Nhân kỷ niệm 75 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2018), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn học-Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)”.
Với gần 150 hình ảnh, hiện vật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày giúp cho công chúng hiểu hơn giá trị soi đường, tác dụng định hướng của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, cống hiến của các văn nghệ sĩ lớp đầu tiên đã tiếp nhận những nội dung, tư tưởng của Đề cương; qua đó nhận thức đúng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới.
Văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa. Có lãnh đạo phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Tháng 2-1943 Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã thông qua “Đề cương về văn hóa Việt Nam” – Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Những nội dung tư tưởng của Đề cương đã phản ánh đúng và đáp ứng kịp thời đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng, là định hướng cực kỳ quan trọng cho sự ra đời nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam mới trong hoạt động văn hóa, văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những quan điểm quan trọng về văn hóa thể hiện trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã dần được bổ sung hoàn thiện theo yêu cầu của các giai đoạn phát triển cách mạng sau này.
Trưng bày chuyên đề “Văn học-Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)” sẽ khai mạc vào thứ sáu, ngày 8/6/2018 tại phòng trưng bày chuyên đề, số 216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trưng bày dự kiến mở cửa phục vụ công chúng trong thời gian 3 tháng./.
Theo Toquoc