Ngày 19/5/1946, lần đầu tiên nhân dân Việt Nam kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông tin về sự kiện này được đăng trên trang nhất báo Cứu Quốc ngày 18/5/1946 ở bài báo đặc biệt “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”.
Thực ra ở tuổi 56 lúc ấy (cũng như từ đó về sau), Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ đặt ra tiền lệ kỷ niệm sinh nhật mình như một sinh hoạt văn hóa chính trị vì khi đó, nền dân chủ cộng hòa còn đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”…
Sự quan tâm lớn nhất của Người lúc này là đất nước đang bị bao vây tứ phía, kẻ thù đang lăm le xâm lược trở lại, nền độc lập của Việt Nam chưa có ai công nhận, quyền tự do dân chủ của nhân dân và của cả dân tộc đứng trước nguy cơ bị cướp đoạt… Chính vì vậy việc kỷ niệm ngày sinh của Bác mang ý nghĩa một biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân xung quanh người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.
Cũng trong bối cảnh ấy, việc tổ chức kỷ niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch trở thành một “sáng kiến” làm lợi khí ngoại giao rất quan trọng.
Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: Chiều ngày 18/5/1946, Cao ủy Pháp D’Argenlieu cùng tướng Valluy và Grepin đến Bắc Bộ Phủ chào Hồ Chủ tịch. Bác nâng cốc chúc mừng Cao uỷ Pháp và nói: “Hôm nay với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”. D’Argenlieu đáp lễ: “Ngày mai là sinh nhật của Hồ Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch thượng thọ và tôi tin rằng từ đây tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa” (Võ Nguyên Giáp, Tổng hợp hồi ký, Nxb QĐND, H.2006, tr.280).
Ngay sau ngày mừng sinh nhật lần đầu tiên ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hành chuyến công du lịch sử, phá vỡ thế bao vây cô lập của thực dân đế quốc đối với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ.
Tròn một năm sau, khi đang lãnh đạo cuộc kháng kiến quốc giữa chiến khu Việt Bắc, ngày 19/5/1947, Người được đồng bào, đồng chí tặng hoa mừng tuổi 57. Bác cảm ơn tình cảm của mọi người dành cho mình và nhờ chiến sĩ cảnh vệ đem bó hoa thơm đẹp ấy ra viếng mộ anh Hoàng Văn Lộc – người cấp dưỡng vừa qua đời vì sốt rét. Rồi Bác kể cho mọi người nghe về tấm gương kiên trung, tận tâm của người cán bộ.
Sau việc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, hoàn thành vào tháng 10/1947.
Trong cuốn sách, Người dùng những câu chữ giản dị viết một cách nhẹ nhàng: “Sửa đổi lối làm việc, cốt sao cho mọi cán bộ, đảng viên ai cũng hiểu, cũng nhớ và cùng thực hiện”.
Với tư tưởng xuyên suốt coi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Sửa đổi lối làm việc” phân tích sâu sắc những vấn đề cơ bản của công tác cán bộ.
Người chỉ rõ: Cần phải huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa, huấn luyện lý luận cho cán bộ; phải biết dạy cán bộ và dùng cán bộ, tức là phải biết rõ cán bộ, cất nhắc cán bộ cho đúng, khéo dùng cán bộ, phân phối cán bộ cho hợp lý, giúp cán bộ cho đúng và phải giữ gìn cán bộ; việc lựa chọn cán bộ phải chọn những người rất trung thành và hăng hái trong công việc, luôn luôn quan hệ mật thiết với dân chúng, có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn, luôn giữ đúng kỷ luật;
Người chỉ ra 5 cách đối với cán bộ: Chỉ đạo, nâng cao, kiểm tra, cải tạo và giúp đỡ cán bộ; chính sách cán bộ cần chú trọng vào việc hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG H.2011 tr.309-317)
“Sửa đổi lối làm việc” nêu rõ: “Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sách đã dẫn, tr.273)….
Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này đúng vào dịp Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) vừa thành công tốt đẹp. Hội nghị đã bàn một trong những vấn đề hết sức quan trọng của Đảng là “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Cán bộ cấp chiến lược có thể được hiểu là cán bộ cấp Trung ương (trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ trưởng, trưởng các ngành, thứ trưởng, phó trưởng các ngành, cán bộ cấp tỉnh, thành là bí thư và phó bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân…).
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải là cán bộ có tư duy tầm chiến lược; nắm bắt được cục diện để hoạch định chiến lược có tính dài hạn và cốt lõi; phải hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn quan điểm toàn diện, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm nhằm tạo ra đột phá trong phát triển; biết hiện thực hóa tư duy thành hành động mang tính thuyết phục cao, có khả năng truyền cảm hứng và đặc biệt phải biết cách dùng người, nhất là các chuyên gia giỏi, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng; đặc biệt phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, có khả năng tự kiểm soát bằng đạo đức (Báo Nhân dân điện tử ngày 15/5/2018).
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khái quát: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và Người cũng chỉ dặn: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư” (Hồ Chí Minh Toàn tập, sách đã dẫn, tr. 291).
Lời căn dặn của Bác với cán bộ và công tác cán bộ cũng chính là mong mỏi của nhân dân về việc Đảng ta có đội ngũ cán bộ được dân tin yêu, quý trọng.
Theo Baochinhphu