Mỳ gạo Chũ Năng Trường – đặc sản làng nghề truyền thống Thủ Dương

16:26 | 30/06/2023

Lục Ngạn (Bắc Giang) không chỉ được biết đến là vùng đất bốn mùa “hoa thơm quả ngọt”, mà nơi đây còn có nghề thủ công truyền thống nổi tiếng với sản phẩm mỳ Chũ do bàn tay của các nghệ nhân tạo ra. Sản phẩm mỹ gạo Chũ đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn vươn xa quốc tế.


Làng nghề truyền thống mỳ gạo Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn được UBND tỉnh Bắc Giang cấp chứng nhận theo Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 02/11/2010. Làng nghề hình thành từ lâu đời, được gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến ngày nay bằng bàn tay, khối óc của những người thợ có thâm niên trong nghề, đã tạo ra sản phẩm đặc sản “Mỳ gạo Chũ” thơm ngon dẻo dai không nơi nào có được.

Sản phẩm mà Bạn đọc Tạp chí Văn Hiến Việt Nam muốn nói đến của làng nghề truyền thống Thủ Dương đó là mỳ gạo Chũ Năng Trường do ông Phạm Xuân Trường và các thành viên HTX mỳ Chũ Xuân Trường sáng lập, nay được đổi tên là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Nam Dương.

Tìm hiểu quy trình sản xuất từ hạt gạo thô đến thành phẩm, ông Phạm Xuân Trường cho hay, để có một sản phẩm tốt, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, đơn vị sản xuất phải rất kỳ công trong khâu lựa chọn nguyên liệu. Theo đó, nguyên liệu chính để sản xuất mỳ đó là gạo bao thai hồng được cấy trồng ở vùng đất đồi Chũ của xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Cho nên hạt rất chắc, to và khi nấu chín rất thơm. Và để làm thế nào cho sợi mỳ mỏng mà dai, dẻo thì lại là bí quyết trong sản xuất mà không phải đơn vị nào cũng làm được, ông Trường cho biết thêm.

Mỳ rau củ quả Năng Trường

Cũng theo ông Trường, người làm mỳ khá vất vả, để cho ra thành phẩm ngon về chất lượng, đẹp về thẩm mỹ thì gạo bao thai hồng phải nhặt sạch sạn, đãi, vo rồi mới cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm khoảng thời gian là 8 tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh mới có thể cho ra được thứ bột dẻo và sánh. Bột được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Hôm sau, những người thợ làm nghề đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mỳ đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó cũng phải khéo léo làm cho các sợi mỳ đều sóng, mượt và có hoa văn đẹp.

Nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, hiện nay làng nghề không chỉ sản xuất mỳ gạo trắng truyền thống mà đã có nhiều cố gắng trong cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các dòng sản phẩm như: Mỳ gạo lứt, mỳ vừng, mỳ nghệ, mỳ gấc, mỳ hoa đậu biếc, mỳ củ dền, mỳ chùm ngây, khoai lang vàng… Các thành phần chất dinh dưỡng trong mỳ củ dền cung cấp nhiều vitamin A, C và các nhóm vitamin B, bên cạnh đó còn có nhiều khoáng chất như sắt, axit folic, kali, magie, natri, mangan… Những loại chất này giúp cần bằng hệ miễn dịch, bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là những người ăn kiêng và muốn giảm cân. Trong thành phần mì củ dền có lượng chất xơ hòa tan từ thực vật, giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa, chăm sóc sức khỏe tiêu hóa và đại tràng; mỳ rau chùm ngây bổ sung chất xơ, hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ; mỳ có màu nâu sẫm là màu của gạo lức huyết rồng, ăn thơm mùi gạo lức, cung cấp rất nhiều vitamin, protein, các nguyên tố vi lượng cần cho sức khỏe,…

Mỳ gạo Chũ Năng Trường, đặc sản làng nghề truyền thống Thủ Dương

Toàn bộ những sản phẩm này được làm từ gạo bao thai hồng kết hợp với rau, củ, quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm được kiểm định chất lượng ở các cơ quan có thẩm quyền và được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mới xuất bán ra thị trường.

Sở dĩ mỳ gạo Chũ được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường bởi những ưu điểm: Sợi mỳ khô được đóng gói cẩn thận, có thể dùng được rất lâu, không lo bị mốc nếu được bảo quản ở điều kiện tốt. Ngoài ra, mỳ có hương vị thơm ngon nên có thể dùng thay thế bún, mỳ tươi trên thị trường hiện nay. Cùng với đó, cách chế biến trong bữa ăn hàng ngày cũng đa dạng như: nhúng lẩu, hấp xào, làm phở,…đều mang tới hương vị ngon khó cưỡng.
Để bắt kịp xu thế và thích ứng với tình hình mới, ngoài bày bán sản phẩm tại các siêu thị, đại lý và website, nhà sản xuất cũng đã liên kết với các sàn thương mại điện tử để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm không những tiêu thụ rộng rãi thị trường trong nước mà còn vươn xa các thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và các nước ASEAN,…

Trung Hiếu

Nguồn: TCVHVN

Cùng chuyên mục

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Bùng nổ các dịch vụ du lịch trong kỳ nghỉ lễ ở Quảng Bình

Bùng nổ các dịch vụ du lịch trong kỳ nghỉ lễ ở Quảng Bình

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình