phải giết chết Nhạc Phi.
Năm 1141, Nhạc Phi và con trai mình là Nhạc Vân đã bị Tần Cối hạ độc giết chết tại đình Phong Ba, thuộc Đại lý tự Lâm An. Sau này, khi bị nguyên soái Hàn Thế Trung chất vấn về lý do xử tội Nhạc Phi, Tần Cối đáp: “Không có nhưng cũng không cần có”. Ba chữ “không cần có” (mạc tu hữu) từ đó gắn liền với Nhạc Phi và thường được người đời sau dùng để chỉ những lời buộc tội vô căn cứ, ngụy tạo, ngậm máu phun người.
Theo ĐKN