Khu Căn Cứ Cách Mạng Ô Tà Sóc Tỉnh An Giang: Giá Trị Thực Tiễn Trong Giáo Dục Truyền Thống Yêu Nước

10:05 | 22/06/2023

Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc huyện Tri Tôn tỉnh An Giang là một trong những di tích lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đây là nơi bám trụ, hoạt động và chiến đấu của Ban Chỉ huy Quân khu 9 và các đơn vị quân sự khác trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Khu căn cứ Ô Tà Sóc không chỉ là nơi chỉ huy và điều phối các hoạt động quân sự mà còn là nơi nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu và văn hóa cách mạng của các chiến sĩ và nhân dân. Khu căn cứ Ô Tà Sóc là biểu tượng của sự kiên cường, anh dũng và sáng tạo của quân và dân miền Tây Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây là một địa chỉ đỏ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc.

Từ khoá: căn cứ cách mạng, di tích lịch sử, giáo dục truyền thống, giá trị thực tiễn.

Căn cứ địa cách mạng Ô Tà Sóc là nơi chứng kiến nhiều trận đánh oanh liệt trong những năm 1960

Địa danh Ô Tà Sóc thuộc xã Lương Phi huyện Tri Tôn Tỉnh An Giang là một phần của dãy núi Dài, theo tiếng của đồng bào dân tộc Khmer có nghĩa là “suối ông Sóc”. Trong những năm chiến tranh, Ô Tà Sóc là khu vực rất thuận lợi để xây dựng căn cứ cách mạng bởi nơi đây có nhiều hang đá, khe suối nhỏ, những con đường mòn ngoằn ngoèo, được che phủ bởi rừng cây và các loại dây leo chằng chịt, tạo nên địa hình hiểm trở.

Căn cứ Ô Tà Sóc đi vào lịch sử minh chứng cho một thời hào hùng của cha anh không tiếc thân mình cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Nơi đây được xem như là một bảo chứng về cuộc chiến tranh khốc liệt và đầy gian khổ của người dân Tri Tôn, An Giang với nhiều câu chuyện bất khuất, anh hùng của quá khứ. Đây là căn cứ địa quan trọng làm nên thắng lợi của quân và dân An Giang nói riêng và Miền Tây Nam bộ nói riêng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ góp phần giành lại nền độc lập của dân tộc.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động hiện nay thế hệ trẻ Việt Nam luôn tự hào về lịch sử anh hùng của dân tộc, không ngừng học tập, rèn luyện và sáng tạo để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, hòa bình và phát triển. Họ luôn chủ động tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa và tình nguyện để lan tỏa tinh thần đoàn kết và nhân ái. Và chính họ cũng là những người kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Một trong dấu tích lịch sử hào hùng đó chính là Khu di tích lịch sử Ô Tà Sóc, một địa điểm lưu giữ những dấu ấn sâu sắc của ý chí yêu nước và nghị lực đấu tranh đó của bậc tiền nhân cần được thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa và phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Khái quát lịch sử hình thành khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc

Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là một trong những khu căn cứ lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ô Tà Sóc có diện tích khoảng 1.000 ha, bao gồm nhiều ngọn núi cao, rừng rậm và suối. Nơi đây có nhiều hang động và các công trình quân sự được xây dựng bí mật để làm nơi ẩn náu, họp bàn, huấn luyện và tiếp tế cho lực lượng cách mạng.

Khu căn cứ Ô Tà Sóc được hình thành từ năm 1945, khi các đồng chí cán bộ đảng và quân đội về đây lập nên các tổ chức đảng, quân sự và dân chủ ở các xã thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Khu căn cứ này đã trở thành nơi hội họp của các lực lượng cách mạng trong khu vực

Đồng bằng sông Cửu Long và là nơi ra đời của nhiều quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Ô Tà Sóc là căn cứ của Đoàn 125 thuộc Bộ đội Nam Kỳ, do đồng chí Nguyễn Văn Bé (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) chỉ huy. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ô Tà Sóc là căn cứ của Tiểu khu 9 thuộc Khu 8, do đồng chí Lê Quang Đạo (sau này là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang) chỉ huy. Cuối năm 1962 đến 1967, Tỉnh ủy An Giang chọn nơi đây làm căn cứ để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Một tuyến phòng thủ mạnh được xây dựng bằng hàng rào, bãi chông, các loại mìn. Cùng với lòng can đảm, cán bộ, chiến sĩ dựa lưng vào địa hình hiểm trở của núi rừng để bám trụ chiến đấu. Từ năm 1968 đến 1971, Ô Tà Sóc là căn cứ của phân ban Tỉnh ủy An Giang, do đồng chí Vũ Hồng Đức (Mười Đức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh An Giang) phụ trách. Song song đó, từ năm 1969, nơi đây còn là địa điểm dừng chân và hợp đồng chiến đấu của các Trung đoàn chủ lực từ miền Đông chi viện cho miền Tây Nam Bộ. Từ giai đoạn năm 1972 đến ngày 30-4-1975, Tỉnh ủy Châu Hà và Long Châu Hà cũng có thời gian chọn Ô Tà Sóc làm căn cứ kháng chiến.

Đặc biệt, khi nhắc đến khu căn cứ Ô Tà Sóc có một địa danh lưu lại ký ức bi hùng mang tên Ma Thiên Lãnh. Năm 1969, khi Tỉnh ủy An Giang đã rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực miền Nam trú đóng. Ngày 22-9-1970, máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang Ma Thiên Lãnh, 7 chiến sĩ bị kẹt trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị tìm cách mở miệng hang nhưng lực bất tòng tâm. Để giúp các chiến sĩ trong hang cầm cự chờ phương án cứu thoát, anh em đã tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa cháo và sữa vào. Mấy ngày sau, địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh một cách ác liệt, đơn vị đành rút lui về rừng U Minh. Vậy là cuộc đời của 7 chiến sĩ đã nằm lại trong hang. Hiện nay, trên ngọn đồi cao 80m này, có tấm bia kỷ niệm, bên dưới bia là bàn thờ 7 liệt sĩ.

Dựa vào Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy An Giang đã củng cố vững chắc vùng giải phóng, xây dựng lực lượng 3 thứ quân, lực lượng cách mạng trong vùng địch, chuẩn bị điều kiện cho thời cơ mới tiếp theo. Khi Tỉnh ủy và các cơ quan dời đi nơi khác, Ô Tà Sóc vẫn là căn cứ dự phòng của tỉnh và được các đơn vị như: Phân ban Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tiền phương cùng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực miền Nam tiếp tục bám trụ và chiến đấu oanh liệt, đương đầu với hơn 360 trận càn quét của Mỹ, ngụy nhưng vẫn giữ vững căn cứ cho thắng lợi sau cùng.

Ngày 28/12/2001, căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đến nay, khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc vẫn còn giữ nguyên trạng các hang đá mang tên: Quân y, Phụ nữ, Hậu cần, Tuyên huấn, Điện trời gầm, Bụng ông địa và Bia tưởng niệm đồi Ma thiên lãnh… đóng rải rác trong các hang động, trong các hang có đường mòn trên núi nối liền nhau, có bán kính khoảng 3 km. Hiện nay, ngoài việc bảo tồn và phục hồi các công trình quân sự, di tích còn được xây dựng thêm các công trình văn hóa như bảo tàng, nhà triển lãm, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ… để phục vụ cho việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các đoàn viên, thanh niên và du khách tham quan.

Giá trị thực tiễn của Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc tỉnh An Giang

Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là một Di tích lịch sử cách mạng quan trọng của tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung. Về thực tiễn, nơi đây đã chứng kiến những cuộc chiến đấu anh dũng và quyết liệt của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc được xây dựng trên một quần thể thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều hang động được tạo thành bởi những tảng đá chồng chất lên nhau, có dòng suối quanh năm nước chảy, xen kẻ là rừng cây xanh tươi. Đây là nơi Tỉnh ủy An Giang lựa chọn làm căn cứ đứng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh từ năm 1962 đến 1967. Đặc biệt, hang Điện Trời Gầm được sử dụng làm Văn phòng của Tỉnh ủy. Từ Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy chỉ đạo các lực lượng cách mạng trong toàn tỉnh đẩy mạnh 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) diệt ác, phá kềm, chống địch bình định, gom dân, phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược và đẩy mạnh hoạt động vũ trang chống các cuộc tấn công càn quét của địch.

Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc còn ghi dấu hàng loạt chiến công hiển hách như: Đánh địch ở Ô Cạn (1963), Ba Chúc (1963), Lương An Trà (1963), Bám trụ chiến đấu kiên cường và bắt sống 5 sĩ quan Mỹ trong cuộc tấn công ác liệt của địch vào Ô Tà Sóc (1971). Nơi đây không chỉ là minh chứng lịch sử ghi lại những dấu tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng mà còn là minh chứng cho tinh thần quật cường, kiên trung và yêu nước của nhân dân Việt Nam trong thực tiễn đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Di tích lịch sử cách mạng nơi đây không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị thực tiễn cho sự phát triển của xã hội hiện nay. Nơi đây là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ học tập và noi gương các anh hùng tiền bối đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của vùng đất An Giang. Nơi đây cũng là nơi gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Khmer, góp phần xây dựng sự gắn kết giữ. Đến thăm khu Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng miền Tây Nam Bộ mà còn được nghe kể lại những câu chuyện lịch sử hào hùng về những ngày tháng đỏ lửa của căn cứ này.

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc tỉnh An Giang

Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là một di tích lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, chứng kiến những cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta trước giặc ngoại xâm. Đây là một trong những bằng chứng sống về quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân Việt Nam. Phát huy giá trị di tích cách mạng có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần anh hùng, bất khuất và sáng tạo của nhân dân ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Đó cũng là cách tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, cần thực hiện những giải pháp sau:

Trước hết, bảo vệ và tu bổ các công trình, dấu tích lịch sử trong khu di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc

Cơ quan có chức năng cần xây dựng quy hoạch chi tiết và kế hoạch triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích. Có kế hoạch tổ chức các cuộc khảo sát, nghiên cứu và thống kê các công trình, dấu tích lịch sử còn tồn tại trong khu vực, đồng thời lập hồ sơ và biển báo cho từng đối tượng. Thực hiện các biện pháp bảo vệ và tu bổ các công trình, dấu tích lịch sử theo nguyên tắc tôn trọng tính nguyên vẹn, đặc trưng và bản sắc của di sản. Các hoạt động có thể bao gồm: kiểm tra, khắc phục các hư hỏng, xâm hại của thời tiết, môi trường và con người đối với di tích; bổ sung, nâng cấp các công trình phục vụ cho việc bảo quản và tham quan di tích; phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến di tích.

Theo đó, các biện pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tuân thủ các nguyên tắc như: giữ nguyên giá trị gốc của di tích; không xâm hại hoặc làm mất đi các yếu tố gốc của di tích; không

thay đổi hoặc làm biến dạng các yếu tố gốc của di tích; không sử dụng các vật liệu hoặc kỹ thuật không phù hợp với di tích; không xây dựng các công trình mới không liên quan đến di tích; không gây ô nhiễm hoặc ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh di tích.

Thứ hai, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về lịch sử và ý nghĩa của di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc cho thế hệ trẻ

Để phát huy giá trị di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về lịch sử và ý nghĩa của di tích cho thế hệ trẻ. Một số hoạt động có thể thực hiện như sau:

– Tổ chức các buổi tham quan, học tập tại chỗ cho các em học sinh, sinh viên và thanh niên về các dấu tích lịch sử như: con đường tầm vông, hang động, bia tưởng niệm, hồ Ô Tà Sóc… để các em có cơ hội trực tiếp chiêm ngưỡng và hiểu biết về những cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân ta.

– Tổ chức các cuộc thi, trò chơi, trắc nghiệm về lịch sử và ý nghĩa của di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc cho các em học sinh, sinh viên và thanh niên để khơi gợi sự quan tâm và ham học hỏi của các em.

– Tổ chức các buổi giao lưu, kể chuyện với những người đã từng hoạt động tại khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc hoặc những người có kiến thức sâu rộng về di tích này để các em học sinh, sinh viên và thanh niên có thể nghe những câu chuyện thực tế và gần gũi về những khó khăn, hy sinh và anh hùng của quân và dân ta.

– Tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát triển di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc như: dọn dẹp môi trường, trồng cây xanh, bảo dưỡng các công trình, phối hợp với cơ quan quản lý di tích để bảo vệ di tích khỏi bị xâm hại

Thứ ba, khai thác tiềm năng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái liên quan đến di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc

Để khai thác tiềm năng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái liên quan đến khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc, cần quan tâm một số vấn đề cụ thể sau đây: – Bảo tồn và tôn tạo các dấu tích lịch sử của khu căn cứ, như các hang động, bia tưởng niệm, các vật dụng chiến tranh… để du khách có thể hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của khu căn cứ, cũng như những chiến công hào hùng của người dân và lực lượng vũ trang nơi đây.

– Phối hợp với các cơ quan chức năng và các nhà khoa học để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch giáo dục, trải nghiệm, khám phá liên quan đến khu căn cứ. Ví dụ: tổ chức các chương trình tham quan, học tập, sinh hoạt theo phong cách chiến sĩ; tổ chức các cuộc thi, trò chơi, hoạt động văn nghệ mang tính giáo dục về lịch sử và truyền thống cách mạng; tổ chức các tour du lịch kết hợp với các điểm du lịch khác trong khu vực như Hồ Ô Tà Sóc, Đồi Ma Thiên Lãnh…

– Tận dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu căn cứ, như rừng cây xanh mát, suối trong veo, đá vôi kỳ thú… để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thư giãn. Ví dụ: xây dựng các khu lều trại, nhà sàn, nhà gỗ… để du khách có thể ở lại và tận hưởng không khí trong lành; xây dựng các khu vui chơi giải trí như bơi lội, câu cá, leo núi… để du khách có thể hoạt động thể chất và gần gũi với thiên nhiên; xây dựng các khu ẩm thực đặc sản của địa phương như cá linh, cá sặc… để du khách có thể thưởng thức hương vị của miền.

Thứ tư, thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi với các tỉnh thành khác trong nước và các nước láng giềng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những mô hình quản lý, bảo tồn và phát huy di tích hiệu quả.

Để thực hiện được điều này, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hóa và cộng đồng địa phương và sự hỗ trợ về chính sách, tài chính và công nghệ, cụ thể như:

– Xây dựng một mạng lưới liên kết giữa các khu di tích lịch sử trên cả nước, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và tài nguyên trong việc quản lý, bảo tồn và khai thác khu di tích.

– Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch và giáo dục giữa các tỉnh thành có khu di tích lịch sử, nhằm tăng cường sự hiểu biết, gắn kết và hợp tác giữa các địa phương.

– Tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa, nhằm học hỏi và áp dụng các tiêu chuẩn, phương pháp và công nghệ tiên tiến trong việc bảo vệ và phục hồi khu di tích lịch sử.

– Tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và ý nghĩa của việc bảo tồn khu di tích lịch sử, nhằm khơi dậy lòng yêu quý và trách nhiệm của mọi người đối với di sản văn hóa của dân tộc.

Thứ năm, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát triển di tích

Một trong những giải pháp khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát triển di tích lịch sử Ô Tà Sóc là tăng cường đầu tư nguồn lực cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và truyền thông về giá trị văn hóa của di tích. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến di tích. Ngoài ra, cần khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ, tu bổ và khai thác hợp lý di tích, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người đối với di sản văn hóa.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, Ô Tà Sóc ngày nay đã nhiều thay đổi nhưng dấu tích một thời máu lửa vẫn còn tồn tại là Điện Trời Gầm, Hang Quân Y, những chốt tiền tiêu. Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là nơi đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh gian khổ và quyết liệt của lực lượng cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Di tích lịch sử Ô Tà Sóc là một trường học sống về truyền thống cách mạng của dân tộc. Nơi đây ghi dấu lòng can đảm, tinh thần kiên cường, sáng tạo và hy sinh vì tổ quốc của những người đi trước. Nơi đây khơi gợi niềm tự hào, trách nhiệm và yêu nước của những người đi sau. Nơi đây là minh chứng cho sức mạnh của ý chí, của tập thể và của nhân dân trong cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Qua hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng tại Ô Tà Sóc sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay tiếp xúc với những di tích lịch sử, nghe những câu chuyện về cuộc sống và chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Hoạt động này giúp họ có thêm kiến thức về truyền thống lịch sử văn hoá của dân tộc, là nền tảng văn hoá tinh thần vô giá của dân tộc ta, góp phần giữ lửa cho tinh thần yêu nước Việt Nam trong mọi giai đoạn cách mạng./.

 

 

 

Tác giả: Bích Diễm – GV Trường Chính trị Cần Thơ

 

Video hay

Cùng chuyên mục

NHỮNG GIAI ĐIỆU HÀO HÙNG

NHỮNG GIAI ĐIỆU HÀO HÙNG

Bộ đội Biên phòng: Xây dựng “thế trận lòng dân”

Bộ đội Biên phòng: Xây dựng “thế trận lòng dân”

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Lễ hội bóng đá giao hữu trận siêu kinh điển tại Đà Nẵng

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình