Người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn uống nghiêm ngặt, giảm tiêu thụ đường và các loại bánh kẹo, nước ngọt… để hạn chế đường huyết tăng cao. Vậy, còn với các loại trái cây có vị ngọt như mít, liệu người bệnh đái tháo đường có được ăn mít không?
Người bệnh đái tháo đường có ăn mít được không? Câu trả lời là có thể, nhưng bạn cần chú ý lượng tiêu thụ.
Mít có nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường
Một trong những lý do khiến mít trở thành loại trái cây tốt cho người bệnh đái tháo đường là vì chúng rất giàu chất xơ. Trên thực tế, chất xơ có giúp làm chậm tốc độ giải phóng đường trong máu, từ đó giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Mít có thể giúp kiểm soát đường huyết khi ăn với lượng vừa phải
Thêm vào đó, do có hàm lượng chất xơ cao, mít cũng có chỉ số chuyển hóa đường huyết thấp. Các chuyên gia vẫn khuyến khích người bệnh đái tháo đường nên tăng cường tiêu thụ những thực phẩm có chỉ số chuyển hóa đường huyết thấp trong chế độ ăn uống hàng ngày. Những thực phẩm này sẽ ít gây biến động đường huyết so với thực phẩm có chỉ số chuyển hóa đường huyết cao.
Như đã biết, do thường phải tuân thủ chế độ ăn uống kiêng khem khá nghiêm ngặt, nên người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Mít rất giàu vitamin và khoáng chất, ví dụ như vitamin A, vitamin C, calci, kali, sắt, magne… Do đó, ăn mít ở lượng vừa phải có thể giúp bạn cân bằng dinh dưỡng.
Loại trái cây này còn rất giàu các chất chống oxy hóa, giúp chống viêm, phòng ngừa một số biến chứng cho người bệnh đái tháo đường.
Mít có thể giúp hỗ trợ giảm cân
Nếu tiêu thụ ở lượng vừa phải, mít có thể giúp hỗ trợ giảm cân. Nguyên nhân là bởi mít rất giàu chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóavà tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Thêm vào đó, mít cũng không chứa nhiều calorie: 100gr mít có chứa khoảng 94 calorie.
Bị đái tháo đường, ăn mít thế nào để ổn định đường huyết?
Mít có nhiều lợi ích cho người bệnh đái tháo đường, nhưng bạn cũng nên cảnh giác vì chúng có chứa nhiều carbohydrate, có thể gây tăng đường huyết nếu ăn quá nhiều.
Một nghiên cứu năm 2016 của các nhà khoa học Australia đã chỉ ra rằng, người bệnh đái tháo đường có thể bổ sung 30gr mít non (đã sấy khô) trong một ngày, thay thế cho 1 chén cơm (khoảng 250gr) để cảm thấy no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn vặt. Bạn có thể thêm mít non vào các món cà ri, soup, xào với rau… để thay thế cho các món gạo trắng, bún, miến, phở nhiều tinh bột.
Mít chín thường có hàm lượng đường cao hơn, do đó người bệnh đái tháo đường nên lưu ý không ăn quá nhiều. Tốt hơn hết, bạn chỉ nên ăn 1 – 2 miếng mít chín/lần để không làm đường huyết tăng cao quá mức.
Nếu đang sử dụng các loại thuốc kiểm soát đường huyết, người bệnh đái tháo đường nên trao đổi với bác sỹ để biết ăn bao nhiêu mít là vừa phải, không ảnh hưởng tới hiệu quả của thuốc.
Theo Heath+