Khám phá kiến trúc cây cầu Khum có hình thuyền nan úp ngược tại Hà Nội

9:15 | 10/02/2023

Cầu Khum thuộc làng Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) được thiết kế vô cùng đặc biệt, có hình thuyền nan úp ngược gây sự tò mò, chú ý tới người dân, du khách trong và ngoài nước mỗi dịp ghé qua nơi đây.


Cầu Khum nằm ở phía đông của làng Yên – xã Thạch Xá, tiếp giáp với trục đường giao thông liên xã Thạch Xá – Hữu Bằng, cầu Khum đối diện với đền Đỗng Hoa. Đây là cây cầu làm kiểu Thượng Gia Hạ Kiều tức là trên là nhà, dưới là cầu. Cầu Khum bắc qua ngòi nước chảy từ Hương Ngải, Canh Nậu, đồng Bùi ra sông Tích.

Theo chia sẻ của người dân nơi đây, thì hầu hết không ai biết rõ cây cầu Khum này có tuổi thọ là bao nhiêu và ngay cả các bậc cao niên trong làng khi sinh ra đã thấy cây cầu này. Theo quan sát, cầu Khum được thiết kế theo kiểu Thượng gia hạ kiều – tức trên nhà dưới cầu là kiểu kiến trúc cổ đặc trưng của người Việt xưa.

Cụ thể, phần Thượng gia dài trên 12m, chia làm 5 gian, 2 dĩ, gian giữa dài 3,5m, các gian biên dài 2m. Chiều ngang các vì kèo không bằng nhau, gian giữa rộng khoảng 5,5m, các gian biên thu hẹp dần ra 2 đầu nhà. Hai đầu chỉ rộng khoảng 4m. Gian giữa cao, thấp dần ra 2 đầu hồi.

Nhìn từ xa, cầu giống như một chiếc thuyền nan úp nên được gọi là cầu Khum. Nhà Thượng Gia được làm bằng gỗ tứ thiết, có 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân. Các vì liên kết bằng kèo suốt, có câu nối 2 ngọn kèo, xà nách nối cột cái với cột con. Hai bên sườn gian giữa bịt kín làm ban thờ Quan Thần Linh, hai gian biên để trống làm sạp gỗ. Dưới Thượng Gia là Hạ Kiều có 3 cống được cuốn bằng đá ong, đẽo múi cam, rất chắc khỏe. Cống giữa rộng gần 3m thuyền nhỏ có thể qua được.

Hai đầu hồi Thượng Gia xây bít đốc, có 4 cột trụ, giữa cuốn cửa tò vò. Phía trên có ô lõm, gờ chỉ, đắp vẽ hoa lá, triện rút, đầu trụ lồng đèn, tạo tác rất tinh xảo. Ô lõm và mặt trụ có các chữ đại tự và khắc chìm câu đối cổ. Phía trên bàn thờ Quan Thần Linh có bức hoành và câu đối khắc gỗ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Tý – người trông nom di tích cầu Khum (Đình, Đền làng Yên) cho biết: “Cầu Khum còn là một trong những cây cầu hiếm hoi của Thủ đô xây dựng theo kiểu kiến trúc đặc biệt còn được gìn giữ đến ngày nay. Theo xổ sách ghi chép thì cầu Khum được sửa chữa năm Ất Hợi 1935, trong đó phần Hạ Kiều được làm lại hoàn toàn. Năm 1948, giặc Pháp càn quét qua, chúng đốt cầu, dân làng đến dập lửa cứu chữa, các vết cháy xám đen còn lại đến nay. Ở khu vực Tam thôn xưa có 2 cây cầu kiểu Thượng Gia Hạ Kiều. Ở phía tây là cầu Bạch Đa, cầu bắc qua chỗ hẹp nhất của đầm Chàng – trên đường đi ra đường cái quan. Ở phía đông Tam thôn là cây cầu Mới – cầu Khum thuộc làng Yên”.

“Trước kia con đường độc đạo đi vào làng Yên phải đi qua cầu Khum và cây cầu này đóng vai trò là cổng làng. Bởi, mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt, giao thương của người dân làng Yên đều phải đi qua cầu này.

Đặc biệt, ngày xưa cả vùng xứ Đoài có 5 cây cầu kiểu Thượng Gia Hạ Kiều. Đó là cây cầu ở Đường Lâm bắc qua một nhánh của sông Tích, hai cầu ở chùa Thầy do Cụ Trạng Bùng xây dựng từ thế kỷ 17 và 2 cầu ở Tam thôn. Ngày nay chỉ còn lại 3 cây cầu kiểu này là cầu Mới – cầu Khum ở làng Yên và Nhật Tiên Kiều, Nguyệt Tiên Kiều ở chùa Thầy”, ông Phạm Văn Tý cho biết thêm.

Ngoài ra, cây cầu còn là nơi dừng chân nghỉ mát của người dân làng Yên trước khi trở về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình, hay là địa điểm lý tưởng để bọn trẻ con trong làng vui đùa, nơi để đám thanh niên mang nan tre ra đan quạt (nghề truyền thống của làng Yên).

Toàn bộ không gian bên trong cây cầu Khum với thiết kế đặc biệt hình thuyền nan úp ngược. Theo quan sát không gian bên trong gồm 2 gian thờ hai bên, 2 giường ngủ dành cho người trông nom cầu.

Gian thờ bên trong di tích cầu Khum tại làng Yên.

Khu vực giường ngủ dành cho các thành viên trong Ban quản lý.

Toàn bộ phần tường xây bằng đá ong cổ kính, còn lại hệ thống kèo, xà nhà được làm bằng gỗ khá chắc chắn, trên mái lợp loại ngói vảy cá đặc trưng của vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Không gian bên trong cầu có 2 hàng cột cái, 2 hàng cột quân với tất cả 24 cột gỗ chống đỡ cho phần thượng thêm vững chắc. Gian giữa của nhà được thiết kế cao, thấp thoải dần ra hai đầu hồi tạo nên điểm khác biệt so với những cây cầu khác tại Việt Nam.

Phần mái bên trong cầu Khum được các kiến trúc sư thời xưa thiết kế vô cùng tinh xảo, chắc chắn.

Hàng năm, cứ hễ vào ngày 20/2 và 20/8 Âm lịch là dân làng Yên lại tổ chức lễ rước, dâng hương long trọng từ cầu vào làng, vừa để bày tỏ lòng thành kính với các vị thần linh, vừa để cầu chúc cho quốc thái dân an, dân làng làm ăn thuận chèo mát mái…

Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, người dân trong làng cũng như du khách thập phương đều về đây hương khói, cầu may cho người thân và gia đình.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Báo Công luận

https://www.congluan.vn/kham-pha-kien-truc-cay-cau-khum-co-hinh-thuyen-nan-up-nguoc-tai-ha-noi-post234490.html#p-0

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024