Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc Khánh (2/9/1945 – 2/9/2023): “Một quang cảnh vừa lớn lao vừa rung động”

17:09 | 03/09/2023

Đó là một trong những nét phác họa về Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 được những người làm báo Cứu Quốc cách đây 78 năm miêu tả một cách tường tận.


Và không chỉ có Cứu Quốc, Nước Nam, Đông Phát, Trung Bắc tân văn… vượt lên trên tầm vóc những ấn phẩm báo chí, đã trở thành những tài liệu vô cùng quý giá khi ghi lại được thời khắc lịch sử và thiêng liêng của dân tộc: Ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đông Phát: Số báo đúng ngày 2/9 và “hai trang chuyên đề” về lễ Độc lập
Đông Phát có lẽ là tờ báo sở hữu được cho mình niềm vinh dự, tự hào mà có lẽ không một tờ báo Việt ngữ nào có được: có kì xuất bản trúng vào đúng ngày Chủ nhật, ngày 2/9/1945 – ngày lễ Độc lập của dân tộc Việt Nam. Cũng bởi xuất bản đúng thời khắc lịch sử ấy nên chiếm trọn thời lượng trên hai trang báo số báo 6107 ra ngày 2/9/1945 là toàn bộ thông tin liên quan đến lễ Độc lập trên Quảng trường Ba Đình.

Cũng bởi tính đặc biệt đó mà trên trang 1, báo ghi đậm dòng chữ: Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập. Chiếm dung lượng khá lớn ngay trên đầu trang 1 báo Đông Phát số 6107 là bài viết với cái tít được in đậm, to, rõ ràng: “Việt Nam độc lập muôn năm”. Ngay phía dưới tiêu đề bài báo là dòng chữ tựa như một thông báo kèm lời yêu cầu: “2 giờ chiều hôm nay toàn thể dân chúng phải tới dự “Ngày Độc lập”. Phía dưới một chút là dòng chữ: “Ngày Độc lập tại khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc sẽ tỏ rõ tinh thần tranh đấu của chúng ta trong sự đoàn kết, trật tự và kiên quyết”.

Báo Đông Phát (trang 1), số 6107 ra ngày Chủ nhật, số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập, 2/9/1945.

Trong bài báo, những câu viết vừa có tính chất thông tin vừa như nhắc nhở dân chúng: “Ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch là “Ngày Độc lập”, tức là một ngày lễ, một buổi hội họp lớn của Chính phủ tổ chức khắp Trung, Nam, Bắc – huy động toàn thể dân chúng thao diễn và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tranh đấu kiên quyết cho nền độc lập nước nhà. Vậy thì, không vì một lẽ gì, người công dân Việt Nam không biết nghĩ đến sự sống còn của đất nước, không vì một lẽ gì không tới dự “Ngày Độc lập” để tranh đấu cho sự sống còn ấy – dù mới chỉ là cuộc tranh đấu quyết liệt bằng tinh thần…”; “Lần đầu tiên, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để tỏ rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ Dân chủ lâm thời – một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập. “Ngày Độc lập” sẽ để cho mọi người làm tròn bổn phận ấy. Không những ở trong cuộc hội họp trên vườn Ba Đình, mà còn ở riêng từng gia đình, từng xưởng thợ, nhà máy, ở những tấm lòng thành thực và hăng hái. Kiên quyết của người công dân nước Việt Nam quý mến của chúng ta”.

Về phía tay phải, ngay bên cạnh bài báo “Việt Nam độc lập muôn năm”, báo đăng toàn văn Lời thề Độc lập của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước quốc dân: “Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong lúc giữ nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”. Ngay bên dưới là “Lời thề của Quốc dân” nguyện cùng Chính phủ “giữ quyền độc lập hoàn toàn cho tổ quốc, chống lại mưu mô xâm lược dù có phải chết cũng cam lòng”.

Báo Đông Phát (trang 2), số 6107 ra ngày Chủ nhật, số báo xuất bản đặc biệt về ngày Độc lập, 2/9/1945

Bên dưới hai bài viết kể trên, Báo Đông Phát số đặc biệt đăng “Chương trình chính thức cuộc “Mít-tinh” và biểu tình tại Hà Nội (có sửa đổi khác chương trình cũ)”. Trong đó ghi rõ nội dung chương trình buổi chiều Chủ nhật gồm những nội dung sau: “Bắn súng đón Chính phủ Lâm thời; Chào cờ; Hát bài Tiến quân ca; Đại biểu ban tổ chức đọc chương trình khai hội và giới thiệu Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố về nền độc lập Việt Nam và chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ tuyên thệ trước quốc dân; Diễn thuyết: Diễn văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn văn của Đại biểu Chính phủ Lâm thời, diễn văn của Đại biểu Tổng bộ Việt Minh; Dân chúng thề độc lập; Hô khẩu hiệu; Đại biểu ban tổ chức tuyên bố bế mạc và mít tinh biến thành biểu tình thị uy qua các phố Tây đến tập trung ở bờ Hồ Gươm trước khi giải tán…”.

Ngay phía dưới nội dung chương trình báo còn đăng cả bản sơ đồ ghi rõ vị trí dành riêng cho các giới dưới tiêu đề “LỜI CHỈ DẪN”. Theo sơ đồ, vị trí của Lễ đài Độc lập và vị trí đứng của từng giới trong buổi lễ được đánh theo số thứ tự cụ thể như sau: 1. Dân phố và ngoại thành; 2. Các giới có tổ chức (các hội, các nghiệp đoàn v.v); 3. Nhân viên các sở công tư; 4. Nhà binh (giải phóng quân, cảnh sát v.v); 5. Phụ nữ, bô lão, giáo sĩ, âm nhạc; 6. Điểm cứu thương và trưởng khu trật tự; 7.Liên lạc, trật tự; 8. Trạm cứu thương trung ương; Đài độc lập là chấm đen chính giữa vườn hoa”. Các tổ chức tham gia mít-tinh cũng như các lối vào vườn hoa Ba Đình với những chỉ dẫn rất chi tiết: “Các đoàn thể phải đi hàng mười. Đội tự vệ chỉ mang gậy chứ không mang khí giới gì khác và có nhiệm vụ trông coi trật tự và giữ vững tinh thần của đoàn mình, Đội Tự vệ phải có dấu hiệu riêng tự làm lấy”. Việc “hát và hô khẩu hiệu” được hướng dẫn rất rõ ràng: “Lúc hô, đội tự vệ phải cắt cử người chỉ huy cho được đồng thanh”.

Cũng trên trang 1, báo Đông Phát còn đăng cả “giờ thiết quân luật tại TP. Hà Nội”, theo đó, từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng với lời nhấn mạnh “theo giờ Việt Nam độc lập”. Báo cũng đăng “giờ làm việc các công sở” được thực hiện từ ngày 3/9/1945, theo đó: Sáng: 6 giờ 30 đến 11 giờ; Chiều: 2 giờ đến 5 giờ. Báo cũng đăng cả “Bức thư ngỏ cùng phái bộ Đồng Minh”, “Việc đón tiếp phái bộ Đồng Minh tại Sài Gòn”; “Một cuộc hội họp của phụ nữ”… Chốt lại toàn bộ trang 1 là dòng chữ in đậm, viết hoa hoàn toàn để mọi độc giả có thể bị thu hút khi cầm trên tay tờ báo: “Dự cuộc biểu tình Ngày Độc lập là làm tròn phận sự một công dân Việt Nam”.

Không khí, thông tin về lễ Độc lập tiếp tục được thể hiện rõ nét trên trang 2 số báo Đông Phát đặc biệt. Báo đăng lời mời của Hội Phật giáo Việt Nam tới Phật tử: “Hôm nay 2/9/1945 là ngày lễ Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vậy xin toàn thể tín đồ Phật giáo đâu đấy đúng 7 giờ sáng tới các chùa làm lễ tụng kinh Dược sư để cầu cho nền độc lập nước nhà được củng cố vĩnh viễn. Đến 13 giờ xin kính thỉnh liệt vị tăng ni cùng thiên tín tề tựu tại chùa Quán Sứ để đi dự lễ mít tinh và biểu tình do Chính phủ tổ chức. Còn ở các chùa, đúng 14 giờ làm lễ tụng kinh Di đà cầu nguyện cho các binh sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc…”.

Tờ báo cũng đưa ra lời kêu gọi chung “Hôm nay, toàn quốc làm lễ “Ngày Độc lập” rất trọng thể ở khắp cả mọi nơi. Muốn tỏ tình đoàn kết chặt chẽ của đồng bào, các phố nên cử ra một số ít thanh niên để dẫn các bô lão đến tụ ở Khai Trí Tiến Đức để chiều nay tới dự cuộc biểu tình”. Báo cũng đăng nhiều thông tin nho nhỏ, thú vị liên quan tới ngày lễ Độc lập như: “Ông chủ tiệm ăn ở 47 Hàng Quạt có nhã ý cúng vào Quỹ Việt Nam giải phóng quân số tiền thu được – cả vốn lẫn lời trong Ngày Độc Lập”; “8 giờ sáng hôm nay 2-9, các rạp hát và chiếu bóng đều có buổi diễn đặc biệt về độc lập. Cố nhiên là giá tiền “độc lập” và nhiều mặt hàng được giảm giá để phục vụ công chúng trong ngày đặc biệt này.”

Cứu Quốc số báo 36/1945: Tờ báo đầu tiên đăng toàn văn Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Tuy không ra đúng ngày 2/9/1945 nhưng báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Việt Minh, lại sở hữu cho mình một vinh dự lớn khác: là tờ báo được phép đăng toàn văn Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên số báo 36 ra ngày 05/9/1945 – 3 ngày sau lễ Độc lập. Bản Tuyên ngôn được đăng trang trọng trên trang nhất.

Sơ đồ chỉ dẫn chỗ dành riêng cho các giới cũng như lối vào Quảng trường Ba Đình được đăng trên báo Đông Phát. Ảnh chụp lại: Kiến Nghĩa/Tiền Phong.

Là số báo phát hành chỉ 3 ngày sau lễ Độc lập khi mọi dư âm về sự kiện đặc biệt quan trọng này còn hết sức nóng hổi nên việc báo Cứu Quốc số ra ngày 05/9 dành rất nhiều dung lượng nhằm phản ánh đậm nét về lễ Độc lập cũng là điều dễ hiểu. Trên trang nhất, ngay bên cạnh Bản Tuyên ngôn độc lập là bài viết “Cuộc mít-tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ “Ngày Độc lập”.

Trong bài viết ký giả của báo Cứu Quốc đã “tường thuật” lại chi tiết không khí ngày 2/9 tại Hà Nội. “Mới từ 12 giờ trưa, những nẻo đường dẫn vào vườn hoa Ba Đình, nơi đã chọn để cử hành lễ “Ngày Độc lập”, đã thấy cuồn cuộn những dòng người chảy đến. Đủ mặt các giới, các đoàn thể. Các anh em công nhân, các nhân viên sở công sở tư, các bô lão trong thành phố, các chị em phụ nữ, các anh em thanh niên, các trẻ em nhi đồng”. “Người ta chú ý tới trong buổi Lễ này, lại có cả những người từ trước tới nay vẫn vắng mặt trong các cuộc biểu tình chính trị: các nhà tu hành. Tất cả, hôm đó, đều không còn giữ sự phân biệt của mọi ngày thường về đẳng cấp, về tín ngưỡng, về nam nữ, về thế hệ… Đến đấy, ai cũng chỉ còn là một người dân Việt Nam giữa những người dân Việt Nam khác đi đón nhận lời tuyên bố chính thức về cuộc độc lập của nước nhà”.

Cũng theo mô tả của báo Cứu Quốc, “Lễ đài Vườn hoa Ba Đình được trang trí long trọng, trang nghiêm, “đã dựng sẵn một cái diễn đàn cao, căng vải đỏ và trắng, giữa là một cột cờ sơn trắng vươn lên cao chót vót. Máy truyền thanh đặt ở trên diễn đài. Các đoàn thể tới dự Lễ, theo trật tự đã định sẵn do Ban Tổ chức, đứng bao quanh trước công trường. Gần với diễn đàn nhất, người ta nhận thấy đoàn thể các bô lão thành phố, đoàn thể Phật giáo, đoàn thể Công giáo và đoàn thể các chị em phụ nữ… Một bộ đội giải phóng quân, lưỡi lê cắm ở đầu súng sáng loáng, đứng dẫn ở phía sau kỳ đài. Vòng ngoài, trông ra xa người ta chỉ trông thấy một biển người trắng xóa, trên đó phấp phới một rừng cờ đỏ rực rỡ dưới ánh nắng của một ngày thu chói lọi”.

Cũng theo báo Cứu Quốc, “14 giờ, buổi Lễ bắt đầu. Lá cờ màu đỏ sao vàng được từ từ kéo lên cột cờ, trong đội âm nhạc của bài “Tiến Quân ca”. Trên kỳ đài các nhân viên Chính phủ, đầu trần, đứng lên dơ nắm tay chào. Bên dưới, một rừng cánh tay cũng dơ lên. Một yên lặng trang nghiêm. Một quang cảnh vừa lớn lao vừa rung động.

Tiếp đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố cho cả thế giới và quốc dân về nền độc lập và dân chủ của nước Việt Nam. Sau đó là cuộc tuyên thệ của Chính phủ: “Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc; trong lúc giữ nền độc lập, sẽ quyết vượt qua nỗi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Lời tuyên thệ của Chính phủ đăng toàn văn trên báo Trung Bắc Tân Văn, số 261, ngày 9/9/1945. Ảnh tư liệu

Sau khi Chính phủ tuyên thệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày về tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ. Tiếp đến, ông Trần Huy Liệu tường trình về việc tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại, và trình với quốc dân chiếc ấn quốc bảo và thanh kiếm bằng vàng mà vua Bảo Đại đã trao vào tay Chính phủ nhân dân. Sau đó, ông Nguyễn Lương Bằng – đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Nhà chiến sĩ Việt Minh thuật lại cuộc tranh đấu đầy nỗi gian lao, khó khăn mà Việt Minh đã theo đuổi trong mấy năm nay để giải phóng cho dân tộc và kêu gọi toàn thể đồng bào thống nhất, đoàn kết lại để ủng hộ Chính phủ, để Chính phủ có thể thi hành triệt để chương trình kiến quốc của Việt Minh.

Cũng trên số báo Cứu Quốc 36, báo còn đăng trang trọng trên trang nhất Lời thề của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Lời thề của Quốc dân; Thông cáo của Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ gửi cho các đồng chí Việt Minh. Đặc biệt chú ý trên trang báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9, trong box được viền đậm nét ở cuối trang là Lời kêu gọi quốc dân đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quốc dân đồng bào! Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa. Hỡi đồng bào! Hiện một số quân Pháp đã lọt vào nước ta. Đồng bào hãy sẵn sàng đợi lệnh của Chính phủ để chiến đấu”.

Báo Nước Nam, Trung Bắc Tân Văn, Cờ Giải phóng: Tái hiện không khí lịch sử nơi quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945
Sự kiện lễ Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi thế không chỉ có Báo chí Cách mạng mà cả các tờ báo do thành phần nhân sĩ trí thức lúc bấy giờ sở hữu cũng đều dành nhiều thời lượng đăng tải trang trọng, chi tiết về sự kiện, không chỉ ghi nhận thông tin mà còn lan tỏa những thông điệp từ Bản Tuyên ngôn độc lập.

Báo Nước Nam, số 282, ra ngày 8/9/1945, khi mô tả “Ngày Độc lập ở Hà Nội”, “Ngày hôm ấy, nhằm đúng ngày Chủ nhật, đồng bào khắp nơi nô nức tụ họp về nơi diễn ra sự kiện trọng đại, vườn hoa Ba Đình” đã tường thuật khá chi tiết về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập cũng như việc một số vị Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời lên bục phát biểu như Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp lên nói về tình hình trong nước và ngoại giao, Bộ trưởng Tuyên truyền Trần Huy Liệu “kể lại cuộc hành trình vào Huế và lễ thoái vị của vua Bảo Đại”.

Báo Trung Bắc Tân Văn ngày 9/9/1945 dành bìa một in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành nhiều trang viết về Ngày Độc lập 2/9/1945, trong đó có bút ký “Hôm nay là Ngày Độc lập! Muôn năm độc lập! Độc lập muôn năm!” mô tả khá chi tiết không khí ngày lịch sử của dân tộc: “Độc lập! Độc lập! Tiếng điện này hôm nay (2/9/45) vang lên trong không khí như một tiếng nổ. Vang từ Bạch Mai qua phố Huế đi thẳng đến Quan Thánh, chợ Bưởi, vang từ làng Trèm Vẽ lướt qua Nghi Tàm mà về tận làng Thanh Trì. Độc lập! Độc lập! Vang lên từ Hà Nội tới Sài Gòn! Sau bao nhiêu năm trời – ba phần tư của một thế kỷ – tiếng Độc lập này đã biến mất trong cuốn tự vị dân sinh của dân Việt Nam, ngày nay mới lại nổ bùng từ chợ chí quê của đất “Việt Nam yêu dấu ngàn năm”, “Mai đây, giời sẽ sáng sủa tưng bừng. Nước Việt Nam độc lập sẽ thành một cường quốc trước mãnh lực đoàn kết của 25 triệu dân Việt Nam thề sống chết có nhau”– bài báo khẳng định.

Báo Cờ Giải phóng số 16 ra ngày 12/9/1945 đã trang trọng đăng toàn văn Bản “Tuyên ngôn độc lập” cũng như ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời đóng khung trang trọng bài báo trên trang nhất. Báo cũng tường thuật cuộc mít-tinh ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.

Tờ Việt Nam dân quốc công báo, số tháng 9/1945, đăng Tuyên cáo ngày 28/8/1945 về việc thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và danh sách Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đăng Tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam Bảo Đại thoái vị ngày 24/8/1945.

Có thể nói, một bức tranh sống động, chi tiết và chân thực về Ngày lễ Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được báo chí Việt Nam cách đây 78 năm ghi lại khá thành công.

Trang Hà

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/mot-quang-canh-vua-lon-lao-vua-rung-dong-post262394.html

Cùng chuyên mục

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng