Huyện Đô Lương và Quế Phong (Nghệ An) long trọng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập

18:07 | 16/04/2023

Tối 15/4, huyện Quế Phong và huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện và đón nhận danh hiệu cao quý.


Ngày 19/4/1963, Chính phủ đã ra Quyết định số 52-CP về việc chia lại địa giới các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Quỳ Châu thành 7 huyện, trong đó huyện Quỳ Châu được chia thành 3 huyện mới, gồm: Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong. Khi mới thành lập, huyện Quế Phong chỉ có 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Châu Hùng, Châu Long, Châu Thôn, Châu Kim, Cắm Muộn và Thông Thụ. Những ngày đầu mới thành lập, huyện chưa có các cơ sở hạ tầng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị; đồng bào các dân tộc đang vô cùng khó khăn trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, tình trạng mù chữ…

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý gắn Huân chương Lao động hạng Nhì lên Lá cờ Truyền thống huyện Quế Phong

Nhận thức sâu sắc những thuận lợi và khó khăn thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong đã đoàn kết một lòng vượt qua thời khắc khó khăn, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để cùng “thắt lưng buộc bụng”, chung sức xây dựng cơ ngơi mới, giữ vững ổn định chính trị, an ninh nội địa và biên giới. Đặc biệt, ngày 12/4/1966, Bác Hồ gửi thư khen ngợi Nhân dân, cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong đã hoàn thành trước thời hạn 01 năm kế hoạch 05 năm của Chính phủ về công tác bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ cho toàn dân.

Sau gần 40 năm đổi mới, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài huyện, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quế Phong đã đoàn kết, kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và giành được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trao Huân chương lao động hạng Nhì và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quế Phong

Kinh tế luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá, bình quân đạt trên 8,5%/năm. Sản xuất nông nghiệp đã bước đầu có những hướng đi mới, phát huy thế mạnh của địa phương như: Trồng rừng nguyên liệu, phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi cá lòng hồ. Các Chương trình mục tiêu quốc gia nổi bật là Chương trình xây dựng Nông thôn mới gắn với các mô hình “Dân vận khéo” được nhân dân hưởng ứng tích cực. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội như “điện, đường, trường, trạm…” được đầu tư, triển khai kịp thời, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng làm cho bộ mặt huyện nhà ngày càng “thay da đổi thịt”. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt chuẩn được duy trì là 13,25 tiêu chí/xã, đến cuối năm 2022, toàn huyện có thêm 06 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Quế Phong luôn cố gắng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 40,68%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 28,29%. Quốc phòng – an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh biên giới được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại Chính quyền, đối ngoại Nhân dân với các địa phương có chung đường biên giới của nước bạn Lào được duy trì và đi vào chiều sâu, góp phần tích cực trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam – Lào. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được quan tâm, củng cố; niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc. Với những thành tích đạt được, huyện Quế Phong đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Trong quá trình đổi mới và phát triển, các thế hệ người dân Quế Phong luôn có ý thức “gạn đục, khơi trong”; gìn giữ, phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa – lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc. Nỗ lực ấy đã được ghi nhận kịp thời, khi đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện, ngôi đền Chín Gian linh thiêng – niềm tự hào của đồng bào Thái vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia di tích Đền Chín gian

Tại huyện Đô Lương, thừa ủy quyền, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ và trao cờ của Tỉnh ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho Đảng bộ và nhân dân huyện Đô Lương.

Cách đây 60 năm, ngày 19/4/1963, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra Quyết định số 52 Quyết định việc chia tách huyện Anh Sơn cũ thành huyện Đô Lương và huyện Anh Sơn ngày nay. Trải qua 60 năm đoàn kết chiến đấu, xây dựng, phát triển và hội nhập đã hun đúc, kết tinh thành những truyền thống vô cùng quý báu, vẻ vang và rất đáng tự hào. Tổng kết toàn bộ các cuộc chiến tranh, Đô Lương có 3.649 liệt sỹ, 3.409 thương bệnh binh, 5.565 người được hưởng chính sách người có công; 262 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 8 Anh hùng lực lượng vũ trang, 18 xã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, XXI, Đảng bộ và nhân dân huyện Đô Lương đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 2 mục tiêu song song trở thành đô thị loại IV và huyện nông thôn mới để làm tiền đề cho huyện trở thành Thị xã trước năm 2030 theo hướng thương mại – dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, với quy mô nền kinh tế đứng trong tốp 7 của tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa huyện, trong đó không tính tiền sử dụng đất năm 2022 đạt 226 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng kinh tế ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ năm 2022 chiếm trên 85%; tỷ trọng ngành nông nghiệp năm 2022 giảm xuống còn dưới 15% . Giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2022 đạt 66,65 triệu đồng. Đến năm 2022 có 32/32 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Với những kết quả và thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Đô Lương đã được Đảng,Nhà nước tặng thưởng các Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, XXI, Đảng bộ và nhân dân huyện Đô Lương đã và đang đoàn kết, đồng lòng phát huy bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo, trí tuệ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 2 mục tiêu song song: trở thành đô thị loại IV và huyện nông thôn mới để làm tiền đề cho huyện trở thành thị xã trước năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong hơn 35 năm đổi mới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhiều dự án lớn được khởi công và đưa vào sử dụng; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường.

Thừa ủy quyền, lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ và trao cờ của Tỉnh ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đến Đảng bộ và Nhân dân huyện Đô Lương.

Trần Phong

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/huyen-do-luong-va-que-phong-nghe-an-long-trong-ky-niem-60-nam-ngay-thanh-lap-post243917.html

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào