Chỉ một chữ là thấy rõ sự khác biệt giữa quân tử và tiểu nhân

9:01 | 14/06/2019

Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt như rượu. Quân tử nhạt nhưng thân ái, tiểu nhân ngọt nhưng tuyệt tình.


Cổ nhân có câu: “Dĩ hòa vi quý”, nghĩa là trong các mối quan hệ giao tiếp, mọi người đều coi trọng hòa khí, đối đãi với nhau thân ái, chân tình. Trong văn hóa truyền thống, nội hàm chữ “Hòa” này rất phong phú. Giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, giữa quốc gia với quốc gia, thậm chí giữa con người với thiên nhiên… thì đều cần phải “Hòa”.

Thế nào là Hòa?

Nghĩa gốc của “Hòa” là hòa mục, hài hòa. Sách Chu Dịch viết: “Hai người đồng tâm thì tạo nên sức mạnh sắc bén có thể chặt đứt mọi sắt thép”.

Trong Chu Dịch cũng có câu: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (cùng thanh âm thì hưởng ứng lẫn nhau, cùng khí chất thì tìm đến nhau).

Còn Luận Ngữ thì viết: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, đại ý là trong các tác dụng của lễ thì hòa hợp là điều đáng quý nhất.

Có thể thấy người xưa vô cùng coi trọng tác dụng của “Hòa”. Đối với cá nhân. hòa là có tấm lòng rộng mở, cương trực và ôn nhu thích hợp. Đối với xã hội, hòa là người với người cùng chung sống hòa bình và hòa hợp lẫn nhau.

Nhưng “Hòa” ấy không phải là không có nguyên tắc. Luận Ngữ viết, đại ý rằng: Người quân tử hòa hợp, hài hòa thân ái với người khác nhưng không cẩu thả đồng tình với ý kiến người khác. Kẻ tiểu nhân thì luôn đồng tình đón ý người khác nhưng không hài hòa, không thân ái với người khác. (Nguyên văn: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”).

Một trong những kinh điển Nho gia là sách Thượng Thư có viết: “Có thể làm sáng tỏ đức lớn thì khiến người trong cửu tộc thân thiết. Cửu tộc thân thiết thì khiến bách tính phân biệt rõ tốt xấu. Bách tính phân biệt rõ tốt xấu thì khiến vạn bang hài hòa”.

Sách Thượng Thư cũng miêu tả cảnh tượng thiên hạ thái bình thời vua Nghiêu vua Thuấn. Thời kỳ đó, trên dưới hòa mục, bách tính an cư lạc nghiệp, “mặt trời mọc thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi”. Đó cũng chính là xã hội lý tưởng của Nho gia. Mà sự hình thành của một xã hội như thế là dựa vào chữ “Hòa”: Gia tộc hài hòa, bách tính hài hòa, vạn bang hài hòa, thiên hạ thái bình. Mà muốn nhân hòa thì yêu cầu người người đều tự giác tuân thủ đạo đức xã hội và phép tắc chung. Người xưa chủ trương “làm sáng tỏ đức lớn”, cũng chính là nhấn mạnh rằng cần phải dùng tài trí và đạo đức để cảm phục mọi người.

Đồng tâm hiệp lực thì khó phá vỡ

Chu Dịch viết: “Hai người đồng tâm thì có sức mạnh sắc bén chặt đứt mọi sắt thép” (nguyên văn: “Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim”). Ý nghĩa là hai người đồng tâm hiệp lực thì sẽ tạo nên sức mạnh vô cùng.

Câu tiếp theo là: “Lời nói đồng tâm thì thơm như hoa lan” (nguyên văn: Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan”). Chúng ta thường nói “kết nghĩa kim lan” cũng là có nguồn gốc từ đây.

Thôi Hồng viết trong Tam thập quốc Xuân Thu rằng: “Đơn độc dễ bị bẻ gãy, tập hợp nhiều thì khó phá vỡ”.

Xưa, khi thấy các hoàng tử chia rẽ nội bộ, vua Hung Nô bèn gọi các con lại, đưa cho mỗi người một mũi tên và bảo họ bẻ gãy. Các vương tử đều dễ dàng bẻ gãy mũi tên. Vua lại đưa cho mỗi người con một bó tên, kết quả là không ai có thể bẻ được. Ông bèn nói với các con rằng: “Hiện nay anh em các con bất hòa, mỗi người như một mũi tên này, rất dễ bị kẻ địch đánh bại từng người một. Nếu các con đoàn kết thì giống như bó tên này, không ai có thể địch nổi”. Đây chính là sức mạnh của Hòa.

(Ảnh minh họa: smithsonianmag.com)

Dùng “Hòa” phân biệt quân tử và tiểu nhân

Khổng Tử nói: “Tác dụng của lễ thì hòa là trân quý”. Nghĩa là trong các tác dụng của lễ thì hòa là cảnh giới cao nhất. Việc chế định ra các loại quy phạm xã hội đều nên thúc đẩy sự hài hòa giữa người với người và giữa con người với thiên nhiên.

Nhưng Khổng Tử cũng cho rằng, Hòa không phải là vô nguyên tắc. Ông nói: “Quân tử hòa hợp, hài hòa thân ái nhưng không cẩu thả đồng tình với ý kiến người khác. Tiểu nhân thì luôn đồng tình đón ý nhưng không hài hòa, không thân ái với người khác”.

Khổng Tử cho biết người quân tử khác với kẻ tiểu nhân. Quân tử có chủ trương riêng của mình, đồng thời lại có thể khoan dung đối xử với người khác, cùng chung sống hòa mục với người khác, đó chính là “hòa nhi bất đồng”.

Kẻ tiểu nhân dễ dàng chịu ảnh hưởng của người khác, người ta nói gì thì cũng nói theo, a dua nịnh hót. Nhưng một khi có xung đột lợi ích thì họ không thể chung sống hòa hợp với người khác được, đó chính là “đồng nhi bất hòa”.

Khổng Tử còn nói “Quân tử hòa hợp với mọi người mà không mù quáng theo trào lưu” (nguyên văn: “Quân tử hòa nhi bất lưu”). Người xưa gọi những người có tu dưỡng phẩm đức cao là quân tử nên rất tôn kính với họ, đồng thời cũng có yêu cầu tương ứng. Người quân tử hòa hợp thiện lương, trông có vẻ là ôn hòa thuận theo, nhưng nội tâm lại rất cương nghị. Tuy họ khiêm tốn hòa hợp nhưng lại có tín niệm của riêng mình, do đó sẽ không bị trôi theo dòng nước, không bị cuốn theo trào lưu.

Hòa là khi lòng người cùng hướng

Nói đến Hoà, nhiều người liên tưởng đến câu nói của Mạnh Tử: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Cái gọi là “nhân hòa” chính là lòng người cùng hướng, là đoàn kết nội bộ. Mạnh Tử còn nói: “Người vui với niềm vui của dân thì dân cũng vui với niềm vui của họ. Người lo nỗi lo của dân thì dân cũng lo nỗi lo của họ”.

Bậc quân vương thánh minh là người đồng cam cộng khổ với dân, trong lòng chứa cả bách tính thiên hạ, như vậy mới được dân chúng kính yêu ủng hộ.

Trong mối quan hệ giao tiếp giữa người với người, làm thế nào để có hòa khí, hòa mục? Cổ nhân đã để lại rất nhiều lời dạy tinh tế sâu sắc.

“Quân tử kết giao nhạt như nước, tiểu nhân kết giao ngọt như rượu. Quân tử nhạt mà thân ái, tiểu nhân ngọt mà tuyệt tình.”

(Nguyên văn: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ. Quân tử đạm nhi thân, tiểu nhân cam nhi tuyệt”) – Trích “Trang Tử – Sơn mộc”.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Người quân tử kết giao, tình cảm tuy thanh đạm nhẹ nhàng nhưng lâu bền và thân thiết. Kẻ tiểu nhân kết giao, tình cảm tuy ngọt ngào nhưng rất dễ tuyệt tình, đoạn tuyệt. Có thể thấy, dưới con mắt người xưa thì quân tử kết giao không có bất cứ mục đích công danh lợi lộc nào, giống như nước, thanh khiết, trong vắt, nhìn thấu triệt.

Trong “Luận Ngữ – Nhan Uyên” viết: “Quân tử thành tựu điều tốt đẹp cho người, không tác thành cái xấu cho người.” (Nguyên văn: “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác”).

Đối với việc tốt hay may mắn của người khác thì nên dốc sức ủng hộ và khen ngợi, đối với việc xấu hay bất hạnh của người khác thì không nên vui mừng, không giậu đổ bìm leo. Người quân tử khoan dung nhân hậu đối xử với người khác, làm những việc tốt, việc thiện cho người.

Có câu chuyện kể rằng, thời Xuân Thu, Quản Trọng và Bào Thúc Nha là đôi bạn thân, hai người cùng nhau góp vốn làm ăn. Nhiều lần Quản trọng chia lợi đều lấy phần nhiều, Bào Thúc Nha chưa bao giờ so đo tính toán, ông biết Quản Trọng làm như thế là bởi gia đình rất nghèo khó. Khi đánh trận, Quản Trọng luôn bỏ chạy trước. Bào Thúc Nha cũng không chê cười, ông biết Quảng Trọng làm như thế là bởi trong nhà còn có mẹ già cần phụng dưỡng. Vì vậy Quản Trọng vô cùng cảm động, ông thường nói: “Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu ta chỉ có Bào Thúc Nha thôi”.

Bào Thúc Nha khoan dung độ lượng đã khiến tình bạn Quản – Bào trở thành câu chuyện đẹp lưu truyền ngàn năm.

 

Theo Secretchina

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

NEU INTERNSHIP DAY 2024: Tìm kiếm cơ hội thực tập cho các bạn sinh viên

NEU INTERNSHIP DAY 2024: Tìm kiếm cơ hội thực tập cho các bạn sinh viên

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG