Những điều ít người biết về bài thơ “Đầu xuân uống trà cùng bạn”

17:10 | 23/02/2023

Những ai yêu trà Việt Nam, chắc hẳn đều biết bài thơ “Đầu Xuân uống trà cùng bạn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bởi đây không chỉ là một trong những áng thơ hay nhất của Việt Nam (và cũng là của nhân loại) viết về trà mà còn bởi triết lý sâu xa về hạnh phúc thấm đẫm giáo lý nhà Phật. Không phải ngẫu nhiên, nhiều bậc tu hành cũng yêu thích bài thơ này.


Và nhiều sư thầy đã kỳ công khắc bài thơ trên gỗ quý dưới dạng thư pháp rồi treo trang trọng trong chùa.

“Nhấp chén trà thứ nhất

Dạ thịt bỗng tỏa hương

Đời thực thành cõi mộng

Trần gian hóa thiên đường.

Ta nâng chén thứ hai

Cho đất trời tinh khiết

Tâm ta bừng sáng ra

Biết thêm điều chưa biết.

Mai sau đời dẫu tuyệt

Chắc gì hơn lúc này

Nào châm thêm chén nữa

Hai đứa mình cùng bay”.

Bài thơ nhiều quý vị đã thuộc lòng nhưng hoàn cảnh ra đời của nó thì chưa hẳn ai cũng biết.

Tôi vẫn nhớ, vào buổi sáng mồng 2 Tết năm 2009, tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa ngồi đối ẩm tại Hiên trà Trường Xuân (13 Ngô Tất Tố, Hà Nội). Giống như mọi ngày, anh em tôi thưởng thức trà sen tại không gian cổ kính quen thuộc ấy. Chỉ khác, Hiên trà ngày Tết yên tĩnh hơn, đẹp hơn, đậm sắc Xuân hơn bởi ngoài sân, hoa đào, hoa mai, hoa thủy tiên khoe sắc thắm. Thời tiết hôm ấy thật đẹp. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, tiếng chim hót ríu ran. Trong khung cảnh bình yên, nên thơ ấy, hương trà sen dường như cũng trở nên thơm hơn khiến tâm hồn thi sĩ rung động. Cảm xúc dâng trào, và ngay tại bàn trà, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ứng tác tặng tôi bài thơ “Đầu Xuân uống trà cùng bạn”. Câu đầu tiên bật ra cho đến khi câu cuối cùng khép lại, thời gian vỏn vẹn chỉ trong vài phút, đủ cho ẩm khách thưởng thức hết một chén trà.

Ngay từ khi mới ra đời, bài thơ đã được những người yêu trà, yêu thơ đón nhận nồng nhiệt. Rất nhiều người đã ngâm, bình, tán tụng bài thơ với những mỹ từ hay nhất, đẹp nhất. Nhưng có 2 điều tôi thấy ít người phát hiện, ít người nhắc đến.

Điều thứ nhất, nhà thơ Trần Đăng Khoa là một người hiểu trà, sành trà, một “cao thủ” về trà. Sự cao thủ ấy không chỉ thể hiện ở những từ “chuyên môn” mà giới trà đạo hay dùng như: nhấp, nâng, châm… rất tinh tế, rất thiền, mà còn ở sự tiết chế, chừng mực khi thưởng thức. Người sành trà từ cổ chí kim chỉ thưởng thức tối đa 3 chén. Họ nhâm nhi từng ngụm nhỏ nhẹ để cảm nhận hết hương thơm, vị đượm của trà. Không ai uống ừng ực, không ai uống đến no bụng. Vì thế, nếu ai uống đến chén thứ 4 thì người đó sẽ được xếp vào hàng “ngưu ẩm” (trâu ngựa uống). Bài thơ “Đầu Xuân uống trà cùng bạn” có 3 khổ, tương ứng với 3 chén trà.

Điều thứ hai, làm bài thơ ca tụng về trà nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa không thuần túy ca tụng về hương, vị, sắc như các thi nhân khác thường làm mà ông ca tụng sự chuyển hóa kỳ diệu của thân, tâm khi thưởng trà. Từ đó, ông gửi gắm một quan niệm, một tuyên ngôn về hạnh phúc. Vì thế, bài thơ mang tầm tư tưởng lớn, chứa đựng những triết lý sâu sa của nhà Phật, của thiền.

“Nhấp chén trà thứ nhất.

Da thịt bỗng tỏa hương”.

Hương trà sen thơm đến độ mới nhấp một chén thôi mà bỗng thấy da thịt mình dường như cũng phảng phất hương sen, cũng tỏa hương sen. Nhà thơ Trần Đăng Khoa ca tụng hương trà sen thơm tài đến thế là cùng. Nhưng nếu chỉ hiểu như thế thôi thì đây mới chỉ là câu thơ hay. Ý nghĩa thực của nó lớn hơn thế rất nhiều: Trà có công năng thanh lọc thân tâm, “tẩy bụi trần, rửa lòng tục”. Và nhờ sự chuyển hóa thân tâm kỳ diệu ấy mà:

“Đời thực thành cõi mộng.

Trần gian hóa thiên đường”.

Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nghĩa là mọi sự vật hiện tượng đều do tâm tạo thành. Khi tâm ta thanh sạch thì trời đất, vũ trụ dường như cũng thanh sạch theo. Nhờ đó, ta có thể kết nối với nhiều tầng không gian khác nhau, cao hơn, tinh khiết hơn. Đặc biệt, khi tâm an lạc, tâm tinh khiết thì kho tàng trí tuệ sẽ được khai mở. Kho tàng trí tuệ ấy được nhà thơ Trần Đăng Khoa diễn đạt bằng hình ảnh giản dị, gần gũi, dễ hiểu: “Ta nâng chén thứ hai/ Cho đất trời tinh khiết/ Tâm ta bừng sáng ra/ Biết thêm điều chưa biết”. Đó chính là con đường của nhà Phật: Niệm – Định – Tuệ.

Tôi đặc biệt thích khổ thơ thứ 3:

“Mai sau đời dẫu tuyệt.

Chắc gì hơn lúc này.

Nào châm thêm chén nữa.

Hai đứa mình cùng bay”.

Với nhà thơ Trần Đăng Khoa, dẫu ngày mai cuộc sống có tốt đẹp đến đâu cũng không chắc gì hơn lúc này, khi chúng ta đang có bình an ở trong tâm, có tình thương và hiểu biết, có tình tri kỷ… Có được những “báu vật” ấy, chúng ta đích thị trở thành những vị tiên ở chính cõi trần này.

Cái thấy “Mai sau đời dẫu tuyệt/ Chắc gì hơn lúc này” là cái thấy của một người tỉnh thức, giác ngộ. Nó rất gần với giáo pháp “Hiện pháp lạc trú” – một trong những giáo pháp căn bản nhất của đạo Phật. Đức Thế Tôn từng dạy: “Quá khứ đã đi qua. Và tương lai chưa tới. Con đừng để tâm chìm đắm. Trong tiếc thương quá khứ. Trong lo lắng tương lai. Con có thể sống an lạc thảnh thơi. Trong giây phút hiện tại”.

“Đầu Xuân uống trà cùng bạn” là một bài thơ ca tụng về trà nhưng lại là một quan niệm, một triết lý của nhà thơ Trần Đăng Khoa về hạnh phúc. Hạnh phúc, với ông, không nằm trong tiền bạc, danh vọng, quyền bính… Hạnh phúc, với nhà thơ Trần Đăng Khoa, là khi ta có một cái tâm an lạc, chứa đầy hiểu biết và thương yêu.

Bài thơ, không có một chữ nào nhắc đến thiền, đến Phật nhưng lại chứa đựng những triết lý sâu sa của nhà Phật.
“Đầu Xuân uống trà cùng bạn” vì thế, xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất viết về trà.

Tôi và nhà thơ Trần Đăng Khoa dự kiến sẽ viết chung một cuốn sách về trà. Dưới mỗi bài văn xuôi tôi viết sẽ là một bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Theo các anh chị, hai anh em có nên làm hay không?

Hoàng Anh Sướng (VHVN)

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024