HTX Nông nghiệp Yên Bài: Đổi mới, phát triển toàn diện, đa dạng hoạt động HTX ở nông thôn

10:32 | 08/03/2022

Những năm gần đây, hoạt động hiệu quả của HTX nông nghiệp Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội), đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.


Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất

Tiền thân của HTX nông nghiệp Yên Bài là HTX Nông nghiệp Yên Bài thành lập năm 1998 hoạt động theo luật HTX cũ, tồn tại nhiều hạn chế, chưa thúc đẩy được hoạt động sản xuất cũng như hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Đến năm 2019 HTX nông nghiệp Yên Bài được thành lập hoạt động dựa theo Luật HTX mới năm 2012. Với nhiều ưu điểm vượt trội, kích thích các cổ đông đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đánh dấu bước ngoặt chuyển mình hoàn toàn HTX nông nghiệp Yên Bài.

Theo đó, HTX nông nghiệp Yên Bài có tổng diện tích nông nghiệp là 2.607ha, trong đó có hơn 218ha diện tích cây bưởi xen canh với cây chè cho năng suất bưởi đạt khoảng 32.000 quả/ha/vụ. Theo ông Nguyễn Văn Bảy – Chủ tịch HTX nông nghiệp Yên Bài cho biết: “Trong khi giá bưởi của người dân trồng bình thường chỉ dao động từ 8.000đ – 15.000đ/quả, thì với những cổ đông của HTX trồng chuẩn theo mô hình VietGAP và OCOP, giá trung bình đạt từ 20.000đ – 25.000đ/quả, với loại bưởi chọn đặc biệt có khi lên tới 25.000đ – 30.000đ/quả.

Thêm diện tích 408ha trồng chè khi đạt chuẩn OCOP nâng giá trị chè từ 80.000đ – 120.000đ/kg lên 250.000đ – 300.000đ/kg, loại chè đinh (1 tôm, 1 tép) có giá lên tới hơn 2 triệu đồng/kg. Sản lượng hàng năm từ 15 – 18 tấn/năm, đến nay sản phẩm của HTX luôn có mối bao tiêu sản phẩm cung ứng ra thị trường.

Ngoài ra, HTX còn có 1.634ha đất trồng cây lâu năm, 224ha diện tích cây màu chủ yếu là lạc, ngô và cỏ voi và hơn 408 ha đất cấy lúa hai vụ…. đều đưa những giống cây mới có chất lượng, năng suất và giá thành cao vào canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Không những thế, HTX nông nghiệp Yên Bài từ năm 2019 đến năm 2020 đã mở rộng lên 100 thành viên góp vốn, 450 thành viên tham gia vào chuỗi hoạt động kinh doanh, sản xuất nông nghiệp của HTX. Mở rộng hơn 29 mã ngành sản xuất kinh doanh, đặc biệt chuẩn bị triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho thành viên HTX và bà con nhân dân trong xã.

Nhận thấy nhiều bất cập trong việc sản xuất nông nghiệp ở Yên Bài như: Quy mô nhỏ lẻ, các vật tư đầu vào do tư nhân cung ứng là chính, trong quá trình phân phối vẫn còn nhiều sản phẩm có chất lượng kém, như phân bón, giống, thuốc BVTV, trong khi giá thành lại cao…. Ông Bảy – CT HTX xác định, phải định hướng cho các thành viên phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững, từng bước đáp ứng các nhu cầu của người dân về vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cao, giá cả phải chăng, sản phẩm sản xuất ra được HTX tiêu thụ.

Trước mắt, HTX sẽ tích cực huy động nguồn vốn nội lực từ các thành viên để đầu tư mở rộng kinh doanh, sản xuất, trong trường hợp huy động nội lực không đủ, HTX sẽ huy động các nguồn lực hợp pháp khác. Tuy nhiên, để có được nguồn vốn đầu tư dài hạn, có chiến lược thì HTX nông nghiệp Yên Bài rất cần sự hỗ  trợ của Nhà nước.

“Trong thời gian tới HTX nông nghiệp Yên Bài đề nghị Liên minh HTX thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của HTX trong quá trình xây dựng các mô hình phát triển KTTT-HTX, các chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất và thực hiện các hoạt động của HTX theo Luật năm 2012. Đề nghị UBND huyện Ba Vì, Phòng kinh tế huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cây, con giống có năng suất cao đưa vào sản xuất, quan tâm tu sửa các kênh mương, vai đập thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu. Đề nghị Phòng kinh tế huyện xem xét, hướng dẫn và có ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung, kết hợp với du lịch thăm quan trải nghiệm…” – ông Bảy bày tỏ.

Nâng cao giá trị nông sản

Tại HTX nông nghiệp Yên Bài, các hộ tham gia liên kết sản xuất HTX được tham gia những buổi tập huấn, nâng cao hiểu biết về canh tác, cây giống mới chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo mô hình chuẩn VietGAP va OCOP. Đặc biệt, HTX tích cực tham gia các hội chợ thương mại, kênh quảng bá nông sản… thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm với giá trị cao hơn giá thị trường trong cùng thời điểm. Tuy giá cả mỗi năm đều có sự biến động, nhưng khi liên kết với HTX, người dân luôn được đảm bảo về thu nhập.

Nổi bật trong những hội viên của HTX, có hộ gia đình anh Nguyễn Công Thanh và chị Nguyễn Thị Thiết (Thôn Phú Yên, Yên Bài) có hơn 7.000m2 đất trồng chè. Gắn bó với nghề trồng chè từ những năm 1989, gia đình anh từ những ngày xao chè bằng chảo, vò chè bằng tay đến nay khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chi phí sản xuất đã giảm một phần đáng kể, số lượng sản phẩm cũng tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Là một người tâm huyết với cây chè và sản phẩm từ chè, chị Thiết luôn muốn mang tới tận tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng và uy tín.

Hiện nay, gia đình anh Thanh đang trồng chè sạch theo chuẩn VietGAP và OCOP. Ngay sau khi tham gia HTX nông nghiệp và đăng ký sản phẩm chè sạch Yên Bài anh chị đã được đưa đi tập huấn ở huyện Ba Vì và Thành phố Hà Nội. Chị Thiết chia sẻ: “Quy trình chăm sóc của OCOP rất khắt khe, từ nước phải là nước sạch, phân bón hữu cơ đã ải mục. Việc cắt tỉa cành, hái chè cũng được thực hiện theo đúng quy trình và được ghi lại bằng sổ sách rõ ràng để cán bộ HTX kiểm tra thường xuyên. Nếu hộ nào vi phạm điều lệ sẽ đưa ra khỏi HTX”.

Mỗi ngày gia đình anh Thanh thuê từ 3 – 4 công nhân thu hái chè, thời điểm chè ngon nhất khi mặt trời chưa ló rạng, ngọn chè vẫn còn thấm đẫm những giọt tinh sương, mang về xao chè sẽ thơm ngậy hơn. Mỗi lượt thu hoạch cây chè mang tới cho gia đình anh thu nhập khoảng 21 triệu đồng sau khi trừ chi phí, thu lại khoảng 12 triệu đồng tiền lãi.

Vườn chè được áp dụng khoa học, kỹ thuật chuẩn VietGAP và OCOP của gia đình chị Nguyễn Thị Thiết và anh Nguyễn Công Thanh ở thôn Phú Yên, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội).

“Kể từ khi tham gia HTX, giá trị thương hiệu chè Phú Yên được lan tỏa khắp các mọi miền không chỉ ở Việt Nam mà bạn bè quốc tế cũng biết tới, đó là một niềm tự hào cho những người sản xuất chúng tôi khi mà mang được sản phẩm ngon, sạch, chất lượng tới tận tay người tiêu dùng”.

Theo ông Bảy, trước đó, năm 2005 làng nghề chè Phú Yên đã được thành phố Hà Nội công nhận là “Làng nghề chè truyền thống Phú Yên. Năm 2020, thành phố đã hộ trợ 500 triệu đồng để HTX xây dựng thương hiệu chè tập thể Phú Yên.

“Hiện mô hình chè tập thể Phú Yên đã được HTX xây dựng thành công và dang chờ Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận. Nhưng dù được công nhận, thì việc gìn giữ và phát triển được hay không phục thuộc phần lớn vào ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên trong HTX và người dân ở Phú Yên. Chúng tôi hi vọng một ngày không xa, chè Phú Yên – Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) sẽ được nhiều người biết đến như biết đến chè Tân Cương (Thái Nguyên), Suối Giàng (Yên Bái)… vậy!”- ông Bảy bày tỏ.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự thành công của mô hình trồng bưởi của hộ gia đình anh Bùi Văn Lập tại thôn Phú Yên (Yên Bài, Ba Vì). Gia đình anh hiện có tổng 7.200m2 đất với hơn 300 gốc  cây bưởi trồng từ 10 năm tới 20 năm. Những ngày cuối năm, gia đình anh Lập tất bật thu hái rồi vận chuyển bưởi đi khắp nơi theo đơn đặt hàng.

Mô hình thí điểm “Thêm canh bưởi theo quy trình VietGAP” của gia đình anh Bùi Văn Lập, thôn Phú Yên, xã Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội) được triển khai trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra gia đình anh Lập còn thực hiện “Mô hình ứng dụng chế phẩm BiO – SAP cho cây bưởi”

Anh Lập chia sẻ: “Hiện tại thì tất cả số bưởi của gia đình đã được đặt mua hết với giá từ 20.000đ – 30.000đ/quả. Trong vườn thì đến 90% số lượng quả đạt chất lượng loại 1. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm sau khi trừ hết các chi phí”.

Sản phẩm bưởi của hộ gia đình anh Lập luôn được đặt hàng kể từ khi cây mới đơn hoa, vậy nên việc giữ gìn uy tín về chất lượng sản phẩm đối với anh Lập luôn là vấn đề tiên quyết.

Theo anh Lập, anh bắt đầu tham gia vào HTX nông nghiệp Yên Bài từ năm 2018, với mong muốn cùng các thành viên đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng cách xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

“Tôi tin rằng, nếu làm nông nghiệp đúng cách, chúng ta vẫn có thể làm giàu. Trước tiên, chúng ta phải đổi mới tư duy cách làm. Cứ tìm tòi, học hỏi cách làm sao để trồng được cây bưởi sai, quả to, tròn đều, múi ăn ngon ngọt… không sử dụng thuốc hóa học, sạch, an toàn ắt giá trị sẽ được nâng lên” – anh Lập bày tỏ.

Việt Trinh

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học