Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2023) “Quần chúng lắng nghe lấy từng lời”

5:54 | 02/09/2023

Đó là cảm nhận của Archimedes L.A. Patti (1914-1998)- Thiếu tá đứng đầu OSS của Mỹ – khi là một trong số những người nước ngoài có mặt tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


“Vị khách quý đặc biệt”
Thiếu tá Archimedes L.A. Patti – người chỉ huy đơn vị OSS (Office of Strategic Services – Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ) có cho mình nhiều niềm vinh dự và cơ may lịch sử với đất nước hình chữ S mà có lẽ hiếm người nước ngoài nào có được. Ngày 19/8/1945 khi Hà Nội giành được chính quyền thì chiều ngày 22/8/1945 vị thiếu tá người Mỹ cùng phái bộ OSS tới Hà Nội trên chiếc máy bay quân sự của đồng minh với nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, trợ giúp và phối hợp với quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Quân đội Tưởng Giới Thạch) tổ chức giải giáp quân đội phát xít Nhật bại trận và giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh. Bên cạnh đó, Thiếu tá Patti còn nhận lời chuyển giúp một số thư, điện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Mỹ, đứng ra làm trung gian cho các cuộc tiếp xúc Việt – Pháp đầu tiên vào tháng 9/1945.

Thiếu tá Archimedes Patti.

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tân Trào cũng về tới Hà Nội. Nghe tin có phái đoàn Mỹ do một viên tướng dẫn đầu, trong đoàn lại có cả L.A. Patti, Bác Hồ vui lắm. Bác nói với mọi người xung quanh: “Đây là khách quý đặc biệt, hy vọng sẽ là một điều lành”. Thực ra đó không phải là lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thiếu tá Patti gặp gỡ.

Trước đó hơn 4 tháng, ngày 13/4/1945, Archimede Patti, khi đó còn mang hàm đại úy – Đội trưởng đội OSS được phái đến Côn Minh (Trung Quốc) với nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tại đây, tìm cách giải cứu và bảo vệ những quân nhân Mỹ trong cuộc chiến với quân Nhật cũng như tìm hiểu những hoạt động bí mật mà phát xít Nhật đang thực hiện ở Đông Dương. Với A.Patti, lần đầu tiên cái tên Hồ Chí Minh được nhắc đến trong một bức điện ngày 31/12/1942 của Đại sứ Mỹ (ở Trùng Khánh) thông báo việc bắt và giam Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, Quảng Tây.

Sau đó, Thiếu tá Patti đã có dịp gặp mặt và trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi làng nhỏ Chin Chou Chieh ở Tĩnh Tây, Quảng Tây (Trung Quốc) vào ngày 27/4/1945. Trong cuộc gặp đó, hai bên đã thảo luận và bàn về việc phối hợp hoạt động chống Nhật giữa Mặt trận Việt Minh và cơ quan OSS. Chính cuộc gặp này đã khiến vị thiếu tá có cảm nhận và ấn tượng sâu sắc về Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ông Patti vô cùng cảm phục trước trí tuệ uyên bác, phong cách ngoại giao giản dị mà đầy sức thuyết phục của Bác Hồ.

Trở lại Hà Nội những ngày cuối tháng 8/1945. Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc, đặc biệt là những công việc gấp rút cho lễ Độc lập, nhưng chỉ một ngày sau khi trở về Hà Nội, trưa ngày 26/8/1945, Người đã cho tổ chức trọng thị lễ đón phái bộ Mỹ của Thiếu tá Archimede Patti ở vườn hoa nhỏ trước khách sạn Metropole.

Sau buổi lễ, Thiếu tá A.Patti được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tới ngôi nhà “Người đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập” số 48 phố Hàng Ngang dự bữa cơm thân mật. Theo trí nhớ của A.Patti, cùng tiếp khách với Chủ tịch nước Việt Nam mới còn có các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… Tại bữa tiệc ngày hôm đó, Thiếu tá A.Patti và Hồ Chí Minh đã trò chuyện thân mật như những người bạn cũ.

Sau đó, chiều 1/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mời Thiếu tá A.Patti dự bữa cơm thân mật trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam tại Bắc Bộ phủ. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự hoan nghênh và coi trọng mọi sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đã nhận được từ Mỹ và Đồng minh. Người cũng đánh giá cao và cảm ơn sự giúp đỡ của OSS và mong tinh thần “hợp tác hữu ái” sẽ tiếp tục phát triển.

Hai lần được nghe Bản Tuyên ngôn độc lập
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội (từ 22/8- 30/9/1945), ông Patti đã nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và có cho mình cơ may hiếm có: hai lần được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập.

Lần thứ nhất là chiều 30/8/1945, Bác Hồ đã mời L.A. Patti đến căn phòng trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang, đọc cho nghe dự thảo Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác muốn chính người Mỹ được nghe bản tuyên ngôn trước khi nó chính thức được truyền đi trên toàn thế giới.

Theo lời kể của vị Thiếu tá, ông đã giật mình khi nghe câu mở đầu: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lúc đó, Patti tưởng như mình nghe nhầm vì giống tuyên ngôn của Mỹ. Sau hỏi lại thì được Bác khẳng định: “Đúng thế! Mục đích cao cả của cách mạng Việt Nam, của cách mạng Mỹ là vì hạnh phúc của con người. Chúng ta chiến đấu vì hạnh phúc của con người”.

Ngay tối hôm đó, Patti điện về Mỹ: “Ngày 2/9/1945 sắp tới, Việt Nam sẽ tổ chức lễ tuyên bố độc lập. Câu mở đầu của bản tuyên ngôn do Hồ Chí Minh đọc sẽ là câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ”.

Cuốn hồi ký mà Thiếu tá Archimedes Patti đã kể lại những kỷ niệm đáng nhớ với đất nước Việt Nam.

Cũng theo lời kể của L.A. Patti, “cũng trong ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tôi tới dự buổi lễ vào ngày 2/9 ở Place Ponier (Quảng trường Pugininer, nay là Quảng trường Ba Đình), ngay gần phủ toàn quyền”. Ngày 2/9/1945, cùng với nhóm công tác của mình, Patti đã có mặt tại quảng trường Ba Đình.

Sau này, trong hồi ký của mình, Thiếu tá Archimedes L.A. Patti đã miêu tả tỉ mỉ, sống động về thời khắc trọng đại đó: “Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như những bầy ong, từng đoàn lớn nhỏ, lần lượt đổ về khu vực xung quanh Quảng trường Ba Đình để tham dự sự kiện có tính lịch sử trên. Tôi đã quyết định từ chối lời mời của ông Hồ đến khu vực Lễ đài dành cho quan khách. Tôi muốn chứng kiến buổi lễ như một người quan sát bình thường, được hòa mình trong không khí sôi sục, phấn khởi của quần chúng để ghi lại những cảm nhận chân thực, sống động nhất…

…Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng và chăm chú theo dõi ai sẽ là người đầu tiên xuất hiện trên lễ đài. Mấy phút sau, nổi lên tiếng hô: “Bồng súng chào!”. Quần chúng bỗng im lặng. Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cavát và để đầu trần, trừ một người có dáng hình nhỏ nhắn, mặc áo kaki màu sẫm… Đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Sau đó, tiếng trong loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu ông Hồ “là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc”. Quần chúng được sự hướng dẫn của các đảng viên, cất tiếng hát và trong mấy phút liền hô vang “Độc lập”. Ông Hồ đứng yên mỉm cười và phía dưới là sự hoan hô của người. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc Bản Tuyên ngôn – nay trở thành Bản Tuyên ngôn nổi tiếng… Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người dân: “Đồng bào có nghe rõ tôi nói không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy!

Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe và theo dõi chăm chú từng lời nói, cử chỉ của ông Hồ. Chúng tôi không hiểu ông Hồ đã nói gì. Lê Xuân – nguyên là người liên lạc của chúng tôi phải cố gắng lắm để dịch những lời của ông Hồ cho chúng tôi nhưng cũng rất khó khăn. Nhưng cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng”.

“Đến khoảng hai giờ, ông Hồ kết thúc Bản Tuyên ngôn và tiếp sau đó là Võ Nguyên Giáp nói về vai trò của Việt Minh, nhấn mạnh vào công tác của Đảng trong lĩnh vực chính trị – quân sự, phát triển kinh tế xã hội, chương trình giáo dục và văn hoá…Sau bài diễn văn, các Bộ trưởng mới được chỉ định, từng người một được giới thiệu ra mắt nhân dân. Buổi lễ kết thúc bằng việc các Bộ trưởng tuyên bố nguyện trung thành và triệt để ủng hộ Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” – Thiếu tá Archimedes L.A. Patti nhớ lại.

Hà Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/quan-chung-lang-nghe-lay-tung-loi-post262405.html

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống