Mùi cỏ cháy bên trận địa pháo…

12:14 | 20/04/2022

Ngày tôi lên đường vào mặt trận, có hai món quà quý của hai người bạn: cuốn sổ tay văn học của anh Nguyễn Trường Phước và cuốn sổ tay viết bằng mực tím của một bạn gái tên là Thảo “chúa” đã thức liền mấy đêm, chép cả một vở kịch Ê dốp tặng cho tôi. Đấy là tất cả những gì của một người lính ra trận ….


Cũng như mọi người lính vượt Trường sơn, dù Trường sơn Đông hay Trường sơn Tây, để vượt qua những núi cao vực thẳm, đều phải vứt bỏ đi nhiều hành lý cho nhẹ đôi vai. Nhưng với tôi, hai cuốn sổ ấy, dù có nặng thêm hàng tấn nữa tôi cũng luôn mang theo bên mình. Bởi trong đó không chỉ có những tri thức quý giá, những bài thơ hay, mà còn có hai quả tim của hai người bạn yêu quý hằng đập theo mình trên mỗi bước đường hành quân. Càng trong lửa đạn, càng thấy nó quý giá vô cùng.

Nhưng ngay khi đặt chân tới mặt trận, ngay trong trận đánh đầu tiên, tôi đã tưởng bị cướp đi tất cả. Trận địa pháo mù mịt khói lửa, những chiếc F4, F105 của địch ào ào lao tới ném bom, đất trời ngả nghiêng, chúng tôi trên mâm pháo và bắt đầu trận đánh đầu tiên của đời mình.Khi trận đánh dứt, khấu đội chúng tôi thương vong nặng nề, pháo thủ Giang hy sinh, pháo thủ Chuân bị thương nặng. Hai anh là khẩu đội trưởng Công Chính và Hóa võng anh Giang lên mặt đường, chờ xe đưa về nước chôn cất. Còn tôi, Thái và Kiều võng anh Chuân đi cấp cứu nơi quân y viện. Dọc đường đi, vừa lo âu cho vết thương anh Chuân, muốn võng anh tới viện thật nhanh, mà cũng vừa lo âu phía sau ấy, không biết bom Mỹ có đánh tan hoang căn hầm mình ở hay không, chiếc ba lô của mình có hai cuốn sổ tay quý giá ấy có còn hay không, hay đã cháy thành than? Và không biết nếu các anh di dời trận địa, có nhớ mang giúp cho mình chiếc ba lô ấy theo không?

Sau trận đánh đầu tiên ấy, trận địa chúng tôi càng mịt mùng khói bom khói đạn hơn, cỏ quanh công sự càng cháy khét lẹt hơn với những trận chiến đấu mới. Không chỉ anh Giang, anh Chuân mà nhiều người lính khác hy sinh, trong đó có cả chỉ huy đại đội. Anh Hoàng Ngọc Chấp từ là trợ lý tham mưa tiểu đoàn được đưa về làm đại đội phó. Nhớ ngày đầu mới bổ sung về tiểu đoàn, khi anh Chấp đến hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật, yếu lĩnh chiến đấu cao xạ pháo, không hiểu sao anh đã mến tôi, đề nghị giữ tôi lại tiểu đòan bộ, sung tôi về tiểu đội trinh sát do anh trực tiếp phụ trách. Nhưng sau khi cân nhắc, tham mưu trưởng Hoàng Anh Phúc vẫn quyết định đưa tôi về C11,vì anh em ở đây hy sinh nhiều quá, thiếu hụt nhiều quá. Không dè chỉ một thời gian sau, cũng chính anh Chấp lại được bổ sung về C 1, làm đại đội phó, sau đó là chính trị viên đại đội. Và anh đã đưa tôi về làm liên lạc viên của anh, ngày đêm ở cùng một gian hầm, cùng ăn chung một mâm cơm với anh do anh nuôi Cỏn gáng đến và cũng có phần ưu tiên rau tàu bay luộc hơn. Và bởi thế, tôi mới phát hiện ra anh là một người lính dạn dày trận mạc, bom đạn, nhưng cũng là một người línhh rất yêu văn học nghệ thuật. Sau những trận đánh ác liệt, anh thường mượn tôi hai cuốn sổ tay văn học của Trường Phước và của người bạn gái của tôi để ngốn ngấu đọc …

Cuối mùa khô năm ấy, bỗng nhiên tôi có quyết định gọi về Binh Trạm bộ. Anh Chấp ngạc nhiên lắm, chả hiểu thế này là thế nào. Bởi anh đang muốn bồi dưỡng kết nạp tôi vào Đảng, rồi đưa xuống làm khẩu đội trưởng (Khẩu đội trưởng trở lên phải là Đảng viên). Anh bần thần, bực dọc:” Để mình gọi điện cho ông Phúc tiểu đoàn trưởng hỏi cho ra vấn đề. Vớ vẩn, Hoài cứ ở lại đây, không đi đâu cả!” Nói vậy, chứ với quyết định của cấp trên, bố ai có thể không chấp hành! Thế là tôi phải khoác ba lô ra đi, ra đi mà vẫn không hiểu mình sẽ đi tới đâu, đơn vị nào, sống chết ra sao. Nhất là ngày ấy, chiến dịch “cù kiệt” (nghĩa là trả hận) của quân thù đã nổ ra, chiến trường ngày thêm ác liệt, người lính có thể ngã xuống bất kỳ lúc nào….

Chia tay đại đội, chia tay anh Chấp, tôi nói với anh: ”Em phải đi rồi anh ạ.. Cũng có thể sẽ gian khổ, ác liệt hơn những ngày em được sống với các anh… Cũng có thể em sẽ không có ngày trở lại đại đội, trở lại gặp các anh nữa… Em xin tặng lại anh hai cuốn sổ tay văn học của hai người bạn rất thân của em ở Hà nôi tặng em. Anh cứ giữ lấy mà đọc, bởi em hiểu anh là người rất yêu văn học, rất yêu cái đẹp ở cuộc sống này. Quà tặng của bạn em, nhưng nếu một mai em hy sinh, không về với đơn vị, với các anh nữa, thì anh hãy coi đây là vật kỷ niệm của một người đã mất. Anh hãy giữ làm kỷ niệm về em và các bạn Hà nội của em anh nhé”.

Anh Chấp ôm lấy tôi, lần đầu tiên tôi thấy anh khóc, khóc một cách nức nở ướt đầm ngực áo tôi….

40 năm sau, trong một lần cùng Dương Minh Đức, Quang Thọ, Quang Huy…về biểu diễn ở miền sông nước Cần Thơ, tôi đã quyết đi tìm lại trung đoàn pháo cao xạ 226 của tôi năm xưa, tìm lại anh Hoàng Ngọc Chấp. Thấy tôi bước vào nhà, anh xúc động quá, ôm chầm lấy tôi như ngày nào anh tiễn tôi đi…”Thằng Hoài, ôi thằng Hoài” Anh ôm lấy tôi, vỗ vỗ vai tôi, và cứ reo lên như vậy…

Thế là miên man suốt chiều ấy, tôi và anh đã ngồi ôn lại với nhau không biết bao chuyện về đơn vị của mình, đồng đội của mình. Đến hồi sôi nổi nhất, bỗng anh Chấp sững lại, như sực nhớ môt điều gì: “Hoài còn nhớ hai cuốn sổ Hoài tặng mình năm ấy không nhỉ? Hồi ấy Hoài cứ gở mồm nói là “vật kỷ niệm của người đã mất” ấy! Nói thật hai cuốn sổ ấy mình quý lắm, nâng niu lắm.Thế nhưng rồi khi tiểu đoàn mình về E 226, mình được đưa về làm sỹ quan chính trị của Trung đoàn, gặp ở đấy một cậu lính, cũng nguyên là một chiến sỹ chiến đấu rất dũng cảm ở một tiểu đoàn mới được điều lên, lại ngày trước cũng là một sinh viên tổng hợp văn, và đang là nhà thơ trẻ của trung đoàn, mình đã tặng lại cậu ấy cả hai cuốn sổ của Hoài. Mình nghĩ là nhà thơ như cậu ấy, lại từng là sinh viên tổng hợp Văn, mới xứng đáng là chủ nhân của hai cuốn sổ này. Mình nói với cậu ấy đây là vật kỷ niêm của con trai một người nghệ sỹ từng là lính của đơn vị đã trao tặng cho mình ngày ở Bản Ban trước lúc đi xa, cậu ấy cảm động lắm. Cậu ấy tên là Thái Kế Toại, làm thơ với bút danh là Lê Hoài Nguyên Hoài ạ…

Nhà thơ Lê Hoài Nguyên (Thái Kế Toại).

Ôi Thái kế Toại, tôi đã từng đọc thơ của anh ấy, và thấy rất cảm tình. Có ngờ đâu anh cũng từng cùng một đơn vị với tôi, từng là những thằng pháo thủ đánh đến bỏng rát nòng pháo ở E 226, ở Bản Ban Cánh đồng Chum. Và nhất là cũng từng rất yêu thi ca, khao khát viết những vần thơ nóng bỏng nơi lửa đạn…

Ngay khi nghe anh Hoàng Ngoc Chấp kể lại những điều trên, tôi đã rất muốn gặp ngay Thái Kế Toại, chỉ tiếc rằng tôi thì ở TPHCM, mà anh ở mãi Hà nội xa quá….

Thế nhưng rồi tôi cũng mầy mò được số điện thoại của anh để gọi ra thăm anh. Khi nghe tôi giới thiệu tôi là Châu La Viêt, anh reo lên “Ồ Việt ơi, mình vẫn giữ những cuốn sổ Viêt trao tặng anh Chấp, rồi anh Chấp lại tặng lại cho mình. Đối với mình, những cuốn sổ ấy qúy giá lắm, nhất là cuốn sổ của một bạn học rất thân với mình là Nguyễn Trường Phước” “Ồ – Tôi cũng reo lên – Anh cũng là bạn học thân thiết với anh Nguyễn Trường Phước à?” Lê Hoài Nguyên nói rất từ tốn, nhưng rất ấm áp: ”Đúng rồi Việt ạ.Mình không chỉ là bạn học, mà còn là bạn rất thân với Nguyễn Trường Phước nữa” “Ôi, vui quá, bao năm rồi tôi đi tìm Nguyễn Trường Phước mà chưa gặp lại anh ạ. Tôi quý mến và muốn cảm ơn Nguyễn Trường Phước nhiều lắm. Nếu được tới đây tôi ra Hà nội, anh em mình gặp nhau nhé, và nhờ anh dẫn tôi đi thăm Trường Phước nhé” Tôi thấy đầu giây bên kia bỗng sững lại hồi lâu, rồi tiếng của nhà thơ Lê Hoài Nguyên trầm buồn: ”Việt không biết gì à, Nguyễn Trường Phước mất rồi Việt ạ”.Tôi như muốn nấc lên vì điều đau xót ấy” Trời, anh có biết không, khi tôi tặng lại cuốn sổ của Trường Phước cho anh Chấp, không hiểu sao tôi lại bảo với anh Chấp đây là vật kỷ niệm của một người đã mất Thế mà hôm nay, nó lại là sự thực.Cuốn sổ của Trường Phước tặng chúng ta, đúng là vật kỷ niệm của người đã mất rồi…

Tôi cũng nghe như ở đầu dây kia, một tiếng nấc vọng lên, tiếng nấc nhớ Nguyễn Trường Phước của Lê Hoài Nguyên…

Nhà báo Trường Phước (Nguyễn Trường Phước).

Câu chuyện đến đây đã có thể khép lại, nhưng tôi vẫn muốn kể thêm điều này.

Tôi có một người bạn thân là ca sỹ Ngọc Tân. Năm 1981, đang trên đỉnh cao thì anh vượt biên,và vướng vòng lao lý. Ngày anh được ra tù, được đi biểu diễn theo đoàn ca múa Trung ương ở Hải phòng, anh có mời tôi từ TPHCM ra Hải phòng để hai thằng gặp gỡ. Tôi xúc động lắm, bay ra với anh ngay, và rồi có một đêm, anh pha trà tâm sự với tôi:

– Có hai điều đã lâu rồi tôi rất muốn gặp để nói với ông. Điều thứ nhất là, có một lần trong tù, tôi bị gọi lên để găp quản giáo và một sỹ quan an ninh. Tôi đã hình dung chắc là những đòn tra tấn nặng nề đây, và sẵn sàng tinh thần chuẩn bị. Nhưng khi bước vào phòng, chỉ thấy một người sỹ quan cứ ngồi đăm đắm nhìn tôi. Một lúc rất lâu sau, anh ta mới nói với tôi rằng: ”Tôi không hiểu tại sao anh đang trên đỉnh cao sự nghiệp, đang được mọi người rất yêu thích, mà lại bỗng bỏ đi như vậy, đánh mất hết tất cả như vậy? Trong khi đó tôi biết, anh có một người bạn rất thân với anh, khổ hơn anh nhiều, nghèo hơn anh nhiều, mà anh ấy có bỏ tổ quốc, bỏ đất mẹ mà ra đi đâu, chắc anh nhớ người đó là ai chứ!” Nghe người sỹ quan nói thế, tôi thốt lên: “Trương Nguyên Việt” Người sỹ quan ấy gật đầu: “Đúng, Trương Nguyên Việt. Tôi mong anh nghĩ tới những người bạn ấy của mình, làm lại cuộc đời sao cho tốt đẹp hơn…”

Tân nói đến đấy, lặng đi một lúc rồi nói thêm: Điều thứ hai là tôi muốn được nói lời xin lỗi với ông.Từ lâu rồi, tôi cứ dày vò mình vì sao ngày ấy ra đi, đã không rủ ông. Ông hằng thân thiết với tôi lắm, và tôi cũng thương ông nhiều lắm. Nhưng thú thật lúc ấy tôi cũng nghèo quá, chỉ đủ tiền để nộp cho gia đình tôi, mà không còn tiền để bao bọc cho ông cùng ra đi. Vả lại, tôi cứ nghĩ rằng, dù có tiền nộp cho ông, chưa chắc ông đã chịu đi, nên tôi đã không rủ ông nữa… Nhưng nói thật khi bước chân lên tàu, ngoái nhìn về Hà nội, tôi cứ thấy như có lỗi với ông, rất ân hận với ông…

Ngọc Tân nói đến đấy, bỗng khóc nấc lên, như có một điều gì dày vò anh lắm.Tôi nắm lấy tay anh: “Thôi Tân ạ, mọi điều đã qua rồi. Ông đã được ra tù, đã được về gặp lại cha mẹ, con cái, đã được trở lại sân khấu và được người xem vẫn rất hoan nghênh… Thế là tốt lắm rồi. Sau cơn mưa trời đã sáng. Chẳng cần nhắc lại những gì đã qua nữa. Chúng mình vẫn bên nhau mà…”

Cũng đêm ấy, nằm bên Ngọc Tân, tôi cứ nghĩ mãi người sỹ quan an ninh có những lời tốt đẹp về tôi, có những xử sự rất nhân văn với bạn tôi, anh ta là ai nhỉ? Càng về sau này, khi tôi biết Lê Hoài Nguyên (Thái Kế Toại) là một đại tá An ninh về Văn hóa dạn dày, không hiểu sao tôi cứ ngờ ngợ người sỹ quan trên chính là Thái Kế Toại – Lê Hoài Nguyên (dù có thể chưa hẳn là anh, và cũng một lần tôi hỏi anh điều này). Nhưng tôi cứ vẫn ngờ ngợ đấy là anh. Đơn giản vì anh là một đồng đội của tôi. Đơn giản vì những người lính hằng qua lửa đạn thường rất thương nhau và đối xử với nhau tử tế nhân ái lắm!

Tháng 5 vừa rồi, chúng tôi tổ chức Đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa.Tôi liền điện cho các anh D11 xưa là Hoàng anh Phúc, Hòang Ngọc Chấp, Thái kế Toại, Nhà văn Phạm ngọc Tiến… Ai cũng hết sức mừng rỡ. Riêng anh Chấp rơm rớm nước mắt ở đầu giây: ”Ý nghĩa quá, thiêng liêng quá chú ạ.Thế mà anh không thể đi được. Anh phải chăm chị ở bệnh viện. Chị ốm 6 tháng nay rồi, yếu lắm, đưa đi hết luợt bệnh viện chữa trị rồi.. Giờ thì đang nằm ở bệnh viện Cần Thơ”.

Sang đến Lào, Cánh đồng Chum, nơi năm xưa trận địa anh em chúng tôi cắm chốt chiến đấu, tôi nối điện thoại cho các anh Hòang Anh Phúc, Thái Kế Toại… nói chuyện với anh Chấp đang ở quê nhà. Hy vọng có tiếng gió thoảng, có mùi hương hoa của nước bạn Lào, hy vọng có cả những âm thanh gợi nhớ tiếng tiểu đoàn trưởng Phúc hô “Bắn” năm xưa, tiếng đọc thơ của Thái Kế Toại giữa hai trận đánh… gửi về cho anh .

Đấy Thái Kế Toại và những người bạn sinh viên đi lính của chúng tôi là thế đấy. Cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của các anh là ở chiến trường, chiến đấu rất dũng cảm và làm thơ, thơ rất hay…Tôi muốn viết về các anh, như viết về một thế hệ sinh viên mà tuổi thanh xuân cùng những gì đẹp đẽ nhất đã dâng hiến cho Tổ quốc …

Châu La Việt/ Văn hiến Việt Nam


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ