Di sản tư liệu rất mong manh dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Vì vậy, rất cần một “lối đi riêng” để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu.
Mới đây, tại Hội thảo góp ý xây dựng luật do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, giới chuyên gia và nhà quản lý rất quan tâm đến đề nghị đưa di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Dự kiến Luật sửa đổi sẽ dành một chương về nội dung bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, với các quy định cụ thể: Loại hình; tiêu chí nhận diện; danh mục; quy trình kiểm kê, ghi danh; thay đổi quyền sở hữu; bản sao di sản; chính sách Nhà nước về di sản tư liệu…
TS Vũ Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: Trước tình trạng nhiều tài liệu đã biến mất vĩnh viễn, nhiều tài liệu trong tình trạng nguy hiểm, những sưu tập tư liệu quan trọng trên thế giới phải trải qua nhiều số phận khác nhau. Năm 1992, UNESCO đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới nhằm mục tiêu bảo vệ di sản tư liệu, tạo điều kiện việc tiếp cận và quảng bá di sản.
Trong các loại hình di sản văn hóa, di sản tư liệu là một bộ phận đặc biệt – tồn tại trên 2 dạng thức: Vật thể và phi vật thể. Tại Việt Nam, di sản tư liệu chỉ được biết đến trong khoảng vài năm gần đây – khi “Mộc bản triều Nguyễn” được UNESCO công nhận năm 2009, trở thành di sản tư liệu thế giới đầu tiên của nước ta.
Đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, gồm 3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Di sản tư liệu có nhiều dạng, ngoài các cơ quan Nhà nước còn có số lượng lớn trong một số gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Di sản tư liệu ở làng quê rất phong phú, đa dạng và cần thiết phải nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị – bắt đầu từ các gia đình, dòng họ.
Tuy nhiên, dù đã qua 15 năm là quốc gia thành viên, nhưng ngay ở trong nước di sản tư liệu vẫn chưa được quy định trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn lẫn định hướng quảng bá.
Các loại hình di sản khác vốn được bảo vệ bởi pháp luật, nhưng chúng ta cũng thấy rất dễ bị xâm phạm, thậm chí biến mất. Còn di sản tư liệu, vẫn phải bơ vơ – và khi không có hành lang pháp lý bảo vệ, không có một “lối đi riêng” thì khó có thể bảo tồn toàn vẹn, càng khó để phát huy giá trị.
Di sản tư liệu xác định vị thế quốc gia, phản ánh ký ức và bản sắc của mỗi dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới xác định các nền văn hoá và văn minh, đó cũng là lý do vì sao chúng ta phải bảo vệ di sản tư liệu – ký ức của dân tộc.
Theo GD&ĐT
https://giaoducthoidai.vn/loi-di-rieng-cho-di-san-tu-lieu-post604443.html